Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Đời H.O. Của … bà

Đời H.O. Của … bà PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác Sĩ David Phạm   
Thứ Ba, 08 Tháng 6 Năm 2010 04:41

Bà rũ lớp quần áo vải xoa lượt là cất trong ngăn tủ, khoác vào người bộ bà ba bằng vải lên người. Trong cơn đói nheo nhóc của bốn đứa con, bà xoay sở đủ cách cố sống đến ngày mai.

Kính tặng ông bà ngoại Bùi Thanh Hải

 

Hôm Sài Gòn thất thủ, trời buồn rưng rưng, mây đen phủ màu tang tóc trên thành phố. Có ai nói trời đang khóc. Ông ngoại hồi đó 33 tuổi mang lon Ðại úy phi công, bà mới 29 tuổi tay dắt ba người con, bế theo cậu út đỏ hỏn chưa đầy ba tháng tuổi. Ông ngoại về căn nhà nhỏ bên kênh Thị Nghè, tháo vội bộ quân phục. Chú Tám từ ngoài đường, thò đầu vào hốt hoảng báo “Việt Cộng đến, hàng xóm người ta đang đốt hết giấy tờ, đồ đạc liên quan đến lính. Không thì chết”. Bà thổi lò lửa, ném tất cả hình ảnh, đồ quân dụng của ông vào đốt sạch. Những mặt người ngẩn ngơ, nín lặng nhìn nhau trong nỗi hoang mang u ám. Tai họa theo chân bộ đội Bắc Việt như cơn đại dịch khốc liệt lan tràn không gì kềm chế nổi. Dù chẳng ai đoán được tai họa sẽ ra sao, nhưng biết chắc những tháng ngày bất hạnh đang đến.

Chừng vài tuần sau, ông có lệnh của chính quyền mới chuẩn bị đồ ăn, quần áo đủ dùng cho một tháng đến chỗ tập trung tất cả “lính ngụy”. Hú hồn, chẳng biết họ làm gì nhưng cứ bấm bụng một tháng là gia đình ta sum vầy. Ông bớt lo; bà tháo bớt vẻ căng thẳng trên mặt chuẩn bị hành trang cho ông đủ dùng hơn một tháng. Buổi sáng hôm ấy, ông hé cánh cửa bước đi, không dám đưa tay chào. Bà bế cậu út tiễn ông, lặng lẽ nuốt vội nước mắt vào trong. Gia đình, hàng xóm chào tạm biệt: tháng sau gặp lại nhé. Rồi ông đi. Một tháng, một năm... tháng ngày trôi, sơn khê biền biệt. Bà ôm bốn đứa con nhỏ, đau khổ cắn răng chờ ông trong nhà chồng chật chội bên dòng kênh đen Thị Nghè. Những trưa hè, mái tôn thấp phà hơi nóng xuống mình mẩy rôm sải mấy đứa con. Ðòn thù của Cộng Sản đánh xuống ngày càng khốc liệt. Miền Nam thành ngục tù vĩ đại. “Sỹ quan ngụy” bị dồn vào các trại tập trung “cải tạo” mà chính quyền cấm gọi là “nhà tù”. Có lẽ trong một nhà tù bao la mang tên Việt Nam, không thể có cái gọi là “nhà tù” nữa; và danh từ “trại tập trung cải tạo” nghe mới gần nghĩa trại tập trung của Ðức Quốc Xã về độ ác ôn đê tiện. Dân miền Nam bị bóc sạch cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thân xác đói khổ, tinh thần bị khủng bố bằng chiêu “chuyên chính vô sản” tàn ác và ngu xuẩn.

Ðến năm thứ hai thì bà nghe tin ông, cũng là lúc ông bị chuyển ra trại giam Vĩnh Phúc ngoài Bắc. Bà rũ lớp quần áo vải xoa lượt là cất trong ngăn tủ, khoác vào người bộ bà ba bằng vải lên người. Trong cơn đói nheo nhóc của bốn đứa con, bà xoay sở đủ cách cố sống đến ngày mai. Bà theo người ta xếp hàng mua bán đồ nhu yếu phẩm, gạo muối “bao cấp”. Bà kéo chiếc xe gỗ nhặt nhạnh ở đâu đó, đóng bằng chính tay bà, ra ngoài đầu đường bán thuốc lá lẻ. Rồi bà bắt chước người ta chiên bánh bán, đi buôn gạo dưới miền Tây... làm đủ trò. Ơn Trời, bà rất giỏi và tháo vát; nhưng vượt trên tất cả là một tấm lòng nhân hậu, thương chồng thương con. Bà gói quà từng đợt gửi ra Bắc giúp ông bớt đói trong tù. Tưởng tượng lúc ông nuốt miếng “mắm khô quẹt” để vợ chồng nhớ nhau. Ông có biết đâu người trong tù quá kham khổ mà người ngoài đây có hơn gì. Năm 1978, toàn nước, nhất là miền Nam có nguy cơ rơi vào nạn đói lớn. Trong cơn đói khổ, bà còn bị người bà con làm vài vố lừa, cướp mất miếng cơm những đứa con. Cái đói làm người ta quên nhau là con người. Những tháng ngày lam lũ, bà bắt đầu nhuốm bệnh lao. Thuốc men làm gì có, bà chỉ thấy sao mình mệt mỏi theo tháng ngày. Sau này bệnh lao trổ nặng, suýt dìm bà ngã gục mãi mãi. Khi thuyền khổ sắp chìm thì may còn một chỗ. Bà đem cả bốn đứa con ra Phan Thiết gửi nhờ ông bà cố giữ giùm.

