Nói tiếng Anh PDF Print E-mail
Tác Giả: Philato   
Thứ Hai, 07 Tháng 6 Năm 2010 10:06

“ Học tiếng Ăng-Lê thì được, cấm chỉ học tiếng Mỹ phản động nghe không”.

                                                                                                                            

            _ “ Anh kia, anh đọc tài niệu phản động gì đấy, đưa tôi xem lào”.

            Tiếng quát của Nguyễn văn Hoạt, an ninh trại giam, là một trong những tên cai tù độc ác và ngu dốt nhất của trại tù A Xuân Lộc, chuyên viên hành hạ tù nhân với bất cứ lý do gì, vừa hỏi xong là hắn đi thẳng đến chỗ anh em chúng tôi ngồi, khiến tôi bối rối không kịp nuốt miếng giấy có vài câu tiếng Anh. 

 Mỗi sáng Chủ Nhật, ba anh em tôi gồm Doãn-thiện-N., Lê-xuân-S. và tôi ra góc sân trại giam ngồi, giả bộ tắm nắng, gãi ghẻ, bắt rận nhưng thực ra là để học tiếng “Mỹ chống đói”, dùng que làm bút viết xuống mặt cát những chữ mơí học được ở một mảnh giấy gói quà tiếp tế của ai đó vô tình vất trong góc buồng giam. Nhưng với chính sách khoan hồng nhân đạo của kách-mệnh là các “cải tạo viên” sẽ được trở về xum họp với gia đình khi nào học tập tiến bộ  thì viễn tượng tôi sẽ ở tù mục xương, việc học dăm ba chữ Mỹ nào có ích gì cho tương lai! Nhưng có lợi cho hiện tại là tránh xa được giới thượng lưu họ đang “ca-cóng”, sì-sụp nấu nướng ăn uống mỗi khi đi lao động về, nhất là những ngày Chủ Nhật, cai tù thường làm bộ đi ngang kiểm soát cũng ghé vào nếm chút-chút cho biết mùi đời, còn đám “hành khất” chúng tôi ngồi gãi ghẻ ở góc sân thì nó không dám đến gần.

 Tiếng Mỹ là thứ tiếng nước ngoài bị cấm ngặt trong tù CS, nên chúng tôi giả dạng gãi ghẻ, ngồi viết lên cát rồi xóa đi ngay, cốt cho quen tay và nhớ trong đầu, ít ai để ý trừ những tên ăng-ten, và hôm nay bị bắt tại trận khi tôi đang nhìn vào mảnh giấy vụn có ít chữ Mỹ hay Anh gì đó. Nghe tên Hoạt hỏi, tôi nắm chắc sẽ bị còng và nhốt ngục tối, sẽ bị đói cơm nhưng được no đòn. Sau khi lật qua lật lại miếng giấy, hắn nạt nộ:

 _ “ Ai cho phép anh học tiếng nước ngoài? Tội cùm chân tay anh biết không?”

 _ “ Thưa ngày đầu tiên mới chuyển từ Vĩnh Quang về đây, cán bộ có dặn thật cẩn thận và chi tiết là cấm học tiếng Mỹ, chúng tôi lúc nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của cán bộ, còn đây là miếng giấy vụn có vài chữ Ăng-Lê ấy mà, vả lại loa phóng thanh của trại sáng nay cũng loan tin chính phủ ta và Ăng-Lê vừa ký một hiệp ước song phương, trong đó Ăng-Lê có bổn phận phải cung cấp cho nhà nước ta một  triệu tấn bột mì, hai ngàn con bò sữa, nhà nước ta tặng lại nữ hoàng một lũ “hầu”.

