Chụp mũ PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Hai, 28 Tháng 12 Năm 2009 19:49

 

 Chẳng hạn để bảo vệ cái đầu, người ta đã sáng chế ra biết bao nhiêu thứ ô dù, mũ mão...

Ngày xửa ngày xưa, hồi còn bé tẹo bé teo, gã đã được thày giáo trường làng dạy cho biết :

- Thân thể con người ta được chia làm ba phần : đầu, mình và tay chân.

Tất cả ba phần này đều được bảo vệ kỹ càng để chống lại với những khắc nghiệt của thời tiết. Chẳng hạn để bảo vệ cái đầu, người ta đã sáng chế ra biết bao nhiêu thứ ô dù, mũ mão. Chẳng hạn để bảo vệ cái mình, người ta đã tung ra thị trường biết bao nhiêu thứ áo quần. Chẳng hạn để bảo vệ tay chân, người ta đã bày bán biết bao nhiêu thứ giày dép, găng vớ…

Thế nhưng, người là một con vật có trí khôn, là một cây sậy biết suy tư. Chính nhờ những suy tư của trí khôn mà con người không ngừng cải tiến và phát triển trên mọi lãnh vực, chẳng hạn từ chỗ ăn cho no đến chỗ ăn cho ngon, từ chỗ mặc cho ấm đến chỗ mặc cho đẹp…Chính vì lẽ ấy mà các thứ mẫu mã thời trang thi nhau chào đời như nấm mọc ào ào sau cơn mưa.

Hơn thế nữa, trên mỗi phần của thân thể lại có những bộ phận khác nhau và mỗi bộ phận cũng đều có nhu cầu cần được bảo vệ và làm đẹp. Chẳng hạn trên cái đầu thì có tóc, tai, mắt, mũi, môi…

Về cái tóc, chúng ta thấy các thứ kiểu cọ từ đầu trọc, đầu húi cua ba phân đều đến đầu bù xù và các thứ đầu quái đản khác. Nhất là đối với quí bà quí cô, thì các kiểu tóc, các màu tóc lại còn thiên biến vạn hóa đến quỉ thần cũng không lường nổi.

Về cái tai, chúng tha thấy lủng lẳng các thứ vòng to vòng nhỏ, hình nọ hình kia, thậm chí đến cả cây thập giá cũng đã được treo toòng teng lúc lắc trên những đôi tai mỹ miều và dễ thương. Đúng thực “cái tai cái tóc là góc người”.

Ngày nay, đối với dân chơi, không phải chỉ đờn bà con gái mới xỏ, mà đờn ông con giai cũng xỏ. Không phải chỉ xỏ lỗ tai, mà còn xỏ cả lỗ mũi, lỗ rốn cũng như xỏ cả cái lưỡi của mình nữa, mà đôi khi gã được rùng mình chiêm ngưỡng trên phim ảnh.

Về cái mắt, chúng ta thấy nào là cạo hàng lông mày có từ lúc cha sinh mẹ đẻ để tô vẽ lên đó theo đúng ý của mình, “lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Hay xâm lên đó để có hàng “lông mày vĩnh cửu”, từ nay khỏi mất công mất giờ điểm trang, vì “thời giờ vốn dĩ là vàng bạc”. Còn lông mi ấy hả, nào là cấy thêm cho nó dày đặc. Còn ví như không có tiền đi mỹ viện để cấy thêm, thì sẽ phải chịu khó đeo lông mi giả, để mỗi khi đôi mắt chơm chớp, sẽ tăng thêm phần đơn sơ “con nai vàng ngơ ngác”.

Về cái môi, cái miệng, cái cằm…người ta cũng rất chịu khó thẻo bớt chỗ này, vá thêm chỗ kia để được hoàn toàn như ý. Nguyên son tô môi mà thôi cũng có biết bao nhiêu thứ với biết bao nhiêu “tông” màu khác nhau, từ tái nhợt như miếng thịt trâu ươn cho đến đỏ chói như máu gà trống…

Bàn về những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh ấy, chả biết đến bao giờ mới hết. Hôm nay gã chỉ xin nói về những thứ được dùng để bảo vệ cho cái đầu mà thôi.

Tất cả những thứ được đội để bảo vệ và làm đẹp cho cái đầu đều được gọi là mũ hay nón. Tuy nhiên, đâu là điểm phân biệt giữa mũ và nón, thì gã xin chịu, chưa thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng. Rất có thể vì thói quen, người ta gọi cái này là mũ, còn cái kia là nón. Hay do thiết kế mẫu mã của nó, chẳng hạn nón thì thường to hơn mũ.

Người Việt Nam chúng ta có một loại nón đặc biệt, đó là chiếc nón lá. Chiếc nón lá được trang điểm thêm thành chiếc nón bài thơ cho các cô gái Huế và chiếc nón quai thao cho các cô gái Bắc Ninh hát hò quan họ. Chiếc nón lá được các cô gái Việt Nam đội trên đầu, đi theo với chiếc áo dài hay áo bà ba thì quả là tuyệt vời. Những lúc cần tỏ ra e ấp thẹn thùng thì chỉ cần lấy chiếc nón lá che khuất nửa khuôn mặt là…ăn tiền.

- Trời mưa thì mặc trời mưa,

Tôi không có nón, trời chừa tôi ra.

Tuy nhiên, có một loại nón gã rất thích, đó là chiếc nón sắt của mấy anh lính. Chiếc nón này thật đa dụng. Có thể dùng làm ghế để ngồi, có thể dùng làm thùng để múc nước, có thể dùng làm nồi để nấu cơm và nhất là có thể dùng làm cối để giã cua, vừa nhẹ lại vừa gọn. Đứa con nít bị mẹ bảo giã cua, giã xong lại còn phải mang cối đi cọ rửa. Sức con nít làm sao có thể bưng nổi cái cối đá, không khéo nó rớt vào chân thì thật…rách việc.

Trở lại với chủ đề chiếc mũ. Trải qua dòng thời gian chiếc mũ cũng được biến đổi tùy theo vật liệu, tùy theo hình dáng và tùy theo chức vụ…

Chẳng hạn về vật liệu, chúng ta thấy mũ dạ là loại mũ làm bằng len để đội cho ấm khi mùa đông trở về, mũ rơm là cái vòng bện bằng rơm có quấn vải trắng để con trai và cháu nội người chết đội mà chịu tang, như ca dao đã diễn tả :

- Một mai bóng xế cội tùng,

Mũ rơm ai đội, áo thùng ai mang.

Chẳng hạn về hình dáng, chúng ta thấy mũ nồi hay mũ bê rê là loại mũ tròn giống như cái nồi úp lên đầu, mũ trái bí là loại mũ có khía giống như trái bí, mũ lưỡi trai là loại mũ có vành giống như con sò, con hến, con trai để che mắt cho bớt nắng, mũ chào mào là loại mũ giống như đầu con chim chào mào…

Chẳng hạn về chức vụ, chúng ta thấy mũ cử nhân hay mũ tiến sĩ là loại mũ hình vuông, có tua phủ xuống, mà những người thi đỗ thường đội khi lãnh nhận văn bằng. Trong ngày tốt nghiệp, những cô cậu hay ông bà cử nhân và tiến sĩ đều đi thuê áo mão để chụp cho mình những bức hình làm kỷ niệm lúc ra trường với bè bạn và những người thân yêu. Đây quả thực là một dịp tốt để các bác phó nhòm…hốt bạc.

Riêng trong phạm vi tôn giáo, chúng ta thấy bên Phật giáo có mũ ni là loại mũ dành cho các vị sư sãi :

- Nào mũ ni, nào áo thâm,

Đi đâu chẳng đội, để ong châm.

