Home Đời Sống Tài Liệu Ôn lại lịch sử trường Petrus Ký (trước 75)

Ôn lại lịch sử trường Petrus Ký (trước 75) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thanh Liêm   
Thứ Ba, 02 Tháng 11 Năm 2010 16:25

“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt ...Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”

Tâm Tình Petrus Ký

Anh chị em gia đình Petrus Ký thân mến!

  Khi tôi nói gia đình Petrus Ký là tôi muốn nói đến tất cả các anh chị em giáo sư, nhân viên, các học sinh của trường Petrus Ký cùng với dâu, rễ và các con cháu, và tất cả những thân hữu của trường Petrus Ký. Với ý nghĩ đó trong đầu, tôi vô cùng hân hạnh và vui sướng chào mừng tất cả anh chị em ở đây hôm naỵ Tôi cũng xin cám ơn anh em trong ban chấp hành hội ái hữu PK Âu Châu lúc nào cũng nghĩ đến tôi, năm nào cũng muốn tôi sang tham dự cuộc gặp gỡ thân thương của gia đình PK Âu Châu, mời tôi viết bài cho nội san Petrus Ký, vv. . .

  Đặc biệt năm nay anh em còn muốn tôi mở đầu đại hội này bằng một bài nói chuyện, với một đề tài mà anh em đã chọn sẵn cho tôi là TÂM TÌNH PETRUS KÝ. Tôi có cảm tưởng như mấy chú này vòi vĩnh quá, giống như tôi hồi nhỏ cũng hay vòi vĩnh đòi chú tôi kể chuyện tiểu thuyết cho nghẹ Chỉ có mấy chuyện kể đi kể lại hoài vậy mà tôi vẫn thấy thích nghe và nhất là thích vòi vĩnh với người mình thương mến. Ở đây tôi cũng tìm thấy niềm vui đó, cái vui của một người thấy mình được vòi vĩnh bởi những người thân mến của mình.

  Nhưng nói về tâm tình Petrus Ký là nói những gì đây Lẽ dĩ nhiên là phải chú trọng đến tình cảm nhiều hơn, tình cảm đối với trường cũng như đối với người Petrus Ký. Nói đến tình cảm chắc khó tránh được tính cách chủ quan và chắc phải nói nhiều đến cá nhân, điều mà người xưa rất ghét, mà nếu không ghét thì cũng rất ái ngạị Le moi est haissable như một văn sĩ Pháp đã nóị Thành ra ở đây tôi cũng xin lỗi trước là đã phải nói nhiều đến tình cảm cá nhân tôi, và ít nhiều chủ quan trong cái nhìn của mình. Tôi chỉ hy vọng là cái Tôi của tôi ít nhiều giống với cái Tôi của các anh chị em và tính chủ quan của tôi cũng phần nào đại diện cho cái chủ quan của nhiều ngườị Chắc có người nghĩ là chuyện đó rất khó bởi vì thầy là thầy còn tụi em là học sinh mà làm sao giống nhau được. Với những anh em đó tôi xin nhắc là trước khi trở thành giáo sư và hiệu trưởng của trường Petrus Ký, tôi đã từng là một học sinh của trường này như anh em vậỵ Cũng như anh em, tôi cũng đã từng mài đũng quần trên chiếc ghế dài mà sau nầy các anh em ngồi trên đó.


Tôi ra đời trong một làng quê ở tỉnh Mỹ Tho. Ngay từ lúc còn học ở trường Tiểu Học tỉnh, tôi đã được nghe ba tôi và chú tôi nói nhiều về trường Petrus Ký. Thấy các anh học sinh trường College Le Myre de Vilers với bộ đồng phục trắng có gắn phù hiệu trông rất uy nghi tôi đã nể phục các anh và ngưỡng mộ trường college này lắm rồi. Nhưng chú tôi bảo là Petrus Ký còn to hơn, quan trọng hơn Le Myre de Vilers nhiều lắm. Riêng ba tôi thì hình như lúc nào cũng nhắc là “nữa lớn con sẽ học trường Petrus Ký.” Thành ra trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó trường Petrus Ký là cái gì vĩ đại lắm, nó lớn lao quan trọng vô cùng. Tôi cũng nghe một người bà con bảo là “học Petrus Ký ra là làm cha thiên hạ đấy.” Lời phát biểu chói tai đó thật ra cũng có phần đúng đối với thế hệ của tôi và đối với người dân Miền Nam thời đó. Bởi vì cho đến năm 1945, sau ngày Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai chấm dứt, cả Miền Nam nước Việt chỉ có 4 trường Trung Học công là Petrus Ký, Gia Long, Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu), và College de Cần Thơ (Phan Thanh Giản), mà trong 4 trường đó chỉ có trường Petrus Ký là trường duy nhất có bậc đệ nhị cấp (tức là lycée hồi đời Tây). Dù ra đời trễ nhất trường Petrus Ký vẫn là trường lớn nhất, cao nhất, và nỗi tiếng nhất ở trong Nam. Thời xưa, có được bằng Tiểu Học đã là oai lắm đối với dân quê, có được bằng Thành Chung thì kể như trí thức lắm rồi, thuộc hạng thầy thiên hạ, huống chi là có được bằng Tú Tài. Quí hóa vô cùng, có mấy ai có được bằng này. Vậy mà trường Petrus Ký lại sản xuất ra số ít người quí giá đó. Bởi thế nên phụ huynh học sinh, những người hiểu rõ giá trị của giáo dục, nhất là những người có con trai, ai ai cũng đều mong muốn cho con mình được vào Petrus Ký cả.

