Home Đời Sống Tài Liệu Chiến tranh thế giới thứ nhất và hôm nay

Chiến tranh thế giới thứ nhất và hôm nay PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Việt   
Chúa Nhật, 31 Tháng 10 Năm 2010 20:38

Viết đến đây tự nhiên tôi thấy giật mình thon thót, rởn tóc gáy. Cái chế độ Nazi này nó cứ hao hao, mà chẳng phải hao hao nữa, nó giống hệt cái chế độ nào đó thời nay nhỉ. Giống quá cỡ.

Cách đây đúng 92 năm, 11 tháng 11 năm 1918, Thế chiến I chấm dứt. Nhân dịp này, tôi cố gắng viết ra bài này hòng giúp bạn đọc hiểu được một phần nào cuộc chiến đó và nếu hiểu đuợc nó thì bạn cũng có thể hiểu đựơc nguyên nhân của thế chiến thứ II. Tôi hoàn toàn không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, lại càng không phải người ham mê lịch sử. Tôi chỉ cảm thấy rằng nhiều người Việt Nam không chuyên lịch sử thì thường không biết nhiều về cuộc chiến này. Một phần cũng vì nó ít liên quan đến Châu Á, một phần cũng vì khi chúng ta học lịch sử thì vì lý do này hay lý do khác, lịch sử đã bị méo mó quá nhiều rồi. Người Việt Nam có câu "méo mó có hơn không": Riêng về lịch sử thì tôi thấy câu này không đúng. Tôi không có tham vọng viết cặn kẽ về chiến tranh vì nó đồ sộ quá và phức tạp quá, cũng không có ý định phân tích hậu quả, nguyên nhân của nó. Bài viết chỉ có tham vọng giúp bạn đọc có đựơc những nét chính của cuộc chiến, gần với lịch sử thật hơn. Lịch sử rất cần thiết cho hiện tại cũng như tương lai của chúng ta, thậm chí so với hiện tại bạn còn thấy thích thú, sửng sốt, thậm chí rởn tóc gáy. Muốn có được cảm giác này, xin bạn đọc theo tôi đến cuối bài.

 
                    Nghĩa trang Đệ Nhất Thế Chiến
Châu Âu năm 1914 chia thành hai khối. Khối thứ I là khối liên minh tay ba Anh-Pháp-Nga (sau này có thêm nhiều thành viên khác như Ý, Séc Bia…). Khối thứ II là liên minh tay đôi: Đức – Áo Hung ( Đế chế Áo Hung lúc bấy giờ bao gồm cả Tiệp Khắc, Ba Lan …). Quan hệ Đức Pháp cực kỳ căng thẳng do kết quả của cuộc chiến tranh trước đó (1870) giữa Đức và Pháp, Đức thắng trận đã cắt chiếm vùng Alsace-Lorraine của Pháp. Quan hệ Anh Đức cũng không kém phần lủng củng do Đức luôn nhăm nhe tranh đoạt các thuộc địa của Anh. Một thứ chiến tranh lạnh đã xuất hiện trong thời kỳ này. Nhiều sự cố đã xẩy ra nhưng sự cố chính gây bùng nổ chiến tranh là vụ Quận công François-Ferdinand, người thừa kế tương lai ngôi báu Áo Hung, bị ám sát tại Sarajevo. Chủ mưu ám sát là nhóm Người Trẻ Bosna (Mlada Bosna). Chính quyền Serbia hoàn toàn không có âm mưu gì trong vụ này vì không dại gì mà đụng vào ổ kiến lửa. Lúc đó Serbia, một nước độc lập, đang là một cái gai trước mắt Đế Chế Áo Hung vì ngay trong lòng Áo Hung có hơn 10 dân tộc lúc nào cũng đang muốn vùng lên giành độc lập như Serbia. Ngày 28/7/1914, Áo Hung, viện cớ vụ ám sát, tuyên chiến với Serbia nhằm nhổ đi cái gai trước mắt và tránh hậu họa.

Serbia lại là đồng minh của Pháp-Nga, đặc biệt là rất thân với Nga (cùng văn hóa), nên Nga đã hoàn toàn không chần chừ tuyên chiến với Áo Hung. Đức là đồng minh của Áo Hung, nên cũng tuyên chiến với Nga vào ngày 01/8, tuyên chiến với Pháp ngày 03/8. Rồi ngày 04/8, Anh cũng nhẩy vào cuộc. “Như vậy sự chuyển biến về lượng đã đủ để dẫn đến sự chuyển biến về chất”: Thế chiến thứ I bùng nổ.