Tôi cố tình nói láí câu chuyện ra cái điều có theo dõi tin tức trên loa phóng thanh của trại để tránh bị nó hạch hỏi lôi thôi, dễ bị nhốt như chơi. Đây là kinh nghiệm của anh Nguyễn phú Trọng chuyên viên học chữ Đức đã thoát nạn nhờ mánh này, quả đúng như vậy, hắn nhìn kỹ lại mảnh giấy cho có vẻ ta cũng biết…rồi đưa lại tôi:

_ “ Học tiếng Ăng-Lê thì được, cấm chỉ học tiếng Mỹ phản động nghe không”.

Chả hiểu hắn ta có phân biệt được tiếng Ăng-Lê, tiếng Anh, tiếng Mỹ phản động khác nhau ở chỗ nào không! Nhưng với tôi thì hai chữ “Anh và Mỹ” chắc chắn là khác nhau rồi, một đằng bắt đầu bằng nguyên âm A, một đằng bằng phụ âm M.

Tuy hắn không cấm học tiếng Ăng-Lê nhưng chúng tôi cũng phải ngưng chương trình học tiếng Mỹ ngay, nó ngu nhưng chú ăng-ten của nó khôn, cái gương trước mắt còn đó, khi anh Đỗ văn Minh phát biểu trong buổi tọa-đàm “ bác Hồ là vĩ nhân” thì ai đó đã giải thích cho Hoạt rằng theo nghĩa chữ nho thì vĩ là đuôi, nhân là người , tên Minh đã cố tình dùng chữ nho để sỉ nhục lãnh tụ, dám gọi “bác” là cái đuôi của con người, thế là Minh bị nhốt trong cũi sắt nửa tháng! Nếu ăng-ten lại vẽ rồng vẽ rắn cho hắn biết là bị chúng tôi lừa, bị chúng tôi chê là ngu thì chắc chắn Hoạt sẽ phạt chúng tôi tàn khốc chi đao ngay. Nay được tự do sống trên đất Mỹ mà học tiếng Anh  thì chắc cũng không ai cấm, không ai nỡ bắt bẻ nếu tôi không hiểu giữa Mỹ và Anh có những chữ nghĩa khác nhau.

 Thực ra thì từ hồi còn bé, chúng tôi đã nói thông thạo tiếng Anh mà không biết rằng mình nói tiếng Anh. Đám trẻ tụm lại, tay nắm chặt rồi nhịp nhịp, đứa ra cái búa, đứa ra cái kéo, đám con trai khoe cái ...dùi thì mấy cô gái thường thích xòe bàn tay làm tờ giấy trắng, miệng líu lo “Oẳn Tù Tì” . Đó là nói thông thạo tiếng Anh đấy chứ ? Tuy phát âm không được chỉnh lắm của những tiếng one, two, three  khi cúng tôi học đếm số “một, hai, ba” chứ còn gì nữa.

            Khi đến tuổi cắp sách tới trường, chương trình Anh văn cho các lớp tiểu học vẫn là “oẳn tù tì” trong giờ ra chơi, khi lên trung học mới biết thêm thằng Jack con Jane trong L’anglais Vivant xít-dèm-lơ với những câu lạ tai:

Who is this? This is Jack, Jack is a boy, boy is a person.

Who is this? This is Jane, Jane is a girl, girl is a person.

Cứ thế mà học cho tới khi họ lớn lên, “Jack is a man và Jane is a woman” thì cái vốn tiếng Anh của chúng tôi cũng chưa ra khỏi cuốn “xít-dèm-lơ”. Rồi Jack tới tuổi gọi quân dịch, tình nguyện đi lính TQLC thì Jack bỏ học tiếng Anh,  chăm chỉ học nói tiếng “Em” sao cho nói thật thông thạo, êm dịu ngọt ngào với hy vọng tương lai tươi sáng nhờ vợ. Chưa thông thạo tiếng “Em” thì Jane đi lấy chồng đúng lúc cố vấn Mỹ vào giúp đồng minh, Jack bỏ học tiếng Em, bập bẹ mấy câu chửi thề tiếng Mỹ, chưa thông thì Mỹ lại bỏ đi!