Ông đi tù bốn năm sau thì bà được cho đi thăm nuôi. Chuyến Bắc hành của bà khi nghe kể lại mà rùng mình như truyện liêu trai. Trời hẳn cũng đau lòng nên gửi thiên sứ đến giúp bà trên từng bước chân rướm máu. Từ Saigon bà mua vé tàu Thống Nhất đi Hà Nội. Ðợi hơn tháng trời, lúc sắp lấy được vé thì bà bị nhân viên bán vé lừa lấy mất. Có ông hàng xóm làm trong ga xe lửa Hòa Hưng giúp đòi lại vé. Xong vụ này, ông ấy bị tù giam vài ngày vì chúng ghét chuyện nghĩa hiệp. Bà nén lương thực cho chặt vào hai tay nải nặng ba chục kí lô. Mồ hôi và nước mắt của bà thấm trong từng nắm cơm, thớ thịt thăm nuôi cho ông. Sáng sớm bà quảy gánh ra ga Hòa Hưng đón tàu.

Tàu lửa xuyên Việt mang tên Thống Nhất đẹp đẽ mang người thiếu phụ Saigon đơn côi ra thăm chồng trong nhà tù ngoài vĩ tuyến. Tàu đi ngang qua ga Nam Ðịnh thì bị đám trẻ chăn bò bên đường ném đá và phân bò tới tấp. Chúng chỉ ném cho vui chứ chẳng hại ai (!)nhưng bà thấy lạ. Cuối cùng thì tàu cũng đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Từ đây, bà phải đón xe điện đến bến ga đi Vĩnh Phú. Xuống ga Vĩnh Phú chừng 10 giờ đêm, khách xuống tàu mỗi người mỗi ngả rồi mất hút trong màn đêm. Bỗng có tiếng “Cướp! cướp!” thót mình, rồi tiếng bộ đội bắn chỉ thiên đuổi cướp chạy thục mạng. Bà ngồi lại một mình bên ga vắng. Có ít tiền lận mãi trong ruột tượng bó sát người, hai tay nải suýt mất mấy lần trên tàu để bên rồi bà ngồi lên chiếc đòn gánh. Lúc này, nỗi hoàng sợ mới ập đến. Mấy tháng trước ông gửi thư chỉ đường đến trại. Ðường đi là do ông nghe lóm được bạn tù chỉ dẫn rồi viết lại: cứ đến địa danh này thì chuyển đến địa danh khác. Chẳng có một tin tức gì về lịch trình tàu xe. Giờ giữa đường khuya vắng, biết đâu mà lần. Bà lầm nhẩm đọc kinh Kính Mừng.

Bỗng có người vỗ vai bà từ phía sau, tiếng một đứa bé gái hỏi: “Cô ơi, cô làm gì mà ngồi đây? Nguy hiểm lắm!” Chẳng hiểu nó từ phía nào đi lại, bà giật mình quay lại. Màn đêm dày đặc che mặt nhau. Bà nói phải đi đến bến phà Trang. Bé gái lạ nói: “Cô theo cháu!” Bà đứng dậy, quàng gánh lên vai rồi theo đứa bé. Nó chừng 13-14 tuổi, không thấy mặt. Hai người lặng lẽ băng màn đêm vào con đường mòn độc đạo giữa đồng, không thấy cả một ánh đèn nhà xa xa. Suốt quãng đường chẳng ai nói với nhau một lời. Thỉnh thoảng dừng một chút để đổi gánh, nhưng đứa bé luôn đi sau. Bà không hề nghi ngại hoặc thắc mắc về đứa bé lạ đang đi cùng mình. Không biết nó sẽ dắt mình đi đâu trên con đường hun hút giữa đêm khuya. Không ai kêu khát hay đói. Ðến chừng ba tiếng đồng hồ sau, đứa bé gái dừng lại, chỉ tay phía trước nói: “Bến phà kìa. Cô đến đó đi”. Bà kịp thấy bến đò vắng hoe xa xa trong màn đêm. Bà quay lại muốn cám ơn và cho đứa bé ít tiền, nhưng không thấy nó đâu cả, bốn bề chỉ thấy đồng không hoang vắng. Có lẽ một thiên thần nhỏ của Chúa làm xong sứ mệnh rồi vụt bay hay một ông bụt bà tiên trong cổ tích hiền lành nào vừa đến với đời.

