Lý Của Kẻ Mạnh |
Tác Giả: Đoàn Thi | ||||
Thứ Tư, 18 Tháng 1 Năm 2012 06:34 | ||||
Theo một bản tin được hãng thông tấn Reuters truyền đi hôm thứ Tư 11 tháng 1 vừa qua, tổ chức tội phạm Mafia của Ý hiện đang khống chế nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái của nước này. Tổ chức Mafia đang được xem là “ngân hàng” lớn nhất tại Ý và hiện đang nắm chặt trong móng vuốt của mình hàng trăm ngàn tiểu thương. Nhóm chống tội ác của Ý có tên là SOS Impresa cho biết các tổ chức chuyên tống tiền đã trở thành một thứ phao cứu hộ khẩn cấp trên toàn quốc. Các tổ chức tội phạm tại Ý hiện có một doanh thu hàng năm khoảng 140 tỷ Âu kim và lợi tức trên 100 tỷ Âu kim. Với 65 tỷ tiền mặt, Mafia hiện đang được xem là “ngân hàng số một” tại Ý. Từ lâu nay, các tổ chức tội phạm như “Cosa Nostra” tại Sicilia, “Camorra” tại Napoli hay “Ndrangheta” tại Calabria đã khống chế nền kinh tế Ý, mang lại một số lợi tức tương đương với khoảng 7 phần trăm tổng sản lượng quốc gia. Cùng với ma túy, buôn lậu khí giới, kỹ nghệ tình dục, các sòng bài và các hình thức tống tiền, cho vay ăn lời cắt cổ là nguồn thu nhập lớn của các tổ chức tội phạm tại Ý. Theo bản báo cáo của nhóm SOS Impresa, đã có khoảng 200 ngàn doanh nghiệp bị con bạch tuộc Mafia trói chặt. Trước kia, Mafia xuất hiện dưới dạng các băng đảng chuyên làm ăn trong các quán rượu, hộp đêm, sòng bài. Nay họ khoác lên chiếc áo của những giám đốc ngân hàng, luật sư hay công chứng viên “khả kính”. Bản báo cáo của SOS Impresa viết rằng “đây là một thứ tống tiền với một bộ mặt thanh liêm”. Theo bản báo cáo, các tiểu thương, vốn phải chiến đấu để tồn tại trong thời kỳ kinh tế suy thoái hiện nay, đành phải ngửa tay xin Mafia cứu vớt. Có thể áp dụng hình ảnh của Mafia Ý cho Trung quốc không? Quốc gia cộng sản độc tài với những thành tích vi phạm nhân quyền cao nhất thế giới này hiện cũng đang khống chế nền kinh tế thế giới. Không riêng các nước nghèo ở Phi Châu, Châu Mỹ Latinh hay Á châu, mà ngay cả người khổng lồ Hoa kỳ và Liên Âu hiện cũng đang nhắm mắt làm ngơ trước vô số tội ác của nước này để dựa vào trong thời kỳ kinh tế suy trầm hiện nay. Úc đại lợi không là một ngoại lệ. Kinh tế Úc có đứng vững được trong cuộc khủng hoảng là nhờ ở sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Bao giờ cũng thế, hễ mạnh kinh tế thì cũng mạnh miệng. Miệng người sang có gang có thép. Lý của kẻ mạnh lúc nào cũng thắng. Dường như chính phủ Lao động hiện nay cũng ngầm nhìn nhận điều đó. Mèo khen mèo dài đuôi Năm 2010, khi Ủy ban Nobel quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba thì nhà nước cộng sản Trung Quốc cũng cho sáng lập một Giải Thưởng Hòa Bình, dĩ nhiên, theo cung cách riêng của mình. Ai cũng biết rằng những người như Đức Đạt Lai Lạt Ma, bà Ang San Suu Ky, Mẹ Terexa Calcutta, cố tổng thống Vaclav Havel...còn lâu mới đủ tiêu chuẩn để được trao giải Hòa Bình theo kiểu Trung quốc này. Nay, sau khi Úc đại lợi thông qua thuế Khí thải, Trung quốc cũng quyết định ban hành thuế Khí thải vào năm 2015. Tin này đã được chính phủ Lao Động đón nhận một cách “hồ hởi”. Chính phủ này xem quyết định của Trung quốc như một bằng chứng cho thấy thế giới đang theo gương Úc đại lợi trong việc cắt giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, nếu so sánh giá khí thải của Úc với Trung quốc, người ta thấy có sự chênh lệch một trời một vực. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này dự trù chỉ đánh thuế khí thải theo giá $AUD1.55 một tấn khí thải. Trong khi đó vào tháng 7 tới đây, một tấn khí thải tại Úc sẽ bị đóng thuế là 23 Úc kim, nghĩa là cao hơn đến 14 lần so với giá khí thải của Trung quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Durban, Nam Phi hồi tháng trước, tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, kể cả Trung quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới, đều cam kết sẽ đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải. Một phát ngôn viên của ông Greg Combet, tổng trưởng bộ thay đổi khí hậu đã không hết lời ca ngợi “thiện chí” của Trung quốc vĩ đại: nào là đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải tại các thành phố lớn, nào là đầu tư vào các dự án năng lượng sạch. Phát ngôn viên này còn nói rằng những nỗ lực của Trung quốc trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu cũng như tập trung vào cơ chế thị trường cho thấy rằng Đối Lập hoàn toàn dối trá khi bảo rằng cả thế giới chưa cam kết cắt giảm khí thải. Đối lại, phát ngôn viên của Đối Lập về thay đổi khí hậu, ông Greg Hunt thì cho rằng những chi tiết trong chương trình cắt giảm khí thải của Trung Quốc lại chứng tỏ rằng “chính Lao Động đã dối trá khi bảo rằng Trung quốc theo gương Úc đại lợi khi ban hành thuế khí thải”. Không biết Trung quốc có “theo gương” Úc đại lợi không, chỉ biết rằng một quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới lại chỉ đánh thuế trên mỗi tấn khí thải chỉ bằng một phần 14 của một nước có ít khí thải như Úc đại lợi. Lại nữa, thuế này lại nhắm vào đa số các công ty quốc doanh vốn là những công ty gây ô nhiễm nhất thì cũng chẳng khác nào tự mình cạo gió cho mình mà thôi. Trong một quốc gia mà các công ty quốc doanh là những ổ tham nhũng, thì thêm một sắc thuế cũng có nghĩa là tạo thêm ngõ ngách cho cái vòi của con bạch tuộc tham nhũng mà thôi. Lạc quan tếu Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Australian dạo cuối năm vừa qua, tổng trưởng kinh tế, ông Wayne Swan, tin tưởng rằng Trung quốc sẽ vẫn mãi mãi là con ngựa đầu tàu của nền kinh tế Úc. Nhìn lại quý tháng 9 vừa qua, tổng trưởng kinh tế Úc cho biết kinh tế Úc đã gia tăng một phần trăm trong giai đoạn ba tháng. Theo ông Swan, giới tiêu thụ tỏ ra tin tưởng hơn trong việc mua sắm và “tiết kiệm”; lợi tức gia tăng mà không sợ bị lạm phát; đầu tư cũng đạt được “mức phi thường” với việc gia tăng sản xuất trong các ngành bên ngoài kỹ nghệ khai thác hầm mỏ. Dù vậy, nhìn về phía trước, tổng trưởng kinh tế Úc không tỏ ra quá lạc quan, bởi vì theo các kinh tế gia, kinh tế Úc sẽ chỉ gia tăng một cách thật khiêm tốn khoảng 0.7 hay 0.8 phần trăm trong quý này mà thôi. Nhưng ông lại tin tưởng rằng kinh tế Úc vẫn tiếp tục đứng vững trong năm nay, nhờ sự hồi phục kinh tế của Hoa kỳ và nhất là nhờ sự phát triển không ngừng của Trung Quốc. Theo ông, Úc đại lợi đang bước vào một năm mới với một nền kinh tế mạnh hơn đến 7 phần trăm so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong khi Hoa kỳ chỉ mới từ từ đứng lên, còn Âu châu thì vẫn còn kéo lê đằng sau, thì Úc đại lợi vẫn vững như kiềng ba chân. Ông Swan tin rằng trong trung hạn cũng như dài hạn, kinh tế toàn cầu luôn vận hành theo chiều hướng thuận lợi cho Úc đại lợi. Theo ông, Trung quốc sẽ luôn bảo đảm cho kinh tế của mình được liên tục phát triển. Tổng trưởng Swan giải thích rằng đầu năm vừa qua, Trung Quốc đã siết chặt chính sách tiền tệ và hiện đang nới lỏng. Trung quốc có thừa khả năng để ứng phó nếu bị cuộc khủng hoảng tại Âu châu tác hại. Ông Swan khẳng định: “Chúng ta có lý để quan ngại về một số yếu điểm trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tất cả những phân tách mà tôi có được đều khiến tôi tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục đối phó với bất cứ thách đố nào trong nước một cách khôn ngoan”. Để biện minh cho sự lạc quan của mình về nền kinh tế Trung quốc, tổng trưởng Swan trích dẫn một cuộc nghiên cứu mới nhất của Anh theo đó, trong vòng 10 năm nữa, trong 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, thì Á châu chiếm đến 3 là Trung Quốc, Ấn độ và Nhật Bản. Hiện nay Ấn độ đang đứng hàng thứ 10 về kinh tế. Xét về dân số, Úc đại lợi được xếp vào hàng thứ 52 và đứng hàng thứ 13 về kinh tế. Ông Swan tin tưởng: “Chúng ta có một nền kinh tế mạnh trong một vùng đang phát triển nhanh nhất và trong tương lai có tiềm năng gia tăng dựa trên sản xuất và gia tăng dân số”. Và dĩ nhiên, ám chỉ đến vùng đang phát triển nhanh nhất thế giới này, tổng trưởng kinh tế Úc không thể không nghĩ đến Trung quốc “vĩ đại”. Hiệu ứng Trung Quốc Thái độ lạc quan của tổng trưởng kinh tế Úc về kinh tế Trung quốc phản ảnh cái nhìn chung của thế giới về sức mạnh, sự bành trướng và ảnh hưởng hiện nay của Trung Quốc. Quốc gia cộng sản này đã chi phối Á châu, Tây Phương và các giá trị và nguyên tắc nền tảng của Tây Phương như thế nào thì đã rõ như ban ngày. Trung quốc đã tự vẽ ra cho mình một con đường riêng. Con đường mà quốc gia cộng sản này đã chọn lựa chứng minh rằng kinh tế thị trường không đương nhiên dẫn đến đa nguyên và dân chủ như Hoa kỳ vẫn luôn tin tưởng kể từ thập niên 1980. Trái lại, khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực kinh tế, Trung quốc đã “hợp thức hóa” các chế độ độc tài của thời đại. Với con đường riêng của mình, Trung quốc cũng muốn chứng minh rằng không phải sức mạnh quân sự mà chính sự thành công về kinh tế mới chiến thắng. Chính vì thế mà nước này đã và sẽ không bao giờ đụng độ với Tây phương trên chiến trường mà chỉ trong thị trường và trong mặt trận truyền thông là nơi mà Bắc kinh đang tìm cách hạ bệ sức mạnh của Tây phương và thuyết phục Tây phương có một cái nhìn thiện cảm và thân thiện hơn đối với mình. Thành công đối với Bắc kinh có nghĩa là xây dựng được hình ảnh của một Trung Quốc như một trọng tài đáng tôn trọng, đầy uy tín trên trường quốc tế, nhất là tại các quốc gia bên ngoài Tây phương. Thật vậy, các nước bên ngoài Tây phương, nhất là các nhà lãnh đạo thuộc thế giới thứ ba, đều ngưỡng mộ mô hình phát triển của Trung Quốc: nhanh, vững chắc và độc tài! Hiệu ứng Trung quốc có thể được nhìn thấy trong nhiều lãnh vực. Quốc gia cộng sản này đang âm thầm vẽ lại “cảnh quan” và chính trị thế giới. Hoạt động này lại diễn ra một cách tiệm tiến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Tây Phương. Người ta thấy rõ tác động này tại thế giới thứ ba. Những nước thuộc thế giới thứ hai như Syria, Nam Dương và Iran hiện cũng đang chịu ảnh hưởng lớn của Trung quốc và đang đi theo con đường của quốc gia cộng sản này. Dần dần, thế giới ngày nay thấy rõ rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước thuộc đệ Tam thế giới đã đẩy ra bên lề những nguyên tắc về cai trị và tiến bộ của Tây phương. Trung Quốc đã không ngừng ủng hộ các chế độ độc tài xuyên qua Phi Châu Hạ Sahara như Zimbabwe, Sudan, Angola...cũng như các lãnh tụ độc tài như Gaddafi, Assad và dĩ nhiên chống lại Mùa Xuân Á rập. Trung quốc xuất cảng các thiết bị và kỹ thuật quân sự do các trung tâm nghiên cứu của cảnh sát và quân đội sáng chế nhằm nhận diện và truy kích 420 triệu người xử dụng Internet trong nước. Các chính quyền trên khắp Trung Đông hiện đang sử dụng những kỹ thuật này để ngăn chận Twitter, điện thư, Facebook...nói chung, bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại nào nhằm kêu gọi và vận động chống lại các chế độ độc tài. Đối với người dân thường, hiệu ứng Trung quốc có nghĩa là đối với những ai đang sống trong các chế độ ngưỡng mộ hay chạy theo mô hình kinh tế thị trường theo kiểu Trung Quốc, tức độc tài, thì viễn ảnh của một xã hội dân chủ là một điều xa vời, nếu không muốn nói là không hề có. Cứ theo kinh tế thị trường kiểu Trung quốc, thì quyền và sự an toàn của người công nhân đều bị các tập đoàn Trung quốc đang họat động tại Phi Châu chối bỏ. Nếu toàn cầu hóa đang làm rung chuyển cả thế giới, thì Trung Quốc cũng đang làm đảo lộn các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực của Tây phương đến độ đã thành công trong việc thuyết phục gần 20 quốc gia trong Liên hiệp quốc tẩy chay nghi lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba hồi năm 2010. Những diễn tiến trên đây đặt Trung Quốc vào tuyến đầu trong việc xây dựng một thứ chủ nghĩa tư bản mang lại thịnh vượng mà không có dân chủ. Nói cách khác, hiện nay nhiều nhà lãnh đạo thế giới bên ngoài Tây phương đang tìm cách thay thế mô hình thị trường tự do và dân chủ bằng mô hình Trung quốc. Với mô hình này, đảng đang cầm quyền không những kiểm soát chính phủ, các tòa án, quân đội mà nhất là các phương tiện truyền thông. Tự trị kinh tế khỏi những ràng buộc của Tây Phương và tư bản chủ nghĩa không tự do: đó là hai đầu máy được xử dụng để quảng bá quyền lực và uy tín của Trung quốc. Thế giới ngày càng tin tưởng ở mô hình của Trung Quốc. Năm ngoái, nước này đã đầu tư gần 7 tỷ Úc kim để thiết lập một mạng lưới toàn cầu để chuyển tải tin tức và bình luận bằng 56 thứ tiếng khác nhau nhằm giới thiệu hình ảnh tốt đẹp và sự thành công của mô hình Trung quốc. Xét cho cùng, lý của kẻ mạnh, nhất là về kinh tế, vẫn luôn thắng thế trong thế giới ngày nay. Liệu các chính phủ dân chủ của nước Úc chúng ta có tránh được cái cảnh “gần mực thì...lem” hay không? Đoàn Thi
|