Các lãnh đạo châu Á “giải mã” Trump
- Thứ Hai, 14 tháng Mười Một năm 2016 18:02
- Tác Giả: RFI
Hai lá cờ Nhật và Mỹ trước một màn hình TV ở Tokyo ngày 08/11/2016.
REUTERS/Toru Hanai
Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ dẹp bỏ hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và đã tỏ ý muốn sửa đổi các liên minh giữa Mỹ với các nước trong khu vực.
Thế nhưng, hãy còn quá sớm để kết luận rằng chính sách “xoay trục” của tổng thống Barack Obama đã chết.
Đó là nhận định của hãng tin Bloomberg trong một bài viết đăng hôm nay, 14/11/2016, mà chúng tôi xin lược dịch.
Đối với các lãnh đạo châu Á, câu hỏi lớn được đặt ra từ chiến thắng của Trump là không biết Hoa Kỳ sẽ còn đặt trọng tâm kinh tế và chính trị vào châu Á hay không, do nhà tỷ phú đã tuyên bố sẽ thi hành một chính sách ngoại giao ít can thiệp ra bên ngoài hơn.
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích hiện đang đọc kỹ những lời bình luận của ông Trump cũng như của các cố vấn của ông để cố tách bạch chủ trương “nước Mỹ trước hết”, mà ông đưa ra trong lúc tranh cử, với thực tế của việc điều hành đất nước, ngay cả với đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội.
Dựa theo tên tuổi những người sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt, như ông Randy Forbes, bộ trưởng Hải quân tương lai, và dựa trên những tuyên bố của những người thân cận với ông Trump, giáo sư Sam Crane, thuộc trường William College, Massachusetts, cho rằng ông Trump sẽ thi hành chính sách như, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tổng thống mãn nhiệm Obama.
Trong một bài viết đăng vào tuần trước, hai cố vấn tranh cử của ông Trump là Alexander Gray và Peter Navarro đã cho rằng chính sách của ông Obama là “giơ cao đánh khẽ”.
Họ xem việc triển khai chiến hạm đến Singapore và thủy quân lục chiến đến Úc chỉ là những hành động “làm cho có”.
Họ viết rằng với ông Trump làm tổng thống, hải quân Mỹ sẽ được tăng cường để trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn đóng vai trò là người bảo đảm cho trật tự tự do ở châu Á.
Bản thân ông Trump cũng đã nhanh chóng nói chuyện với lãnh đạo các nước Nhật, Hàn Quốc và Úc về cam kết của ông liên quan đến các quan hệ an ninh.
Tuy vậy, do là một nhân vật khó lường trước, hiện giờ không thể biết được là ông Trump sẽ làm gì một khi lên nắm quyền.
Theo lời cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, hiện chưa thể đánh giá hết mức độ can dự của ông Trump vào châu Á.
Trả lời phỏng vấn vào tuần trước, bộ trưởng điều phối các vấn đề biển của Indonesia Luhut Panjaitan cũng cho rằng hãy còn quá sớm để xét đoán ông Trump, nhưng ông tin là Hoa Kỳ “sẽ nhìn thấy các lợi ích quốc gia của họ”.
Với khẩu hiệu tranh cử là “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, ông Trump khó mà rút nước Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương.
Sáu trong số 15 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ là nằm ở khu vực này.
Đại sứ lưu động của Singapore Bilahari Kausikan, dự báo rằng các nước châu Á sẽ khai thác cuộc tranh đua giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc để hưởng lợi trong khi vẫn duy trì quan hệ với cả hai bên.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã chỉ trích Nhật Bản và Hàn Quốc không đóng góp đúng mức cho căn cứ quân sự của Mỹ, gây quan ngại là ông sẽ rút quân Mỹ ra khỏi hai nước này.
Thế mà, trong cuộc điện đàm sau bầu cử, ông Trump đã nói với tổng thống Park Geun-hye rằng ông đồng ý “100%” về sự cần thiết phải ngăn chận Bắc Triều Tiên.
