Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

HRW tố cáo Nga vi phạm nhân quyền tại Crimée

crimea-putin 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ kỷ niệm hai năm sáp nhập Crimée vào lãnh thổ Nga.
REUTERS/Mikhail Klimentyev

Để kỷ niệm hai năm việc sáp nhập Crimée vào Nga, tổng thống Vladimir Putin hôm qua 18/03/2016 đến thăm công trường xây dựng chiếc cầu sẽ nối liền bán đảo này với lãnh thổ nước Nga, và chủ trì một hội nghị về phát triển kinh tế Crimée.

Nhưng báo cáo mới đây của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tố cáo không khí sợ hãi vì bị đàn áp tại vùng đất này.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne của RFI cho biết thêm chi tiết :

« Từ hai năm qua, tự do ngôn luận và lập hội đã bị siết chặt lại. Human Rights Watch ghi nhận không có cuộc điều tra nào được mở ra về sự can dự của các nhóm dân quân trong các vụ tra tấn, mất tích, hành quyết không thông qua xét xử và ngược đãi các nhà tranh đấu người Tatar hay thân Ukraina.

Những người dân Crimée đã từ chối nhập tịch Nga và người Tatar vốn chiếm 10 đến 15% dân số, là nạn nhân bị phân biệt đối xử.

Các cơ quan truyền thông chính của người Tatar đã bị đóng cửa, và Mejlis, Quốc hội của sắc dân này đang bị đe dọa giải thể vì bị cáo buộc là cực đoan.
Vụ việc đang được Tòa Án Tối Cao xem xét. Nhiều nhân vật người Tatar bị cấm lưu trú tại Crimée.

Trong bài xã luận mang tên « Hơn cả sai lầm », nhật báo Nga Vedomosti đưa ra bản tổng kết chỉ trích việc sáp nhập Crimée.
Từ nay tất cả các quyết định chính trị được đưa ra theo với sự gắn kết này.

Tờ báo viết, gánh nặng từ «Crimée của chúng ta» đè lên toàn quốc, tuy đối với đa số người dân không ý thức được cái giá phải trả thì họ vui vẻ chấp nhận.

Vụ Crimée đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Donbass và sự cô lập nước Nga.
Các hoạt động song đôi đã trở thành chuẩn mực của chính sách đối ngoại Nga, và luận điệu chống phương Tây đã giúp đàn áp xã hội dân sự chưa từng thấy, chưa kể các hậu quả về kinh tế ».

Liên Hiệp Châu Âu hôm qua cổ vũ các nước như Trung Quốc, Brazil trừng phạt Nga, theo chân EU, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Nhật Bản…vì đã dùng vũ lực sáp nhập Crimée.

Đồng thời bày tỏ quan ngại trước việc Matxcơva tăng cường hiện diện quân sự trên bán đảo, đặc biệt là việc triển khai các hỏa tiễn địa-không và địa-hải.
Còn Hoa Kỳ từ hôm thứ Tư 16/3 đã kêu gọi Nga « chấm dứt chiếm đóng, trả lại Crimée cho Ukraina ».

Switch mode views: