Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-06-2013

 Châu Âu : nạn nhân của hoạt động gián điệp Mỹ

USA-SECURITY

 



Tiết lộ của Edward Snowden, từng làm việc cho NSA, làm chính quyền Mỹ đau đầu (REUTERS /Bobby Yip)



“Kẻ tám lạng, người nửa cân”, là những từ có thể dùng để đánh giá về hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Một mặt, chính quyền Washington tố cáo Bắc Kinh dùng tin tặc tấn công vào các cơ sở bảo mật của mình.

Mặt khác, Hoa Kỳ lại dùng kỹ nghệ thông tin để theo dõi thông tin cá nhân các công dân trong nước lẫn ngoài nước.

Báo chí Pháp hôm nay quan tâm đến đề tài này.

Le Monde tự hỏi “Edward Snowden sẽ còn có những tiết lộ gì nữa?”

24 giờ đã trôi qua sau buổi nói chuyện với ký giả tờ The Guardian, nhưng không ai biết hành tung của anh ta ở đâu.

Chính quyền Mỹ bắt đầu một chiến dịch mà giới báo chí trong nước gọi là “cuộc săn lùng người” nhằm truy tìm tung tích của tác giả vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Cơ quan An ninh quốc gia NSA.

Đối với báo Libération, tính chất nghiêm trọng của vụ rò rỉ thông tin lần này cho thấy “Đế chế của sự bí mật đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát”. Lẽ dĩ nhiên, tờ báo dùng chữ “ngoài tầm kiểm soát” là muốn ám chỉ đến việc làm thế nào, một anh nhân viên vi tính trẻ tuổi, làm việc cho một nhà thầu nằm ngoài NSA lại có thể truy cập được vào các tài liệu mật mà anh ta đã tiết lộ trong tuần rồi.

“Ngoài tầm kiểm soát” là vì sự việc lần này cộng với vụ Wikileaks đã chứng tỏ rằng kể từ năm 2001, các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đã phát triển với một nhịp độ điên cuồng đến mức công tác kiểm soát nội bộ không thể theo kịp.

Bị gián điệp Hoa Kỳ tấn công, châu Âu phòng vệ yếu ớt

Không như Hoa Kỳ lúc nào cũng kêu gào là nạn nhân của các vụ tin tặc Trung Quốc, ít ai biết được rằng châu Âu từng nhiều lần là nạn nhân thật sự của các hoạt động gián điệp Mỹ. Thế nhưng, trước vụ việc lần này, châu Âu lại có những phản ứng khá dè dặt như hàng tựa trên báo Les Echos “Giám sát mạng: Bruxelles lên tiếng chống Hoa Kỳ”

Về phần mình, báo Le Monde nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên châu Âu mới là nạn nhân của Mỹ. Năm 2000, châu Âu khám phá NSA sử dụng một mạng lưới của Anh quốc để theo dõi mạng lưới viễn thông trong một kế hoạch mang tên Echelon, nhằm thu thập các thông tin kinh tế, thương mại, công nghệ và chính trị.

Le Monde lưu ý là vào thời điểm đó, Anh quốc đã lợi dụng mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ để dọ thám các đối thủ châu Âu.

Năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/09, Bruxelles buộc phải nhượng bộ Hoa Kỳ chuyển giao một số lượng dữ liệu quan trọng cho Washington dưới danh nghĩa chống khủng bố.

Đến năm 2006, châu Âu bất ngờ phát hiện ra là trong vòng 5 năm, Mỹ đã bí mật thâm nhập vào kho dữ liệu Swift chuyên bảo mật các hoạt động giao dịch tài chính cho các ngân hàng trên toàn thế giới.

Vấn đề là trước các hoạt động gián điệp ồ ạt và dồn dập của Hoa Kỳ, châu Âu lại tỏ ra khá vất vả trong việc tự vệ.

Sau các sự việc trên, châu Âu và Hoa Kỳ tiến hành nhiều cuộc thương lượng mà theo đánh giá của Le Monde khá khó khăn.

Cuối cùng, một thỏa thuận được ký kết vào năm 2006. Theo đó, châu Âu được quyền đánh giá tính chính đáng các yêu cầu của Mỹ và có một đại diện tại quốc gia này để thực hiện công tác kiểm soát.

Trong số các thương lượng về trao đổi thông tin cá nhân, đặc biệt nhất là là vụ cung cấp thông tin cá nhân của các hành khách đi máy bay (PNR).

Châu Âu phải mất đến 9 năm thương lượng và 4 văn bản khác nhau, hai bên mới đạt được một đồng thuận chung vào tháng 04/2012.

