Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-2-20198

Biển Đông : 12 tàu ngầm Pháp giúp Úc chiếm ưu thế trước Bắc Kinh

france sous marins

 



Xưởng đóng tầu ngầm Cherbourg, vùng Normandie, Pháp. Ảnh chụp ngày 11/09/2018.
CHARLY TRIBALLEAU / AFP

 

Trang nhất các báo Pháp hôm nay 11/02/2019 chú ý nhiều đến nhiều vấn đề thời sự trong nước : Thảo luận toàn quốc tìm lối thoát khủng hoảng Áo Vàng, cải cách giáo dục, hay cải cách hệ thống kiểm soát thuế để thiết lập niềm tin giữa chính quyền với doanh nghiệp.

Về thời sự quốc tế, nổi bật nhất là hợp tác quốc phòng Pháp – Úc bước sang giai đoạn mới, sau khi hai bên ký kết hợp đồng 12 tàu ngầm chiến đấu.
Các vũ khí mới giúp cho Úc có ưu thế quân sự so với Trung Quốc, đặc biệt tại vùng Biển Đông.

Theo bài « Pháp và Úc khảm vào đá một thỏa thuận trong ngành tầu ngầm », sau gần ba năm đàm phán, Canberra hôm nay, 11/02/2019, chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp, do hãng Naval Group sản xuất, với tổng trị giá 50 tỉ đô la.

Hợp đồng dày 1.400 trang, quy định một cách rất chi tiết hàng loạt lĩnh vực, như bản quyền công nghiệp, bảo hành, trao đổi công nghệ, cung ứng nguyên liệu hay các quy định về phạt…, cho phép hai bên tránh được các hiểu lầm trong thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm.

Paris cũng cam kết sẽ hỗ trợ tập đoàn Naval Group trong hợp đồng đóng tầu ngầm cho Úc.

Hợp đồng nói trên được xác định là bất di bất dịch, bất kể biến động chính trị tại Úc.

Toàn bộ 12 tàu ngầm sẽ được lắp đặt trên đất Úc, cho phép tạo thêm 3.000 công ăn việc làm tại chỗ.
Khoảng 1.100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của phía Úc có thể tham gia sản xuất thiết bị.
Chiếc đầu tiên dự kiến hạ thủy vào năm 2032. Tiếp theo đó, cứ hai năm một lần Úc sẽ có thêm một tàu ngầm do Pháp chế tạo.

Đối với Naval Group, việc ký kết hợp đồng với Úc mang lại niềm tự hào lớn cho tập đoàn.
Theo một số giới chức của Naval Group, hợp đồng tầu ngầm này sẽ mang lại cho Hải quân Úc ưu thế tại vùng biển Đông Nam Á.

Ưu thế vượt trội của tầu ngầm Pháp

Bài viết « Căn cứ Hải quân Cherbourg hoạt động hết công suất » của Les Echos giải thích lý do khiến Pháp giành thắng lợi trong hợp đồng này trước hai đối thủ nặng ký khác, Đức và Nhật.

Theo Les Echos, với ba tầu ngầm hạt nhân tấn công Barracuda đang được chế tạo tại cơ sở đóng tàu Cherbourg (được dùng làm nguyên mẫu cho 12 chiếc tầu hợp đồng với Úc), Paris đã cho Canberra thấy ưu thế vượt trội về tốc độ, về khả năng ít gây tiếng ồn, cũng như thời gian hoạt động độc lập dưới nước.

Tàu ngầm mà Pháp dự kiến đóng cho Úc cũng cần đến một tổ lái ít người hơn, 4 thành viên so với khoảng 15 người cho tầu Rubis thế hệ trước.

Bài « Pháp – Úc : Mối quan hệ chiến lược tại Thái Bình Dương » của Les Echos nhấn mạnh : hiện tại Úc đã trở thành đồng minh mật thiết nhất của Pháp tại khu vực Thái Bình Dương.

Việc Pháp giúp Úc chế tạo tầu ngầm là một trong các phương tiện để tăng sức mạnh quân sự, nhằm cân bằng lại đà quân sự hóa hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh thách thức liên minh chiến lược do Hoa Kỳ đứng đầu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, như nhận định của nhà phân tích Malcolm Davis, tại Australian Strategic Policy Institute.

Sức mạnh gia tăng của Trung Quốc chính là nhân tố khiến Pháp và Úc xích gần nhau.
Vẫn theo nhà phân tích Úc Malcom Davis, Pháp có thể sẽ giữ một vai trò lớn hơn hiện nay tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

 Trong trường hợp có các khủng hoảng lớn, ví dụ như « một xung đột quân sự tại Đài Loan, ở Biển Đông, hay trên bán đảo Triều Tiên, Úc có thể yêu cầu Pháp hỗ trợ, trong một hoạt động quân sự hỗn hợp ».

 Hiện tại, Hoa Kỳ đã có nhiều đồng minh quân sự trong khu vực, như Nhật Bản và Hàn Quốc, và quan hệ đối tác đang được siết chặt với Philippines, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam.

Mỹ-Trung : Washington có thể gia hạn, nếu đàm phán tiến triển

Đàm phán Mỹ - Trung nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến về thuế đang bước vào giai đoạn cuối là đề tài thời sự quốc tế trọng tâm khác.

 Theo Les Echos, sau giai đoạn tạm nghỉ nhân dịp Năm mới âm lịch cổ truyền, Hoa Kỳ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán mới, khai mạc hôm nay 11/02 tại Bắc Kinh.
Tham gia phái đoàn Mỹ trong đợt đàm phán này có bộ trưởng Thương Mại Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin.

 Hạn chót cho một thỏa thuận, theo quy ước giữa hai bên, là ngày 02/03.
Nếu không thỏa hiệp được với nhau, Washington đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, từ 10% hiện nay lên 25%.

Cho dù Washington và Bắc Kinh đã nhấn mạnh là có nhiều tiến bộ đạt được trong đàm phán trong chuyến công du Mỹ của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), cách nay 2 tuần, chính quyền Mỹ trong những ngày gần đây liên tục khẳng định còn nhiều việc phải làm.

Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng nhân nhượng đối với việc mở cửa hơn thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Mỹ, nhưng một trong những điểm bế tắc chính trong đàm phán là việc Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải tiến hành « các cải cách thực sự về cơ cấu », cho phép chấm dứt các hoạt động cạnh tranh thương mại bất chính, đặc biệt là chấm dứt cưỡng bức chuyển giao công nghệ, giảm bớt tỉ trọng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

« Cơ chế kiểm soát » : Chủ đề hết sức nhạy cảm với Bắc Kinh

Chính quyền Mỹ yêu cầu Bắc Kinh phải thiết lập « một cơ chế kiểm soát thường xuyên » đối với các cam kết mà Bắc Kinh có thể đưa ra trong lĩnh vực này. Nhưng đây là điều mà chế độ cộng sản Trung Quốc coi là một « chủ đề hết sức nhạy cảm ».
Theo một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, và cố vấn của chính quyền, thì đòi hỏi này thách thức trực tiếp chủ quyền của Trung Quốc.

Báo chí Hoa Kỳ cho hay Washington có thể chấp nhận kéo dài hạn chót đàm phán, nếu các thương lượng đạt tiến bộ trong tuần này.
Hôm thứ Năm tuần trước, để gây áp lực lên Bắc Kinh, tổng thống Mỹ tuyên bố không có dự kiến gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 01/03.
Tuyên bố của tổng thống Mỹ làm tắt ngấm hy vọng là hai bên có thể đạt đồng thuận đúng thời điểm dự kiến.

Venezuela : Kế hoạch tái thiết khổng lồ, nếu « chuyển tiếp chính trị »

Về điểm nóng Venezuela, bế tắc vẫn tiếp tục trong vấn đề chuyển hàng cứu trợ nhân đạo quốc tế, do bất đồng giữa tổng thống Maduros và tổng thống tự phong tạm quyền Guaido, được sự công nhận của khoảng 40 quốc gia.

Theo Le Monde, chính quyền Maduro vẫn tiếp tục phủ nhận trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng hiện nay, đoạn tuyệt viện trợ nhân đạo quốc tế, đưa quân đội ra biên giới để ngăn hàng viện trợ. Một bộ phận đối lập đề nghị can thiệp vũ trang để đưa viện trợ nhân đạo đến với người dân.

Cũng về Venezuela, Le Monde có bài phân tích về « kế hoạch tái thiết khổng lồ », một khi có « chuyển tiếp chính trị ».
 Hiện tại, tình cảnh của người dân Venezuela rất thê thảm : lương tháng tối thiểu tại Venezuela chỉ đủ mua một cân thịt.
 Đồng tiền quốc gia mất giá hơn 10.000 lần hồi năm ngoái.

Theo một giới chính tài chính quốc tế, giai đoạn hỗ trợ quốc tế đầu tiên phải là viện trợ nhân đạo ồ ạt.
Tiếp theo đó, các định chế tài chính quốc tế cần cho Venezuela vay khoảng 60 tỉ đô la để vực dậy nền kinh tế, đặc biệt để chấm dứt tình trạng thiếu ngoại tệ, buộc chính quyền phải in tiền hàng loạt - nguồn gốc lạm phát siêu tốc những năm gần đây.

 Giữ ổn định giá trị của đồng tiền Venezuela là một ưu tiên.
Theo Le Monde, Venezuela và các đối tác cần tái khởi động nhanh chóng các ngành công nghiệp chiến lược, vốn bị tham nhũng và tình trạng thiếu đầu tư làm tê liệt.

Tấn công hang ổ cuối cùng của Daech

Về thời sự Trung Cận Đông, Le Figaro chú ý đến cuộc tấn công vào hang ổ cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, sát biên giới về Irak.
Lực lượng Daech bị kẹp giữa một bên là quân đội Irak ở phía đông và quân đội Syria ở phía tây.
Tuy nhiên, lực lượng chính tham gia vào cuộc tấn công này là Lực Lượng Dân Chủ Syria (FSD), tức liên minh vũ trang với người Kurdistan là trụ cột.

