“Ai chê đám cưới...” |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Hai, 31 Tháng 5 Năm 2010 07:41 | |||
Tuổi chúng tôi bây giờ đi dự đám ma nhiều hơn tiệc cưới, tuy vậy thỉnh thoảng cũng còn rơi rớt vài vụ của những cô, cậu út con cái bạn bè nhủng nhẳng lấy chồng lấy vợ trễ. Phần tôi, thì chờ một vài năm nữa, khi con cháu ngoại tốt nghiệp đại học mà mình chưa vào nursing home, thì cũng ráng mời một vài bạn già trong chỗ thân tình đi dự một cái đám cưới... cuối đời. Tôi cũng phải xin lỗi trước, nếu lúc ấy phải vào nhà thờ đứng lâu... tê cẳng, hoặc tiệc cưới thì chúng cho ăn mỗi tí xà lách và miếng thịt gà nhỏ bằng hai ngón tay vì chúng chê tiệc kiểu Tàu, làm cho mấy cụ cao niên ăn đói, về nhà phải xơi thêm chút mì gói thì cũng xin thông cảm. Hình minh họa Ngày xưa đám cưới, trong nghi thức lễ lược đều cử hành do phong tục, đâu vào đấy một cách tự nhiên không cần ai làm MC nhắc nhở từng tiết mục hay lập chương trình. Ngày nay trong các lễ cưới nạp lễ hay đưa dâu, quả tình mấy ông thợ chụp ảnh hay quay phim là những ông tư lệnh toàn quyền định đoạt cho phép hai họ đi đứng, bắt tay, cười hay quỳ lạy, nhất nhất đều phải tuân hành. Khi nhà trai tụ tập trước sân nhà cô dâu, tất cả đều phải xếp hàng hai dưới quyền chỉ huy của toán “phóng viên”, ai trước ai sau đều vào hàng răm rắp. Sau tiếng hô “đi” hai họ líu ríu bước tới, nghiêm trang, ngay hàng thẳng lối không được cười cợt, vì lúc ấy máy quay phim đã bắt đầu chạy và nhiều ành đèn flash bắt đầu chớp lên. Nhà trai, đàn ông thì áo vest cà vạt, quý bà thì áo dài kim tuyến hay áo đầm dạ hội, tay lấp lánh nữ trang, bắt đầu làm tài tử dưới quyền đạo diễn của ông phó nhòm nên ai nấy đều mang bộ mặt quan trọng của một ngày đại lễ. Vào đến sân nhà gái, lại có tiếng hô “đứng lại, đứng lại!” Ðại diện nhà trai bước lên vào cửa xin giờ, xong lui ra, thì lại có tiếng hô “quay mặt qua bên trái”, vì lúc ấy sáu cô thiếu nữ nhà gái dung nhan diễm lệ đã sẵn sàng nhận lễ vật mâm quả hay heo quay từ sáu người bên nhà trai mang tới. Nhưng chớ vội. Khi nghe lệnh: “Một hai ba, bắt đầu trao mâm quả” thì nhà trai mới từ từ nâng quả lên, trao cho bên nhà gái, mà phải từ từ như cuốn phim quay chậm, để toán quay phim còn kịp bấm máy. Nếu chưa được nhịp nhàng, phải làm lại thì ráng chịu. Vào đến nhà trong, “đèn đuốc sáng choang, hương trầm nghi ngút”, ông quay phim vai vác máy, nhưng tay kéo ông này, đẩy bà nọ, chỉ định đứng bên này, qua bên kia, lớp lang đâu ra đấy. Từ đấy nhất nhất đều có lệnh mới được thi hành. Nhà trai ngỏ lời. Nhà gái đáp lời. Giới thiệu hai họ. Mở lễ vật. Lên nhang đèn. Cáo tổ tiên. Mời cô dâu ra trình diện. Màn quan trọng nhất là trao hoa, trao nhẫn. “Từ từ”. Nghe lệnh mới