Nhưng khi lên trung học thì tôi vào Le Myre de Vilers chớ không phải Petrus Ký vì thời cuộc lúc này và vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Khi xong đệ nhất cấp, tôi mới xin chuyển về trường Petrus Ký và từ đó sống ở Sài Gòn luôn. Được vào Petrus Ký là kể như ước mơ đã thành, tôi mừng không thể tả, nhưng người vui nhất chắc chắn là ba tôi và kế đó là nhưng người thân trong gia đình tôi. “Ngày đầu tiên vào trường, đứng xếp hàng dưới những tàn cây sao cao ngất bên hông những dãy lớp học đồ sộ uy nghi, tôi có cảm giác như tôi đang được vươn mình lên để lớn thêm và để mở rộng tâm hồn cho khoáng đạt, cho thích nghi với với cái khung cảnh uy nghi đồ sộ của ngôi trường. Khi các lớp học sinh chỉnh tề theo hàng ngũ lần lượt đi vào sân trong và dừng lại ở trước cửa mỗi lớp một cách rất có trật tự và kỷ luật tôi nói thầm trong lòng rằng ở trên đời này chắc chưa có trường học nào có được cái kỷ luật chặt chẽ và cái không khí trang trọng như trường này. Nhất là khi vừa qua khỏi cổng vào sân trong, nhìn lên giữa hành lang chính (préau) thấy thầy hiệu trưởng Phạm Văn Còn cùng với thầy giám học (thầy Huấn) và thầy tổng giám thị (thầy Trương) oai vệ đứng đó tôi càng thấy cái không khí nghiêm trang của ngôi trường hơn, một sự nghiêm trang mà tôi chưa hề thấy được ở những ngôi trường nào tôi đã học qua.” (TTHPK tr. 115-116). So với Le Myre de Vilers, trường Petrus Ký lớn hơn nhiều lắm, cũng ra đời sau Le Myre de Vilers lâu lắm. Họa đồ xây cất trường do một kiến trúc sư người Pháp là ông Hebrard de Villeneuve vẽ hồi năm 1925, và trường được khởi công xây cất liền sau đó để hoàn tất vào năm 1927. Niên khóa đầu tiên khai giảng hồi tháng 9 năm 1927 với bốn lớp học sinh chuyển từ Chasseloup Laubat sang. Lúc này trường mang tên Collège de Cochinchine. Vị hiệu trưởng đầu tiên là ông Banchelin. Năm sau, 1928, Thống Đốc Nam Kỳ là Blanchard de la Brosse lấy tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký đặt tên cho trường, biến trường này thành lycée (trường Đệ Nhị Cấp) và cho đặt tượng đồng bán thân Petrus Ký vào giữa sân trường. Lễ khánh thành tượng đồng Petrus Ký và trường Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký được đặt dưới sự chủ tọa của Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse. Trường nằm ở giữa hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, trên khoảng đất rộng mênh mông với đầy đủ cung cách của một khu học đường trang nghiêm yên tịnh. Tất cả đất đai, và phần lớn cơ sở trong khu vực đóng khung bởi bốn con đường Cộng Hòa, Thành Thái, Trần Bình Trọng và Nguyễn Hoàng, đều thuộc lãnh thổ của Petrus Ký. Trường có sân vận động riêng của trường, sân vận động Lam Sơn. Nhưng vì sự phát triển nhanh của nền giáo dục trong thập niên 1950 khi nước vừa độc lập nên một số cơ sở và đất đai của trường Petrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để xài cho những cơ quan giáo dục khác. Trường Quốc Gia Sư Phạm, trường Trung Tiểu Học Trung Thu dành cho con em Cảnh Sát, Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục đều được xây trên phần đất của trường Petrus Ký. Ba dãy lầu lớn của trường Petrus Ký được dùng cho Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm. Nhà Tổng Giám Thị Petrus Ký được dùng làm Trung Tâm Thính Thị Anh Ngữ, và một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số các viên chức Bộ Giáo Dục. Tuy bị cắt xén nhiều nhưng trường Petrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam Việt Nam.

(Về phương diện kỷ luật và trật tự thì có lẽ không có trường nào có kỷ luật và trật tự chặt chẽ, tốt đẹp bằng trường Petrus Ký. Ở Le Myre de Vilers tuy kỷ luật cũng khá chặt chẽ, tuy cũng có nhiều biện pháp mạnh trừng phạt học sinh như cấm túc, đuổi học, vv... nhưng vẫn không có cái không khí trang nghiêm uy nghi của trường Petrus Ký. Ở Le Myre de Vilers khi cổng trường mở thì học sinh cứ đi thẳng vào trước lớp học của mình chờ tới giờ sắp hàng trước cửa lớp đợi thầy đến cho phép là vào lớp. Ở Petrus Ký, sau khi vào cổng học sinh phải xếp hàng bên hông trường trước. Xong rồi mới theo lệnh giám thị tiến vào bên trong xếp hàng chờ trước cửa lớp một cách rất trật tự. Ở Le Myre de Vilers học sinh không thấy ông hiệu trưởng đâu, nhưng ở Petrus Ký, khi vào bên trong trường là học sinh sẽ thấy ngay ban giám đốc đứng giữa hành lang chính nhìn xuống toàn thể học sinh của trường. Tôi chưa hề chào cờ ở trường Le Myre de Vilers bao giờ. Nhưng ở Petrus Ký thì học sinh phải chào cờ mỗi sáng Thứ Hai. Cảnh chào cờ bao giờ cũng rất nghiêm trang và long trọng. Ở đây lúc nào bạn cũng cảm thấy như được ban giám đốc chiếu cố tới luôn).

Muốn được vào học trường Petrus Ký người đi học phải chứng tỏ được rằng mình thuộc thành phần ưu tú, xuất sắc, có thể là ở trong nhóm từ 5 đến 10 phần trăm đầu của những người cùng lứa tuổi. Kỳ thi tuyển vào Petrus Ký là kỳ thi rất gay go cho nhiều học sinh, xưa cũng vậy mà sau này cũng vậy. Vì thuộc thành phần chọn lọc như vậy cho nên học sinh Petrus Ký đậu rất nhiều và rất cao trong các kỳ thi. Kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1959 chẳng hạn là kỳ thi rất hóc búa, toàn quốc chỉ có một người đậu hạng Bình mà thôi, và người đó là học sinh Petrus Ký. Quyển Kỷ Yếu của trường Petrus Ký niên khóa 72-73 ghi thành tích học tập của niên khóa trước như sau:

TÚ TÀI II
Ban A: Dự thi 101, trúng tuyển 101 với 2 Ưu, 10 Bình, 25 Bình Thứ, tỷ lệ 100%.
Ban B: Dự thi 419, trúng tuyển 419, 11 Ưu, 53 Bình, 114 BT, tỷ lệ 100%
Ban C: Dự thi 52, trúng tuyển 52, với 7 BT, tỷ lệ 100%
Đậu nhiều và nhiều người đậu cao, đó là thành tích học tập của học sinh Petrus Ký từ xưa đến giờ.

Trường Petrus Ký đối với tôi là một trường mẫu, lý tưởng, là tấm gương cho các trường khác noi theo. Lúc còn học ở Le Myre de Vilers bọn học sinh chúng tôi luôn lấy các bạn Petrus Ký làm mẫu trong mọi hoạt động. Bởi vậy nên khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, tôi quyết định lấy Petrus Ký làm ưu tiên một trong việc chọn lựa nhiệm sở của tôi. Tôi được về Petrus Ký theo ý muốn. Ở thời đại của tôi được bổ nhiệm về trường Petrus Ký và một số các trường lớn khác ở Đô thành thường phải là những người đậu đầu hay thật cao trong danh sách tốt nghiệp CĐSP hay ĐHSP sau này, hoặc những người đã dạy lâu năm ở tỉnh. Nói chung thì phần đông giáo sư Petrus Ký là giáo sư được chọn lọc, rất có căn bản chuyên môn và cũng rất đạo đức. Một số giáo sư Petrus Ký đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục sau khi dạy ở trường một thời gian. (Giáo sư Nguyễn Thành Giung sau làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, giáo sư Phạm Văn Lược sau làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, giáo sư Phạm Văn Thuật sau làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và BDGD, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm sau làm Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên). Đặc biệt là từ niên khóa 1964-65 giáo sư Petrus Ký giữ vai trò quan trọng trong việc soạn đề thi cho các kỳ thi trên toàn quốc. Họ cũng là những người đem bài thi trắc nghiệm khách quan (objective tests) thay dần vào chỗ những bài thi theo lối luận đề (essay). Một số giáo sư khác đã có những công trình nghiên cứu soạn thảo, viết sách giáo khoa rất có giá trị như giáo sư Phạm Thế Ngũ, giáo sư Vũ Ký, vv...  Phần đông đều rất tận tụy với việc giảng dạy, rất thương học sinh, và rất chú tâm đến việc bảo vệ uy tín và thanh danh của trường. Thầy Đảnh, thầy Thái, thầy Ái, thầy Minh, thầy Hạnh, thầy Đính, thầy Nam... thầy nào học trò cũng thương cũng mến và thầy nào cũng hết lòng lo lắng cho học sinh, cũng như lo lắng cho trường. Mến thương học trò, mến thương trường Petrus Ký, đó là điều mà phần đông anh chị em giáo sư Petrus Ký đều cảm thấy. Cho nên năm 1962 khi tôi bị đưa đi làm hiệu trưởng ở Bình Dương tôi thấy rất khổ tâm khi phải rời khỏi trường. Cũng may là năm sau tôi lại được trở về Petrus Ký không phải để đi dạy lại mà để làm hiệu trưởng trường này.

Tôi là hiệu trưởng đời thứ 13 của trường mặc dầu trước tôi chỉ có 11 ông hiệu trưởng (vì ông Valencot làm hiệu trưởng tới hai lần cũng như giáo sư Trần Ngọc Thái sau này). Từ 1927 cho đến năm 1975 trường có tất cả 17 vị hiệu trưởng. Trong số 17 ông hiệu trưởng này, có 5 người Pháp (Banchelin, Valencot, Andre Neveu, Le Jeannic, và Taillade) và 12 người Việt Nam (Lê Văn Kim, Phạm Văn Còn, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Trương, Phạm Văn Lược, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Thái, Trần Văn Thử, Trần Văn Nhơn, Bùi Vĩnh Lập, và Nguyễn Minh Đức). So với những vị hiệu trưởng trước, tôi là người quá trẻ khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng trường này. Lúc đó tôi mới có 30 tuổi trong khi những vị hiệu trưởng trước tôi không có vị nào dưới năm mươi tuổi. Tất cả đều là bậc thầy của tôi. Nhưng cũng từ tôi trở đi thì hiệu trưởng Petrus Ký đều còn nhỏ tuổi cả (trừ ra giáo sư Trần Văn Thử), tất cả là đàn em của tôi về phương diện tuổi tác. Lớp trẻ chúng tôi tuy có rộng rải, cởi mở hơn thế hệ lớn tuổi nhưng tất cả đều không xa rời truyền thống tốt đẹp của trường Petrus Ký. Kỷ luật, trật tự vẫn đứng hàng đầu. Chọn lựa kỷ giáo sư, chọn lựa kỷ học sinh, thúc đẩy các hoạt động trong cũng như ngoài học đường, vận động mọi phương tiện, mọi nguồn yểm trợ để phát triển trường sở, thăng tiến việc học của học sinh, làm cho học sinh đậu nhiều và đậu cao trong các kỳ thi, đào tạo người giỏi cho non sông tổ quốc, đó là những điều chính yếu mà ông hiệu trưởng Petrus Ký nào củng cố làm. Ông hiệu trưởng nào cũng biết là trường mình là trường rất nỗi tiếng, rất được sự chú ý của chính quyền cũng như của dân chúng. Ông hiệu trưởng nào cũng biết trường mình là trường được giới giáo dục coi như là trường kiểu mẫu của trường trung học ở miền Nam tự do và là trường luôn được sự chú ý của mọi người và mọi giới. Những nhân vật hàng đầu của chính phủ thường đến thăm viếng trường, từ Tổng Thống, Chủ Tịch Quốc Hội đến các Tổng Bộ trưởng, đến các quốc khách từ các quốc gia khác đến. Ai cũng biết trường mình là trường đã từng đào tạo rất nhiều nhân vật quan trọng, từng giữ những vai trò lãnh đạo trong chánh quyền bên này hay bên kia, từng đóng góp vào việc làm nên lịch sử cho xứ sở.

Và trên hết tất cả ai cũng hiểu rằng trường mình hết sức hãnh diện mang tên một nhà bác học, một nhà văn hóa có công rất nhiều đối với việc phổ biến nền học thuật mới ở Việt Nam hồi thế kỷ thứ XIX. Đó là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Nói đến ông là người ta phải nhớ đến vai trò “khai đường mở lối” của ông trên các địa hạt sau đây:
1. Dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán trong việc biên khảo trước tác.
2. Viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẫu của các nhà nho,
3. Làm báo theo đúng mẫu mực một tờ báo, và
4. Xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hóa Á Đông và văn minh Tây phương thay thế nền học thuật cũ kỹ lỗi thời của nho gia.

Qua công trình soạn thảo, trước tác của ông ta thấy ông là một nhà văn hóa giáo dục có tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng, ba đặc tính quan trọng mà nền giáo dục chân chính và tiến bộ nào cũng cần phải có. Lý tưởng của ông là đào tạo được lớp người mới có đủ những kiến thức khoa học kỹ thuật của văn minh Aâu Tây đồng thời nắm vững những nguyên tắc đạo đức cổ truyền Á Đông, vừa có tâm hồn khai phóng, cởi mở, vừa có tinh thần dân tộc, vừa biết tôn trọng giá trị con người dù bất cứ trong xã hội nào. Lý tưởng đó được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam manh nha từ thời Pháp thuộc để phát triển và bành trướng mạnh mẽ từ Đệ Nhất qua Đệ Nhị Công Hòa.

Trường trung học được cái danh dự mang tên Petrus Trương Vĩnh Ký từ khi ra đời đã mang lý tưởng giáo dục đó biểu lộ trong hai câu đối ghi khắc trước cổng trường:

“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”

Từ ngày được thành lập cho đến khi bị đổi tên, trong suốt gần năm mươi năm hoạt động, trường Petrus Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục được giao phó, đã đóng tròn vai trò một định chế xã hội đối với quốc gia, đã đào tạo được không biết bao nhiêu nhân tài cho xứ sở, đã trở thành một trường trung học phổ thông nổi tiếng vào bậc nhất ở Miền Nam Việt Nam.