Theo Le Figaro, các chiến binh Daech quyết bám trụ hang ổ cuối cùng, với diện tích chỉ chưa đầy 10 km², trên một địa hình bằng phẳng.
Chiến dịch được khởi sự hôm thứ Bảy, tuần trước, dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng từ một đến hai tuần.

40 năm cách mạng : Iran « kỷ niệm buồn »

Cũng về Trung Đông, Le Monde có bài xã luận « Iran : Dịp kỷ niệm buồn » nói đến dịp 40 năm ngày cách mạng Hồi Giáo 1979, lật đổ chế độ quân chủ thân phương Tây.
Le Monde tóm lược tình hình tại Iran hiện nay như sau : 40 năm sau cách mạng, xã hội Iran hiện nay trẻ hơn, giàu có hơn, đa nguyên hơn, và khát khao mở cửa ra với bên ngoài.

Tuy nhiên, nhóm bảo thủ tại Iran cự tuyệt thay đổi chính trị. Thay đổi chính trị với Iran hiện nay bị coi là điều « hoàn toàn không thể được ».
Nền kinh tế nước này đang lao vực, đặc biệt với các trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Các nước châu Âu, cho dù vẫn ủng hộ Iran để giữ Teheran lại với thỏa thuận hạt nhân, nhưng hoàn toàn không ảo tưởng về bản chất của chế độ Hồi Giáo này.
Theo Le Monde, đối với chính quyền Teheran, để thoát khỏi thế bế tắc hiện nay, chỉ có con đường duy nhất là đối thoại một cách sáng suốt.
Đây chính là điều mà Liên Âu chủ trương.

« Áo Vàng » Pháp : Cực hữu và cực tả đột ngột đổi thái độ

Về thời sự nước Pháp, phong trào Áo Vàng tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo.
Les Echos ghi nhận phe cực hữu và cực tả vừa có một thay đổi lập trường bất ngờ, sau vụ một ngôi nhà của chủ tịch Quốc Hội bị một số phần tử cực đoan phóng hỏa.

Chuyên mục « Mỗi ngày một sự kiện » của Les Echos ghi nhận là toàn bộ các lãnh đạo đối lập, đặc biệt là lãnh đạo hai đảng cựu hữu và cực tả, Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, đã đồng loạt lên án vụ nhà của chủ tịch Richard Ferrand tại tỉnh Bretagne bị phóng hỏa cuối tuần trước, bởi một số thành phần có liên quan đến « phong trào Áo Vàng ».

 Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng cầm quyền LREM ngay lập tức hoan nghênh thiện chí của đối lập.
Theo Les Echos, sự thay đổi thái độ được đánh giá là bất ngờ nói trên thật ra xuất phát từ chỗ người dân Pháp ngày càng không chấp nhận tình trạng bạo lực diễn ra bên lề các cuộc biểu tình « Áo Vàng », bất chấp việc chính phủ đã chấp nhận đối thoại toàn quốc để tìm giải pháp.

Theo một điều tra của Eurotrack được Les Echos công bố, tỉ lệ cử tri ủng hộ hai phong trào cực hữu và cực tả nói trên chỉ còn là 12% (với đảng Tập Hợp Quốc Gia của bà Le Pen) và 8% (với đảng Nước Pháp Bất Khuất của ông Mélenchon).

Sự ủng hộ của người dân với đối lập sụt giảm, trong lúc uy tín của chính quyền Macron tăng cao trở lại, sau khi cuộc đối thoại « trực tiếp » với cử tri được thiết lập, và Thảo luận toàn quốc theo chủ trương của tổng thống Macron - diễn ra từ một tháng nay - có thể khép lại với một cuộc trưng cầu dân ý, vốn là nguyện vọng của đông đảo cử tri.

Thảo luận toàn quốc : Lo ngại và hy vọng

Về phần mình, Le Figaro - với bài xã luận « Đằng sau cuộc Thảo luận toàn quốc » - tỏ ra lo ngại về cuộc đối thoại trực tiếp giữa tổng thống Macron với dân chúng, theo phong cách của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ghi nhận hình ảnh của tổng thống Pháp được cải thiện đáng kể sau các cuộc đối thoại cởi mở này, thế nhưng Le Figaro cũng nhấn mạnh đến việc ông Macron đang dành quá nhiều thời gian cho cuộc thảo luận, trong lúc hàng loạt hồ sơ hệ trọng của chính quyền hiện vẫn đang chờ tổng thống giải quyết, từ nợ công đến khủng hoảng nhập cư…

Vẫn về cuộc Thảo luận toàn quốc, xã luận La Croix với tựa « Lối thoát » đặt rất nhiều hy vọng vào tổng thống Macron, trong việc tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài ba tháng nay.

 Nối lại với các mục tiêu đầy tham vọng trong thời gian tranh cử - một dự án vốn thuyết phục được đông đảo người Pháp, duy trì các định hướng cải cách như đã vạch ra, đây là điều La Croix khẳng định là cần thiết.
 Nhưng theo nhật báo Pháp, « điều tiên quyết » hiện nay giúp tổng thống nhận được hậu thuẫn của cử tri chính là một « thái độ công minh ».


Switch mode views: