Home Tin Tức Bình Luận Ước mơ Nhâm Thìn: Thời cơ và bẻ lái

Ước mơ Nhâm Thìn: Thời cơ và bẻ lái PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Tín viết riêng cho VOA   
Thứ Tư, 18 Tháng 1 Năm 2012 10:46

  Ngày 23 tháng Chạp ta (16/1/2012), ông Táo lên chầu trời. Người Việt trong dịp này thường nói lên những cầu mong ước vọng thiêng liêng nhất của mình cho năm mới.

Hình: ASSOCIATED PRESS
Suy ngẫm về hiện tình đất nước, tôi thiết tha ước mong lãnh đạo ở trong nước trong năm Nhâm Thìn nhận rõ và thực hiện được 2 điều then chốt và cấp bách nhất, đó là:

1.-Nhận rõ thời cơ: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực chiến lược quan trọng nhất, với sự khẳng định mạnh mẽ của Hoa Kỳ trở lại vùng này lâu dài trên thế mạnh, với hàng loạt trục liên minh: Hoa Kỳ - Nhật Bản, Hoa Kỳ - Úc, Hoa Kỳ - Thái Lan, Hoa Kỳ - Indonesia, Hoa Kỳ - Philippines, Hoa Kỳ - Ấn Độ; phong trào quần chúng lật đổ hàng loạt chế độ độc tài tham nhũng ở châu Phi và Trung Đông; sự chuyển đổi rõ rệt của Miến Điện theo xu huớng dân chủ hóa, là những sự kiện lớn có tác dụng sâu sắc đối với nước ta.

Đó là những thời cơ cực kỳ quý hiếm, có thể nói ngàn năm mới có, cần đánh giá cho hết ý nghĩa, không thể nhìn nhận một cách hời hợt rồi bỏ qua, sẽ có tội với nhân dân, với dân tộc, với lịch sử.

Thời cơ càng thêm rõ khi thế lực luôn lăm le bành trướng và xâm lược nước ta tuy hung hăng ngạo mạn nhưng đang ở vào thế bị ngăn chặn, kiềm chế ở khắp nơi, nội bộ không ổn định, còn thời gian dài nữa mới có thể và lực đáng kể. Các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải thú nhận là vừa qua họ đã trót dại hung hăng không đúng lúc, khi nanh vuốt còn non yếu, vi phạm lời dặn của quân sư họ Đặng là “Thao Quang Dưỡng Hối “, dấu kín mưu đồ bá chủ thế giới; Trung Quốc cần nhiều thập kỷ mới thực sự là một cường quốc, khi mức sống toàn dân đang ở vào hàng thứ 93 của thế giới.

Một nét của thời cơ vàng là nước ta đang có một tầng lớp trí thức khá đông đảo lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ tổ quốc, một lớp nữ nhi kiên trung khắp các vùng dấn thân cho độc lập và dân chủ, nhiều đảng viên cộng sản kỳ cựu gắn bó với nhân dân, nhiều cựu binh sỹ trung thành với đất nước. Đây là lực lượng tiên phong, nòng cốt của cuộc đấu tranh mới, cũng là một nhân tố của thời cơ quý báu đang ở trong tầm tay của dân tộc.

2.- Kiên quyết bẻ lái. Lãnh đạo là dẫn đường chỉ lối, quan trọng nhất là đừơng lối đối nội và đường lối đối ngoại.

Về đối nội, lãnh đạo hãy tự tin và tin ở nhân dân, bẻ ngoặt vào con đường dân chủ đa đảng trong trật tự và luật pháp, như ở mọi nước dân chủ, tiến bộ, văn minh. Hãy dũng cảm chấp nhận “trò chơi dân chủ”, chấp nhận sự phán xét công bằng của cử tri qua lá phiếu. Đảng Cộng sản từng sống cùng đảng Dân chủ và đảng Xã hội, cũng đã từng cho phép đảng viên Quốc dân đảng, Đại Việt tham gia Quốc hội, nay sao lại có người sợ, một nỗi sợ quá đáng. Có đảng mới, cũng là của nhân dân, tham gia bầu cử, đảng CS sẽ có điều kiện để ganh đua, tự rèn luyện mình. Có như vậy, nghị quyết về củng cố đảng CS của Hội nghị trung ương 4/khóa XI mới có thể thực hiện được, tránh cho đảng bị tan vỡ, tiêu vong.

Về đối ngoại, lãnh đạo hãy sáng suốt quả đoán chủ động đưa nước ta gắn bó toàn diện keo sơn với thế giới dân chủ, trong khi vẫn giữ hòa khí quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc. Hãy khôn khéo tách dần khỏi “16 chữ vàng”, giữ vững nền độc lập và chủ quyền đất nước.

Thực hiện việc tận dụng thời cơ và bẻ lái trên đây, nước ta sẽ có một tư thế hoàn toàn mới, một bộ mặt hoàn toàn mới, vị thế chiến lược mới sẽ tạo nên lực mới.

Trên đây chính là 2 điểm then chốt để cứu dân cứu nước, thực hiện yêu cầu khẩn thiết của đông đảo tri thức là cần thay đổi hệ thống đồng bộ, thay hệ thống chính trị đi với thay hệ thống kinh tế - tài chinh - văn hóa, đổi mới đường lối đối nội cùng đường lối đối ngoại, hội nhập hoàn toàn với thế giới dân chủ văn minh.

Thật ra 2 việc hệ trọng trên đây không có gì là quá cao xa, phức tạp. Mọi người có thể hiểu và nhìn rõ. Tôi tin rằng qua trưng cầu dân ý, được giải thích cặn kẽ, toàn dân ta sẽ đồng thuận rất cao.

Điều đáng buồn là những chủ trương cứu nước, ích quốc lợi dân, rành mạch như thế mà lại bị rơi vào sự vô cảm của lãnh đạo. Tâm huyết và trí tuệ của 14 người trong Bộ Chính trị tự nhận là lãnh đạo cao nhất của đất nước nằm ở nơi đâu?

Lãnh đạo là gì, nếu không phải là tận dụng mọi thời cơ và bẻ lái, đưa đất nước qua phong ba bão táp, cặp bến của Tự do và Phồn vinh cho toàn dân?