Chuyện Bà Vợ và Tôi |
Tác Giả: Trương Tấn Thành | |||
Thứ Bảy, 05 Tháng 6 Năm 2010 08:11 | |||
Sau khi vợ tôi check in vào cổng thì ngay giờ phút đó tôi trờ thành người độc thân... tại chỗ. Tác giả là dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Bài của ông là một chuỗi chuyện nhà. 1. Khi Vợ Vắng Nhà Hồi thứ Tư đầu tháng này vợ tôi về Việt Nam làm lễ xả tang cho mẹ. Tôi không đi vì bận việc làm và cũng không muốn về để phải thấy những bản mặt đầy nanh vuốt đó. Hôm đó là ngày tôi xuống ca nên tôi đưa vợ tôi lên phi trường. Thật sự vợ tôi cũng không muốn về nhưng đám xả tang là điều hệ trọng nên không thể nào không được. Sau khi vợ tôi check in vào cổng thì ngay giờ phút đó tôi trờ thành người độc thân... tại chỗ. Trở về tới nhà lúc hơn chín giờ tối tôi thấy có sự trống vắng liền. Cũng may là tôi đã chuẩn bị tinh thần và may mắn là tôi mới vừa mua garage sale được một cặp phim DVD đầy ấp những phim hay để giải buồn những đêm đầy trống vắng. Trước khi đi nàng đã chuẩn bị nấu sẵn thức ăn và bỏ vào tủ đông lạnh cho tôi, dọn dẹp, lau nhà cửa vì biết tính tôi không được... kỷ lưỡng lắm! Vì lẽ đó mà tôi có "niềm vui lớn" khi vợ vắng nhà. Xin được nói cho rõ ra niềm vui đó là tôi được cơ hội bày xả ra sao tùy ý. Chẳng hạn như khu bếp tôi đem mấy chai nước tương, nước mắm ra để sẵn để nem nếm mà không phải dẹp vào ngăn như khi vợ còn ở nhà. Sau đó là nồi niêu xoong chảo nấu xong tráng nước nóng cho sạch rồi cũng để ra đó không cần phải dẹp. Thật là tiện ơi là tiện. Giờ đây cũng là dịp mà "cái nồi tam cá nguyệt" được dịp tung hoành. Cái nồi tam cá nguyệt mà tôi nói ở đây là cái nồi nấu ba tháng không cần phải nhắc xuống rửa, chỉ cần châm thức ăn vào rồi nấu tiếp. Đó là loại nồi tôi nấu ăn hồi tôi còn đi học. Lần này thì nó sẽ ngồi trên bếp cho tới khi vợ tôi về. Cứ mỗi lần ăn xong gà hay thịt bò thì tôi lại thêm thịt mới vào, đổ nước, nêm nước mắm gia vị vào là tiếp tục cứ thế mà ăn. Có lần tôi kể cho vợ tôi nghe thì vợ tôi nói ngay rằng: Anh chỉ nói xạo! (Đó là sự thật đó em à!) Còn chén đũa, thìa muỗng thì ăn xong tôi chỉ tráng sơ rồi đậy lại để cuối ngày mới rữa kỹ lại không phải cứ mỗi bữa mỗi rữa như vợ tôi. Tôi thấy như vậy mà lại vừa đỡ tốn nước vừa đỡ xà bông vô cùng. Còn quần áo thì tôi chỉ thay đồ lót còn quần tây, áo sơ mi mỗi tuần thay một lần cũng không sao, lại đỡ phải giặt, tới chừng nào vợ về thì giặt luôn một thể vậy. Vợ đi rồi thì còn ăn diện với ai nữa phải không các bạn? Tuy nhiên vào buổi tối mới thấy là nỗi buồn vắng vợ sao mà to lớn, vĩ đại đến vậy. Tối đến dù có khi mệt mỏi không nói chuyện trong ngày nhưng có vợ nằm bên cạnh vẫn thấy đầy đủ, còn giờ thì nằm chèo queo. Thôi thì lấy mấy DVD ra xem cho hết giờ vậy. Đêm nào tôi cũng xem tới hai giờ sáng đến lúc mở mắt không nỗi nữa mới chịu thôi. Tôi mua thẻ phone để mỗi ngày gọi về cho vợ yên lòng cũng như được biết tình hình bên đó như thế nào. Thú thật là tôi cũng lo về chuyện xe cộ, đường xá, an ninh bên đó lắm. Xứ của loại xã hội ưu việt mà! Tôi được biết là ngay khi vừa tới phi trường Tân Sơn Nhất thì cái túi xách của vợ tôi bị rạch lấy mất một ống kem thoa bóp hiệu Bengay, một lọ mỹ phẩm và cái mắt kiếng mát. Rồi khi qua cửa ai muốn cho khỏi bị chận lại khám đủ thứ thì phải xìa thủ tục đầu tiên ra cho lẹ. Tuần đầu tôi thấy vô cùng thoải mái: không ai "la rầy" mình cả nhưng sau đó tôi lại thấy mình ... mong ... được là rầy cho đỡ buồn. Vì vậy mà tôi phải gọi điện thoại mỗi ngày để cho đỡ trống vắng. Ngay cả khi xuống ca tôi không đi đầu chơi cả chỉ đến nhà vợ chồng anh bạn gần nhà để uống trả trò chuyện rồi về ghé qua thư viện hay đi chợ rồi về nhà nằm ngủ. Tới nữa đêm thức dậy quơ qua quơ lại chỉ trúng gối ôm mới thấy là nhớ vợ quá chừng. Rồi ngày mong đợi cũng tới. Trong những ngày chót đó tôi lo dọn dẹp, clean up làm sạch sẽ đến tối tăm mày mặt. Hết dọn lau bếp, chùi xoong nồi rồi bỏ quần áo dơ vào máy giặt. Đó là chưa kể hút bụi và lau bàn ghế. Mấy bao rác được túm gọn lại đem ra ngoài bỏ. Kéo vòi nước ra rửa xe, hút bụi cho xe của nàng để lấy điểm. Nói tóm lại là làm tổng vệ sinh để đón ... người đẹp về. Chiều thứ Tư đó tôi lên phi trường sớm chờ chuyến bay Eva đến lúc bảy giờ tối. Khi hành lý bắt đầu đổ ra vòng xoay chừng 15 phút sau thì tôi thấy nàng đang dáo dát nhìn quanh. Tôi liền đi nhanh lại để cho nàng thấy. Nàng tươi cười: - Em nè anh. Ngay giây phút đó tôi biết là tình trạng độc thân tại chỗ của mình đã chấm dứt. 2. Sống Còn Thời Suy Thoái Tôi thường nói với bà vợ là "mình phải ăn theo thuở sống theo thời nhe em, nhất là ở thời buổi quá khó khăn này." Tôi không khuyên suông mà còn thực hiện lời khuyên của mình "một cách nghiêm túc" nữa. Mới sáng thứ Bảy này, đi garage sale mua vật dụng thiên hạ xài rồi, tôi thấy một đôi dép da cũ nhưng còn rất tốt và là da thiệt. Cầm lêân bỏ xuống nhiều lần vì nó quá khổ chân. Đôi dép đang đi đã cũ xì, coi tệ quá nhưng khi vào tiệm bán giày dép thì thấy đôi rẻ nhất cũng gần hai chục đồng mà kiểu lại xấu và phẩm chất lại kém. Vào tiệm bán đồ cũ Good Will nhiều lần nhưng vẫn kiếm không ra đôi nào. Giờ gặp đôi này vừa ý mà khổ cái là nó lại hơi quá khổ. Bổng tôi nghĩ ra một cách: cắt bỏ bớt cái quai gót đi là xong chớ gì! Vậy là tôi trở lại chỗ bán dép cũ để mua với giá năm chục xu. Sau khi cắt xong hai cái quai gót, xỏ chân vào thử, trông cũng đẹp ra phết! Thế là tiết kiệm được hơn chục đồng, tận dụng những thứ mà thiên hạ bỏ đi. Thường là các nhà mở bán garage sale có nhà lựa những thứ cũ đầy bụi, mạng nhện để ra một góc và viết chữ Free lên để ai lấy thì cứ việc. Tôi lựa trong đám đồ free đó và lần nào cũng tìm có cái còn xài được. Thật quả là câu tục ngữ Anh nói không sai: "One man's trash is another man's treasre" (xin tạm dịch thoát là "cũ người mới ta"). Cũng trong "tinh thần recycle" đó tôi áp dụng ngay vào cuộc sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Bà vợ thường hay tắm ngâm mình trong