Đức với quân đội mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, mang quân đánh chiếm Bỉ, tấn công Pháp đến tận gần Paris... Thắng giòn giã khắp nơi. Chiến thắng tưởng chừng như cẩm trong tay rồi khi Cách mạng Tháng 10 Nga bùng nổ năm 1917. Nhiều quân lính của quân đội Nga Hoàng không muốn đánh nhau với Đức hoặc bỏ chạy theo cách mạng cộng sản. Nga Hoàng đành ký hiệp ước ngừng chiến với Đức. Rảnh tay bên phía Đông, Đức tung quân sang phía Tây (Pháp) để quyết giành thắng lợi cuối cùng. Nhưng tình hình chiến trường ngày càng xấu đi đối với Đức vì liên quân Pháp-Anh phản công dữ dội, buộc quân Đức phải lùi dần. Sau đó Đức lại mất đi nhiều đồng minh công thêm vào đó Mỹ lại nhảy vào tham chiến tiếp sức cho Anh-Pháp. Trong lúc tình hình chiến sự đang rối như canh hẹ, Đức thua liểng xiểng khắp nơi, thì ngay trong lòng nước Đức lại nổ ra cuộc cách mạng Đức. Tại sao có cách mạng Đức?

Ngày 29/9/1918, trước tình hình chiến sự thảm hại, Tướng tư lệnh Đức Ludendorff thông báo cho Hoàng Đế Guillaume II là phải cấp tốc đàm phán ngưng chiến. Ludendorff hy vọng sẽ có được “hòa bình trắng”, tức là không có kẻ thắng người thua và đề xuất với Hoàng Đế Guillaume II là phải dùng một chính phủ dân sự để đàm phán. Ngày 2/10/1917 Hoàng Thân Max de Bade được bổ nhiệm vào chức vụ như Thủ tướng bây giờ để đứng ra đàm phán. Hoàng thân tức tốc thảo công hàm gửi Tổng thống Mỹ Wilson đề nghị Tổng thống Wilson “ra tay tái lập hòa bình”. Hoàng thân chọn Tổng thống Wilson vì trước đó 1 năm Tổng thống Wilson đã soạn thảo 1 dự án hòa bình tương đối có lợi cho Đức. Nhưng tình thế đã hoàn thoàn thay đổi; Tổng thống Wilson từ chối thẳng thừng đối thoại với Hoàng Đế Guillaume II hay bất cứ một lực lượng quân sự nào của Đức. Không những thế, Tổng thống Wilson còn yêu cầu thiết lập ngay một chính thể dân chủ thực sự tại Đức. Đây chính là giọt nước làm tràn ly gây bùng nổ cách mạng Đức, dẫn đến sự sụp đổ của ngai vàng của Hoàng Đế Guillaume II (phải chạy trốn thảm hại sang Hoà Lan), khai sinh nền công hoà Weimar (1919 – 1933). Weimar là thành phố, nơi họp Quốc Hội đầu tiên của Đức để soạn thảo và thông qua Hiến Pháp của chế độ dân chủ đầu tiên của Đức. Chế độ này sau bị Hitler bóp chết.

Không có sự hậu thuẫn của Mỹ để có hoà bình trắng, bị mất hậu phương, đang hỗn loạn vì cách mạng, quân đội Đức chỉ còn có mỗi một lựa chọn là ký hiệp ước ngừng bắn (đúng hơn là đầu hàng) với tất cả các điều kiện bất lợi nhất. Như vậy, cách mạng Đức là một đòn chí mạng cho quân đội Đức trong Chiến Tranh Thế Giới thứ I.

11 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1918, một hồi kèn báo hiệu vang lên trên khắp các chiến hào Pháp-Đức báo hiệu kết thúc chiến tranh. Trước đó vài giờ, tại Compiègne, một thành phố phía bắc Paris, Hiệp Định ngưng bắn đã được ký kết trên một toa tầu hỏa-văn phòng của thống chế Pháp Foch với nội dung chính: quân Đức rút về bên kia sông Rhin, trao lại cho quân đồng minh toàn bộ hạm đội, 5.000 đại bác, 25.000 súng máy, 1.700 máy bay và 150.000 toa tầu hỏa.

 
                  Ký kết Hòa Ước Versailles năm 1919
Chưa hết, hiệp đình ngưng bắn với các điểu kiện cay đắng như trên chưa phải đã hết. Còn phải thảo luận cái giá mà Đức phải trả cho các nước thắng trận. Sau sáu tháng bàn cãi tại Versailles (Pháp), các nước tham dự (trong đó có Đức, nhưng chẳng có một trọng lượng nào) ký kết hiệp ước Versailles. Xin kể ra đây vài điều khỏan để thấy cái đau của người Đức và cũng là nguyên nhân chính của thế chiến thứ II :

- Đức công nhận là thủ phạm gây chiến và phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nước đồng minh, kể cả thiệt hại cho dân thường.