Bên Công giáo có mũ gàu hay mũ cà cuống là loại mũ dành cho các giám mục khi cử hành thánh lễ “đại trào”. Ngoài ra, ngày xưa còn có thêm mũ ba khía là loại mũ vuông, phía trên có ba cái khía, chẳng biết có phải là để kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi hay không ? Mũ này vốn được các linh mục đội khi cử hành thánh lễ.

Trong những năm gần đây tại Việt Nam, nhà nước đã qui định đòi buộc tất cả những người cưỡi xe máy, phóng phom phom trên đường, phải đội mũ an toàn. Đây cũng là một dịp hốt bạc cho những tay chế tạo mũ giả cũng như cho các tay lái buôn. Có những lúc chiếc mũ an toàn lên cơn sốt vì giá cả tăng vùn vụt. Nhưng rồi ba bảy hai mươi mốt ngày, qui định trên lại chìm vào quên lãng, như hòn đá chìm xuống đáy hồ. Ai đội thì cứ đội, ai không đội thì vẫn không đội. Công an cảnh sát cũng nhắm mắt làm ngơ, mặc dù dọc theo bên đường, không thiếu những tấm bảng ghi :

- Đoạn đường buộc phải đội mũ an toàn.

Vô phúc cho những ai không đội mũ an toàn vào những ngày nhà nước phát động chiến dịch, hay vào những ngày anh công an cảnh sát buồn tình và ngứa tay muốn biên phạt mà chớ.

Trong ngôn ngữ hằng ngày, người ta cũng thường dùng chữ mão và chữ miện để chỉ về mũ.

Chẳng hạn mão bình thiên là loại mũ phía trên thẳng được nhà vua đội khi cúng tế, mão cánh chuồn là loại mũ có hai tai dài như cánh con chuồn chuồn được các quan văn đội, mão tì lư là loại mũ dành cho các vị hòa thượng.

Còn miện được dùng để chỉ chung các loại mũ được đội trong những lúc hành lễ, như gia miện, quan miện, triều miện…Riêng hai chữ vương miện, gã không biết có phải là loại mũ của nhà vua hay không, nhưng ngày nay nó là một món đồ trang sức được cài lên đầu cô hoa hậu trong những cuộc thi sắc đẹp.

Thực vậy, để đoạt được cái vương miện, các cô gái đã phải trải qua nhiều phen sất bất xang bang, lo đến toát cả mồ hôi hột, bởi vì trong những cuộc thi sắc đẹp ngày nay trên cả và thế giới, người ta không phải chỉ chú trọng đến ngoại hình, mà còn chú trọng cả đến kiến thức và cách ứng xử nữa. Thành thử, mặc dù có điểm cao với trang phục áo tắm, hay có những vòng số một, số hai và số ba thật lý tưởng, thì cũng chưa ăn chắc cho lắm, bởi vì còn phải trả lời những câu hỏi ấm ớ hội tề của ban giam khảo, để trắc nghiệm về kiến thức và cách ứng xử.

Cũng trong phần thi trắc nghiệm này mà nhiều chuyện vừa buồn lại vừa cười khiến vãi cả nước mắt đã xảy ra trong các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam, bởi vì có những câu trả lời thật ngây ngô ngốc nghếc không thể chấp nhận được của những người vốn đã đẹp.

Chẳng hạn ban giám khảo hỏi :

- Trưng Trắc, Trưng Nhị là ai ?

Thí sinh đã trả lời :

- Đó là hai tài tử ăn khách của Hồng Kông !!!

Chẳng hạn ban giám khảo hỏi :

- Nếu đạt danh hiệu hoa hậu, em sẽ làm gì ?

Đây là một câu hỏi mà hầu như các “lò luyện thi hoa hậu” nào cũng đều cài đặt sẵn cho những con gà của mình. Vì thế, khi được hỏi, thì hầu như các thí sinh đều có một câu trả lời giống hệt nhau :

- Em sẽ dành một số tiền để giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam. Rồi sau đó, em sẽ hiến đời mình để phục vụ những con người bất hạnh…

Và thực tế đã cho thấy nói vậy mà không phải vậy đâu, hay nói để mà nói, còn làm lại là chuyện khác. Ta cứ nói vung nói vít để ăn điểm của ban giám khảo cái đã, rồi mọi sự sau đó sẽ…hạ hồi phân giải. Bởi vì trong đời thường không thiếu gì những cô hoa hậu, những cô người mẫu lợi dụng sắc đẹp và tên tuổi của mình để làm những việc não lòng như đi buôn lậu, hay đi làm…gái gọi !!!

Xét về lợi ích, như đã trình bày ở trên, chiếc mũ được dùng để bảo vệ cho cái đầu, nó giúp chúng ta che nắng che mưa…Đồng thời còn được dùng để làm đẹp nữa, vì thế đã có biết bao nhiêu kiểu cọ và mẫu mã xuất hiện, nhất là những thứ mũ được dành cho đờn bà con gái. Có chiếc mũ được hình thành như một một bông hoa, có chiếc mũ được hình thành như một tổ quạ, có chiếc mũ được hình thành như một cái đuôi con công…Thôi thì thiên hình vạn trạng làm sao kể ra cho xiết !!!

Ngoài ra, chúng ta còn có thể ghi nhận được những lợi ích khác nữa của chiếc mũ, tùy theo quan niệm của từng dân tộc.

Chẳng hạn người Việt Nam chúng ta thường bảo :

- Mũ ni che tai.

Chiếc mũ ni dành cho các vị sư sãi, thường được đan bằng len, nếu kéo xuống có thể phủ kín cả đôi tai, để rồi chẳng còn nghe thấy gì nữa. Cử chỉ này muốn nói lên thái độ “phớt tỉnh ăng lê”, an phận thủ thừa trước những đổi thay và thăng trầm của cuộc sống. Ta chui vào cái vỏ ốc của ta. Ta ngủ yên trong tháp ngà của ta :

- Thế sự thăng trầm quân mặc vấn. Chuyện đời lên xuống anh hỏi làm chi cho mệt.

Chảng hạn đối với người Pháp, trong một cuốn tự điển thành ngữ, gã đọc được hai câu xin ghi lại đây để cùng suy nghĩ xem đúng hay sai.

Câu thứ nhất :

- Ngồi trên ngai và đội mũ, người ta sẽ tỏ lộ được nhiều tác phong của mình.

Theo ngu ý của gã thì câu này ý muốn nói lên rằng hoàn cảnh bên ngoài cũng giúp chúng ta thể hiện được phần nào con người của mình.

Câu thứ hai :

- Người ta sẽ đi xa với chiếc mũ cầm trên tay hơn là với chiếc mũ đội trên đầu.

Cũng theo ngu ý của gã, thì với phép lịch sự, người ta sẽ chiếm được nhiều cảm tình của những người chung quanh.

Chả hiểu có đúng như vậy không ?

Sau khi đã xét về lợi ích của chiếc mũ, bây giờ gã xin nói đến việc người ta đã dùng chiếc mũ như thế nào ?

Vì chiếc mũ là một đồ dùng để bảo vệ và làm đẹp cho cái đầu, nên mỗi khi ra đường người ta vốn thường đội mũ. Đây là một hành động tự ý. Do đó, người ta cũng có nhiều cách đội mũ.

Có người thích đội mũ thật ngay thật thẳng. Có người thích đội mũ lệch sang một bên. Và thậm chí có người thích đội mũ ngược, đằng trước lộn ra đằng sau. Chẳng hạn như chiếc mũ lưỡi trai, bình thường cái lưỡi trai ở phía trước để che bớt cho cặp mắt, nhưng bây giờ người ta lại thích đội ngược, nghĩa là cho cái lưỡi trai về phía đằng sau để bảo vệ cái ót, cái gáy của mình. Đội ngược như vậy đôi khi cũng lợi, nhất là khi cần phải cầm máy để chụp hình…

Vì chiếc mũ có liên quan tới địa vị và chức tước, nên người ta rất lấy làm vinh dự khi lãnh nhận nó cùng với những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh khác nữa. Chẳng hạn khi được bổ nhiệm làm quan, hẳn đương sự sẽ vô cùng hãnh diện khi lãnh nhận “áo mão” vua ban. Chẳng hạn khi được tấn phong làm “vít vồ” tức là làm giám mục, bậc đáng kính nom cũng oai phong lẫm liệt ra phết khi tiến lên lãnh nhận…”mũ gậy”.

Tuy nhiên có một hành động xem ra chẳng mấy ai ưa thích, đó là bị thiên hạ…chụp mũ. Vậy chụp mũ là gì ?

Theo gã nghĩ, bị chụp mũ là bị bó buộc đội phải một chiếc mũ trên đầu, từ đó suy ra là bị gán cho một nhãn hiệu, một tội trạng nào đó trước mặt bàn dân thiên hạ. Còn theo “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức, thì chụp mũ là tròng mũ lên đầu người ta, từ đó suy ra là vu khống, gán ghép cho người ta một việc làm phi pháp tưởng tượng, với dụng ý làm hại người ta, khiến người ta, nếu không thân bại danh liệt, thì cũng mất toi cái danh dự và uy tín vốn dĩ là những thí quí hiếm trên đời.

Nếu chịu khó “ngâm kíu” một tí, chúng ta sẽ thấy thói chụp mũ đã được thịnh hành từ một thời rất xa xưa.

Chẳng hạn như tổ phụ Giuse của dân Do Thái, sau khi bị bán sang Ai Cập, đã phải đi ở đợ cho nhà quan Putiphar. Nhân lúc quan ông đi vắng, quan bà bèn dụ dỗ tổ phụ ăn ở với mình, nhưng tổ phụ đã thẳng thừng từ chối. Bực bội và tức tối, quan bà bèn chụp cho tổ phụ chiếc mũ cưỡng bức và tổ phụ liền bị tống ngục.

Chẳng hạn như bà Suzana bị hai lão già giở trò hãm hiếp, nhưng bà một mực cự tuyệt. Thấy ý đồ đen tối của mình không thành, hai lão già bèn chụp cho bà chiếc mũ ngoại tình để rồi kết án ném đá bà cho chết. Nhưng may thay, bà đã được cậu bé Daniel cứu thoát.

Và nhất là Đức Kitô, có lẽ Ngài là người đã bị chụp mũ nhiều nhất. Nào là chiếc mũ lộng ngôn phạm thượng dám xưng mình bằng Thiên Chúa. Nào là chiếc mũ phá hoại lề thói tổ tiên vì không tuân giữ ngày nghỉ lễ. Nào là chiếc mũ phản loạn vì tự xưng là vua và xúi dân đừng nộp thuế…Cuối cùng Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá như một tử tội.

Chụp mũ cho cá nhân đã đành, nhiều khi người ta còn chụp mũ cho cả một tập thể, cả một tổ chức. Và Giáo hội Công giáo đã trở thành nạn nhân số một trong lãnh vực này.

Thực vậy, suốt ba thế kỷ đầu, Giáo hội đã bị chụp cho chiếc mũ là nguyên nhân gây ra những tai ương hoạn nạn để rồi các vua chúa giáng xuống những chiếu chỉ bắt bớ và cấm cách. Bạo vương Nêrôn, chẳng hiểu vì muốn chỉnh trang lại thành phố Rôma hay vì muốn lấy hứng làm thơ, bèn ngầm sai người phóng hỏa đốt cháy kinh thành, rồi chụp cho người công giáo chiếc mũ là thủ phạm rồi ra tay tàn sát đẫm máu.

Tại Việt Nam cũng thế, các ông vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đã chụp cho người công giáo chiếc mũ theo tây, chiếc mũ phản quốc, chiếc mũ phá hoại truyền thống…rồi ra lệnh truy nã.