 Sau 10 năm dùi mài kinh sử và búa rìu trong trường đại hộc-máu, nội quy của trại giam CS cấm học tiếng Mỹ nhưng không cấm tù học tiếng Ăng-Lê nên ngày trở về tôi cũng được “trong bụng lam nham ba lá sách”, nhớ được một mớ ngữ vựng, đem ráp nối lại thành câu để làm kế sinh nhai.

Sau khi chương trình Ô-đi-ghe thành công phát sinh chương trình ODP, thế là người người đi học, nhà nhà đi học, trăm hoa đua nở trau dồi tiếng Mỹ, “nhà nước ta” cho mở các trung tâm học tiếng Mỹ, giáo sư sinh ngữ trở lên khan hiếm, các gia-sư tự phát khắp nơi, đa số gia-sư tiếng Mỹ đều là những anh em cựu tù, cựu quân nhân, một số nguyên là cựu giáo viên trường sinh ngữ quân đội trước năm 1975, hoặc một số đã từng đi du học các khóa quân sự căn bản ở bên Mỹ, họ chạy sô kiếm chút cơm gà cá gỏi cũng dễ dàng. Anh bạn cùng đơn vị cũ là Trần-quang-Duật đang dậy ở trung tâm Lê-quý-Đôn khuyên tôi nên bỏ đạp xe, theo anh đi dậy, đỡ vất vả hơn, có học trò gọi là thầy khoái hơn là tiếng gọi: “Ê, xích-lô”.

 Tôi cũng muốn lắm nhưng nghĩ lại thấy hơi kỳ, ngày đạp xích lô, sau lưng giắt cuốn “English 900”, tối về đi học thêm lớp Anh văn đàm thoại với thầy Phát, vốn liếng chỉ có thế mà bỏ lao động chân tay đi làm thầy thì liều quá, nden6 tôi cám ơn lòng tốt của Duật mà tiếp tục làm “dân biểu”

Rồi một hôm tôi đậu xe xíc-lô tại góc đường Lê văn Duyệt và Nguyễn Du (Saigòn), nơi đây có trung tâm dịch vụ lo giấy tờ xuất cảnh, tôi thường lai vãng đến đó nghe ngóng tin tức và đón khách, trong khi chờ khách thì mở sách “English 900” học thuộc lòng dăm ba câu, một thân chủ thấy tôi đọc sách tiếng Anh bèn nhờ dịch dùm tờ LOI, gọi nôm na là thơ giới thiệu (letter of introduction), tưởng gì khó chớ thứ này thì tôi thuộc lòng vì tôi cũng đang có một tờ trong túi, LOI được coi như một lá bùa hộ mệnh của mấy anh Ho-hen. Nhờ dịch không sai còn kèm theo lời bàn “có hậu” của chương trình ODP mà tiền đạp xe được tăng gấp ba, lại còn được mời làm gia-sư cho cậu con trai 12 tuổi với thù lao khá, tôi uống thuốc liều nhận lời.

            Một thầy một trò, kèm sinh ngữ cho một bé trai 12 tuổi thì không có gì khó khăn, cứ theo phương pháp truyền khẩu, đem những câu mình đã biết, bắt chú nhỏ học thuộc lòng, không có thắc mắc, không có văn phạm văn phiếc gì lôi thôi. Kết quả “ba tháng là trông thấy liền”, học trò của tôi đã bi-bô biết chào, biết nói những câu thông dụng, dĩ nhiên là phát âm đúng giọng…Vietnamese 100%; không sao, mọi người đều thế cả, nào phải chỉ riêng mình ta đâu.

Rồi một ngày đẹp trời, cô Kim Oanh, mẹ chú nhỏ, đề nghị tôi mở thêm một lớp nữa cho cô và mấy người bạn của cô, tôi thực sự lo, thù lao thì hấp dẫn đấy, nhưng nếu lộ tẩy cái vốn nghèo nàn thì nguy hiểm quá. Sau khi khảo sát trình độ, thấy mẹ không hơn con bao nhiêu tôi nhận lời luôn, thù lao hai lớp hơn gấp nhiều lần nghề đạp xích-lô nên tôi từ chức “dân biểu”, không phải dân biểu làm cảnh mà đúng nghĩa là tay sai của dân.