Theo đó, châu Âu chấp thuận cung cấp 19 dữ liệu liên quan đến tất cả các du khách của Liên hiệp hay đi đến Mỹ.

Đổi lại, Washington thả nổi giấy phép nhập cảnh. Các dữ liệu thu thập sẽ được lưu giữ dưới dạng vô danh trong vòng 06 tháng, sau đó là 5 năm trên cơ sở “hoạt động” và cuối cùng là 10 năm trong cơ sở dữ liệu “ngủ yên”.

Tuy nhiên, cuộc thương lượng đó vẫn chưa thể nào giải quyết được vấn đề cốt lõi : ba trong số bốn công ty hàng không thế giới lưu trữ các dữ liệu đặt vé có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nghĩa là, các cơ sở này phải tuân thủ luật pháp của nước này. Như vậy, trong trường hợp có sự cố, luật lệ châu Âu không thể làm gì được cho họ.

Cuối cùng, tờ báo còn cho hay, vụ tiết lộ thông tin cơ mật lần này còn cho thấy rõ một điều là Đức từng là một trong những quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất trong hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ.

Đối với chính quyền Berlin, rất có thể là Washington cũng đã gởi gián điệp công nghiệp đến nước này.

Nhật Bản : ước mơ và ác mộng của Pháp

Bàn về kết quả chuyến công du Nhật Bản của tổng thống Pháp, François Hollande, Le Figaro có bài phân tích cho biết vì sao ông Hollande không thể nào áp dụng mô hình kinh tế “Abenomics” của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để vực dậy nền kinh tế đất nước.

Chuyến đi Nhật Bản đã để lại trong tâm trí các nhà lãnh đạo Pháp ba niềm ao ước. Thứ nhất, Paris mơ ước có thể thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ như ông Shinzo Abe đã làm. Thế nhưng, ông Hollande nhận thức được rằng điều đó khó có thể thực hiện do Pháp có các quy định về ngân sách rất khác biệt.

Nhật Bản có thể làm được là vì họ có ngân hàng trung ương nên có thể thực hiện các chính sách tiền tệ và ngân sách như ý mình muốn.

Và chính quyền Tokyo có đầy đủ quyền lực để có thể đưa ra các quyết định.

Niềm ao ước thứ hai và thứ ba khiến Pháp cũng phải mơ đến đó là tỷ lệ thất nghiệp và tội phạm rất thấp. Theo con số thống kê mới nhất do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Kinh tế OCDE đưa ra, xứ sở Hoa anh đào có tỷ lệ thất nghiệp (4,1%) thấp hơn mức trung bình của OCDE (8%).

Nếu chỉ so sánh riêng giữa hai quốc gia với nhau, Nhật Bản chưa bao giờ vượt quá 5,4%. Ngược lại, Pháp chưa khi nào xuống dưới ngưỡng 7%. Về mặt an ninh, tỷ lệ tội phạm tại Nhật là 1,4%, đổi lại là 5% tại Pháp.

Theo phân tích của tác giả bài viết, sở dĩ xứ sở Mặt trời mọc có thể đạt được những mục tiêu đề ra một cách thần kỳ là do quan niệm nghiêm ngặt về xã hội. Người Nhật có những định hướng rất ngặt nghèo trái với xu hướng “đồng thuận” tại Pháp.

Nhìn trên góc độ doanh nghiệp, “các khoản chi phí xã hội mà doanh nghiệp phải trả cho một người làm công ăn lương tại Pháp lại quá cao, gây cản trở cho việc tạo ta việc làm, dù là có thể bảo vệ người thất nghiệp.

Trong khi đó, tại Nhật, khoản chi phí này lại rất thấp, có thể tạo việc làm nhưng đè nặng những người vô nghề nghiệp”, theo như nhận xét của một doanh nhân Pháp tại Nhật.

Thế nhưng, sự thành công đó cũng có những khía cạnh đáng sợ. Người Nhật bị bó chặt trong những ràng buộc nghề nghiệp và xã hội đôi khi khiến cho cuộc sống của họ trở nên ngột ngạt. Tỷ lệ tội phạm thấp là vì cảnh sát Nhật có những quyền hạn thái quá. Họ có thể tạm giam giữ bất cứ người nào đến 23 ngày. Và tòa án có thể đưa ra án phạt cao nhất là án tử hình.

“Thủ tướng Việt Nam trong tư thế người đi dây”

Đến với thời sự châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt quan tâm đến kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức lãnh đạo Việt Nam công bố hôm qua thứ ba 11/06.

Theo nhận xét của tờ báo, bất chấp công tác điều hành kinh tế kém hiệu quả, Quốc hội đã không trừng phạt một nhà lãnh đạo nào.

Mở đầu bài viết tờ báo nhận xét “ông Nguyễn Tấn Dũng cảm thấy nhẹ nhõm”. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo nhà nước công bố hôm qua cho biết thủ tướng Việt Nam nhận được đến hơn 2/3 số phiếu ủng hộ tại quốc hội.

Tuy nhiên, tờ báo nhận thấy rằng dù ông Nguyễn Tấn Dũng đã có thể bảo vệ được chiếc ghế của mình, nhưng cũng có đến 32% đại biểu quốc hội bày tỏ “tín nhiệm thấp” đối với ông. Nói theo thuật ngữ bóng đá là ông đang bị “thẻ vàng”.

Như vậy, cũng có nghĩa là có chê trách. Tờ báo nhắc lại vào tháng 9 năm rồi, ông đã bị phê phán dữ dội về công tác điều hành kinh tế kém cỏi. Đến mức mà một tháng sau đó, thủ tướng Việt Nam buộc phải công khai xin lỗi trong một buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình.

Tờ báo cho rằng, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên này phản ảnh cho thấy có sự rạn nứt nội bộ hơn là một kết quả độ tín nhiệm thật sự.

Giới quan sát nhận định nếu được tự do bàn luận, bảng tổng kết khó có thể ở mức cao như vậy. Bởi một lẽ rất đơn giản, trong một chế độ mà hơn 90% đại biểu Quốc hội đều là đảng viên thì tranh luận chính trị là một “điều cấm kỵ”.

Do đó, dù vị thế của mình đã được củng cố, Thủ tướng cũng phải ra sức trấn an dư luận. Bởi vì, đảng cầm quyền không thể nào quét sạch được nạn tham nhũng tràn lan, cũng như tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang trong tình trạng trì trệ.

Theo bài viết, nguyên nhân chính khiến kinh tế ì ạch là do nhà nước thiếu quyết tâm thực hiện cải cách cơ cấu, gây cản trở cho tiến trình ra quyết định.

Dù vậy, Les Echos cũng nhìn nhận rằng chính phủ Việt Nam cũng đã có những quyết định kịp thời trong việc giải quyết nợ xấu hay thay đổi một số quy định để thu hút đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, bài viết đánh giá là Việt Nam vẫn còn thiếu tầm nhìn trong dài hạn.

Cuối cùng, tờ báo kết luận, dù đã “sống sót” sau kỳ bỏ phiếu tín nhiệm, “ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang trong tư thế người đi dây” theo như hàng tựa nhận định của bài viết.

Thủ tướng Nhật bị vợ phản pháo

Trở lại với Nhật Bản, mục “Câu chuyện trong ngày” trên báo Le Figaro có bài cho hay “Thủ tướng Nhật Bản bị vợ phản pháo”.

Ông Shinzo Abe nhìn xa trông rộng, luôn lường trước mọi sự việc, mà quên đi phản ứng của vợ mình.

Trong một buổi họp kín trước đại diện các tổ chức phi chính phủ, thủ tướng phu nhân, bà Akie Abe, cựu phát thanh viên và chuyên viên cao cấp của một hãng quảng cáo lớn đã tuyên bố: “Tôi không lấy làm vui sướng gì nếu Nhật Bản cố tìm cách bán các lò phản ứng hạt nhân cho nước ngoài, bởi vì tôi cũng chống lại hạt nhân”.

Tác động lời tuyên bố của bà cũng ngang ngửa với một quả bom. Nó phá hủy hoàn toàn chiến dịch “ve vãn” của chồng bà, vốn đang đi khắp nơi để ca tụng công nghệ hạt nhân Nhật Bản kể từ khi quay lại cầm quyền vào năm 2012.

Hành động của Đệ nhất phu nhân Nhật Bản còn xứng đáng được xem như là “một đảng chính trị ngay trong lòng gia đình”. Bởi vì, không chỉ dừng ở đó, bà còn nói thêm “Tôi nghĩ rằng Nhật Bản lẽ ra nên dùng một phần ngân quỹ để phát triển hạt nhân cho phát triển năng lượng mới”.

Theo ước tính của Le Figaro, việc bà có thái độ thù nghịch với nguyên tử đã thổi phồng số người ủng hộ ra khỏi hạt nhân lên đến 70% kể từ khi xảy ra tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011.


 

Switch mode views: