Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ði với về chẳng giống nghĩa nhau đâu!

Ði với về chẳng giống nghĩa nhau đâu! PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Hai, 28 Tháng 12 Năm 2009 07:48

Ông Phùng Hoan thời Ðông Châu Liệt Quốc bên Tàu, có tài nhưng thuở hàn vi cũng nương nhờ ngày ba bữa cơm nơi nhà khách của Mạnh Thường Quân. Khách chia làm ba hạng sang hèn khác nhau, người giỏi được xếp hạng “đại xá”, cơm ăn có chất tươi lại được đi xa mã, hạng làng nhàng là “hạnh xá”, cơm có thịt cá nhưng không có xe đi, hạng chót là “hạ khách”, có cơm ăn là may. Phùng Hoan là lính mới đến chỉ có cơm với xì dầu, tài sản có độc mỗi cái gươm mà không có vỏ, ăn xong thường vỗ kiếm mà hát rằng “trường kiếm quy lai hề, thực vô ngư”. Quân hầu vào báo với chủ, Mạnh Thường Quân đưa Phùng lên hạng hạnh xá, nhưng được ít lâu, Phùng Hoan lại vỗ kiếm mà ca “trường kiếm ơi, về đi thôi, chẳng có xe đi!”

Không rõ Phùng Hoan quê quán ở đâu, có vợ con gì chưa, nhưng lập thân bằng cách đi ăn cơm nhờ nhà người, chưa được trọng đãi, đã vội vỗ kiếm mà đòi “quy lai hề!”

Chuyện nước Nam, tháng 5-1975, có một số người chạy giặc Cộng Sản, qua đến đảo Guam, được đặt chân lên đất tự do rồi mà còn ngây thơ, biểu tình, đốt trại mà đòi về, về đến Việt Nam được chở thẳng vào trại tù, mang ân hận suốt đời.

Năm 1996 khi thuyền nhân trong các trại tạm cư tại Galang bị cưỡng bức hồi hương, nhiều người trích máu viết biểu ngữ phản đối, mổ bụng tự sát để đòi quyền ở lại, không chịu về.

Theo số liệu của Ủy Ban Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, trong khoảng từ năm 1975-1995 đã có 849,228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ bỏ đất nước Việt Nam ra đi. Không ai biết chính xác có bao nhiêu người đã bỏ mình trên biển hay trong rừng sâu, ước đoán cho rằng từ 100-200 ngàn người chết trên biển Ðông vì muốn ra đi.

Trong số hàng triệu người đã bỏ nước, bằng cách này hay cách khác, lưu trú trên xứ người, tính đến nay đã có bao nhiêu người trở về du lịch, thăm viếng họ hàng trên đất quê hương? Có những người về hằng năm, nhưng con số chưa bao giờ về không phải là ít, và con số về ở lại luôn: -không đến 1%? Hiện nay trong xã hội của thời đại mới, chuyện cư ngụ, đi ở đã thành chuyện thường tình, tiếng “về” luôn luôn dành cho đằng gốc, và đi là chuyện ngọn, cho nên người ta vẫn thường dùng về nhà, về quê, về nguồn... Cuộc đời là tạm bợ, nhất thời, cái chết là muôn đời nên mới có câu “sinh ký tử quy” (sống gởi, thác về).

Tuy vậy, Nguyễn Du cũng đã than:

Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo, phận mình ra chi?”

Ðối với những người về một nơi chốn mà không bao giờ muốn ở lại nơi đó, thì nên gọi là Về Việt Nam hay Ði Việt Nam? Sao gọi được là “về” khi còn “sợ chế độ, sợ công an, sợ Cộng Sản”, mà sao gọi là “đi” khi trở lại xứ người mà cảm thấy nhẹ nhõm, an toàn. Biết bao nhiêu doanh nhân, trí thức chỉ vì “về” mà thân bại, danh liệt, “bỏ của chạy lấy người”:

“Một lần mà tởn tới già,
Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chân!”

Chuyện đi, chuyện về là câu chuyện thường ngày không những đối với những người tỵ nạn mà còn đối với những người đang sống với quê hương, phải chăng “đi” là giấc mơ của bao nhiêu người trong một đất nước quá tồi tệ. Chuyện vượt biển bây giờ đã trở thành câu chuyện cũ, tuy vậy vẫn còn nhiều con đường để ra đi, ngày xưa là đổi mạng sống, ngày nay là trinh tiết, tài sản và danh giá: lấy chồng phương xa, đi làm tôi tớ, bán sức lao động xứ người, mong được đi luôn chẳng bao giờ trở về.