làm. “Chú rể đứng lui một bước. Cô dâu nhìn ra phía này này.” Tôi đã chứng kiến trong một lễ cưới, chú rể đeo nhẫn quá nhanh, nhà nhiếp ảnh chưa kịp bấm máy, hay ở góc độ bị che khuất không thấy rõ chiếc nhẫn cưới, anh ta yêu cầu chú rể cô dâu làm lại từ đầu. Chú rể cô dâu đều kiên nhẫn, ngoan ngoãn và hai họ hiện diện cũng không thấy ai phản đối. Tôi không phải là cha cô dâu mà chỉ là họ hàng, nên nghĩ rằng im lặng là tốt nhất. Như vậy là cô dâu có hai lần đeo nhẫn, mất hết cả duyên con gái. Cũng không phải là chuyện mê tín, nhưng rõ ràng lễ cưới thiếu sự nghiêm trang, tương kính mà diễn ra như một trò đùa. Những người bạn trẻ chụp ảnh phải quan niệm chụp ảnh đám cưới cũng như chụp ảnh một buổi lễ quan trọng mà mình là phóng viên báo chí, phải bắt lấy cơ hội, bắt lấy góc cạnh và bấm máy đúng lúc. Không thể nào bảo hai ông nguyên thủ quốc gia bắt tay lại để cho các bạn đủ thời giờ chụp một bức ảnh. Rõ ràng là các bạn không đủ khả năng chuyên môn nghề nghiệp và không được chuẩn bị cho cả hai mặt kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp. Trong lễ cưới, người thợ chụp hình chu toàn dịch vụ của mình mà không làm xáo trộn đến buổi lễ, không sắp đặt hay chỉ huy ai, trừ lúc bạn dẫn cô dâu chú rể ra vườn hoa để chụp những cảnh ngoài trời. Nếu phải sắp đặt hay chỉ huy người khác trong những buổi lễ trang trọng như thế, với lý do để có một bộ ảnh cưới đẹp, thì bạn là người thợ chụp ảnh tồi. Buổi tiệc tiếp tân buổi tối 99% được tổ chức tại nhà hàng Tàu. Ðó là quy luật và thói quen của người Việt Nam “một nghìn năm (bị) nô lệ (bởi) giặc Tàu”. Ăn ở nhà hàng Tây tuy tốn kém, nhưng bị chê là cho ăn đói. Không ai dám tổ chức ở nhà hàng Việt vì bị chê là bủn xỉn. Tiệc cưới thường pha giữa Việt-Tàu và Tây phương ở chỗ cắt bánh, mở champagne nhưng lại chào bàn để nhận phong bì. “Tây” thì dâu-rể và đám phụ dâu-rể ngồi trên bàn danh dự chủ tọa ngó xuống khách mời, kể cả cha mẹ. “Ta” thì dâu-rể đứng mỏi cẳng để chào mời, chuyện trò cùng hai họ nhất là thân hữu của cha mẹ hai bên. Trong tiệc cưới, khách dự sợ nhất là chuyện “câu giờ”, nếu đến đúng giờ ghi trong thiệp mời thì phải ngồi chờ đúng hai tiếng rưỡi nữa mới có thể cầm đũa. Thôi thì đời một lần cho cháu, quan viên hai họ xin ăn một tí gì lót lòng trước khi rời nhà ra đi. Tiệc cưới không dám khai mạc đúng giờ, vì khai mạc đúng giờ thì khách chưa đến đủ. Ðến đủ rồi thì “nghi thức khai mạc” kéo dài cũng gần tiếng với diễn văn và giới thiệu anh em, họ hàng, chuyện mà sáng nay đã làm trong lễ cưới rồi. Nỗi sợ thứ hai là sợ ca sĩ và MC trên sân khấu, sợ như thế nào thì quý vị có nhiều kinh nghiệm đi ăn cưới đã hiểu, nên mới có danh từ “MC đám cưới” hay “ca sĩ đám cưới”. Nỗi sợ thứ ba là cái loa khuếch âm dành cho bà con thuộc loại VIP hai họ, có quan trọng mới được sắp bàn ngồi gần sân khấu. Cái sợ thứ tư là sợ những ông khách chúc tụng đôi trẻ bằng những bài thơ bảy chữ có tới những tám câu. Có lần tôi đã nhận được thiệp cưới của một người không quen, không quen vì địa chỉ thì đúng, nhưng họ và chữ lót của tôi đã bị đổi khác. Lần ra manh mối mới biết nhà hàng Tàu quảng cáo, hứa sẽ cho free bánh cưới, champagne, bong bóng nếu đặt trên 40 bàn, mà họ hàng, bằng hữu, hàng xóm láng giềng hai họ tính ra chưa đủ 350 người. Số khách được mời thêm là để cho đủ túc số. Trường hợp ấy, ông bà có nhận lời đi “ăn cưới” không? Nhân chuyện đám cưới, bây giờ nhiều ông bà phải về Việt Nam cưới vợ cho con, nên thỉnh thoảng chúng ta cũng xem được vài đoạn phim tiệc cưới bên nhà, cũng nên nói qua vài dòng cho biết qua phong tục quê nhà, quê người bây giờ ra sao. Ở Việt Nam bây giờ đi ăn cưới dắt cả lô, cả lốc, con cháu, đi theo người lớn, không báo trước, có khi hai vé mời đã chiếm hết một bàn, gia chủ chỉ sợ thiếu bàn và lỗ vốn. Ở ngoại quốc, trái lại, hai họ thường sợ dư bàn, vì phút chót khách vắng mặt mà không chịu trả lời. Việt Nam người ta còn thích ăn, nhất là đi ăn cưới, ở nước ngoài, người ta sợ ăn cưới vì thời giờ không đủ, mà dầu mỡ thì dư. Việt Nam đi ăn cưới bia uống thả giàn, mỗi bàn để nguyên một thùng, ở phương Tây người ta uống cầm chừng vì sợ cảnh sát và mai sớm phải dậy đi làm. Ở Việt Nam đi ăn cưới có thể mặc áo thun, ở Mỹ phải áo vest, cà vạt. Ở Mỹ nghèo hơn ở bên nhà, vì bên đó chú rể cô dâu có thể có mười cặp phụ dâu-rể đồng phục và người bưng thức ăn ra bàn đều mặc áo đỏ có nẹp kim tuyến như lính Ngự Lâm Quân và sân khấu xịt khói như trong các show ca nhạc của Asia hay Thúy Nga. Và vì con gái bây giờ có dư nên khi quý khách đi vào nhà hàng sẽ có hàng rào danh dự bằng hàng chục mỹ nhân để đón khách. Xưa ông bà ta an ủi là “ai chê đám cưới, ai cười đám ma!” nhưng đi dự lễ cưới hay tiệc cưới về, rất có nhiều người phê bình, chỉ trích, không chỉ một lần, mà có khi còn nói dai, nói dài. Chúng ta than khổ vì phải đi dự đám cưới nhưng thực sự, người tổ chức đám cưới còn khổ hơn nhiều. Nên thương cho những cha cha mẹ sang quê người mà phải tổ chức năm bảy cái đám cưới cho con trai lẫn con gái, không phải chuyện tiền bạc mà chuyện ơn nghĩa, nội cái việc đi đóng hụi chết trả nợ cho con cũng hết đời. Nhưng thôi ngày tháng ấy đã lụi tàn, con cái có vợ có chồng, yên bề gia thất rồi là thấy khỏe một phần. Bây giờ còn chút sức khỏe thì ráng lo cho bầy cháu, rồi chờ chuyện cuối cùng, nói cho văn vẻ là chuyện “chung sự”. Cái thời một tháng phải đi dự vài ba tiệc cưới đã qua rồi. Các ông, các bà thấy buồn hay vui?
|