 Nhớ lại khi xưa học Pháp văn với thầy Phạm văn Ba ở trường Petrus Ký,, thầy nói cái gì thuộc về đàn ông thì là giống đực, tôi thắc mắc hỏi thầy tại sao cái mà đàn ông mang vào cổ không là đực mà lại là giống cái, cái ca-vát, “la cravate”, còn thứ đàn bà cầm trong tay lại là giống đực “le sac”? Thầy rầy la tôi là đồ ngu, học ngoại ngữ là học thuộc lòng, học như con vẹt, không có hỏi tại sao.Tôi đem kinh nghiệm này vào nghề gia-sư  dạy tiếng Ăng-Lê cho mẹ con cô Oanh và bạn cô.

Tuy vẫn áp dụng phương pháp học truyền khẩu, nhưng với ngưới lớn, nhất là những người phụ nữ đẹp thì phải coi chừng, soạn bài cẩn thận, nếu có bị hỏi móc họng, hỏi ngang xương thì còn biết đường mà trả lời, tốt nhất là có sẵn một số câu tủ, nếu rủi có bị học trò hỏi khó thì “đánh trống lảng”, mang những câu tủ ra “hù”, những gia-sư chuyên nghiệp bật mí điều bí mật đó cho tôi. 

 Ngoài phương pháp truyền khẩu, bắt học thuộc lòng, tôi còn mang những bí quyết mà thầy Phát dậy tôi hôm trước, hôm sau đem áp dụng ngay, nhờ vậy học trò thuộc bài mà tôi cũng được thầy Phát khen là siêng học! Thầy đâu có biết tôi cũng đang âm thầm làm “đồng ngiệp “ với thầy.

Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, không ngờ áp dụng cách học thuộc lòng, trò nào không thuộc bắt sẽ bị phạt là viết lại bài đó 10 lần, “phương pháp Mỹ, kỷ luật Việt”, kỷ luật khó vậy mà tiếng lành đồn xa, không có tiếng dữ nên tôi lại có thêm lớp thêm trò, có thêm lớp là tôi cũng phải siêng “học” hơn, càng ngày tôi càng tiến bộ về mặt ngữ vựng. Vừa làm trò và vừa làm thầy được một thời gian thì có chương trình HO, tôi đành phải bỏ lại những cô học sinh xinh như mộng mà xách gói ra đi!

Khi tới Mỹ tôi xin theo học lớp ESL, sau bài thi trắc nghiệm để xếp lớp, tôi hãnh diện “được” xếp vào lớp có trình độ khá trong khi các bạn VN khác đều vào lớp thấp hơn. Những ngày đầu đến trường, tôi thường “vênh” mặt với các bạn đồng hương! Họ có vẻ phục tôi thật! Gặp những chữ khó, họ thường hỏi tôi thay vì hỏi thầy trong lớp, nhưng chính tôi lại đang gặp trở ngại khá lớn về đàm thoại, nói và nghe với thầy Mỹ chính cống.

            Khóa sinh trong lớp tôi đều là người Nhật và Trung Đông, sự giao tiếp, chuyện trò với giáo viên làm tôi ngạc nhiên, họ hiểu nhau dễ dàng thoải mái, nhưng riêng cá nhân tôi thì cố gắng chăm chú lắm mới hiểu lời giảng, còn thầy thì “ú-ớ” khi nghe tôi nói, rất nhiều lần tôi phải viết lên giấy câu tôi muốn hỏi. Thầy gật gù cái đầu khen tôi “do a good job” nhưng phát âm thì “tầm bậy” nên bắt tôi uốn lưỡi theo thầy. Từ đó tôi ngại nói và thẹn thùng mỗi khi tới phiên đàm thoại với đồng môn, nhờ có sẵn vốn ngữ vựng, cứ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Mỹ, tuy tôi nói cũng “lưu loát” lắm nhưng sao họ không hiểu gì cả, kể ra họ “tối dạ”thật! Tự ái dân tộc bị va chạm, tôi bỏ học ESL và đi làm, đây là nguyên nhân chính khiến cho tới ngày nay, tuy là người Mỹ nhưng không hiểu tiếng “nước tôi”, gặp nhiều khó khăn trong giao tế và công việc