Nguyễn Thanh Liêm

 
 

Intro Chapeau: Tiến sĩ Trần Bích San là một trong những cây bút biên khảo chủ lực của Văn Đàn Đồng Tâm, ông có nhiều sáng tác về biên khảo văn chương, kim văn cũng như cổ văn, những bài phê bình văn học có giá trị cao. Xin hân hạnh giới thiệu bài viết của nhà biên khảo Trần Bích San nhận định về công trạng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký về việc mở đường cho nền Văn Học Chữ Quốc Ngữ. Trần Việt Hải.

Petrus Ký: Người Mở Đường Nền Văn Học Chữ Quốc Ngữ,

Nhà biên khảo Trần Bích San

 

  BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ VĂN HỌC 1862-1913

Thời gian từ 1862 đến 1913, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa chấm dứt văn học lịch triều và mở màn văn học hiện đại. Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) khởi đầu tiến trình đô hộ của người Pháp, đem theo nền văn minh, văn hóa Tây phương cùng với sự khuyến khích sử dụng chữ quốc ngữ.  Năm 1913, sự ra đời của Đông Dương Tạp Chí (1) đã đánh dấu một nền văn chương chữ Việt được quảng bá và phát triển với tầm mức rộng rãi.

Sở dĩ thời kỳ chuyển tiếp kéo dài tới nửa thế kỷ là bởi sự khác biệt hoàn toàn giữa hai nền văn minh Đông Tây. Hơn nữa, sự tiếp xúc với Tây phương từ căn bản là một sự cưỡng bách nên việc từ bỏ nếp suy tư, diễn đạt theo nếp cũ đã có từ ngàn năm sang lối mới không thể diễn ra trong một thời gian ngắn. 

Tiếng súng đại bác từ các chiến hạm dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Hải Quân Rigault de Genouilly bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng, rồi hạ thành An Hải và Tôn Hải, là dấu hiệu bắt đầu ý đồ thôn tính Việt Nam của người Pháp.  Sau khi quân Pháp chiếm thành Gia Định (1859), hạ thành Mỹ Tho (1861), chiếm Bà Rịa (1861), Biên Hòa và Vĩnh long (1862), triều đình Huế buộc phải ký hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường). Năm 1867 Thiếu Tướng De la Grandière chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ  (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), từ đó Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp.

Chữ quốc ngữ dùng diễn tả tiếng nói của người Việt do các mẫu tự La Tinh ghép thành, khởi thủy xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Thiên Chúa của các giáo sĩ người Âu sang Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 16. Tuy chữ quốc ngữ căn cứ vào giọng Bắc Kỳ và miền bắc Trung Kỳ nhưng được sử dụng trước nhất lại là người miền Nam.  Sau khi chiếm được Việt Nam, người Pháp chủ tâm cắt đứt liên lạc văn hóa giữa Việt Nam và Trung hoa. Muốn xóa bỏ quá khứ văn hóa Việt bị ảnh hưởng nặng nề Hán học thì điều căn bản phải thực hiện là thay thế chữ Nho bằng một thứ chữ khác. Chữ quốc ngữ có sẵn, lại cùng mẫu tự La Tinh, nên người Pháp không bỏ lỡ cơ hội đã khuyến khích (2), cổ võ, và bắt buộc dạy chữ Việt trong các trường học (3), dùng chữ Việt trong guồng máy hành chánh (4), xuất bản báo chí, tạp chí văn học nhằm phát triển việc sử dụng chữ Việt cho tiếng nói của người bản xứ. Tóm lại, việc cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh và học chánh nằm trong chính sách quan trọng hàng đầu của Pháp. Trước tiên, họ cho dựng nên những cơ sở giáo dục để truyền bá chữ Pháp và chữ Việt La Tinh. 1861: Đô Đốc Charner thành lập trường Collège d’Adran (nghị định ngày 08/05/1861) để đào tạo thông ngôn người Việt và cho người Pháp học tiếng Việt. 1865: soái phủ Sài Gòn xuất bản Gia Định Báo (5) là tờ công báo Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Văn chữ Việt chính thức ra đời kể từ năm này. 

Chữ Việt được dùng đầu tiên ở Nam Kỳ, vì thế những văn gia đi tiên phong trong hồi đầu mới có chữ quốc ngữ đều là những người trong Nam. Trong số những người có công trong buổi sơ khai, Trương Vĩnh Ký được coi là nhà văn đã mở đường cho nền văn học chữ quốc ngữ.

