Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hợp đồng tàu ngầm Úc: Do đâu Nhật bị Pháp phổng tay trên

australia-submarines-dcns

Tầu ngầm Barracuda, do hãng DCNS Pháp thiết kế riêng cho Hải Quân Hoàng Gia Úc.
DCNS/Handout via REUTERS

Thứ Hai 26/04/2016 vừa qua, thủ tướng Úc Malcolm Turbull đã công bố quyết định chọn Pháp làm nhà cung cấp tàu ngầm mới cho Hải Quân Úc.

Đây là một thông báo hoàn toàn bất ngờ, vì cho đến nay Nhật Bản được cho là nước có nhiều triển vọng nhất trong việc giành được hợp đồng của Úc.

 Trong một bài điều tra công bố hôm 27/04, hãng tin Anh Reuters đã tiết lộ những nguyên do sâu xa đã khiến cho Nhật Bản bị Pháp phổng tay trên hợp đồng khổng lồ trị giá 40 tỷ đô la Mỹ đó.
Bài viết mang tựa « Pháp đã đánh chìm giấc mơ tàu ngầm Úc trị giá 40 tỷ đô la của Nhật Bản như thế nào ? » (How France sank Japan's $40 billion Australian submarine dream).

Đối với Reuters, vào năm 2014, quan hệ thân thiết nảy nở giữa thủ tướng Úc Tony Abbott và đối tác Nhật Bản Shinzo Abe đã khiến mọi người đoan chắc rằng hợp đồng tàu ngầm 40 tỷ đô la Mỹ của Canberra không thể nào vuột khỏi tay Tokyo.

Tập đoàn đóng chiến hạm Pháp DCNS nhập cuộc muộn hơn, với một kế hoạch táo bạo nhưng đã bị cho là hầu như vô vọng.

Điểm bất ngờ là 18 tháng sau đó, Pháp đã qua mặt được Nhật Bản để giành lấy một trong những hợp đồng vũ khí béo bở nhất thế giới, với hệ quả là phá tan giấc mơ được nhanh chóng hồi sinh của ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nhật Bản.

Các cuộc phỏng vấn với hơn một chục quan chức chính phủ và giới chức lãnh đạo ngành công nghiệp tại Nhật, Pháp, Úc và Đức đã nêu bật một loạt sai lầm từ phía Tokyo đã khiến cho hợp đồng tàu ngầm Úc này bị vuột khỏi tay.

Theo Reuters, sai lầm đầu tiên của Nhật Bản là không nhận thức rõ là bối cảnh chính trị đã thay đổi ở Úc sau khi thủ tướng Abbott phải rời bỏ chức vụ.

Sai lầm thứ hai là các tập đoàn Nhật Bản từ Mitsubishi Heavy Industries (MHI) cho đến Kawasaki Heavy Industries (KHI), đều không cam kết rõ ràng ngay từ đầu là sẽ cung cấp công ăn việc làm với tay nghề đóng tàu cao tại Úc.

Sai lầm thứ ba là Tokyo quá khinh địch, không thấy kịp thời là các đề nghị của mình đã bị Đức, và nhất là Pháp, vượt qua.

Về phần Pháp thì đã biết huy động guồng máy công nghiệp-quân sự rộng lớn và dạn dày kinh nghiệm của mình, và thuê Sean Costello, một chuyên gia Úc có uy thế trong ngành công nghiệp tàu ngầm để chỉ đạo công cuộc đấu thầu, giúp Paris chiến thắng bất ngờ.

Chính trường Úc biến động, Nhật mất thế thượng phong, Pháp khéo léo nhập cuộc

Đến cuối năm 2014, Nhật Bản vẫn còn thoải mái trong thế thượng phong nhờ vào mối quan hệ giữa hai ông Abe và Abbott, bắt đầu ngay sau khi ông Abbott lên làm thủ tướng Úc sau cuộc bầu cử năm 2013, một quan hệ được củng cố một cách nhanh chóng.

Nhật Bản và Úc - đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ - đã muốn thắt chặt quan hệ an ninh nhằm đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và trên thế giới.