- Đức mất hết thuộc địa ở Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương.

- Quân đội Đức sẽ chỉ giới hạn ở con số 100.000 người, không có pháo hạng nặng, không có máy bay và xe tăng.

- Thành lập nhà nước Ba Lan. Cắt một phần lãnh thổ Đức cho Ba Lan để Ba Lan có đường thông ra biển. (như vậy Đức bi chia thành hai mảnh, mảnh Prussia bị tách rời ra khỏi lãnh thổ Đức).

- Đức trả lại cho Pháp vùng Alsace-Lorraine.

Ngoài ra, hiệp đinh Versailles còn thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations), tiền thân của Liên Hợp Quốc, để tiến hành giải giới và giai quyết các mâu thuẫn xung đột giữa các nước qua con đường đàm phán.

Người Đức vô cùng cay cú với thất bại trong thế chiến I và với các điều khoản của Hiêp Ước Versailles. Đối với hạ sĩ Adolf Hitler thì điều đó còn làm tăng mối hận lên gấp bội. Tại sao?

Hitler là người Áo chứ không phải là người Đức như nhiều người nhầm tưởng. Sinh ngày 20/04/1989 ở Braunau - Áo, Hitler mồ côi bố lúc 14 tuổi. Đương sự học hành rất lởm khởm. Kết thúc trung học, đương sự muốn học vẽ nhưng vẽ cũng “hơi bi yếu”, thi trượt 2 lần vào trường nghệ thuật Vienna. 19 tuổi mẹ cũng qua đời, đương sự phải bỏ lên thủ đô Vienna sống vật vờ như chó đói, lang thang cơ nhỡ khắp nơi và vẽ tranh loại bưu thiếp (post cards) kiếm sống. Tôi hoàn toàn không có chủ định hạ thấp Hiler mà chỉ viết gọn lại những gì nói trong các sách sử. Tóm lại, đương sự xuất thân từ một gia đình bình thường (nông dân-tiểu công chức), chứ không phải một gia đình quyền quý trí thức. Bản thân học hành không ra gì, tuy nhiên về sau này đương sự phát triển cái tài hùng biện lên tột độ. Không gia đình, vô tổ quốc (vì đương sự không ưa gì tổ quốc Áo của cha mẹ đương sự), đương sự tìm cách gia nhập quân đội Đức. Đương sự tìm thấy niềm vui và chỗ cư trú trong quân đội Đức. Bản thân thì hơi khùng khùng, nhưng chiến đấu rất dũng cảm, hai lần được thưởng huân chương. Quân đội là niềm vui là cứu cánh của đương sự (hiển nhiên, vì còn hơn là cảnh vật vờ ở Vienna). Hạ sĩ Hitler đang vui vẻ trong quân đội thì đùng một cái Cách mạng Đức kết liễu sự ngự trị của quân đội Đức. Nguyên cớ tại sao Hitler ghét cay ghét đắng những người làm cách mạng Đức. Cách mạng Đức là một chuỗi các sự kiện, nhưng chủ yếu là do các hoạt động của những người cộng sản Đức. Theo nhiều người Đức và Hitler, nước Đức không thua trận mà nước Đức bị đâm sau lưng bởi bọn phản bội Mác-xít Do Thái (Mẹ của Karl Marx là người Do Thái). Đây cũng là một lý do tại sao Hitller ghét cả Cộng Sản lẫn Do Thái. Nền cộng hoà non trẻ Weimar của Đức gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến cuộc đảo chính hụt năm 1923. Kể cũng dễ hiểu khi Hitler nằm trong nhóm âm mưu đảo chính đó. Bị kết án tù 5 năm, nhưng thời gian ở tù thực sự chỉ 1 năm. Trong thời gian đó, đương sự đã vẽ ra một học thuyết dở hơi làm loạn cả thế giới, trong tác phẩm mang tên Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi) với những nét chính là: về cơ bản, các chủng tộc cũng như những cá nhân không ngang bằng nhau. Chủng tộc thượng đẳng là chủng tộc Aryens, cao lớn, tóc vàng... có xứ sở là nước Đức và các dân tộc thuộc nhóm nói tiếng Đức (Germania). Chủng tộc thượng đẳng này có quyền và có nghĩa vụ loại bỏ những yếu tố làm “ung thối” chủng tộc (huyết thống Do Thái, đồng tính luyến ái, người dị tật...) và đi chinh phục các chủng tộc khác. Trước thế chiến thứ II, dưới thời Hitler đã có những trại tập trung người Do Thái Đức rồi.

Trước thời gian bị đi tù, Hitler đã tham gia vào một đảng dân tộc cực đoan do một tay thợ khóa tên là Anton Drexler thành lập năm 1918. Sau đó nhờ có sự giúp đỡ của một đồng đảng là đại úy Rohm, Hitler đã nắm trọn quyền chỉ huy đảng này, có tên là đảng Công Nhân Đức, sau này đổi tên thành Đảng Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa Đức mà ở Việt Nam ta hay gọi là Đức Quốc Xã. (National Sozialistich Deutsche Arbeiterpartei gọi tắt là Nazi). Nước Đức đang hỗn độn trong khủng hoảng, đang hậm hực bị thua trận, nên đã tin vào Hitler. Từ một đảng rất thiểu số chỉ có 14 ghế trong Quốc Hội, năm 1930 có 6.409.000 phiếu bầu cho Nazi được 107 ghế. Đùng một cái Nazi trở thành đảng số 1 của Đức. Trong tác phẩm Mein Kampf, đương sự làm cho mọi người hiểu rằng thần thánh giao cho đương sự sứ mệnh gột bỏ “tội ác” của thế giới đối với nước Đức, cứu nước Đức khỏi thảm họa Cộng Sản, Mác-xít, Do Thái.

Năm 1933, Thống chế - Tổng thống Hinderbourg buộc phải giao chức vụ Thủ tướng cho Hitler sau quá nhiều xáo trộn trong nước. Ngày 02/8/1934, Hinderbourg tạ thế. Hitler tự tuyên bố lên nắm trọn quyền vừa Tổng thống vừa Thủ tướng, ra tay giết phụ tá Rohm, người có công nhất đã giúp Hitler nắm trọn đảng Nazi, vì nghi Rohm có thể đảo chính đương sự. Nắm trọn quyền, Hitler tuyên bố khai sinh nền Cộng Hòa Thứ III của Đức. Đây cũng đúng là một cuộc cách mạng, nhưng là cuộc cách mạng Nazi. Một tên độc tài hoang tưởng, một nền kinh tế đại khủng hoảng, các nhà quân sự mù quáng, một nền dân chủ èo uột, một đám quần chúng cuồng tín, hận thù, đó là những yếu tố đủ để làm nổ tung trái đất. Cái gì phải xẩy ra, đã xẩy ra như quý vị đã biết: Chiến Tranh Thế Giới thứ II.

 
              Đài tưởng niệm nạn nhân Quốc Xã ở Lidice
Nền Cộng Hòa thứ III của Hitler nói tóm lại vài dòng là gi? Các thành viên chính đảng khác bị khủng bố, bị thủ tiêu hoặc bị bỏ tù. Biểu tình, đình công, hội họp bị cấm chỉ. Người lao động chỉ được tham gia vào một công đoàn duy nhất gọi là Mặt Trận Lao Động. Thanh niên thì được tập trung vào tổ chức gọi là Đoàn Thanh Niên Hitler và... và xuýt nữa tôi quên điều quan trọng này: theo điều luật 14/07 đảng Nazi được công nhận là đảng chính trị duy nhất ở Đức và trở thành hiện thân của Nhà nước Đức.

Viết đến đây tự nhiên tôi thấy giật mình thon thót, rởn tóc gáy. Cái chế độ Nazi này nó cứ hao hao, mà chẳng phải hao hao nữa, nó giống hệt cái chế độ nào đó thời nay nhỉ. Giống quá cỡ. Mà tại sao cái dân tộc đó chậm tiến thế nhỉ. Bây giờ là thế kỷ 21 rồi. Cái câu chuyện nước Đức là chuyện trong thế chiến thứ I làm sao lại có thể còn tồn tại đến ngày nay được nhỉ. Thật là bất hạnh cho dân tộc nạn nhân như thế.

Không thể đổ lỗi cho một mình Hitler. Không có hàng triệu người ủng hộ đương sự, thì đương sự một tên lang thang cơ nhỡ làm sao có thể làm được những chuyện tày trời như vậy.

Viết đến đây thì tôi nghe văng vẳng từ bên hàng xóm đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh bài ca diệt Phát-xít nổi danh thời Cách Mạng Mùa Thu 1945-46: “Đồng bào tuốt gươm vùng lên. Đã đến ngày trả mối thù chung. Diệt Phát Xít, giết bầy chó đê hèn. Tiến lên nền dân chủ cộng hòa”.

Tôi rất tự hào vì được làm công dân của nước Việt Nam văn minh chống Phát-xít.