 



TRƯƠNG VĨNH KÝ, NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NỀN VĂN HỌC CHỮ QUỐC NGỮ

Trương Vĩnh Ký tức Petrus Ký (1837-1898), tự Sĩ Tải, còn có tên Trương Chánh Ký, là con út trong một gia đình có 3 người con.  Thân phụ ông, Dominique Trương Chánh Thi, lãnh binh dưới triều Minh Mạng đồn trú ở Nam Vang, bị bệnh và tạ thế ở đó vào năm 1845.   Ông sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại chợ Cái Mơn, thôn Cái Mong, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long.  Gia đình theo Thiên Chúa Giáo nên từ nhỏ ngoài chữ Hán thụ huấn với một ông đồ trong làng, ông còn được vị linh mục trong vùng dạy chữ quốc ngữ.  Mới 5 tuổi (1842) ông đã tỏ ra có thiên khiếu về việc học cùng một lúc hai thứ chữ khác nhau.  Năm thân phụ qua đời ông được 8 tuổi, gia đình sa sút, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu phải làm lụng cực khổ để lo cho ông tiếp tục việc học.  Một năm sau, 1846, may nhờ một linh mục tục gọi là cụ Tám vốn từng thụ ơn thân phụ ông thấy gia đình nghèo túng xin về nuôi dạy giùm.  Từ đó ông theo cụ Tám, rồi cố Long, cố Hòa về ở trong nhà thờ Cái Nhum.

Năm ông 11 tuổi, 1848, ông được gửi theo học trường Pinhalu ở Nam Vang, Cao Miên.  Thời gian này ông có dịp giao tiếp với các học trò người Thái, Miên, Lào, Tàu, Miến Điện và Nhật Bản nên có dịp phát huy năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ.  Năm 1852, sau khi hoàn tất học trình 4 năm, ông được gửi đi học tiếp ở trường Thày Dòng Collège Constantinien của hội Truyền Giáo Viễn Đông tại đảo Polou Pinang, Mã Lai do người Anh cai trị.  Ông học 6 năm tại đây (1852-1858) chuyên về tiếng Hy Lạp và La Tinh.  Ông học rất xuất sắc, có năng khiếu về ngôn ngữ học và được giải thưởng của Thống Đốc người Anh ở Pinang về môn luận văn bằng tiếng La Tinh. Nhưng đến lúc này ông vẫn chưa biết Pháp văn.  Nhờ một tình cờ hi hữu, ông mới bắt đầu học tiếng Pháp và học luôn cả chữ Anh, Nhật và Ấn Độ Hindoustani (6).

Năm 1858, được tin thân mẫu qua đời ông xin trở về nước chịu tang sau đó sang Cái Nhum phụ các linh mục trong việc dạy học.  Lúc này phong trào “Bình Tây Sát Tả” đang hồi cao độ ông phải tạm lánh lên Sài Gòn nhờ sự che chở của giám mục Lefèbre.

Tháng 7 năm Mậu Ngọ 1858 (Tự Đức thứ 11) Trung Tướng Hải Quân Regault De Genouilly đem 14 chiến thuyền Pháp và Y Pha Nho với hơn 3000 quân của 2 nước đến bắn phá vào các đồn lũy ở Đà Nẵng (01/09/1858) rồi chiếm thành An Hải và Tôn Hải với chủ đích lấy xong Đà Nẵng sẽ tiến chiếm Huế.  Triều đình cử Kinh Lược Sứ Nguyễn Tri Phương lập đồn Liên Trì và đắp lũy từ Hải Châu đến Phúc Ninh chia quân ra chống giữ.   De Genouilly thấy quân Nam đã phòng bị khó đánh nên giao cho  Đại Tá Toyon ở lại giữ các đồn rồi đem quân vào Nam đánh Gia Định.  Quân Pháp vào cửa Cần Giờ bắn phá các pháo đài hai bên bờ sông Đồng Nai, tiến đánh thành Gia Định.  Hai ngày sau, 17/02/1859, thành vỡ, hộ đốc Vũ Duy Ninh tự tận.  Sau khi chiếm được thành, De Genouilly cho đốt hết thóc gạo, san bằng thành quách chỉ để lại một đồn ở phía nam.  Trước khi trở ra Đà Nẵng, De Genouilly sai Trung Tá Hải Quân Jauréguiberry đem quân chống giữ với quân của Tôn Thất Hợp đang đóng ở Biên Hòa.  Lúc này người Pháp rất cần thông ngôn giỏi nên năm 1860 Trương Vĩnh Ký được Giám Mục Lefèbre tiến cử với Jauréguiberry vào chức vụ thông ngôn lương $20 một tháng.  Ông kết hôn với Vương Thị Thọ và xây nhà riêng ở Chợ Quán.              

Năm 1862, Trương Vĩnh Ký được phái ra Huế tham dự vào cuộc đàm phán đưa đến hòa ước năm Nhâm Tuất ngày 05/06/1862.  Năm 1863 ông được sung chức sứ bộ trùng dịch, làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản (6) sang Pháp điều đình việc chuộc lại 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ.  Tháng 6 ông cùng sứ bộ xuống tàu Européen và tới Pháp vào tháng 8.  Đến Paris vào lúc Pháp hoàng sắp đi nghỉ mát nên sứ bộ Phan Thanh Giản phải chờ hơn một tháng sau mới được Napoléon III tiếp kiến.  Trong thời gian ở Pháp ông có dịp tiếp xúc và quen biết với văn hào Victor Hugo, Renan, sử gia Duruy, Littré, nhà thực nghiệm học và là hội viên Hàn Lâm Viện Paul Bert… Cũng dịp này ông được nhận làm hội viên của Viện Nhân Chủng Pháp (7).  Ông đi thăm các thành phố Pháp như Rouen, Le Havre, Lorient, Tours, Lyon, Bordeaux và đi thăm các thành phố lớn ở Âu Châu như  Madrid, Rome, Alicante, Barcelone, Gênes, Florence.  Sau chuyến đi sự hiểu biềt và tầm nhìn của ông được mở rộng rất nhiều.  