Tuy nhiên, Pháp đã tranh thủ một cơ hội để nhập cuộc.
 Vào tháng 11 năm 2014, Giám đốc điều hành tập đoàn DCNS Herve Guillou đã tháp tùng bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhân chuyến công du nước Úc.

Ông Le Drian đến thành phố Albany ở phía tây nam xa xôi của Úc để dự lễ kỷ niệm 100 năm chuyến viễn chinh đầu tiên của lính Úc qua chiến đấu trên mặt trận miền Tây nước Pháp trong Đệ Nhất Thế Chiến.

Theo một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc Phòng Pháp, cùng với một số quan chức xin giấu tên, thì lịch sử chung sâu đậm kể trên đã mở cửa cho các cuộc thảo luận về hợp đồng tàu ngầm : « Bộ trưởng Pháp muốn có mặt nhân sự kiện quan trọng đó... Ông đã nói chuyện với đồng nhiệm Úc David Johnston và với ... ông Abbott ».

Ít lâu sau, tình hình bất ổn chính trị tại Úc đã làm xói mòn lợi thế mà Nhật Bản có được với chính quyền cũ.
Vào tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Johnston, đã bị buộc phải từ chức sau khi chê bai các kỹ năng của công ty đóng tàu Úc.

Các nhà lập pháp miền Nam Úc vì lo lắng trước việc ông Abbott lặng lẽ đồng ý để Nhật Bản cung cấp tàu ngầm mới, đã đòi chính quyền phải chọn phương án đóng tàu ngay trong nước.
Họ gây áp lực lên thủ tướng, buộc ông phải gọi thầu quốc tế, mở đường cho DCNS của Pháp và Marine Systems ThyssenKrupp của Đức nhanh chóng nhập cuộc.

Theo tiết lộ của hai người biết chuyện, vào tháng Hai năm 2015, thủ tướng Abbott đã gọi cho « người bạn tốt nhất ở châu Á » của mình, như cách ông gọi ông Abe, và cho biết về quyết định gọi thầu.
Ông Abe đã tỏ ý thông cảm và cho biết ông sẽ cố làm theo. Tuy nhiên, theo Reuters, vì tin chắc rằng hợp đồng vẫn ở trong túi mình, nhóm đấu thầu của Nhật Bản vẫn khinh địch.

Tokyo quá khinh địch, lại không quan tâm đến công luận Úc

Một quan chức chính phủ Nhật Bản từng tham gia cuộc đấu thầu cho biết :
« Mặc dù chúng tôi đã lao vào cuộc cạnh tranh, chúng tôi vẫn hành động như không có gì thay đổi... Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chiến thắng, vì vậy cần gì phải làm cho sự việc bị khuấy động ? ».

Nhiều nguồn tin từ phái đoàn đấu thầu Nhật Bản xác nhận rằng phía Nhật đã không thèm đến dự một hội nghị về dự án tàu ngầm tương lai của Úc vào tháng Ba 2015 vì không hiểu được tầm quan trọng của nhu cầu vận động, qua đó để cho hai đối thủ Đức và Pháp mặc sức tung hoành.
Nỗ lực muộn màng của Nhật Bản để tiếp cận các nhà cung cấp địa phương tiềm năng tại một sự kiện tiếp theo vào tháng 8 năm 2015 lại diễn tiến không tốt.

Các công ty Úc đã than phiền là Tokyo không sẵn sàng thảo luận về các hợp đồng thực chất. Vốn chuyên bán hàng cho quân đội Nhật vì một lệnh cấm xuất khẩu mà ông Abe đã dỡ bỏ vào năm 2014, không công ty Nhật Bản nào có đối tác trong giới công nghiệp quân sự Úc.

Ngoài ra, trái với Pháp và Đức, đã nhanh chóng cam kết cho chế tạo tàu ngầm tại Úc, Nhật Bản thoạt đầu chỉ cho biết là sẽ thực hiện đúng theo các quy định đấu thầu, trong đó yêu cầu đóng tàu tại Úc chỉ là một trong ba khả năng.

Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng Úc nhận định :
« Nhật đã nhập cuộc với một lời mời miệng, nhưng lại phải cố gắng cạnh tranh trong một cuộc thi quốc tế trong lúc hoàn toàn không có kinh nghiệm về việc này ».

