Lời nói đầu Trong bối cảnh quốc tế sau thế chiến thứ hai (1939-1945), do ảnh hưởng lớn lao của hai siêu cường Hoa Kỳ với Liên Xô, đã tạo thành khối các quốc gia Tự Do và khối các quốc gia Cộng Sản. Bên cạnh đó là những quốc gia nhỏ về thế lẫn lực, cố ngồi lại với nhau và hình thành khối thứ ba thường gọi là khối Trung Lập. Trong khung cảnh gia đình, mức thu nhập hằng tháng hằng năm không đủ chi tiêu dù là tối thiểu, phải nhờ đến sự giúp đỡ của thân nhân thân quyến hay bạn bè bằng hữu. Mà khi nhờ vả thì ít hay nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng của người ấy về mặt này mặt khác. Với hình ảnh đó ở cấp bậc quốc gia cũng vậy, cộng với những phức tạp về chính trị quốc gia quốc tế nữa. Xin nhớ rằng, trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm mà chỉ có vấn đề quyền lợi của quốc gia là trên hết. Vì vậy, khi đã vay mượn hay xin xỏ của nước nào thì phải chịu ảnh hưởng về những sinh hoạt của nước đó đối với quốc gia mình, thậm chí có những chính sách của họ không liên hệ đến mình những mình vẫn phải ủng hộ, và khi đã chịu ảnh hưởng thì ý nghĩa của "trung lập" không còn nữa. Khi nhìn nhận như vậy thì rõ ràng là các quốc gia trong khối thứ ba nói trên không có khả năng Trung Lập. Do vậy, khối thứ ba này hình thành chẳng qua là gượng ép nếu không nói là do sức ép từ thế lực bên ngoài để tăng thêm thế chính trị cho họ. Tôi muốn nói đến một thế đứng chính trị; hoặc khối Tự Do hoặc khối Cộng Sản. Còn tuyên bố Trung Lập mà quốc gia chỉ trông vào viện trợ hay trợ giúp nhân đạo để tồn tại, đó là tính chất dối trá trong lãnh đạo, và khi lãnh đạo dối trá là vô liêm sỉ, không xứng đáng lãnh đạo đồng bào của họ nữa. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam là một trong những quốc gia đó. Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đứng hẳn vào khối Tự Do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ðó không phải là cách chọn lựa lý tưởng, nhưng khi phải chọn lựa giữa hai điều xấu thì ta phải chọn điều xấu ít. Nhưng chịu ảnh hưởng những chính sách của Hoa Kỳ là một việc, mà bản lãnh chính trị của vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa trong việc tận dụng tối đa những chính sách đó vào mục đích tăng thêm quyền lực và lợi ích quốc gia, lại là việc khác. Ðó là cốt lõi của lãnh đạo. Còn nếu như tự thấy không đủ bản lãnh trong lãnh đạo, tốt hơn là không nên chen chân vào lãnh đạo. Ðó chính là liêm sỉ của người hoạt động chính trị. Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chúng ta kể từ giữa năm 1954, đã lần lượt trong tay các vị: Ông Ngô Ðình Diệm, Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Khánh, Kỹ sư Phan Khắc Sửu, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Giáo sư Trần Văn Hương, và Ðại Tướng Dương Văn Minh (lần hai). Nhiệt tình của những vị lãnh đạo trên đây đối với quốc gia dân tộc dù nhiệm kỳ của hai vị sau cùng cộng lại chỉ hơn một tuần lễ, đều đáng được ca ngợi, nhưng vị nào đã để lại tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, xin tùy quí vị quí bạn. Với quyển sách này, tôi xin ghi lại những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ qua những lệnh và những việc làm đó trong các biến cố chính trị từ năm 1963 đến cuối năm 1966. Rồi năm cuối cùng của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm trọn Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, ký ức tôi còn lưu giữ được đôi điều. Vì giới hạn trong phạm vi trách nhiệm của tôi trong từng biến cố, và vì ghi lại từ ký ức, nên không có được sự tròn vẹn của mỗi biến cố, nhưng về khía cạnh nào đó như những chi tiết hay mức độ trung thực của sự kiện, hy vọng là nội dung này không làm quí vị quí bạn hụt hẫng khi lần theo mỗi sự kiện trong từng biến cố. Cũng xin nói thêm rằng, tôi chưa từng viết văn, cũng không biết viết văn, nên văn chương ở đây rất luộm thuộm. Kính mong quí vị quí bạn vui lòng xem nội dung quyển sách này như là một chuyện kể, nhớ đâu kể đó. Và bây giờ kính mời quí vị quí bạn vào chuyện... Houston, năm 1994, Bổ sung năm 2001, 2002, 2003, và 2004. Một Ðảo Chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 Ngày 8 tháng 5 năm 1963, Phật tử thành phố Huế biểu tình trước đài phát thanh đòi được treo cờ Phật Giáo trong ngày Phật Ðản, đã bị đàn áp bằng bạo lực gây thiệt hại nhân mạng, dù rằng hành động bạo lực này có dư luận nghi vấn là "không do chánh quyền địa phương" thực hiện. Vài ngày sau đó, Thượng Tọa Thích Tịnh Khiết, vị lãnh đạo tối cao của Phật Giáo đã gởi bản Tuyên Ngôn lên chánh phủ, trong đó, Phật Giáo đòi được hưởng chế độ ngang hàng với Thiên Chúa Giáo. Chánh phủ đã bắt giam nhiều chức sắc lãnh đạo của Phật Giáo tại nhiều nơi, nhất là tại Huế. Trung tuần tháng 6/1963, Thượng Tọa Thích Quảng Ðức, trụ trì một ngôi chùa nhỏ vùng Phú Nhuận (Sài Gòn), đã tự thiêu tại góc đường Lê văn Duyệt và Phan đình Phùng, trung tâm thủ đô Sài Gòn, trước các ống kính của rất nhiều nhà báo Việt Nam và ngoại quốc. Rồi sau đó, lần lượt thêm bảy tám vụ tự thiêu nữa tại các tỉnh. Không khí chính trị sôi sục với những cuộc mít tinh biểu tình của đông đảo sinh viên học sinh, đồng bào -nhất là đồng bào Phật tử- lác đác có cả Quân Nhân viên chức và Cảnh Sát nữa. Nhiều phóng viên báo chí truyền thanh truyền hình ngoại quốc -nhất là Hoa Kỳ- đến Việt Nam ghi nhận và đánh giá tình hình. Thiết quân luật Trước khi hết giờ làm việc chiều ngày 20/8/1963, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, gọi tôi vào văn phòng: - Tối nay, chú với mấy chú văn phòng làm việc tại đây. Chú cho mấy chú luân phiên về dùng cơm rồi trở lại ngay. Chú cần hỏi gì thêm không? - - Có cần ngủ lại đây không, thưa Thiếu Tướng? - - Có thể không cần. Sẽ có lệnh sau - Ðây là lần đầu tiên kể từ khi cầm quyền vào tháng 7/1954, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ra lệnh bộ Tổng Tham Mưu ban hành lệnh thiết quân luật trong phạm vi thủ đô Sài Gòn để Cảnh Sát cùng mật vụ bao vây các chùa, tìm bắt Thượng Tọa Thích Trí Quang, vị sư được xem là lãnh đạo Phật Giáo. Nhưng với sự trợ giúp của nhân viên trong tòa đại sứ Hoa Kỳ, Thượng Tọa đã vượt rào vào khuôn viên tòa đại sứ và được phép tạm trú nơi đây. Thế là, từ đòi hỏi trong bản Tuyên Ngôn không được giải quyết, đến các vụ tự thiêu để phản đối chánh phủ, rồi đến vụ nhà cầm quyền vây bắt hụt Thượng Tọa Thích Trí Quang, dần dần đẩy Phật Giáo đến cuộc tranh đấu vừa ôn hòa vừa