Trong phạm vi cá nhân, hằng ngày chúng ta cũng đã được nghe biết hay chứng kiến bao nhiêu trường hợp đau buồn đã xảy ra. Cách đây không lâu, một nữ sinh trẻ đẹp đã nhảy xuống sông tự tử, làm xôn xao dư luận trong nước. Lý do thật đơn giản. Số là có một chàng thanh niên hàng xóm thầm yêu trộm nhớ cô ta, nhưng đã bị cô ta lờ tít và chối từ. Giận cá chém thớt. Không được ăn thì đạp đổ. Anh chàng này đã tung tin, phao đồn rằng cô ta là đã từng ăn cơm trước kẻng, đã từng quan hệ trên mức tình cảm cho phép với anh ta. Và thế là cô nữ sinh trẻ đẹp liền bị mọi người nhìn bằng cặp mắt khinh bỉ. Chịu không nổi sự khinh bỉ ấy, cô ta đã mượn dòng nước để minh chứng cho cõi lòng trong trắng của mình.

Xem ra nạn chụp mũ ngày càng gia tăng với cấp số nhân. Gã còn nhớ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hình như nhà nước Việt Nam rất khoái dùng biện pháp chụp mũ để thực hiện những mưu toan của mình.

Thực vậy, hầu như tất cả các văn nghệ sĩ của chế độ cũ đều bị chụp cho một trong hai chiếc mũ, nếu không đồi trụy thì cũng phản động, để rồi cấm tiệt việc lưu hành các tác phẩm cũng như cấm tiệt mọi hoạt động của giới này.

Muốn tịch thu một cơ sở nào đó, thì chỉ cần nhờ kẻ lạ dấu vào đó một vài khẩu súng, rồi ra lệnh lục soát và thế là cơ sở ấy lập tức bị đi đoong. Muốt bắt một người nào đó, thì chỉ cần ném vào nhà người ấy một vài tờ truyền đơn rồi chụp cho chiếc mũ phản động, thế là người ấy bèn tiêu tùng, đi đời nhà ma.

Có một hồi, người ta bảo Giáo Hoàng Học Viện tại Đalat do các cha dòng Tên điều khiển là cơ sở đào tạo nhân viên CIA, còn cất giấu nhiều vũ khí, làm cho những người sống trong đó cứ phập phồng lo âu.

Bản thân gã cũng vậy. Vì cắm dùi tại một vùng sâu vùng xa, thư từ thường bị thất lạc, nên gã đã phải mượn địa chỉ của một người bạn trên tỉnh. Chẳng hiểu sao mấy ông công an biết được, bèn mời gã tới làm việc. Họ nói :

- Chúng tôi biết anh là xịa được gài lại để quấy phá.

- Thưa cán bộ, tôi chẳng hiểu xịa là gì thì sao làm xịa được.

- Nếu anh không phải là xịa thì tại sao anh lại có một hòm thư bí mật trên tỉnh để liên hệ với những người nước ngoài.

- Thưa cán bộ, nếu tôi là xịa, thì ngu gì tôi liên hệ với người nước ngoài bằng thư từ qua bưu điện, vì chắc chắn thế nào cũng bị kiểm soát. Như vậy chẳng khác chi thưa ông tôi ở bụi này. Hơn nữa, bọn xịa chẳng nhẽ lại không trang bị cho nhân viên của mình những phương tiện hiện đại để liên hệ một cách mau chóng, chứ ngồi đó mà chờ bưu điện chuyển theo vận tốc rùa bò thì tới bao giờ mới nhận được và còn đâu tính cách nóng sốt của nó nữa.

Thế là tịt ngòi.

Và hiện nay, với sự bùng nổ của thông tin qua việc nối mạng “internet”, người ta lại càng chịu khó chụp mũ cho nhau một cách ồn ào. Thực vậy, nếu nói theo ngôn ngữ của Phúc Âm, thì bây giờ không còn là thời buổi người ta lấm lét xì xầm với nhau dưới gậm giường nữa, mà là thời buổi người ta công bố trên mái nhà. Không những chỉ công bố trên mái nhà mà còn người ta loan truyền cho cả và thiên hạ cùng biết.

Chỉ cần ngồi nhà, bấm“con-néc” một phát, tức khắc người ta có thể xem mọi hình ảnh và đọc mọi thứ, từ tin tức đến những chuyện giải buồn…Nhiều khi lượng thông tin ào ạt đổ xuống, đến tối tăm mắt mũi, không kịp thở để mà coi nữa.

Đôi lúc, gã cũng lang thang trên mạng, hay nhận được những cái “meo”, trong đó người ta chửi nhau búa xua và chụp cho nhau đủ các thứ mũ. Qua những tài liệu ê hề ấy, gã ghi nhận một vài điều như sau :

Điều thứ nhất, những kẻ thích chửi bới thường thường tự phong cho mình là thông minh uyên bác vào bậc nhất trong thiên hạ. Thế nhưng, sự thông minh uyên bác của họ cũng chỉ là sự thông minh uyên bác của một con ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung mà thôi.

Điều thứ hai, một khi tự cảm thấy mình thông minh uyên bác, họ liền cho rằng mọi ý nghĩ của mình đều là “sáng kiến” còn những ý nghĩ của người khác chỉ là “tối kiến”. Mình luôn luôn đúng, còn người khác luôn luôn sai. Vì thế, mặc sức mà chửi bới vung vít, như vung gươm giữa cảnh nhà hoang vườn trống.

Điều thứ ba, đối với những kẻ cùng một lập trường, họ không ngần ngại bốc thơm và nâng lên tới tận trời xanh, còn đối với những người không cùng một đường lối, họ sẵn sàng bốc thối và dìm xuống tận đất đen, bằng cách chụp mũ, nào là thân cộng, nào là phản bội quê hương, vân vân và vân vân…

Điều thứ bốn, người ta thường dùng đao to búa lớn mà phang nhau. Ngày xưa, gã thường rất dị ứng khi nghe đài Hà Nội gọi thằng Ngụy, thằng Mỹ, thằng Thiệu, thằng Nixon, thằng nọ và thằng kia…Bây giờ, họ cũng dùng thứ ngôn ngữ hàng cá hàng thịt, lái trâu lái bò mà chửi nhau như vậy. Theo gã nghĩ, dù chửi nhau thì cũng phải chửi cho có…văn hóa, bởi vì người Việt Nam mình vốn thường tự hào là có những bốn ngàn văn hiến kia mờ.

Sau cùng điều thứ năm, một khi đã không ưa nhau, họ sẵn sàng vạch áo cho người xem lưng, bới móc nhau từ chuyện chính chị chính em đến chuyện đời tư, chẳng kiêng nể gì sốt. Mà chuyện đời tư với những mảnh tình lem nhem mới câu khách và hấp dẫn người đọc. Nếu không có, người ta cũng dư sức tưởng tượng mà phệu ra…cho thêm phần giật gân và lâm ly bi đát.

Thậm chí, gã có anh bạn tính làm sui với người kia, nhưng chuyện không thành. Thế là anh bạn ấy bèn nhảy vào trang “web” mà hạch sách, mắng mỏ cho người kia một trận te tua.

Cái gì, chứ bắn lên mạng, tung lên “net”…bây giờ quả là việc dễ dàng như trở bàn tay, mà hậu quả lại to lớn khôn lường vì bàn dân thiên hạ đều biết đến.

Viết tới đây bỗng gã thở dài thườn thượt. Nếu là kẻ bi quan, gã liền sắm cho mình một chiếc mũ ni che khuất hai lỗ tai và hai con mắt, để trở thành người không không thấy và không không nghe, như điệp viên không không bảy vậy.

Còn nếu là người yêu đời, gã sẽ tặc lưỡi mà lẩm bẩm :

- Kệ bà nó. Ai khen ta mà khen phải ấy là bạn ta, còn ai chửi ta mà chửi phải ấy là thày ta. Chiếc mũ đâu có làm nên ông cử hay ông tú.