Người bạn cùng đơn vị, đang làm nghề bỏ báo buổi sáng và giao Domino buổi tối hướng dẫn tôi giao pizza, làm được ba tuần thì bốn lần giao bánh trễ, khách hàng cự nự, cố gắng giải thích nhưng họ không hiểu và không thông cảm lại còn “cờm-lên” nên quản-lý cám ơn tôi với lý do không chịu “nghe lời”. Có hiểu đâu mà nghe!      

            Tìm được job mới, từ Wesminster vượt qua 4 xa lộ (22, 405, 605, 5) đến làm cho hãng laundry trên El Monte, hãng này chuyên giặt quần jean, quần áo vải thô cho vào máy, trộn với đá bọt và hóa chất, sản phẩm cho ra màu đậm lợt hoặc trắng là tùy thuộc vào thời gian máy quay và loại hóa chất, công việc nặng nhọc vô cùng, làm được vài tháng, cả ngày tiếp xúc với đá với nước và hóa chất, quần áo ướt, sinh ghẻ, tôi có ý định xin nghỉ việc. Chủ hãng là người Việt gốc Hoa rất hiền lành và tốt bụng, nhân công hầu như 100% nói tiếng Spanish, có lẽ chủ thấy tôi chịu khó, lại bập bẹ được ít tiếng Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Tàu, ít tiếng Mễ nên chủ thương tình giữ lại giao cho việc nhẹ hơn, làm “mê-kết-tinh”.

            Trình độ nghe và nói tiếng Mỹ tuy không cao hơn đầu gối, nhưng một ít tiếng Pháp còn sót lại trộn với tiếng Mỹ là tôi có thể cãi nhau bằng tiếng Mễ với đồng nghiệp nên tôi được chủ hãng ưu-ái là phải rồi! Biết nhiều thứ tiếng là có lợi thấy rõ.

            Nhiệm vụ mới chẳng nhàn hạ gì so với mức lương tối thiểu nhưng thoải mái hơn, hằng ngày tôi lái xe khắp vùng Los Angeles, từ 100 đến 150 miles để giao và nhận “mẫu hàng” từ các hãng Guess, Bongo, Guilty, Infinity v.v.. Họ giao cho một ít quần áo vải thô, đem về giặt theo mẫu, nếu đạt đúng tiêu chuẩn, các hãng trên sẽ giao hàng loạt từ mấy ngàn đến hàng chục ngàn cho laundry giặt, xem ra công việc của tôi cũng quan trọng lắm đấy chứ! Gặp những trường hợp rắc rối, cần nói và thảo luận nhiều thì tôi yêu cầu họ ghi rõ chi tiết ra giấy để tôi trình cho chủ hãng giặt của tôi để khỏi gặp trở ngại, thực ra là tôi không hiểu rõ họ nói gì nhiều nên mới vẽ chuyện bắt họ ghi ra giấy..

            Với công việc tương tự, ở các hãng khác trả lương khá hơn, tôi đã nạp đơn, sau nhiều lần phỏng vấn, có lẽ do “ông nói gà, bà nói vịt”, họ hỏi một đàng tôi trả lời một nẻo nên tôi vẫn nhận được lời “cám ơn”, đành bám trụ hãng cũ cho tới ngày hãng đóng cửa. Là người Mỹ không biết nói và nghe tiếng Mỹ thì thiệt thòi biết chừng nào! Chỉ vì trong bụng “lam nham ba lá sách” nên mài sừng cho lắm vẫn là trâu!