Tự tay bà kéo phà Trang giữa đêm. Loại phà này di chuyển bằng cách để khách bám vào sợi dây nối hai đầu sông rồi kéo cho phà đi. Bình thường ban ngày mỗi chuyến cũng phải vài người, nhưng bà đến giữa đêm nên đành làm khách độc hành. Ðến bờ bên kia trời đã tờ mờ sáng, bà chỉ kịp ngồi nghỉ và uống chút nước. Sắp tới trại của ông nhưng cuốc bộ với tay nải 30 kí-lô cũng cả một hành trình. Ðường có đoạn lên đồi xuống dốc. Ðến chỗ dốc bà buông tay nải cho lăn xuống, lúc lên thì bà kéo; giờ thì bà chỉ còn nhiêu đó sức. Mặt trời lên dần, nhưng hôm đó mát mẻ, bớt chút mệt nhọc cho bà. Ðến khúc quanh bên đường, có người đàn ông trung niên đang chăn bò. Ðây là khu vực trại cải tạo nên hẳn ông là lính VNCH đang bị tù. Ông cười rồi cất tiếng: “Cô ở trong Nam ra hả cô?” Trời, giọng Nam bộ, nghe sao mà ngọt ngào giữa đất Bắc xa lạ và hằn học. “Dạ, tui đi thăm chồng. Ông cũng ở trại này?” Hai người hỏi thăm nhau vài câu, ông đại tá (theo lời ông, đó là quân hàm cuối cùng của ông khi mất nước) chăn bò bỗng khóc như mưa. Ông cám cảnh phận mồ côi, vợ ông trong Nam đã bỏ không một lần thăm nuôi. Bà tháo tay nải lấy nắm xôi dúi vào gốc trà gần đó cho ông thấy, rồi vội chào mà đi. Một đỗi, có người bộ đội đạp xe cùng chiều đi ngang hỏi: “Cô gánh nặng không, có muốn tôi đèo hai cái bao đến trại hộ không?” Bà gửi người bộ đội “đèo” giùm hai tay nải, còn mình xách đòn gánh đi theo. Ðến cổng trại thấy anh này đã tháo hai gói đồ xuống để đó. Hôm ấy là sáng Chủ Nhật, tù nhân “cải tạo” được nghỉ lao động. Bà là người duy nhất đến thăm nuôi hôm nay.

Vào trại, bà “báo cáo” cho lính gác tên người thăm nuôi, các món thực phẩm mang đến và nghe nội qui trại. Xong bà ra bờ suối gần đó, rửa mặt. Nước suối trong mát như chưa bao giờ có được. Bà kịp thấy mặt mình loang loáng trong nước. Khuôn mặt người phụ nữ 33 tuổi lam lũ vẫn còn vương những nét xuân sắc ngày nào. Hồi nhỏ chưa kịp nhớ rõ mặt mẹ ruột, bà đã bị gửi làm con nuôi cho một gia đình danh giá gốc Huế. Bà lớn lên ở Phan Thiết, học hết tú tài đôi thì bà cương quyết đi tâm lý chiến làm thơ, làm văn cổ động các anh lính chiến tiền phương. Ðơn vị bà đóng ở Pleiku lúc ông cũng đang đóng quân tại đây. Lúc gặp bà, ông là thiếu úy phi công cao ráo, đẹp trai và cười nhiều hơn nói. Chuyện tình của họ có hàng phượng đỏ phố núi cao chứng kiến. Hai người làm lễ cưới kiểu nhà binh ngay tại đơn vị, rước dâu bằng xe Jeep, khách mời mặc đồ bay và áo dài trắng đi dự. Cha mẹ và gia đình đôi bên không đến dự được đám cưới lính trên phố núi này. Khi có con thì bà dời về nhà chồng ở khu Thị Nghè. Ông chuẩn bị thăng cấp Tá Không Quân thì mất nước. Cuộc đời riêng chưa đến một lúc hài lòng thì bước vào nỗi truân chuyên chung của dân tộc.

