Nô lệ hiện đại : Hơn 45 triệu nạn nhân
- Thứ Ba, 31 tháng Năm năm 2016 18:26
- Tác Giả: Trọng Thành
Một tiệm sửa xe đạp ở Lahore, Pakistan ngày 31/05/2016.
ARIF ALI / AFP
Hơn 45 triệu người trên thế giới đang phải sống trong cảnh nô lệ, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trên đây là con số được Quỹ Walk Free công bố hôm nay, 31/05/2016.
Số nạn nhân tăng 28% so với báo cáo hai năm trước.
Quy mô của nạn nô lệ hiện đại, được mô tả trong báo cáo, nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì công luận biết đến.
Theo AFP, báo cáo « 2016 Global Slavery Index » của Walk Free Fondation tổng hợp các thông tin tại 167 quốc gia, thông qua 42.000 cuộc phỏng vấn, với 53 thứ tiếng.
Hai phần ba số nạn nhân thuộc các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo cho thấy tính muôn mặt của nạn nô lệ hiện đại.
Theo Liên Hiệp Quốc, các hình thức nô lệ hiện đại, như buôn người, cưỡng bức bán dâm, cưỡng bức lao động, bắt trẻ em cầm súng, sử dụng trẻ em trong các đường dây buôn ma túy… có xu hướng phát triển.
Tình trạng này phần lớn là do nạn nghèo đói, nạn kỳ thị và cô lập xã hội.
Với 18,35 triệu người, Ấn Độ được coi là quốc gia có nhiều nạn nhân nhất, tiếp theo là Trung Quốc, với 3,39 triệu nạn nhân, Pakistan, 2,13 triệu.
Tuy nhiên Bắc Triều Tiên là nước có tỉ lệ nạn nhân cao nhất, với 4,37% dân số.
Bắc Triều Tiên cũng là quốc gia mà chính quyền bị coi là tồi tệ nhất trong lĩnh vực này, là chính quyền duy nhất trên thế giới không coi các hình thức nô lệ hiện đại là tội phạm.
Báo cáo của Walk Free cũng lên án Iran, Trung Quốc và Hồng Kông có rất ít nỗ lực để đối phó với nạn nô lệ hiện đại.
Theo « 2016 Global Slavery Index », hơn 0,15% dân số Việt Nam, với gần 140.000 người, là nạn nhân của nô lệ hiện đại. Nỗ lực của chính phủ Việt Nam được xếp hạng B.
Theo nhiều nhà quan sát, số nạn nhân thực sự của nạn nô lệ rất khó xác định.
Nguyên nhân của con số tăng vọt 28%, so với cách nay hai năm, có thể là do việc cải thiện các phương pháp thu thập thông tin.
Báo cáo Walk Free, theo sáng kiến của nhà tài phiệt Úc Andrew Forrest, có mục tiêu đánh động công luận về các hình thức đa dạng và tinh vi của nạn nô lệ thời hiện đại.
Hiện nay, tổng cộng 124 quốc gia đã coi việc buôn người là tội hình sự, theo quy định của Liên Hiệp Quốc. 96 nước đã có các chương trình hành động phối hợp của chính phủ để đối phó.
Tuy nhiên, theo người chủ trương báo cáo về tình trạng nô lệ hiện đại, mức độ hành động như vậy là chưa tương ứng với tai họa này.
Ông Forrest kêu gọi 10 cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới thông qua các điều luật, « ít nhất cũng được như Modern Slavery Act của Anh Quốc năm 2015 », với ngân sách và phương tiện đủ mạnh để buộc các tổ chức tội phạm phải trả giá.