bạo động tại hầu hết các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam, đã làm cho tình hình chung của Việt Nam Cộng Hòa trở nên tệ hại hơn bao giờ hết, kể từ sau Hiệp Ðịnh Ðình Chiến Genève năm 1954. Ðấy là phản ứng quyết liệt của giáo hội Phật Giáo và Phật tử trên toàn quốc. Với một tình hình như vậy, đã làm cho hầu hết các nước trong khối Tự Do, kể cả Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mạnh mẽ nhất, đều phản đối chính sách tôn giáo trong hành động đàn áp bắt giữ các chức sắc Phật Giáo và Phật tử Việt Nam. Trước dư luận quốc nội lẫn quốc tế, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm khó mà biện minh chính sách kỳ thị tôn giáo, cho dù lệnh cấm treo cờ Phật Giáo cũng như lệnh dùng bạo lực trực tiếp hay không trực tiếp do Tổng Thống ban hành cũng vậy. Vì thuở ấy, quyền lực rất lớn trong tay hai em của Tổng Thống là ông Ngô Ðình Nhu "Cố Vấn Chính Trị" và ông Ngô Ðình Cẩn "Cố Vấn Chỉ Ðạo Miền Trung". Ông Ngô Ðình Diệm, được Quốc Trưởng Bảo Ðại mời về Việt Nam vào giữa năm 1954 và nhận chức Thủ Tướng ngày 7/7/1954. Thật ra thì Quốc Trưởng Bảo Ðại cũng không bằng lòng cho lắm khi giao chức Thủ Tướng cho ông Diệm, nhưng vì không có cách lựa chọn nào khá hơn. Với lại từ trong hậu trường, ông Ngô Ðình Diệm đã được Hoa Kỳ ủng hộ. Ông Bảo Ðại là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, đã bị Việt Minh cộng sản cưỡng bách thoái vị vào mùa thu năm 1945. Ðến năm 1949, chánh phủ Pháp đưa về Việt Nam (từ Pháp) nhận chức Quốc Trưởng do Pháp "đề cử" dù là có những cuộc hội họp của các nhà chính trị Việt Nam như là sự vận động với Pháp, để giúp cho cuộc chiến tranh xâm lược lần hai của thực dân Pháp khả dĩ có màu sắc cuộc chiến tranh nội bộ của Việt Nam, mà nước Pháp có mặt để "giúp đở"(!) Việt Nam chống cộng sản. Với chức vụ cao nhất nước cho dù bị giới hạn quyền hành, nhưng ông đã không tận dụng thực dân Pháp để vừa xây dựng quốc gia non trẻ vừa chống lại chủ nghĩa cộng sản đang bắt rễ tại Việt Nam, mà ông lại sống nhàn nhã trên đất Pháp nhiều thời gian hơn là có mặt trên quê hương Việt Nam đầy sóng gió! Trong khi đó, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm dựa vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ, ông bắt đầu có những chống đối Quốc Trưởng, và đặc biệt là ông đã không tuân lệnh Quốc Trưởng gọi sang Pháp nhận lệnh. Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm xúc tiến tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/10/1955. Kết quả là cựu hoàng Bảo Ðại bị truất phế khỏi chức Quốc Trưởng, và Thủ Tướng Diệm trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam từ ngày 26/10/1955. Từ đó, ngày này được chọn làm ngày Quốc Khánh hằng năm. Tiếp sau, Tổng Thống Diệm công bố: "Việt Nam là một nước Cộng Hòa", và danh xưng của Việt Nam là "Việt Nam Cộng Hòa". Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, trong những năm đầu cầm quyền, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập bang giao. Ông đã ổn định được cuộc sống cho non một triệu người từ miền Bắc chạy trốn chế độ cộng sản trước khi chúng tiến vào các thành phố trên đất Bắc theo Hiệp Ðịnh đình chiến Genève 20/7/1954. Hiệp Ðịnh này chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17 mà trên địa thế là sông Bến Hải với cầu Hiền Lương. Từ vĩ tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ độc tài do đảng cộng sản Việt Nam cai trị. Từ vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa theo chế độ dân chủ tự do. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cũng đã cải thiện được tình hình kinh tế xã hội trong mức độ khả quan. Về quân sự. Theo sự cố vấn của phái bộ quân sự Hoa Kỳ, quân đội đã được tổ chức lại và phát triển từ cấp Tiểu Ðoàn lên cấp Trung Ðoàn, Sư Ðoàn, Quân Ðoàn, trên căn bản quân đội trong chiến tranh qui ước. Mọi dụng cụ chiến tranh trang bị cho quân đội, đều do Hoa Kỳ cung cấp. Về chính trị. Ông đã thành công đáng kể trong nổ lực ôn hòa lẫn sử dụng võ lực trong mục đích đem lực lượng võ trang của Bình Xuyên, của Hòa Hảo, và Cao Ðài về hợp tác hoặc giải thể. Lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Ðài, là hai lực lượng chống cộng sản quyết liệt. Ðó là sự thành công bước đầu không ai phủ nhận được. Nhưng, dần đần về sau, chế độ dưới quyền Tổng Thống đã thể hiện tính cách "gia đình trị", bởi vì ngoài Tổng Thống ra, còn có: - Thứ nhất, em trai Ngô Ðình Nhu trong chức vụ Cố Vấn Chính Trị, và vợ ông Nhu là bà Trần Lệ Xuân, rất nhiều quyền lực trong tay vì Tổng Thống Diệm vẫn còn độc thân. - Thứ nhì, em trai Ngô Ðình Cẩn trong chức vụ không hề có trong tổ chức quốc gia là Cố Vấn Chỉ Ðạo Miền Trung, ông sống độc thân. Là người không có văn bản bổ nhiệm nhưng lại có toàn quyền đối với các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên/Huế, Quảng Nam Ðà Nẳng, Quảng Tín, và Quảng Ngãi. Quyền lực của ông có thể xem như "vị sứ quân" của 5 tỉnh này. - Thứ ba, anh trai Ngô Ðình Thục, Tổng Giám Mục địa phận Vĩnh Long, về sau là địa phận Huế. Tuy là chức sắc trong tôn giáo, nhưng tiếng nói của ông ảnh hưởng rất lớn đối với công việc chánh quyền mà các em của ông nắm giữ. -Thứ tư, em trai Ngô Ðình Luyện, Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Anh quốc, được xem là người ít dính dáng đến những tệ hại mà các anh của ông gây ra trên quê hương. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và hai em của ông là Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Cẩn, đã lần lượt loại trừ uy tín của các nhà chính trị đối lập qua những hành động trong khuôn khổ luật pháp lẫn ngoài luật pháp. Rồi đến sự lộng hành của bà Trần Lệ Xuân -em dâu ông- tại các diễn đàn quốc tế cũng như quốc nội, đặc biệt là trong thời gian xảy ra cuộc đàn áp Phật Giáo nhiều nơi trên toàn quốc, bà đã nhiều lần tuyên bố công khai với vẻ miệt thị và tàn nhẫn khi nói đến những vụ tự thiêu của các nhà sư phản đối chánh quyền, bà gọi đó là "các nhà sư nướng thịt người thì cứ để họ nướng..." Những sự kiện đó đã đưa người dân từ ủng hộ chánh phủ lúc đầu, dần dần trở nên bất mãn, đến mức căm thù chế độ mà Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là người trách nhiệm chính. Vậy, sự kiện đàn áp Phật Giáo ngày 8/5/63 và những hành động tệ hại tiếp theo, là nguyên nhân quốc nội dẫn đến cuộc đảo chánh 1/11/63. Tôi nói "nguyên nhân quốc nội", vì theo tôi, còn có "nguyên nhân quốc tế" nữa. ( còn tiếp )
|