Bà Thu ngồi trên cái ghế sofa trầm ngâm. Sáng nay, bà không phải ra cửa hàng như công việc của một cái máy cũ suốt bao nhiêu năm qua. Chuyện sang tiệm thật suông sẻ, chỉ hơi buồn cô con gái cằn nhằn. - Má à, sao khi không bán tiệm, rồi đòi về Việt Nam? - Má muốn về thăm làng xóm. Có khi má xin ở lại bên ấy luôn. Buồn quá, từ ngày ba con mất. - Thôi đi má ơi. Bên đó đâu còn gì cho mình thương tiếc. Má không nhớ, ba không bao giờ muốn nghe ai nhắc tới Việt Nam sao. Bà im lặng, không phải để lắng nghe con gái lầu bầu. Đầu óc bà bềnh bồng trôi ngược dòng thời gian về khoảng quá khứ, mà bà không muốn nghĩ đến. Mấy tuần trước, một người đàn ông vào mua hàng cứ nhìn cô con gái của bà với ánh mắt thật lạ. Bà linh cảm một điều gì đó, nhưng chưa kịp hỏi, thì đứa con gái của bà đã làm người ta ngượng ngùng bỏ đi. - Nhìn gì mà nhìn dữ vậy? Thảo đanh đá nhướng đôi mắt tròn, nhìn khách đầy vẻ thách thức. - Xin lỗi, có lẽ tôi lầm với một người tôi quen ở Lê Minh Xuân. Lê Minh Xuân. Cái vùng kinh tế mới nghèo nàn xa lạ, mà bà chỉ nghe qua những lần đi lao động xã hội chủ nghĩa. Mơ hồ về cuộc sống nhọc nhằn của người nông dân bất đắc dĩ. Cả mấy tuần sau, bà mong ngóng người đàn ông đó. Bà giận mình phản ứng chậm chạp, bỏ mất cơ hội thăm hỏi người đồng hương. Một lý do nào đó, khiến câu nói của người đàn ông cứ lẩn quẩn trong đầu, đến độ bà đi đến quyết định thật táo bạo. - Má phải về con à. Biết đâu… Bà bỏ lửng nửa chừng câu nói, lòng quặn lên như bị con dao bào cắt ruột. Thảo không để ý, mẹ nàng đang lẩn tránh xuống bếp lau nước mắt. Dường như, cơn xúc động đang dâng tràn, bà lẳng lặng vào phòng khoá trái cửa. Trong góc, chiếc kệ thờ nhỏ với chiếc ảnh con con. Chồng bà với nét mặt khắc khổ, người mà bạn bè cho ông là thằng ăn bám. Nhưng bà hiểu ông. Hiểu, tại sao ông thẫn thờ như kẻ mất trí, cũng như bà, không bao giờ cảm thấy bình an qua những việc bà đã làm. Bà thắp một nén nhang, lâm râm khấn vái, kiên nhẫn chờ cây nhang tàn rụi, rồi cất tấm ảnh vào đáy chiếc va li đã soạn sẵn cho chuyến đi xa về nguồn. Tần ngần, bà cầm chiếc bao bì có in xấp ảnh trắng đen của người chị. Nước mắt bà chợt giàn dụa như cơn mưa đầu mùa. … - Thu. Ôm cho chị một đứa, có bề gì, cũng ráng nuôi cháu thay chị, nha em! Người em gái xiết chặt đứa bé vào lòng, không trả lời, mà chỉ nhắm mắt cầu nguyện, khi con tàu nhỏ chết máy trên biển, ròng rã mấy ngày. Và sau đó là bão. Trong đêm tối bão bùng, chiếc thuyền con chao đảo như chiếc lá, quay cuồng với cơn bão. Ánh đèn pha lấp lánh từ một con tàu lớn đang gầm rú hú còi, chẻ sóng tiến đến. Đó là lúc con tàu bắt đầu vỡ ra từng mảnh đau đớn. Nó gãy gọn khúc giữa. Một con sóng ngầm từ dưới đáy đại dương tung lên, cắt ra hai khúc, là khúc hai chị em ngồi ôm hai đứa trẻ sinh đôi hai bên. Nó như là định mệnh, như cái vĩ tuyến 17 cắt ngang con sông Bến Hải thời 54, trên cái đất nước mà con người trốn chạy người đồng chủng của mình, từ một giáo thuyết điên cuồng nhập từ một đất nước xa lạ. Cô em gái hoảng hốt, cố gắng ngoi đầu bám vai ông anh rể, để kịp nhìn theo bà chị vừa vùng vẫy, vừa cố ôm con trong chiếc áo phao mong manh, càng lúc càng xa dần, theo từng đợt sóng vô tình. Người