Bà mượn nồi niêu của trại ra làm thịt con gà đem trong Nam ra. Làm xong món bún măng gà thì ông ra. Bà giật mình ngỡ ngàng như không tin nỗi mắt mình. Bốn năm trời xa cách, ông từ một chàng đại úy Không Quân mã thượng đẹp trai, cao lớn ngày nào biến thành một cây sậy cao đến mức không thể cao hơn. Người ông gầy, da bủng, liêu xiêu theo gió. Hai người ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn gỗ, gần đó có người lính bộ đội gác. Bà bày đồ ăn ra bàn cho ông, hỏi thăm một câu phải hỏi nhưng không ý nghĩa: “Ông khỏe không?” Ông khóc, bà khóc. Ba mươi phút thăm nuôi chỉ để bắt đầu những hàng suối nước mắt. Rồi ông vào trại lại, bà ngẩn ngơ. Biết bao giờ ông mới về. Tối đó bà ngủ lại trại, những người đến thăm nuôi hôm nay mới bắt đầu vào. Họ biết nên rủ nhau đi thành đoàn cho đỡ cơ cực. Mai thứ hai, nếu có thăm nuôi thì tù được nghỉ lao động. Bà tiếc quá, vậy là mai ông vẫn phải đi lao động vác đá trong rừng.

Sáng hôm sau, bà dậy sớm kịp nhìn theo đoàn tù nhân nối nhau vào chốn rừng thiêng nước độc Vĩnh Phú. Bóng người nhỏ dần rồi khuất sau sườn núi. Bà khóc một mình trong nỗi đau quằn quại “Không biết bao giờ ông về, ông ơi!” Tác giả Chinh Phụ Ngâm xưa nhìn đoàn quân chinh phạt khuất xa mà hát thay cho lòng người chinh phụ:

Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Nay mùa chinh chiến đã qua, sầu ải lại ngất ngàn hơn trong đòn thù độc ác. Cuộc đời của hơn trăm ngàn lính VNCH bị dồn vào chốn địa ngục, kéo theo mỗi người là một gia đình tan nát, và nhiều khi là cảnh vợ góa con côi. Tàn chiến cuộc nhưng quê hương này mới bắt đầu một cuộc tang thương.

Một năm sau thì ông được thả về. Một năm sau nữa thì bà bị bắt vào tù vì “tội” bán xăng lẻ ngoài đường. Suốt một năm bà trong tù, ông mướn xích lô đạp nuôi con. Bốn đứa con vô tình nếm đủ mùi “tù mà không tội” của cha mẹ, quên mất tuổi hồn nhiên. Bà ra tù, ông vẫn đạp xích lô, con vẫn khổ nhưng có lẽ bà gồng mình thêm nữa lấy tình thương bù đắp thiếu thốn vật chất. Bệnh lao của bà phát tác, hàng ngày bà đến trạm chống lao chịu một mũi “strepto” đau xoắn mông xong mới ra đi làm kiếm cơm tiếp. Xong đợt điều trị thì bà bị điếc tai vĩnh viễn vì thuốc, rồi một đợt viêm gan hành hạ. Lúc này bà tưởng không còn Trời nào đoái đến cuộc đời và gia đình này nữa. Còn ông, sau hơn năm năm “cải tạo thành công,” cái gì ông cũng sợ. Nói đến công an là ông sợ chết điếng. Bà lại kiêm luôn vai trò người đàn ông trong gia đình. Nghĩ cũng tội.

Hết khổ này đến khổ kia. Rồi một lần nữa, khi thuyền khổ sắp chìm thì xuất hiện một cái phao. Gia đình được đi Mỹ diện H.O. Truân chuyên lắm rồi cũng đến ngày gia đình đặt chân đến Oakland, California ngày 22 tháng 2 năm 1995. Sau đó nghe theo lời người bà con xa, gia đình dọn qua miền quê Blytheville, Arkansas nghe tiếng ễnh ương kêu chiều, kiếm job tạp dịch cho qua ngày. Trong thời gian này, ông xin rửa tội theo đạo Công Giáo chung với gia đình, quây quần bên Chúa mỗi ngày Chúa Nhật. Rồi lại dọn tiếp qua Dallas, Texas sống cho đến nay. Ông giờ là một trong những con chiên ngoan đạo nhất. Cuộc sống của ông bà vẫn thuộc loại lam lũ ở đất Mỹ. Gia đình thêm dâu, rể, rồi cháu nội, cháu ngoại đầy đàn vơi bớt cho ông bà một phần tinh thần. Chúa sẽ đoái thương đến những người hiền lương và đơn sơ trong tâm hồn. Một ngày tươi sáng hơn sắp đến ông bà nhé.