Trở về Việt Nam Trương Vĩnh Ký được bổ làm giáo sư trường Thông Ngôn (8) rồi thăng lên làm Giám Đốc trường này từ 1866-1868.  Sau đó ông xin nghỉ ở nhà chuyên tâm vào việc khảo cứu.  Nhưng không được bao lâu, năm 1869, súy phủ Sài Gòn lại giao cho ông quản nhiệm tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo.  Tờ báo, vốn là phần ấn bản tiếng Việt của tờ Courrier de Saigon, dưới sự điều hành của ông đã trở thành một tờ báo mới, độc lập, nội dung hoàn toàn thay đổi với các cộng tác viên tên tuổi như Huỳnh Tịnh Của (9), Trương Minh Ký (10).

Năm 1872 ông được thăng huyện hạng nhất bổ chức vụ thư ký Hội Đồng Thành Phố Chợ Lớn.  Năm 1873, giáo sư trường Hậu Bổ (11) giảng dạy về Việt và Hán văn.  Năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Dupré biệt phái ông ra Bắc nghiên cứu tình hình chính trị để thăm dò việc mở rộng thế lực của người Pháp.  Trong thời gian 3 tháng ở ngoài Bắc ông nhìn thấy cảnh quan tham lại nhũng, nạn cường hào ác bá, trộm cướp lục lâm, tình hình lương giáo sung đột trầm trọng đòi hỏi một cuộc cải cách rộng lớn về hành chánh và tư pháp trong khi Nam triều bất lực.  Trong phúc trình lên Dupré ông đưa ra nhận xét: “Triều đình Huế không thể nào làm nổi những cải cách ấy và chỉ có người Pháp mới có thể đưa tay ra đỡ dậy một xứ sở quá suy yếu như vậy” (phúc trình gửi Dupré ngày 28/04/1876).  Nhân dịp này ông thu thập tài liệu cho tập du ký Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (12).   Trở về Sài Gòn ông được Dupré cử vào Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn (hội viên người Việt đầu tiên và duy nhất) và Hội Đồng Học Chánh Thuộc Địa. Năm 1883 ông được bổ vào chức vụ Officier d’Académie.

Năm 1886, thủ tướng Freycinet triệu hồi thống tướng De Courcy về Pháp và giao binh quyền cho trung tướng Warnel, Paul Bert được cử làm khâm sứ Trung và Bắc Kỳ.  Vốn quen biết và rõ khả năng của Trương Vĩnh Ký trong thời gian sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp thương thuyết, Paul Bert ngay khi đến Sài Gòn vào tháng 2, 1886 đã cho người đi tìm Trương Vĩnh Ký.  Paul Bert lúc đầu nhờ ông mấy việc nhỏ như thiết lập danh sách những người có thể ra Bắc làm thông ngôn, dịch ra chữ Nho bài bố cáo đọc ở kinh đô Huế.  Sau đó Paul Bert điều đình với súy phủ Sài Gòn để Trương Vĩnh Ký làm việc trực thuộc dưới quyền.  Paul Bert đem ông ra Huế để giúp cải thiện mối giao thiệp giữa hai chính phủ Pháp-Nam.  Paul Bert đặt ông ở Viện Cơ Mật và trao cho nhiệm vụ quan sát hoạt động của viện, đồng thời vận động cảm tình của vua Đồng Khánh cùng các quan trong triều.  Ông được phong chức Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ nhờ dạy vua Đồng Khánh học chữ Pháp.  Ông ở vào vị thế trung gian rất tế nhị và khó khăn.  Phía Nam triều thì ngoan cố, nghi kỵ thiện ý của ông, còn phía Pháp thì đố kỵ vì thấy ông được Paul Bert trọng dụng nên nói xấu, vu cho ông không thật lòng với Pháp.  Trong tình huống này ông rất cẩn trọng và luôn luôn trình bày cho cả hai chính phủ hiểu rõ quyền lợi lâu dài để tương nhượng lẫn nhau hầu đôi bên đều có lợi (13).  Không có tư kiến khi lo việc quốc gia nên một mặt ông hết sức thuyết phục quan lại Nam triều chấp nhận sự hợp tác và những lợi ích dưới sự bảo hộ của Pháp. Mặt khác, ông bênh vực Nam triều không để cho Pháp dễ dàng dẫm chân lên quyền lợi hoặc thể diện quốc gia.  Trong vụ Paul Bert đòi triều đình Huế dành cho Pháp nhiều quyền hơn ở Bắc Kỳ, ông đề nghị đổi lại Pháp phải chia một phần thuế thâu ở Bắc Kỳ cho ngân quỹ Nam Triều (thư gửi Paul Bert ngày 04/11/1886).  Một điều đáng chú ý nữa là thái độ của ông trong vấn đề tôn giáo. Tuy là tín đồ Thiên Chúa Giáo và chính bản thân ông đã từng là nạn nhân cũng như chứng nhân của những vụ khủng bố đạo, song ông không có ý thiên vị.  Vài nơi theo đạo Thiên Chúa ở miền Trung đã tự cho mình ưu thế nên có những hành vi lộng quyền, ông thẳng thắn phúc trình và lên án.  Ông cho rằng phải giải quyết sự việc theo quan điểm quốc gia và phải từ bỏ mọi vị nể tín ngưỡng.  Ông không có thành kiến của một tín đồ, trái lại, ông có cái nhìn thực tiễn của nhà chính trị, óc duy lý của một học giả.  Trong thư gửi cho Paul Bert, ông viết: “Les religions ne vivent que par certains principes de moralité qui leur sont communs.  En voyant les choses ainsi le devoir et le rôle de l’état sont bien simples; ils se résument dans une attitude neutre tant que les sectes ne troublent pas l’ordre public, l’un des premiers soucis de l’état”.  Tóm lại, ông đã có thái độ thích đáng của một trí thức có liêm sỉ và tự trọng.  Thực ra bản chất ông vẫn là môn đệ Nho Giáo.  Trái tim ông vẫn đập về phía đất nước, dân tộc.  Bằng chứng cụ thể là mặc dầu người Pháp cám dỗ, thúc giục nhiều lần nhưng ông nhất định từ chối gia nhập Pháp tịch (thư gửi Pène Siefert ngày 15/09/1888)...

   * Mời bạn đọc xem tiếp trong link vì bài khá dài:

http://www.vietthuc.org/2010/03/16/petrus-ky-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%9F-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%E1%BB%81n-van-h%E1%BB%8Dc-ch%E1%BB%AF-qu%E1%BB%91c-ng%E1%BB%AF/

 

 


 


















Học sinh cũ, Giáo sư cũ,
Hiệu trưởng cũ
Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký

   

 
                                 GS Nguyễn Thanh Liêm và những cựu học sinh Petrus Ký

  Nỗi Lòng Cụ Petrus Ký, Tâm thơ để lại...
Anh Hai Bầu (gốc Tây Ninh ờ Sydney, Petrus Ký Australia)

http://www.petrusky.org.au/BacHoc_PTVK/BacHoc_PTVK_index.htm

Truyền thống Trường Trung học Petrus Ký

 Trường Petrus Ký thành lập dưới thời Pháp. Từ năm 1925 Trường đã được kiến trúc sư Hébrard de Villeneuve vẽ họa đồ xây dựng, được chính thức thành lập năm 1927. Đầu tiên mở 4 lớp nội trú hoạt động dưới danh nghĩa "Collége de Cochinchine". Thống đốc Blanchard de la Brossee đã lấy tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký đặt cho Trường.

Năm 1928 nhân dịp khánh thành tượng đồng của Petrus Ký đã đổi thành Trường đệ nghị cấp với trên 200 học sinh (lycée Petrus Trương Vĩnh Ký), là trường Trung học đào tạo tú tài duy nhất ở trong Nam thuở ấy. Vì biến cố lịch sử, năm 1941 Trường di chuyển về Trường sư phạm Sài Gòn rồi lại trở về chỗ cũ ngay năm ấy, năm 1945 lại dời về khu tiểu học Tân Định, sau đó tạm ngưng đến ngày 1-4-1946 mở lại trong chủng viện đường Lucien Mossard. Đến 1947 Trường trở về nơi cũ. Năm 1961 hợp thức hóa để trở thành trường Trung học đệ nhị cấp, chương trình Trung học Việt Nam.

 Đến năm 1976 sau ngày CS chiếm đóng miền Nam, Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký bị đổi tên là Trường Trung học LHP, tên của một chuyên gia sen đầm cực đoan cổ xúy cho việc xuất cảng chủ nghĩa giáo điều Mác Lê. Năm 1976 - 1977 thu nhận học sinh của các trường tư thục trước 1975 gần khu vực của trường. Mỗi năm không nhận dần các lớp đệ nhất cấp theo hồ sơ của trường từ lớp 6 đến lớp 9. Năm 1980 - 1981 chỉ còn 3 bậc đệ nhị cấp, các lớp 10, 11, 12, trong đó chỉ có 1 lớp chuyên Toán. Năm học 1989 - 1990, Trường thu nhận thêm các lớp chuyên khoa Văn, Ngoại ngữ, Toán, Lý của khu vực Sài Gòn và đổi tên là Trường PTTH chuyên LHP. Năm 1995 được chọn làm Trung tâm đào tạo phẩm chất giáo dục cao nhất ở miền Nam.

 Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trường đã lấy tư tưởng: "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt - Tây Âu khoa học yếu minh tâm" (hãy khắc vào xương đạo đức Khổng Mạnh, nên ghi vào lòng văn minh khoa học Tây Âu) làm kim chỉ nam, để giáo dục nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước. Kỷ niệm 70 năm thành lập trường cũng là dịp để ôn lại truyền thống, nhắc nhở cho thế hệ sau phấn đấu nhiều hơn nữa, xứng đáng với truyền thống tôn vinh nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký.

 (Viet Hai ghi nhận tứ netdata)