Tuy vậy, vẫn có nguy cơ là ông Trump gây tổn hại đến các liên minh ở Bắc Á, theo nhận định của Yukio Okamoto, nguyên là một nhà ngoại giao từng cố vấn cho hai lãnh đạo Nhật.
Về Biển Đông, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc xây một pháo đài ở khu vực này.
Tháng 3 vừa qua, ông đã tuyên bố rằng : “Họ làm điều đó tùy thích vì họ không tôn trọng tổng thống của chúng ta và họ không tôn trọng đất nước chúng ta.”
Nhưng bối cảnh chính trị nội bộ của nước Mỹ hiện nay khiến người nghi ngờ rằng ông Trump không sẳn sàng can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột ở nơi xa xôi như Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Có một lời hứa mà chắc là ông Trump sẽ thực hiện đó là sẽ “khai tử” hiệp định TPP, một hiệp định mà ông cho là sẽ gây tổn hại cho kinh tế Mỹ.
Nhưng thủ tướng New Zealand John Key khi trả lời đài phát thanh New Zealand đã cho rằng ông Trump sẽ nhận được cùng ý kiến cố vấn từ bộ Ngoại giao, từ Lầu năm góc và từ bộ Tài chính giống như tổng thống Obama.
Lời khuyên đó là Mỹ cần duy trì ảnh hưởng và sự hiện diện ở châu Á và tự do mậu dịch là một cách để đạt được điều đó.
Tin mới
- Bí ẩn kỳ thú về sự « lu mờ » của Trung Quốc - Phần II - 15/11/2016 22:39
- Hồng Kông : Hai chính trị gia trẻ đòi độc lập bị truất quyền nghị sĩ - 15/11/2016 22:22
- Nga : Bắt và truy tố bộ trưởng Kinh Tế vì nhận hối lộ - 15/11/2016 22:05
- Điện đàm Trump-Putin để « bình thường hóa » quan hệ Mỹ-Nga - 15/11/2016 21:36
- New York: Tranh cãi bầu cử, vác dao chém cả nhà - 15/11/2016 20:29
- NATO trả giá cho quan hệ Donald Trump-Vladimir Putin ? - 15/11/2016 16:03
- Châu Âu bổ sung danh sách quan chức Syria bị trừng phạt - 15/11/2016 15:30
- Obama : Donald Trump là tổng thống « thực dụng » - 15/11/2016 15:15
- Liên Hiệp Châu Âu lo xa quan hệ với Mỹ dưới thời Trump - 14/11/2016 21:59
- Hàn Quốc ký thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật - 14/11/2016 18:07
Các tin khác
- Hàn Quốc: Thẩm vấn 2 cựu cố vấn của tổng thống - 14/11/2016 17:53
- Julian Assange bị thẩm vấn tại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn - 14/11/2016 17:23
- Tập Cận Bình : “Hợp tác, con đường duy nhất trong quan hệ Mỹ- Trung” - 14/11/2016 14:17
- Venezuela : Chính phủ và đối lập đạt được thỏa thuận tối thiểu - 14/11/2016 01:17
- Donald Trump làm tổng thống Mỹ, Châu Âu họp tìm đối sách - 14/11/2016 00:58
- Hoa Kỳ : Hillary Clinton và Đảng Dân Chủ tự kiểm - 14/11/2016 00:41
- Mỹ: Donald Trump có thể phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan - 13/11/2016 23:55
- Bí ẩn kỳ thú về sự « lu mờ » của Trung Quốc - Phần I - 13/11/2016 23:45
- Hàn Quốc: Công tố Seoul thẩm vấn tổng thống vào tuần tới - 13/11/2016 22:50
- Abe sẽ nhấn mạnh với Trump về tầm quan trọng của trục Nhật-Mỹ - 13/11/2016 22:41