Trong khi đó, nhà nước Cộng Sản luôn luôn kêu gọi “núm ruột ngàn dặm” hãy về đóng góp chất xám, tiền bạc, xây dựng quê hương, ít ra cũng bỏ ra vài nghìn đô la cho một chuyến du lịch: “Ai chưa về thì nên về, ai về rồi thì về nữa!” như một lời mời mọc của ông chủ tịch nước kiêm “saleman” Nguyễn Minh Triết. Như chuyện người bẫy chim sẻ trong “Cổ Học Tinh Hoa” loại chim sẻ non, mép vàng là loại dễ bẫy vì chúng không có kinh nghiệm, tham mồi, nhưng so chuyện đời nay, thì sai, vì có kẻ đầu hai thứ tóc vẫn dễ tham mồi, không tiền tài thì cũng danh vọng, cũng chỉ vì chữ “về” mà nhiều kẻ “lưu xú vạn niên”.

Thi sĩ và người viết kịch người Nga Josept Brodsky được mệnh danh là người “chết cũng chẳng về” (...doomed not to return home). Ông cũng đã bị kết án tù “cải tạo” 5 năm, chối bỏ chế độ Cộng Sản, tỵ nạn sang Hoa Kỳ năm 1972, được giải Nobel Văn Chương năm 1987 và mất ở New York năm 1996. Văn hào Aleksandr I. Solzhenitsyn, nguyên là một sĩ quan của Hồng Quân, tác giả cuốn sách để đời “Quần đảo Gulag”, giải Văn chương Nobel năm 1970, bỏ chế độ Cộng Sản tỵ nạn năm 1974 và chỉ “trở về” quê hương của ông khi chế độ Cộng Sản đã đội nón “ra đi”. Nhà văn Cao Hành Kiện (Jao Xinjian) của Trung Cộng, trưởng thành trong chế độ Cộng Sản. Trong thời gian có cuộc “cách mạng văn hóa” (66-76), ông bị vợ tố cáo tội “len lút viết văn” phải bị đưa vào trại “lao cải” trong 6 năm. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn ông ra khỏi đảng Cộng Sản và khi có cơ hội ra ngoại quốc, ông tỵ nạn tại Pháp năm 1987. Cao Hành Kiện được giải Nobel Văn Chương năm 2000. Ông cho rằng: “Thời dấy động văn chương cách mạng đã qua, bởi vì cuộc cách mạng đã tự cách mạng hóa cho đến chết và chỉ để lại toàn là điều cay đắng và một cảm giác mệt mỏi, chán chường, buồn mửa...”

Những người trên đây đều đã được công nhận tài năng qua các giải Nobel Văn Chương, tất cả tác phẩm của họ đều bị chế độ Cộng Sản của nước họ xếp vào hàng “phản động, chống phá tổ quốc”, nhưng họ vẫn được người đời xem là trí thức, kẻ sĩ, đã để lại nhiều bài học cho nhân loại. Chúng ta có biết bao nhiêu trí thức, nghệ sĩ miền Nam đã đi ra khỏi nước, họ không bao giờ về, không bao giờ cậy cục để được xuất bản sách trong nước, kiếm diễn đàn lập công, hay tìm một vài buổi trình diễn. Mai đây khi chết, dù không được gối đầu trên mảnh đất quê hương, họ vẫn xứng đáng được gọi là kẻ sĩ, bia mộ họ vẫn giữ được sạch sẽ, không bị ai ném phân vào.

Tôi không thể đem các nhân vật này ra để so sánh với những kẻ tầm thường trong xã hội chúng ta, nhưng tôi phải liên tưởng đến những kẻ khùng điên, ba mươi lăm năm trước có cơ hội biết đến chữ “đi”, ba mươi lăm năm sau, sau một bữa rượu thịt, hô hoán lên đã “ngộ” được chữ “về” sung sướng như một đứa trẻ thơ được bú tí:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ.
Mặt trời chân lý chiếu qua tim.”
(Tố Hữu)

Ngày xưa, Phùng Hoan vỗ kiếm mà đòi “quy lai hề”, Mạnh Thường Quân có mắt xanh nên lưu người ở lại. Ngày nay có những kẻ đòi về mà chúng chưa chịu về, về cho đỡ bẩn mắt chúng ta.

Ai nói chuyện “đi”, ai nói chuyện “về” mặc ai, tuy vậy “đi với về chẳng giống nghĩa nhau đâu!”