chồng ngơ ngác nhìn theo, hết quay về hướng ánh đèn tàu xa xa, nhìn cô em vợ đuối sức mắt lờ đờ, nhìn đứa con sặc nước thét thảm não, nhìn biển sâu đen thẫm. Có người nói: Biển ác! Cũng có người nói: Biển cưu mang con người! Đâu là đúng, sai? Bất lực. Đau khổ. Tuyệt vọng cùng cực, thấy vợ trôi càng lúc càng xa, vì lực hút của cánh quạt con tàu tới càng gần. Ông chồng nhắm mắt thu hết sức lực nâng đứa bé lên cao. Văng vẳng tiếng la cầu cứu của đàn bà, trẻ con như đang thi đua gào với gió. … Từ sáng tinh mơ, người trong trại không còn lạ gì cảnh những kẻ lang thang dọc bờ biển, nhìn về cõi xa xăm. Người ta đi tìm lại những mất mát dọc đường. Chiều sẫm xuống, người ta ngồi đó thẫn thờ hy vọng trông mong một phép lạ hiếm hoi. Thời gian đôi khi xoa dịu dần nỗi đau của con người. Nhưng cũng có những kẻ không bao giờ thoát được nỗi ám ảnh kinh hoàng đó và mãi mãi thành cái xác không hồn. Bà Thu thay mặt chị, lo cho ông anh rể với nỗi thương cảm của người cùng chia xẻ chút may mắn. Đứa bé gọi bà là mẹ. Gọi người đàn ông trung niên lúc tỉnh, lúc điên là bố và họ đã sống như vậy, suốt hai mươi năm như một gia đình hạnh phúc. -Từ một đêm, ông ôm chầm lấy bà, gọi thì thầm tên người chị, đến những chiều tay, trong tay âu yếm nhìn cô bé con tung tăng chạy nhảy trong công viên. Bà không hiểu đó là tình yêu hay chỉ là thứ đòi hỏi thường tình của nhục dục. Bà chỉ biết mình đã phạm một lỗi lầm, không thể dung thứ trong luân lý Á đông. Thứ mặc cảm tội lỗi, đẩy bà dần dần vào một góc vắng cách biệt với mọi người, mà bà nghĩ: bà sẽ chôn vùi đời bà nơi ấy. Đôi khi, gặp người làng xóm thân quen, bà vồn vã thăm hỏi, để rồi càng lúc, càng tin tưởng vào ván bài tạo hoá sắp đặt. Ra đi, mất nhà, mất chị, mất cháu, làm vợ hờ, làm mẹ bất đắc dĩ. Phải chăng đó là sự đánh đổi mà bà phải chấp nhận cho cái giá tự do… * Qua khung cửa kính máy bay hình bầu dục, quê hương thân yêu hiện rõ với những thửa ruộng vuông vắn xanh màu mạ non, những mái nhà cao thấp chen chúc. Bà trở lại nơi chốn cũ, để diện kiến người chủ nhà xa lạ, một thứ công nhân viên chức nhà nước được chính phủ gả bán căn nhà mồ hôi nước mắt của chị bà cho họ. Người chủ mới lưỡng lự nhìn tấm ảnh đen trắng rồi lắc đầu, không hiểu vì sợ bà đòi nhà hay thực sự không biết người trong hình là ai, ở đâu, lưu lạc chốn nào? Tự dưng bà chợt nghĩ đến lời người đàn ông, bà tìm lên vùng Lê Minh Xuân, mãi mới đến được căn nhà như thứ chòi trâu do người này chỉ, người kia mách, để đổi lấy vài chục ngàn bạc. … Chị bà như nắm da bọc xương, ngồi bất động trên chiếc giường đan bằng phên nứa. Dưới sàn nhày nhụa vết bẩn đóng dày thành bựa, hôi lợm giọng. Bà ôm chầm lấy chị. Chị bà, từ khoé mắt lõm sâu, những giọt lệ chảy dài trên gương mặt không còn biểu lộ chút tình cảm. - Thảo ơi, đây mới là mẹ ruột của con. Thảo cũng khóc theo bản chất mềm yếu của người phụ nữ. Nàng chợt hiểu tại sao Mẹ nàng nhất định đòi về cho bằng được, dù nàng thấy Việt Nam hoàn toàn xa lạ. Con kinh trơn trượt lầy lội, khiến nàng cằn nhằn suốt dọc đường bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Mọi chuyện ngỡ ngàng quá, đến độ Thảo chỉ còn biết im lặng ngồi yên, nhìn hai người đàn bà. Cả hai đều là mẹ, một mẹ sinh thành, một mẹ nuôi dưỡng. - Chị tha thứ cho em. Em ngỡ chị và cháu mất từ đêm thuyền đắm. Người đàn bà bại liệt nhặm nhặm đôi mắt kèm nhèm, đôi kính lão gọng nhựa thô kệch càng làm tăng thêm vẻ già nua của bà, dù bà chẳng hơn em mấy tuổi. Từ khoảng ký ức mịt mờ, loáng thoáng cái đêm sóng ném bà lên ghềnh đá. Bà cố lết theo chiếc giỏ con có cô bé ngất lịm từ lúc nào. Khoảng cách chỉ đôi ba thước, mà bà không cách chi vươn tới. Lúc bà hoàn toàn tỉnh táo, bà biết đôi chân đã hoàn toàn vô dụng, miệng bà đớ ra không thốt thành tiếng. Bọn công an lục tung chiếc rổ mây lót áo quần cũ ướt sũng, tìm vàng, chẳng thèm đếm xỉa đến cô bé chưa tròn tuổi. Người ta lấy sạch sẽ chút tài sản còn lại, rồi đuổi bà đi. Hai mẹ con bỗng trở thành ăn mày, vất va vất vưỡng không nhà không cửa. Con Thương lớn lên trên vỉa hè xã hội, nên chỉ có một thứ nghề không vốn nuôi mẹ từ năm mười mấy nó cũng chẳng buồn nhớ. Rồi người ta làm đẹp thành phố, bài trừ thứ đĩ điếm mạt hạng như nó, để mở đường trải thảm đón Việt kiều. Mẹ nó chỉ ú ớ, nên nó chẳng bao giờ biết: đáng lẽ nó cũng là một trong những núm ruột ngàn dặm như chùm khế ngọt, đang được mời đi trên tấm thảm ấy. Hàng xóm thấy nó đi đêm, đi ngày bỏ mặc bà mẹ tàn tật với mớ gạo củi, nên trách nó bất hiếu. Nhưng xét ra thì nó còn hơn nhiều người cùng tuổi, cùng mớ học vấn rỗng không như nó. Tình cảm của kẻ bần cùng chẳng khi nào êm ấm nhỏ nhẹ như tranh vẽ của những gia đình phong lưu. - Còn đây là Thương, chị song sanh với con. Thảo ấp úng chào chị. Ánh mắt nàng tràn vẻ xót xa nhìn chị mình, trong bộ quần áo hở hang đĩ thõa. Thương cũng nhìn em đầy vẻ mặc cảm. Trong thoáng chốc ngỡ ngàng, Thương im lặng lắng nghe dì Thu kể sơ chuyện cũ. - Dì có nhắn tin tìm, gửi thư về địa chỉ cũ mà không thấy hồi âm và cũng không còn ai biết tin tức gì hết. Thực sự, thì dì cũng không chắc mẹ con và con còn sống. Những năm tháng dạn dày lăn lộn ngoài đời, đã khiến tình cảm của Thương chai đá, nàng chỉ còn nhìn thấy bộ quần áo sang trọng ở Thảo. Số tiền hậu hỹ của người nước ngoài là cơ hội ngàn vàng để có chỗ bám víu tài chánh. Cả tuần liền, Thương chỉ than thở từ chuyện thiếu thốn này, đến chỗ hụt hẫng kia không ngoài mục đích vòi tiền dì Thu. - Chị Thương kỳ quá má à. Chị có vẻ vật chất, tiền bạc trên hết. - Con đừng nghĩ vậy. Tại chị con khổ quá, nên thèm khát đủ thứ. - Con không nói chị lợi dụng, nhưng lúc này mà chỉ cứ lo sắm sửa những thứ gì đâu, trong khi cái đáng lo là tìm cách dọn về Sài Gòn, chứ cứ ở đây con ớn con đỉa quá má ơi. Bà Thu cười nét mặt khoan dung. Bà hiểu Thảo quen sống từ bé nơi xứ người nên chỉ sợ những điều ngớ ngẩn, còn Thương thì thiếu thốn mọi mặt nên thèm muốn từ cái áo đến đôi giày. Là người buôn bán, bà dư giả và thừa khôn ngoan để xắp xếp công chuyện. Điều bà cảm thấy áy náy là làm sao để bà có thể lo cho chị, cho cháu sau khi bà quay về Mỹ. Đầu óc bà phác hoạ thật nhanh những kế hoạch táo bạo. Bà ngắm nhìn Thương, cô gái đen đúa thứ bụi trần tục hôm qua, bây giờ có chút son phấn trông đẹp thanh thoát không khác gì cô em sinh đôi là mấy. - Thằng Trung nó thương con, phải không Thảo? - Hình như vậy đó má, nhưng con chỉ mến ảnh thôi. Con thương người khác má biết rồi mà. - Mẹ tính gả con Thương cho nó, con nghĩ sao? - Ý trời đất ơi. Anh Trung ảnh không về Việt Nam đâu má. - Không. Mẹ sẽ lo cho con Thương sang Mỹ, quen thằng Trung. Mình tạm dọn về thành phố, con sẽ quen hơn, không sợ con đỉa hay ếch nhái kêu đêm nữa. Ở đỡ với má vài tháng và cũng là dịp cho con trả ơn hầu hạ mẹ ruột con. - Dạ, hôm qua mẹ con nhìn tấm ảnh của Ba, ú ớ cái gì đó con không biết. - Con lựa lời mà nói cho chị con biết, dấu, đừng cho mẹ con hay chuyện ba con mất rồi. * - Thảo, Thảo. Đứa con gái ngơ ngác, nhìn về hướng người gọi, rồi ấp úng. - Dạ, chào anh… Trung! - Làm gì mà như mất hồn vậy Thảo, Việt Nam có gì vui lạ lắm sao? - Dạ, khác nhiều lắm anh. - Trời ơi. Thảo hôm nay lịch sự quá đi. À, mà về quê có hơn tháng sao em nói tiếng Việt sành sỏi quá. Chắc nhờ ăn nước mắm hả? - Dạ. - Trời. Em mà ngoan và dễ thương kiểu này chắc anh chết mất thôi Thảo ạ! Đứa con gái đỏ mặt cúi đầu, mân mê tà áo. - Bộ bên đó không có thuốc nhuộm tóc sao Thảo. Ừ, mà thôi đi. Anh thấy Thảo để tóc dài đen đẹp hơn kiểu nhuộm quăn quăn, vàng vàng giống như cháy nắng. Trung lăng xăng đỡ chiếc túi xách đi ra chỗ lấy hành lý. Vừa đi vừa tủm tỉm. - Chắc anh phải viết một bài khuyên mấy cô bên đây về Việt Nam một chuyến. - Chi vậy anh? - Để hiền thục giống con gái Việt Nam, chứ làm chi. Bên đây ăn french fried hèn chi giống bạch quỷ! Cô gái chỉ mỉm cười. - Đó, thấy không! Hồi trước mà anh nói như vậy, chắc em nhảy dựng vào họng anh rồi. Thảo vẫn cười tủm tỉm, riu ríu theo chân Trung. - Anh Trung. Em không phải là Thảo! Trung sững nhìn Thảo, từ đầu đến chân. - Em nói gì vậy, Thảo? - Em là Thương. Chị em sinh đôi với Thảo. Trung không kềm được kinh ngạc, quay lại nhìn lần nữa. Thái độ chợt lúng túng không còn vẻ tự nhiên như trước. - Tôi… Tôi xin lỗi. Trung đứng khựng lại, không biết phải làm gì lúc này. - Anh đưa Thương về nhà Thảo. À, Thảo gửi cho anh cái thư này. Trung vội vàng xé thư, vừa đọc vừa liếc nhìn Thương. Quả thực hai người giống nhau như hai giọt nước. - Về nhà nói chuyện đi Thương. Ở đây không tiện. Xa lộ thăm thẳm, Trung im lặng lái xe, trong khi Thương tò mò nhìn cảnh vật chung quanh không chớp mắt. Cái gì cũng xa lạ làm Thương bỡ ngỡ. Nàng nhìn xuống chân khẽ nói. - Thảo nói: nhờ anh Trung giúp Thương một tháng, rồi Thương về. - Nhờ một tháng thôi hở? - Dạ, rồi Thảo qua lại đây. - Thương không biết, Thảo nói gì trong thư? - Dạ không. Trung nhìn lại gương mặt trái xoan, nước da xậm màu và đôi mắt thoáng vẻ băn khoăn pha nét buồn rười rượi. Anh nghĩ đến Thảo hay đến Thương, chính anh cũng không phân biệt được nữa. Hồi gia đình Thảo mới qua, dọn về chúng cư, anh là người hàng xóm gần gũi và cũng là người đồng hương duy nhất cùng dãy. Trung quen Thảo, cô bé có đôi mắt tròn to đen láy, liến thoắng nhí nhảnh, lúc nào cũng cười và ngồ ngộ như mái tóc nhuộm chút màu vàng óng. Quen thân rồi, Trung cảm thấy Thảo chỉ coi Trung như một người anh không hơn không kém. Nhưng Trung không cần, Trung thương Thảo bao nhiêu lại càng chiều chuộng cô bé bấy nhiêu, đến độ quỵ lụy ra mặt. Những đưa đón chăm sóc của Trung không làm Thảo thay đổi. Thảo có tình ý với anh chàng sinh viên chung trường. Dù Thảo thừa biết: Đạt lăng nhăng không ra gì. … - Anh Trung ơi! - Gì đó em? - Em không muốn về. - Sao em than ở bên đây chán, mà lại không muốn về? - Ừa, bên đây chán quá. Không có bạn bè, không ai nói chuyện! - Có anh rồi, còn gì! - Có anh? Cả ngày anh đi làm. Thương xụ mặt giận dỗi. - Thôi nhỏ ạ. Đừng buồn như vậy. Từ từ, rồi dì Thu bảo lãnh em qua. Lúc đó sẽ khác, chứ bây giờ anh không thể đưa em đi gặp người này người kia. Chuyện này mà đổ bể ra đi tù đó nhỏ. - Hứ. Anh chỉ được cái doạ nạt. Làm như em ngán lắm. Trung im lặng. Gần một tháng gần gũi với Thương, anh không cảm thấy chút tình cảm nào nẩy nở, như đối với Thảo. Thương có vẻ đẹp thuỳ mị bên ngoài, nhưng tâm hồn nàng là dòng nước thác loạn, buông thả, lả lơi. Từng lời nói, từng hành động của Thương, đều có vẻ hàm chứa một sự tính toán khác hẳn với Thảo. Thương thường đứng cạnh Trung, xô đẩy đụng chạm tưởng như vô tình, nhưng Trung thừa hiểu: Thương muốn gì, tính gì. Anh có vẻ bất mãn vì cách xử sự của Thương, nhưng giữ im lặng. - Em cần mua sắm gì nữa không Thương, anh đưa em đi. - Em chỉ cần một thứ thôi, mà sắm chưa nổi. - Cứ nói đi, nếu không quá sức, anh sẽ mua tặng em. - Anh không mua nổi đâu, vì thứ này… Thương bỏ lửng câu nói, liếc mắt nhìn Trung. - Hay là cuối tuần này, anh đưa em đi party một lần đi cho biết - Không phải là anh cấm hay không muốn, nhưng trường hợp của em khác nhỏ ạ. Đi chỗ đông người, rủi ai trông thấy sẽ có chuyện không hay. Nếu em thích, anh tổ chức một buổi tiệc ở nhà và chỉ mời bạn bè anh tin cẩn cho em vui. - Vậy cũng được! Buổi tiệc không như Thương mong muốn, không có những người đàn ông xúm vào tán tụng vẻ đẹp kiêu sa của Thương như nàng nghĩ, dù nàng đã chọn bộ dạ phục thật lộng lẫy trong tủ áo của Thảo. Cũng chẳng ai hỏi han về Thương. Ngay cả những người đàn bà cũng không có vẻ tò mò thuần túy như lẽ thường tình. Nàng chợt hiểu: có một sự sắp đặt nào đó từ Trung, khiến nàng bực dọc vô cùng. Hôm nay Thương dậy sớm, dọn dẹp xong xuôi, nàng ngồi chờ Trung đến. Phin cà phê đã bày sẵn chỉ chờ thêm nước sôi. Còn một tuần nữa thôi, nàng sẽ rời nơi đây để trở lại chốn xưa, trở lại với cuộc sống nhọc nhằn. Tự nhiên nàng thấy khó chịu. Tại sao Trung có vẻ lạnh lùng với nàng. Nhìn đồng hồ, nhìn ra khung cửa sổ, chủ nhật đường vắng tanh dù đã hơn 10 giờ sáng. Không thể như vậy được. Bằng mọi cách, Thương phải ở lại. Hy vọng lấy Trung như Thảo nói, có lẽ không thành. Nàng loay hoay đứng lên ngồi xuống, lúng túng một cách kỳ lạ. Trở lại Việt Nam rồi sao nữa? Chờ ngày dì Thu bảo lãnh sang? Dì có bảo lãnh? Còn vô vọng hơn mò kim đáy biển. Hay lại tiếp tục cuộc đời một cô gái bia ôm, bám víu mong manh vào một anh chàng kiều bào nào đó, để thoát cảnh tăm tối nhọc nhằn trên một quê hương mà sự đồi bại chính là nếp sống đã thành hình từ lâu. Nghĩ đến đây, Thương thở dài chán nản. Thoáng tuyệt vọng bỗng vụt tan biến bằng thứ bản năng sinh tồn của người con gái trải qua nhiều sương gió. Thương xăm xăm vào buồng, đứng trước chiếc tủ gương ngắm nghía chính mình. Nàng cảm thấy tự hào về nét đẹp ngây thơ, nét đẹp mà bọn đàn ông dư tiền, địa vị cao, tham nhũng… vô lượng thọ Phật, thường đoán: Thương là Sinh viên! Nàng cởi bớt thêm chiếc khuy áo trước, uốn nắn lớp vải cho khoảng ngực trễ rộng hơn. Hai tay đưa lên đôi vú căng cứng, Thương vò mãi, vò mãi, như nhớ những đôi tay đàn ông thiếu xót không lâu. - Hừm, thử xem anh Trung có phải là thánh không? Thương nở nụ cười, khẽ trề làn môi pha chút son hồng, giấu giếm những toan tính của cuộc đời, trong xã hội vụn vặt nhớp nhúa mà nàng đang cố ngoi lên từ vũng bùn. Thương nghiêng nghiêng đầu cho mái tóc đen nhánh loà xòa theo làn gió nhẹ, rồi hớn hở chạy ra ngoài nhấc chiếc phone đang reo tiếng thứ hai. - Anh Trung, em chờ anh từ sáng đến giờ nè. - Vậy mà Đạt tưởng Thảo chờ Đạt. Đúng là con gái đẹp ai cũng vô tình. Thương khựng lại, nhíu mày thì thầm… Đạt? Nàng có nghe loáng thoáng về người bạn học của Thảo. Trong đầu nàng chợt nảy sinh ý định gặp người thanh niên này. - Anh Đạt ơi. Thảo muốn nhờ anh một việc được không? - Việc gì nữa, hôm nay mà chưa thấy Thảo đến ghi danh. Bộ Thảo tính học khoá khác giờ sao? Thương ngẩn người. Nàng có biết chuyện học hành ra sao? Trong ánh mắt của nàng, thế giới của những Sinh viên đại học là một thế giới xa lạ, cao sang không trong tầm tay với của nàng. Vậy mà bây giờ cánh cổng đó đang mở rộng trước mắt. - Dạ, em còn đang đắn đo chưa quyết định. Anh đưa em vào trường nha anh. - Trời ạ. Hôm nay Thảo dám xưng anh, em ngọt xớt. Bộ định dụ khị Đạt hả? Thôi lo thay đồ đi, Đạt tạt ngang liền bây giờ. Thương ùa vào khi chiếc xe vừa ngừng lại. Trong khi Đạt trợn tròn mắt, nhìn nàng. - Có mấy tháng hè, mà Thảo thay đổi nhiều quá. Nhưng mà… - Nhưng mà gì hở anh? - Đến trường… Thảo mặc như vầy đám con trai bỏ học hết! - Mặc như vầy thì sao? Đạt ngập ngừng. - Hay thôi, đi ăn sáng Thảo. Mai, Đạt đưa Thảo đến trường cũng được. Đạt thật vui tính, cởi mở, chứ không kiêu kỳ phách lối như Thương thường nghĩ về những người trí thức. Thái độ mềm mỏng chiều chuộng của Đạt, khiến nàng thoáng bâng khuâng. Không hiểu Đạt sẽ phản ứng ra sao, khi biết Thương và Thảo là hai người hoàn toàn trái ngược? Thương thừa hiểu trình độ của nàng đã khiến đàn ông thất vọng. Thương chỉ còn sắc đẹp, một thứ khí giới mà nàng đã sử dụng thuần thục với hy vọng buộc chân những kẻ háo sắc. - Làm gì mà anh nhìn dữ vậy? - Ủa, mặc đẹp vì muốn người ta nhìn. Đạt nhìn lại càm ràm là sao chứ? - Nhưng anh nhìn… Thương liếc mắt cười lẳng lơ. Chiếc ghế rời ngăn giữa tưởng như biến mất. Và chiếc xe không còn biết phương hướng. Buổi ăn sáng không ở nơi phố tàu quen thuộc! … Trung bồn chồn lo lắng. Thương đi đâu từ sáng đến giờ không nói gì cả. Anh loay hoay nhấc điện thoại. Nhìn hàng số mà chẳng biết gọi ai. Dì Thu, Thảo , cảnh sát… Đầu óc Trung quay cuồng với hàng ngàn suy nghĩ. Hôm qua Thương trang điểm đẹp quá, khiến Trung suýt bật tiếng trầm trồ. Cả đêm anh trằn trọc không ngủ. Hình ảnh Thảo nhí nhảnh nhưng đài các. Còn Thương tuy có vẻ hiền thục, nhưng sắc xảo đến lẳng lơ. Một người liến thoắng tế nhị, một người hời hợt nông cạn. Nhưng cả hai đều có dáng dấp của một nàng tiên nữ mà đàn ông mơ ước. Thời gian nặng nề trôi, ngoài trời tối dần và Trung thiếp đi trên ghế sa lông. - Anh Trung, em xin lỗi đã làm anh chờ. - Không sao đâu em, nhưng em đi đâu không nói cho anh một tiếng, hay để lại vài chữ cho anh hay? - Em đi chơi với anh Đạt. Trung khẽ giật mình. - Làm gì mà anh có vẻ lo âu vậy? - Thương, sao em quen Đạt. Em biết Đạt là bạn thân của Thảo không? - Biết chứ. Nhưng không phải là anh yêu Thảo sao? Đáng lẽ anh phải cám ơn em, nếu em và Đạt thương nhau. - Không được đâu Thương. Đạt đã biết em là chị của Thảo chưa? - Chưa. Nhưng em sẽ cho Đạt biết, khi Đạt không thể xa em được nữa! - Thương. Anh có chuyện này muốn nói với em hôm nay. Không phải vì chuyện em đi chơi với Đạt, mà anh đã suy nghĩ kỹ cả tuần nay rồi. Anh định thứ hai đi làm giấy hôn thú. Sau đó, anh sẽ làm bảo lãnh cho em qua sớm. Vì vậy, em không cần quen với Đạt. - Không. Em không cần anh thương hại. Em yêu Đạt! - Yêu? Làm sao mà yêu, mới gặp nhau, biết gì nhau mà yêu với thương. Em không cần phải đóng kịch như vậy. Trung hơi gằn giọng - Em không thể tin dì Thu. Họ đã bỏ em bao nhiêu năm khổ cực. Em phải tự tìm cách lo cho em. - Không được. Tuần tới em phải đi với anh, trở về Việt Nam. Thảo cần giấy tờ qua lại đây. Sắp đến ngày nhập học rồi, em biết không? Thương bưng mặt khóc. - Ai cũng Thảo, Thảo. Thảo được hưởng quá đủ rồi. Bây giờ tới phiên em! Trung lúng túng, ôm Thương, áp mái tóc nàng vào vai. - Thương, đừng khóc nữa em. Anh hiểu. Nhưng chuyện gì cũng từ từ tính toán. Anh sẽ lo cho em qua bên đây. Còn chuyện gia đình, em sẽ còn nhiều cơ hội để gặp người đem lại hạnh phúc cho em. Thương nức nở. - Anh không biết gì hết. Anh không thương em. Không có người đàn ông nào sẽ thương em, nếu họ biết quá khứ của em. Em thất học, đâu có nhiều cơ hội như Thảo. Sao anh không hiểu cho em? Căn phòng bỗng nặng nề ngột ngạt. Tiếng thút thít của Thương càng lúc càng to. Nàng khóc vùi như đứa trẻ con vòi vĩnh, càng làm Trung luống cuống. - Anh về đây nhỏ. Đừng buồn nữa. Làm giấy tờ xong, anh sẽ mua vé cùng đi với em. - Chứ không phải anh muốn gặp Thảo, hay anh sợ em bỏ trốn? Anh về đi, em không cần anh. Cả tuần, Thảo đi biền biệt thật khuya. Trung chỉ còn biết chờ đợi mỗi ngày, lắng nghe tiếng xe đưa Thương về mỗi đêm. Dìu nàng vào phòng trong cơn say nồng men rượu. - Em hư quá, Thương ơi! - Kệ em, đâu có ai thèm để ý đến. Nhưng anh yên tâm đi. Cuối tuần này, em sẽ về Việt Nam. Em không trốn đi đâu, mà lo. Thương cười lơi lả. Đôi môi hồng, bĩu lại với vẻ mỉa mai hờn trách. Nàng lảm nhảm trong cơn say. - Em đã mang giọt máu của Đạt. Em không cần anh nữa đâu, anh Trung. Đạt sẽ bảo lãnh cho em. Đạt sẽ cứu em ra khỏi vũng lầy. Chỉ có Đạt thương em, không đếm xỉa đến thân phận hèn mọn của em. Trung chết lặng. Ngoài sân, vài chiếc lá vàng bay lơ lửng bám vào khung kính cửa sổ. … Phi trường nhộn nhịp ồn ào kẻ đưa đón. Nhưng có điều gì đó thật khó hiểu trong khung cảnh tiếp rước. Bà Thu lom khom chậm mồ hôi cho người chị đang ngồi trên chiếc xe lăn. Còn Thảo giang tay, chạy lại ôm chầm lấy chị. Trung nhìn mọi sự việc với nét mặt ngượng ngạo. Giống như, lần Trung cầm tay Thương trên máy bay. … - Em suy nghĩ kỹ chưa? Đã nói cho Đạt biết chuyện em có mang thai, chưa Thương? - Dạ chưa, em nghĩ: Đạt sẽ không thương em đâu. Em chỉ hy vọng chuyện có con sẽ khiến Đạt bảo lãnh em. - Em tính toán dại quá, Thương ơi. Cũng lỗi tại anh, không chăm sóc em chu đáo. Khi cơn say lắng dịu, khi cảm xúc nông nổi qua đi .Thương trở lại với bản chất của người đàn bà trong dòng họ gia phong. Hoàn cảnh có làm cho Thương thay đổi. - Em hối hận quá, anh Trung ơi! - Chuyện qua rồi. Nếu Đạt không bảo lãnh, em tính sao? Thương xiết chặt bàn tay Trung, nhìn bâng quơ qua khung cửa nhỏ, dấu hai giọt lệ đang từ từ lăn trên má. - Em yêu Đạt, hở Thương? - Không, em không nghĩ: em thương Đạt. Em thương em, thương Thảo. Em sẽ nói sao với Thảo, hở Trung? - Em sẽ phải nói thật, Thương ạ. - Anh giận em lắm phải không? - Không. Anh giận anh! … Chiếc xe chở mọi người từ phi trường về nhà trên con đường nắng hừng hưc nóng. Cửa sổ mở toan, gió lùa vào ào ạt, nhưng nóng vẫn hoàn nóng và chỉ làm tăng thêm sự ồn ào của một thành phố đang thay đổi hỗn loạn. Trung nhìn quang cảnh chung quanh. Với Trung cũng xa lạ, như ngày Trung đưa Thương về nhà lần đầu tiên. … Trí óc Trung lùng bùng, nghĩ đến câu chuyện giữa Trung và Đạt mấy hôm trước. - Đạt biết Thương, không phải là Thảo, phải không? - Biết chứ anh Trung. Cô ấy giấu giếm loanh quanh, nhưng chỉ chừng mười lăm phút là em biết không phải Thảo. Hơn nữa, em còn biết cô ấy bán bia ôm ở Việt Nam mới sang. - Đạt biết đó là chị của Thảo. Đạt biết Thảo có thiện cảm với em nhiều. Tại sao, em lại đưa Thương đi chơi đêm những chỗ không đàng hoàng như vậy? - Đâu phải em đưa đi. Cô ấy chỉ nhờ em đưa đến trường, rồi đi theo mấy người nào em đâu biết. Trung chưng hửng, nhìn Đạt. - Vậy chuyện Thương có bầu là sao? - Trời ơi. Em làm sao biết được! Cô ấy lẳng lơ với hết người này đến người kia. Lần cuối cùng em phải nói thẳng với cô ấy, đừng gọi em đưa đón nữa. Em không thích làm tài xế cho thứ người như cô ta. - Đạt nỡ nói nặng với Thương như vậy sao? - Còn hơn cứ phải nhìn cô ấy, bị người ta lợi dụng. - Anh có câu hỏi cuối cùng với Đạt. Hãy trả lời anh thành thật, coi anh như anh của Thảo, được không? - Anh Trung cứ hỏi, em không giấu anh Trung điều gì. Anh biết tính em mà. Em bay bướm, nhưng em có giới hạn của em. - Ừ, anh cũng thấy vậy. Đạt có thương Thảo không? - Em biết Thảo thích em. Nhưng em chỉ coi Thảo như bạn. Nếu anh thấy em làm gì không đúng, từ nay về sau, em sẽ tránh không gặp Thảo nữa. - Không. Anh không có ý như vậy. Anh chỉ muốn biết để khuyên Thảo thôi… …. Trung đeo đôi kính mát lên che giấu vẻ mỏi mệt chán nản. Quyết định này, sẽ đưa tương lai Trung đến đâu? Chính anh cũng không tìm thấy câu trả lời. Nhưng cuộc đời đứa bé trong bụng Thương, chắc chắn sẽ vô cùng khốn nạn nếu nó không có cha. “Chỉ để khuyên Thảo thôi”. Trung lầm bầm một mình, như để khuyên bảo chính Trung. Anh vụt đứng dậy, loạng choạng bám giữ thành xe, lom khom qua hàng ghế nhẹ nhàng ngồi cạnh Thương. Thảo ngây thơ, nháy mắt nhìn Trung và Thương, trong khi Thương cúi đầu, len lén nhìn xuống đôi giày vừa bám chút bụi đất Sài Gòn bằng ánh mắt đầy mặc cảm… * Bàn tay Trung, khẽ nắm chặt lấy bàn tay Thương, xiết mạnh. Trung nói nhỏ vào tai Thương: - Về Quê hương, anh mới biết: Anh yêu em, Thương ơi. Ngàn lần, ngàn lần… anh yêu em!!! Vancouver, 01/06/2010
|