            Việc làm! Thất nghiệp! Hai cái lăng nhăng nó quấy ta quanh năm ngày tháng cũng chỉ vì “học đã sôi cơm, nhưng chửa chín”, học không đến đòng đến đũa, cứ tưởng mình biết nhưng thực ra mình chẳng biết gì cả, sau khi tôi tham dự một lớp học chuyên môn trong thời gian thất nghiệp mới nhận ra điều đó.

            Học với thầy Mỹ, họ bắt mình nhấn đầu nhấn đuôi khi phát âm mỏi cả lưỡi, rồi có “lai-sần”,  tôi xin được cái job ở học khu Ocean View sau nhiều lần thi viết và phỏng vấn. Vẫn là lao động chân tay, tay búa tay kìm với cái nghề “minor repair”, sửa bàn sửa ghế, thay bóng đèn, sơn phết v.v. nhưng lương cao so với khả năng những người có văn bằng “HO” và nhất là “không có gì quý hơn tự do”, việc làm và thời gian rất là “flexible”, một mình dắt theo cô Trúc (xe truck) thăm viếng các trường học trong học khu..

            Bài này không có ý nêu lên những khó khăn và kinh nghiệm đi xin việc làm trên đất tạm dung mà chỉ đưa ra những khuyết điểm cá nhân về việc học nói và nghe tiếng Mỹ. Nếu như tôi không “hợm mình” bỏ học lớp ESL mà xin xuống lớp thấp hơn để học thêm về phát âm thì đã không gặp quá nhiều khó khăn cho tới ngày nay.

            Câu nói “không thầy đố mày làm nên” quá đúng khi học tiếng Mỹ với thầy bản xứ, nghĩ lại thật xấu hổ khi xưa cũng đi dạy tiếng Anh! Không biết những người “học trò” của tôi hiện đang định cư ở Wichita như các cô Kim-Oanh, Kim-Yến, Linh-Chiêu, các cháu Trang, Hằng, Liễu (Houston) còn diễu gọi tôi là thầy “lưỡi gỗ” nữa hay không? Hy vọng các cô và các cháu không bị nhiễm bệnh phát âm sai của tôi, phát âm sai tất nhiên không ai hiểu mình và mình cũng không hiểu người bản xứ nói gì.

Sống trên đất Mỹ đã hai chục năm mà tôi vẫn như người cà-răng, đóng khố, lưng đeo gùi đi trên đường phố Saigòn! Và cho tới khi về “quê thật” cũng vẫn thế thôi, tre non còn uốn được, ai uốn được lưỡi gỗ bao giờ!

 Hãy giúp tôi làm cách nào, trong giao tiếp hằng ngày, người Mỹ hiểu rõ những gì tôi nói và tôi hiểu họ nói gì, coi TV hiểu được phần tin tức, không mơ ước cao xa để hiểu được phần đối thoại trong phim. Thật phục thấy mấy người bạn tôi vỗ tay và cười thoải mái khi nghe người Mỹ kể chuyện tiếu lâm trên Radio, hoặc coi phim diễu trên TV, bạn tôi khuyên rằng muốn đạt đến trình độ đó thì trước tiên là phải học nói sao cho nhuyễn tiếng “Gùao, Gow” môi khi muốn chứng tỏ sự ngạc nhiên, bước kế tiếp là phải biết “nhún vai” khi có ai hỏi điều gì mà mính bí-lù.  Nhún vai cho thật điệu nghệ, dù hiểu hay không hiểu thì .. một cái nhún vai bằng hai ba tiếng giải thích, người đối thoại sẽ phục mình sát đất.

Cám ơn lời khuyên vô cùng vô ích và huề vốn của chuyen viên ngôn ngữ quốc tế./.