bồn. Số lượng nước đó mà xả đi thì quả thật là phí. Tại sao không dùng nó để tưới cây trong vườn? Thế là thêm một cách tiết kiệm hữu hiệu nữa. Những ngày xuống ca (nghỉ làm) tôi thường đến thư viện để lên internet xem tin tức, email. Ở một góc thư viện có khu dành cho sách báo và tạp chí cũ mà người đọc xong đem đến. Tôi lựa những tạp chí của tuần vừa qua như tuần san Time hay Newsweek hoặc là nguyệt san Readers' Digest v.v... đem về đọc khỏi mất tiền mua. Còn nhiều cách nữa dể tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó trong thời buổi kinh tế xuống dốc chưa biết chừng nào lên này. Làm vậy chẳng qua chỉ là để thực hiện câu tục ngữ thông dụng của Anh là: Waste not, want not (xin tạm dịch: "Đừng ham muốn mà cũng đừng hoang phí") Phải vậy không, thưa các bạn. 3. Dấu Hiệu Của Văn Minh Đông và Tây đều có nền văn minh và văn hóa riêng chỉ khó cái là được thể hiện khác nhau. Chẳng hạn như người Châu Á chúng ta thể hiện văn minh chào hỏi một cách kín đáo và tế nhị qua cái gật đầu hay cúi đầu chào lễ phép thay vì cái bắt tay của người Âu Mỹ. Còn nhiều thể hiện văn minh nữa không thể kể ra hết. Từ khi qua Mỹ này đến giờ, tôi tiếp tục quan sát sinh hoạt hằng ngày của người Mỹ để tìm biết thêm về những dấu hiệu thể hiện văn minh của họ. Một trong những điều mà tôi chứng kiến và cho là "văn mình" là sự thành thật, nói chung, của người Mỹ qua chuyện tiền nong khi giao dịch mua bán hằng ngày. Ở chợ mỗi khi còn dư chị một xu họ cũng trả lại. Khi đi mua đồ garage sale dù có trả lố món đó vài xu người bán cũng kêu hắn lại để trả. Kế đến là trên miệng mọi người lúc nào cũng có câu "cảm ơn" và "làm ơn" để trao đổi với nhau trong câu chuyện. Ngay cả khi cha mẹ nói với con cái cũng dùng hai khóm từ lịch sự đối với con cái của mình. Kế đến là dấu hiệu văn minh từ các "chú thím bốn cẳng" nhà mình. Số là mỗi buổi sáng tôi thường hay đi bộ trong sân vận động, tại đây gần như đều có hộïp chứa các bao ny lông và lời nhắc người chủ phải tự dọn dẹp sạch sẽ "của quý" của các chú thím cẩu để bảo vệ cho vệ sinh công cộng nhưng chẳng có ai đứng canh cả. Đây cũng là một dấu hiệu của văn minh kêu gọi "tinh thần tự giác" của mỗi người. Tuy vậy tôi muốn xem cái tinh thần tự giác đó được thể hiện như thế nào. Bữa sáng đó tôi thấy một bà dẫn một chú chó đi đằng trước. Chú chó ghé vào cột điện rồi làm cái việc phải làmù. Người đàn bà đứng đợi. Khi xong bà ta móc ở túi ra một bao ny lông cúi xuống làm sạch sẽ đống "của quý" đó rồi cầm đến thùng rác bỏ vào. Hắn đã bắt đầu hơi tin. Liên tục mấy bữa sau, cứ mỗi lần thấy có người dẫn chó hắn lại theo dõi xem thì thấy lần nào cũng vậy. Hắn đi đến kết luận đây quả là dấu hiệu của văn minh và nhận ra rằng: Văn minh nào có đâu xa, Nằm nơi cuộc sống của ta hằng ngày. 4. Bày Tranh Sau Nhà Sau khi thấy tranh mình đã vẽ được gần hai mươi bức và nhớ lại kỳ triển lãm vừa rồi ở thư viện của trường đại học cộng đồng có đông khách thưởng lãm, tôi quyết định trưng bày tranh ngay sau sân nhà. Phía sau nhà tôi có mái hiên được che tôn rợp và phía sau là sân cỏ lớn với vài cây thông và loại cây cảnh khá đẹp. Hơn nữa tôi vừa nhờ anh Thọ kế bên đóng cho một cái dàn gỗ để cho dây leo phủ sau này rất hợp để treo vài bức ở ngoài. Vợ tôi sau một hồi nhằn tôi sao không cho biết sớm để làm đủ các thứ món nhấm (snacks) và chả giò vì sẽ có nhiều khách Mỹ đến xem. Hôm đó tuy là Chủ Nhật nhưng tôi vẫn phải làm. Tuy là làm tại nhà nhưng điện thoại reo liên tục tôi phải bắt nghe không thể nào tôi tiếp khách được. Tôi bèn nhờ Melissa, một bà bạn tín hữu Mỹ đứng tiếp khách dùm. May mắn là bà ưng thuận và thêm vào đó nữa là dự đoán thời tiết cho biết hôm đó có nắng rất tốt cho buổi trưng bày. Tối tối tôi nằm suy nghĩ xen cách nào trưng bà vừa giản dị vừa bắt mắt của khách. Tôi tính là sẽ treo các bức đã vào khung như bức: Gác Mái Chèo, Lối Xưa, Cô Gái Cao Nguyên (để ngực trần), Ba và Tôi và bức tôi dùng dùng thư pháp viết chữ "Đức" (tên của ba tôi) ra bên ngoài. Bên trong tôi sẽ treo và dựng các bức khác trong đó có bức "Thuyền Nhân" mà lần nào cũng được khách khen là "vô cùng sống động và ghê rợn đến mức thương tâm". Tôi đã dùng bức này để làm bìa cho quyển sách viết bằng tiếng Anh về những gì đã trải qua trong bảy lần vượt biển của mình với tựa là "Into the Death Journey". Tôi có gởi tặng Việt Báo mình một ấn bản cách đây hơn một năm). Sáng hôm đó tôi thức dậy thật sớm để treo và trình bày tranh theo cách đã định và ăn mặc chỉnh tề để chờ khách đến xem. Giờ trình bày tranh dự định là từ mười một giờ đến sáu giờ chiều. Đúng chín giờ rưỡi Melissa và chồng là Rich Young đến và nhận tờ in tên các tác phẩm và cùng tôi đánh số vào các bức tranh để bà giới thiệu với khách. Rich bận phải đi và nói sẽ gọi điện thoại báo cho bạn bè và các tín hữu. Tôi cũng bày ra ba quyển sách tôi viết bằng Anh ngữ để khách đọc và cho biết ý kiến. Khoảng nửa tiếng sau, khách đầu tiên "mở hàng" là cả nhà bên người dì của vợ tôi ghé qua, có cả cu Bèn. Rồi kế đó lai rai có khác đến. Điều làm cho tôi ngạc nhiên là có bốn bà cụ người Mỹ ở khu nhà dưỡng lão tên Paronama City gần chỗ tôi ở đến xem tranh. Tôi biết ngay là do lời mời của Rich vì trong đó có bà cụ tôi quen tôi Essie. Bốn bà xem tranh rất kỹ và cho tôi nhiều lời phê bình chi tiết. Đặc biệt bà Essie sau khi đọc quyển sách về người vượt biển của tôi đã đưa ra lời nhận xét: - Anh nên in thêm để nhiều người có dịp đọc và biết về thảm cảnh của người vượt biển mà như tôi đây, cả đời không thể tưởng tượng nổi có sự kinh hoàng đến thế. Anh có phải là người vượt biển không? - Tôi phải vượt biển bảy lần mới thoát. Tôi trả lời. - Terrible! (Thật là kinh khủng!) Bà nói tiếp: - Bức tranh của anh làm tôi mọc óc cùng người! Trông ghê rợn và bi đát quá! Tiếp đó là bà vợ của ông bạn tên Jim vừa quá cố đến cùng với con gái là Angelina. Angelina có cầm một chậu hoa Phong Lan màu tím để tặng tôi. Trông bà hốc hác thấy rõ vì buồn người bạn đời đã ra đi vĩnh viễn. Angelina xem bức tranh "Lối Xưa" và hỏi mua nhưng vì tôi định sẽ có một cuộc trưng bày nữa nên đành phải từ chối khéo và thay vào đó, ngày hôm sau, tôi gởi một bức ảnh chụp bức tranh đến Angelina để đền đáp lại sự ngưỡng mộ của em. Bà Jim ăn chả giò và hỏi vợ tôi thật kỹ về chất liệu để về làm vì bà rất thích món này. Sau đó tôi điện thoại mời ông chụ Joe ở hàng xóm đến. Ông Joe đã trên bảy mươi nhưng tính tình vui vẻ và cởi mở. Tôi thường trò chuyện, hàn huyên với ông. Ông tới và đưa lời nhận xét đầy tính hài hước làm cả ông và tôi cười thỏa thích. Gần đến chiều thì có bốn người đến. Vợ chồng ông Tanaka, vợ Mỹ chồng Nhật, và hai mẹ con bạn của ông bà. Bà Tanaka là một cây viết cho tờ báo ở địa phương, sau khi đọc sơ qua quyển sách nói là khi nào tôi in lại thì dành cho bà một ấn bản. Bà mẹ của cô gái nói là con gái bà rất thích nghệ thuật nên bà đến xem. Bà nói rất thích bức Ba và Tôi đi Lăng Ông ở Bà Chiểu vì nhắc bà nhớ lại không khí u nhàn trong một lần bà đi chùa ở Portland. Người mà tôi mong đến là vợ chồng của Dan và Lonnie, hai tín hữu rất thân ở gần tôi thì lại biết rằng vì đứa cháu bị bịnh nên không đến được. Tôi thấy hơi mất vui. Bỗng đâu lúc gần bốn giờ thì Lonnie đến. Vẫn với nụ cười vui vẻ, sau khi xem tranh Lonnie nói là có ý định mời tôi làm một cuộc trưng bày tranh vào tháng tới. Tôi đồng ý liền. Khách cuối cùng của tôi là gia đình anh Tâm Tếu đến lúc gần sáu giờ. Sau khi xem tranh, cả nhà anh ở lại ăn uống vui vẻ trước khi ra về. Coi như là cuộc trưng bày tranh được thành công dù chỉ được thông báo trong thời gian ngắn. Phải nói là phần lớn là nhờ sự giúp đỡ tận tình của Melissa và Rich và công lớn của vợ tôi đã ra sức dọn sạch sân và nấu nướng chuẩn bị rất chu đáo từ sáng sớm dù sau đó phải đi làm cũng như đứng ra tiếp khách khi tôi bận làm. Tôi nghĩ thầm rằng đây quả đúng là một ngày vui và đầy ý nghĩa của mình. 5. Tranh Chồng Công Vợ Buổi trưng bày tranh được tốt đẹp phần lớn là do công của bà vợ. Tôi còn nhớ là hôm thứ Sáu khi đi làm về mặt vợ tôi "nặng như chì"! Tôi hỏi mãi nàng mới chịu nói là: "anh làm gì cũng không chịu nói với em. Muốn làm thì làm!" Thì ra nàng nói về chuyện tôi một mình lui cui sửa soạn việc bầy tranh. Vậy là đành phải... hạ mình nhận lỗi để nàng ra tay giúp đỡ. Sau khi hết giận, nàng ra sân sau nơi khách tới xem tranh ra tay dọn dẹp cây lá sạch sẽ, túm gọn bỏ vào bao rác. Ra sân trước nàng gom lại gọn ghẽ nào là cưa búa, cuốc xẻng, ván gỗ và đủ thứ tôi bỏ nằm ngổn ngang thật là nặng nhọc. Thấy có chỗ cỏ mọc cao, nàng lại ngồi nhổ rồi quét gom lại vô bao. Xong rồi nàng kéo vòi nước vô xịt rửa cái sàn gỗ đàng sau cho sạch bụi. Thưa các bạn, đây chính là lý do tôi không muốn báo cho nàng biết vì biết tính nàng...hơi quá kỹ có khi tốn quá nhiều công sức và thời giờ phải còn nghỉ ngơi sau khi đi làm mệt về. Đến sáng thứ Bảy thì sân trước và một phần sân sau đã sạch sẽ trông mát mắt. Bây giờ là đến phần nàng lo chuyện ẩm thực để đãi khách. Sau khi đi làm về nàng đi chợ mua các món ăn chơi snacks và các loại rau củ như cà rốt, bông cải xanh broc cô li, cây cần tây và cả trái dâu tươi để ăn với nước sốt hiệu Ranch. Tất cả được xếp vào một cái mâm chia thành từng ngăn cho mỗi món có nắp đậy rất lịch sự. Nàng còn mua loại bánh tráng nhỏ hình tam giác được chiên dòn để nhai, loại bằng bột bắp và loại kia bằng bột mè đen. Về phần món "chủ lực" là chả giò, dù đã có sẵn một mớ, nàng cuốn thêm một mớ nữa. Đặc biệt là trong món chả giò ngoài tôm xây nàng còn cho thêm khoai môn vào để cho nhân hơi dẻo cho lạ miệng. Chả giò nàng làm được ngon thêm là nhờ món nước mắm cay. Nước mắm cay ngon một phần là do nàng dùng chanh chứ không dùng dấm. Ớt đỏ được bầm nhuyễn cùng với tỏi xay. Khi hòa vào nước nắm màu sắc đỏ, vào keo thủy tinh trông thật là bắt mắt. Món nước mắm hấp dẫn đến nỗi ông bác sĩ Jim lần nào đến chơi đều xin một hủ nhỏ để đem về! Sáng hôm Chúa Nhật, trước khi đi làm nàng dậy rất sớm vào lúc bốn giờ sáng để chiên chả giò, rửa nhặt rau, sắp xếp mọi thứ ra bàn sau, phủ mấy tấm ny lông lên bàn. Các món ăn đã được bỏ vào hộp và dĩa có phủ giấy kiếng kỹ càng. Nàng còn đặt thêm mấy chậu hoa nhựa nhỏ để trên bàn và cả một cái lồng đèn trang trí nàng mua mà tôi đem treo lên giàn gỗ ở sân ngoài. Loay hoay đến năm giờ rưỡi nằng phải chạy đi làm. Khi tôi thức dậy để bày tranh ra thì đâu đã vào đó thật là gọn gàng và ngăn nắp. May sao hôm đó nàng lại được về sớm nên tuy đã mệt phờ vì phải dọn dẹp, nấu chiên mấy ngày nàng vẫn sửa soạn để chuẩn bị tiếp khách vì tôi đang bận dù đã có nhờ bà bạn Mỹ đứng tiếp khách thay tôi. Khi khách đến tuy tiếng Anh kém nàng vẫn "ráng gồng" để tiếp mấy người Mỹ, mời và cung cấp các món ăn. Những lúc không có khách tôi thấy nàng phải vào nằm vì bị mệt do mất ngủ hai ba ngày nay. Khi khách đến àm chả giờ hết vì phải biếu mấy người Mỹ để họ đem về nàng lại phải chiên thêm cho những khách đến sau. Dù mệt nhọc như vậy nhưng nàng không hề than van một tiếng và lại vui hẳn lên khi nghe khách khen nức nở món chả giò của mình làm. Nếu nói là "có thực mới vực được đạo" thì chính nhờ nàng mà khách tới xem tranh vừa được món ăn tinh thần lại vừa được thưởng thức món ăn thích khẩu nữa. Sau ngày trưng bày tranh nàng ngủ li bì vì mệt. Nghĩ lại công sức của nàng bỏ ra để chuẩn bị thật chu đáo cho ngày trưng bày tranh, tôi thấy mình phải cảm ơn nàng và biết mình rất may mắn được sự thông cảm và hợp tác của vợ. Đúng như lời thiên hạ nói là: "đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn". Trường hợp này của tôi nhờ "đồng vợ đồng chồng" mà mọi sự được tốt đẹp khả quan. Kết quả là tôi được mời trưng bày tranh một lần nữa vào tháng tới ở một nơi khác. Để tỏ lòng cảm kích tôi cảm tác vài câu thơ sau đây để tặng nàng: Anh chẳng có nhiều tiền như thiên hạ Chỉ có vài bức tranh góp mặt với đời Cảm ơn công khó của em Nhờ đó mà vợ chồng ta có một ngày đáng nhớ.
|