Đến tháng 9 năm 2015, đồng minh quan trọng của Nhật Bản là thủ tướng Abbott bị ông Malcolm Turnbull lật đổ, và cuộc đấu thầu được thực sự mở rộng cho cạnh tranh.

Nhật bỏ lỡ cơ may tuyển mộ nhân tài cho việc đấu thầu

Theo các quan chức ngành công nghiệp, tất cả các đề nghị đều có nhược điểm, do đó phải tính thêm một số yếu tố khác trong đó có vấn đề kinh nghiệm và quan hệ.

Trong lãnh vực này, vào tháng Tư năm 2015, tập đoàn Pháp DCNS đã có quyết định tối quan trọng : Thuê ông Costello, người mà trước đó vài tháng đã bị mất chức chánh văn phòng bộ Quốc Phòng Úc sau vụ bộ trưởng Johnston phải từ chức.

Nguyên là một sĩ quan trong binh chủng tàu ngầm Úc, đồng thời là tổng quản lý phụ trách chiến lược tại tập đoàn nhà nước Úc về tàu ngầm ASC, ông Costello là nhân vật lý tưởng để hướng dẫn việc đấu thầu của Pháp.

Theo một nguồn tin biết rõ ông Costello, nếu được Nhật Bản mời trước, ông Costello rất có thể là sẽ nhận lời.
Thế nhưng phía Nhật « đã không hề nhấc điện thoại lên ». Ông Costello đã từ chối trả lời công khai về vụ đấu thầu.

Nhóm làm việc do ông Costello thiết lập đã vạch ra hơn một chục nhiệm vụ mà tập đoàn Pháp cần phải hoàn thành để giành hợp đồng, trong đó có công việc tối quan trọng là tranh thủ các tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và Raytheon, một trong hai hãng sẽ chế tạo hệ thống vũ khí cho các tàu ngầm Úc.

 Và trong một đòn thúc đẩy cuối cùng được phối hợp kỹ lưỡng, một phái đoàn lớn của chính phủ và giới lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đã đến thăm Úc cách nay một tháng để quảng bá cho những lợi ích kinh tế đến từ việc trao hợp đồng tầu ngầm cho Pháp.

Phản ứng muộn màng

Theo Reuters, cuối cùng thì Nhật Bản đã thấy là cần nỗ lực hành động.
Tokyo đã đẩy mạnh chiến dịch vào tháng 9 năm 2015. Quan chức quốc phòng cấp cao Masaki Ishikawa đã nhập cuộc để kết nối những gì cho đến lúc đó chỉ là những đề nghị rời rạc, từ các bộ khác nhau cũng như từ đại sứ Nhật Bản tại thủ đô Canberra và từ tập đoàn Mitsubishi.

Nhật Bản đã bắt đầu nói về cơ hội đầu tư và phát triển vượt ra ngoài phạm vi quốc phòng, bao gồm cả khả năng mở một nhà máy pin lithium-ion tại Úc, trong khi Mitsubishi khai trương một đơn vị tại Úc.

Trong một nỗ lực giờ chót để chiêu dụ Úc, Nhật Bản đã gửi một tàu ngầm Soryu của mình đến Sydney trong tháng Tư.
Thế nhưng, khí chiếc tàu Nhật rời cảng Úc để trở về nước, ông Turnbull loan báo là hợp đồng đã được trao cho DCNS.

Đối với Tokyo, trước mắt Nhật Bản khó có cơ may tham gia một cuộc đấu thầu quốc phòng quốc tế quan trọng khác có thể giúp Nhật Bản phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí mà ông Abe mong muốn.

 Một phương án nhiều khả năng hiện thực hơn sẽ là các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài để giúp các công ty Nhật Bản nhập vào chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự thế giới.

Theo một nguồn tin ở Tokyo, thậm chí Nhật Bản có thể tham gia chế tạo các thành phần cho tàu ngầm Pháp sẽ được cung cấp cho nước Úc.
Về phần mình, một số quan chức Nhật Bản khác vẫn muốn Úc giải thích lý do tại sao họ bị mất hợp đồng để họ có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm đau đớn và ê chề như vậy.

Switch mode views: