Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chiến lược "xoay trục" của Mỹ đến lúc hạ màn ?

usa-election-debate 4

Cả Donald Trump (T) và Hillary Clinton đều phớt lờ Châu Á trong các cuộc vận động tranh cử.
REUTERS

Sau các động thái xích lại gần Trung Quốc của Philippines rồi Malaysia, rất nhiều chuyên gia phân tích đã không tránh khỏi bi quan về chiến lược "xoay trục" qua châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama.

 Trong một bài phân tích đăng trên trang web của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Pháp IRIS ngày 07/11/2016, ông Barthélémy Courmont, giảng viên Đại Học Công Giáo Thành Phố Lille, miền Bắc nước Pháp, đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại viện IRIS, đã nêu câu hỏi phải chăng bức màn đã hạ trên chiến lược xoay trục nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ để kềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc ở một vùng được xem là then chốt.

Theo chuyên gia Pháp, những diễn tiến trong tháng 10 và 11 này càng làm thấy rõ xu hướng đó : Sau Philippines, một đồng minh truyền thống của Mỹ, đến lượt Malaysia, một đồng minh nặng ký khác, xích lại gần Trung Quốc một cách ngoạn mục.

 Tại Bắc Kinh, tuần qua, thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo thiết lập quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Quốc, chỉ ít lâu sau khi tổng thống Philippines Duterte, cũng tại Bắc Kinh, đã vui mừng thông báo một loạt thỏa thuận với một nước mà quan hệ vốn rất căng thẳng.

Màn ‘ba lê’ ngoaị giao đó quả là một vố rất đau đánh vào chiến lược xoay trục, hướng về Châu Á của chính phủ Obama, muốn đặt Mỹ vào trung tâm bàn cờ Châu Á.
Chiến lược này dựa trên hai về : kinh tế - mà hiệp định TPP là một biểu hiện, và chính trị - chiến lược, khẳng định lại các liên hệ đối tác hiện hữu và tìm thêm đồng minh mới.

Thất bại từ kinh tế đến chiến lược

Kể cả khi được Thượng Viện Mỹ thông qua, trên thực tế thì hiệp định TPP sẽ chỉ có ảnh hưởng rất giới hạn vì chỉ có 5 quốc gia Châu Á ký kết (Nhật Bản, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam) trong lúc mục tiêu lại là tập hợp tất cả các quốc gia trong vùng và loại trừ Trung Quốc.
 Có lẽ đấy là nguyên nhân khiến cho hiệp định không hoàn toàn thành công. Bên cạnh đó thì Trung Quốc đã ‘tiến công’, tăng đầu tư vào Đông Nam Á.

Tóm lại, nếu giá trị của hiệp định TPP nằm ở chỗ đã được ký kết vào năm 2015, thì nó vẫn là một hiệp định ‘giá thấp’, không có hy vọng ‘cất cánh’.

Trên bình diện chiến lược, nếu Washington đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, thì mối quan hệ được tăng cường với Việt Nam và Philippines trong thời gian qua có thể được xem là thành quả mới của chính quyền Obama.

Thế nhưng chiến lược đổi phe của tổng thống Philippines Duterte đã là một cú đâm sau lưng chính sách ngoại giao Mỹ, làm cho chiến lược xoay trục mất đi như thế một hậu thuẫn then chốt.

Cuộc tranh cử tổng thống tệ hại vừa kết thúc càng làm cho vị trí của Washington ở Châu Á yếu đi thêm, trong lúc viễn cảnh trước mắt không có gì đáng phấn khởi.

Cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều phớt lờ châu Á !

Barack Obama, thời thơ ấu đã ở Jakarta, vẫn được uy tín trong vùng, và uy tín này đã giúp Mỹ duy trì hy vọng là trụ lại được trong một khu vực ngày càng bị ảnh hưởng của một Trung Quốc đang vươn lên.
Thế nhưng cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump không ai có được uy tín, hình ảnh tích cực của Obama.

Hơn nữa, cả hai đều không cho thấy là họ có cái nhìn về tương lai chiến lược xoay trục. Nều Trump có chú ý thì chỉ là để tố cáo hiệp định thương mại TPP, còn Hillary Clinton, tuy là người từng chủ trương chiến lược này, nhưng đã không đưa nó vào các hồ sơ đối ngoại cần quan tâm trong cuộc tranh cử.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây, theo ông Courtmont, là cả hai ứng viên, không ai đưa ra chính sách gì về Châu Á...
Chưa bao giờ từ thời Bush và các tranh luận về chiến tranh Irak, một cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ lại phớt lờ đến mức này các thách thức kinh tế và chính trị ở Châu Á.
Cuộc vận động tranh cử vừa qua nhìn chung quả là trống rỗng, vô nghĩa và nhất là đáng ngại cho tương lai.

Sự mất phương hướng đó kết hợp với một sự chuyển hướng dần dần của các đồng minh của Washington trong khu vực - tuy tương đối nhưng cũng rất thực - nghiêng về phía Trung Quốc, phải chăng có nghĩa là chiến lược xoay trục đang kết thúc và sẽ được ghi nhận như một thất bại của chính quyền Obama ?

Rất có thể là như thế, vì không gian cho phép Mỹ hành động hiện nay eo hẹp hơn là vào năm 2009, khi Obama nhậm chức và đề cử Hillary Clinton làm ngoại trưởng. Và tân ngoại trưởng khi ấy đã dành chuyến công du đầu tiên cho Châu Á, điều chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ.

Mỹ không thành công trong lúc Trung Quốc vươn mạnh

Nếu Mỹ tìm cách tiến bước ở Châu Á với kết quả nửa vời, thì Bắc Kinh ngược lại đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của họ.
 Là một nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới từ năm 2010, Trung Quốc đã thiết lập vùng tự do mậu dịch với ASEAN, thành lập Ngân Hàng Đầu Tư châu Á AIIB vào năm 2015, gia tăng đầu tư vào các láng giềng, kể cả với Đài Loan.

Đồng thời Trung Quốc cũng vươn lên trên mặt quân sự, nhất là Hải quân, đến mức có thể cạnh tranh được với Mỹ trong vùng.
Với đường chín đoạn và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đang thách thức Mỹ.
 Chỉ trong vỏn vẹn 8 năm, từ một cường quốc Châu Á đang hình thành, Trung Quốc đã trở nên một cường quốc thật sự.

Bắc Kinh đã biết tranh thủ một cách khéo léo thời cơ Mỹ bận bịu, tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống – ông Obama đã lo đi vận động cho bà Hillary Clinton hơn là bỏ thì giờ thúc đẩy các hồ sơ đối ngoại.

Tóm lại chiến lược xoay trục, mà mục tiêu chính là kềm hãm Trung Quốc đã thất bại và nếu phải khôi phục lại, Washington sẽ phải điều chỉnh sao cho thích ứng với ván bài mới không thuận lợi cho mình.

Thái độ của Philippines, Malaysia chỉ là dấu hiệu mới nhất, bên cạnh chế độ độc tài ở Thái Lan, các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Bắc Triều Tiền, và cuộc khủng hoảng ở Hàn Quốc...
Những vấn đề đó dự báo những ngày khó khăn đang chờ đợi Washington, sẽ phải đối mặt với một quốc gia (Trung Quốc) có lẽ sẽ chính thức trở thành cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới khi tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ bước vào Nhà Trắng.

Switch mode views: