Đôi Dòng Ghi Nhớ (1) |
Tác Giả: Phạm Bá Hoa | |||
Thứ Hai, 21 Tháng 12 Năm 2009 17:12 | |||
Lời trần tình Tôi biết có những vị gần như mai danh ẩn tích từ khi đến Hoa Kỳ sau ngày đất nước vào tay cộng sản 30/4/1975, nhưng tôi xin phép được nhắc đến quí vị trong tập sách, và tôi chỉ nói đến quí vị ở khía cạnh quí vị là những vị lãnh đạo Quốc Gia, lãnh đạo Quân Lực, chớ tôi không nói đến những riêng tư của quí vị. Tôi xin tôn trọng phần riêng tư đó. Về những gì tôi viết vào đây, có thể có sự kiện nào đó mà quí vị cho là không chính xác, nhưng theo tôi, tôi thấy đã đủ thận trọng trong cách nhìn của tôi khi viết những trang sách nhỏ này. Biết đâu, có những điều mà tôi nói lên được sự thật liên quan đến quí vị mà nhiều chục năm qua chính quí vị cũng chưa biết đến, và cũng có thể tôi làm sáng tỏ được điều gì đó đối với dư luận dù rằng quí vị cho là có hay không có cũng chẳng sao. Thế hệ chúng ta đã học nhiều bài học quí báu từ trong lịch sử, và vận dụng vào bổn phận công dân trong trách nhiệm bảo vệ quốc gia. Rồi đây, những thế hệ sau chúng ta, cũng cần đến lịch sử mà thế hệ chúng ta sẽ là một phần quan trọng trong đó, và quí vị là thành phần quan trọng hơn hết trong giai đoạn lịch sử 1954 - 1975. Lịch sử một dân tộc không thể tự nhiên mà có. Muốn có được lịch sử, tôi nghĩ, sau chặng đường phục vụ quốc gia dân tộc, mỗi người trong bất cứ lãnh vực nào của xã hội, cần viết lại trên giấy trắng mực đen về những hiểu biết xác thực của mình trong từng phạm vi trách nhiệm lúc đương thời, và viết với một trạng thái tâm hồn thật bình thản. Từ đó, những nhà viết sử gom góp lại, chọn lọc, phân tách, đánh giá, và tạo nên những dòng sử qua từng giai đoạn thăng trầm của đất nước. "Tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách", không phải người này tạo cho người kia, hay ngược lại, mà mỗi người trong xã hội tự tạo cho chính mình qua những nghĩ suy, những phương tiện diễn đạt, và trong những môi trường hành động. Tôi không dám nghĩ đây là một sử liệu, nhưng tôi cố gắng ghi chép đúng theo trí nhớ của tôi, để các sử gia may ra tham khảo được đôi điều trong khoảng thời gian nghiêng ngã của đất nước, mà thuở đó, quyền lực nằm trong tay quí vị. So với ấn bản lần 1, lần 2, và lần 3, ấn bản lần 4 này có vài sắp xếp lại về cách trình bày và bổ túc thêm một số chi tiết, vì 1.600 trang giấy học trò mà tôi lén lút viết lại trong thời gian bị giam ở trại tù Nam Hà trên đất Bắc, lén lút gởi về gia đình cất giữ, và khi đoàn tụ với gia đình tôi vẫn tiếp tục viết, đến nay tôi đã nhận đầy đủ từ Việt Nam gởi sang. Cùng với những sự kiện mà cựu Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng từ năm 1970 đến năm 1975, và cựu Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 đến năm 1975, hai vị cho tôi biết thêm nhân khi vợ chồng tôi đến Virginia hồi đầu tháng 9 năm 2003, thăm hai vị và gia đình. Ðó là những sự kiện mà tôi không biết hoặc có biết nhưng không biết rõ, đồng thời hai vị có hỏi tôi một vài sự kiện mà hai vị không biết rõ. Sau đó, vào tối 21 tháng 10 cùng năm (2003), tôi có dịp tiếp chuyện điện thoại với cựu Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm giữa Virginia với Texas trong gần 2 tiếng đồng hồ, ông cho tôi biết thêm một số chi tiết nữa. Và tôi được khuyến khích bổ túc vào ấn bản lần 4 này.
|