Home Đời Sống Gia Đình Mạng Trung Quốc phổ biến kinh nghiệm “mua” vợ Việt Nam

Mạng Trung Quốc phổ biến kinh nghiệm “mua” vợ Việt Nam PDF Print E-mail
Thứ Bảy, 06 Tháng 3 Năm 2010 22:05

. . . chỉ với 35.000 NDT, trong vòng 15 ngày . . . 

 
 Những cô gái VN mà chàng họ Đới được giới thiệu để chọn vợ

Cuối năm 2009, bắt nguồn từ loạt bài viết trên mạng của một người đàn ông ở Nam Kinh kể về hành trình lấy vợ Việt, cơn sốt “sang Việt Nam lấy vợ” đã trở thành tiêu điểm trên các website Trung Quốc và gây tranh cãi trong cư dân mạng đất nước tỉ dân này. Thông tin khiến cư dân mạng phải xuýt xoa là: “…chỉ với 35000 NDT, trong vòng 15 ngày, tác giả đã được thoải mái chọn từ hơn 40 cô gái Việt để làm bà xã cho mình”.

Cho dù những thông tin này không xuất phát từ một cuộc điều tra của một cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhưng những điều nêu ra dưới đây chắc hẳn đem lại nhiều suy nghĩ và ứng xử nghiêm túc cho nhiều cô gái muốn lấy chồng nước ngoài.

Cuộc hôn nhân “siêu tốc”: 15 ngày lấy được vợ Việt Nam

Cuối năm 2009, 47 trang viết “Việt Nam tương thân kí” của một cư dân mạng có nickname “Đới Tổng 1912” trở nên cực hot trên mạng khi không chỉ có lượt truy cập khổng lồ mà còn được chia sẻ đường link trên khắp các website khác. Thông tin trong trang viết này khiến cư dân mạng phải xuýt xoa là: “… chỉ với 35.000 NDT, trong vòng 15 ngày, tác giả đã được thoải mái chọn từ hơn 40 cô gái Việt để làm bà xã cho mình”.

Thân phận thực của “Đới Tổng 1912” là giám đốc một công ty tổ chức biểu diễn ở Nam Kinh, đã từng một lần li hôn. Năm 2008, sau khi đọc được quảng cáo “Chỉ với 20.000 NDT, mua về một cô vợ Việt Nam xinh đẹp”, anh chàng không thể tìm được bạn đời thích hợp ở Nam Kinh này cảm thấy hết sức hiếu kì; đã đem thông tin trên bàn tán với bạn bè. Nhưng thật bất ngờ, những người bạn nam của giám đốc Đới hầu như đều nhận được tờ quảng cáo song chưa ai có ý định sang Việt Nam xem tình hình thực hư ra sao.

Tháng 9/2009, anh Đới một mình khăn gói sang Việt Nam. Sau khi đăng tin tìm bạn trên báo, chuông điện thoại của anh reo không ngớt. Sau vài lần không ưng ý, trong một cuộc khiêu vũ xã giao, anh làm quen với một người phụ nữ được xem là “bà mối lớn nhất Việt Nam”. Sau cuộc nói chuyện, anh được bà mối giới thiệu, sắp xếp một cuộc lựa chọn trong hơn 40 cô gái Việt Nam để tìm vợ và anh đã tìm được Ngân, người vợ hiện tại.

Lần sang Việt Nam thứ 2 vào cuối năm 2009, anh Đới hoàn thành việc cưới hỏi và đăng kí kết hôn ở Việt Nam, đồng thời bỏ ra 10.000 NDT để tổ chức tiệc cưới long trọng với 80 bàn tiệc.

Xinh đẹp, hiền thục, chịu khó, nghe lời

Anh Đới cho biết: “Lần đầu tiên gặp người nhà của Ngân, họ rất hài lòng về tôi. Cả 3 chị em Ngân đều được gả sang Trung Quốc. Một người chị lấy chồng Hongkong, một người lấy chồng Đài Loan, gia đình nhà vợ có thể gọi là cũng được mát mặt ở quê nhà”.

 

 
        Cô Ngân, người vợ mà Đới chọn

“Người vợ Việt Nam của tôi tốt đến nỗi không lời nào tả hết. Nhớ lại hồi đó, tôi mua cho cô bạn gái người Nam Kinh một đôi giày hạ giá mất vài trăm tệ, cô ta chẳng coi là gì. Người vợ hiện nay của tôi không bao giờ đi dạo phố shopping mà toàn mua đồ ở chợ”, anh Đới tiết lộ: “Thậm chí tiền mua sắm hàng ngày còn thừa, cô cũng đưa trả lại cho chồng”. Từ những thông tin này, cộng đồng mạng nhất trí bình chọn vợ của anh Đới: “Không tham, không lười, không tùy tiện, không kiêu kì, không ham tiền, trẻ trung, xinh đẹp, chăm chỉ, hiền thục và quan trọng là biết nghe lời”.

Hiện Ngân đã theo chồng sống ở Nam Kinh. Ngoài việc ở nhà giặt giũ, cơm nước, dọn dẹp, Ngân cũng thường theo chồng đến công ty xem xét, theo học lớp khiêu vũ, nhân tiện học thêm tiếng Trung.

Chi phí: Lễ ra mắt chỉ với 100 NDT

Anh Đới kể lại tường tận chi phí cho việc lấy vợ ở Việt Nam: mời cô gái đi uống cà phê mất 20.000VND, gọi xe mất 100.000VND, lần đầu đến nhà gái mua hoa quả mất 200.000VND, ăn bữa hải sản mất 300.000VND… So với mức chi tiêu ở Trung Quốc, chi phí này có thể nói là thấp đến mức kinh ngạc.

Đánh giá về những cô gái mà anh Đới đã xem mặt ở Việt Nam, cộng đồng mạng đều có chung một nhận định: “Có một số cô thực sự rất xinh, nếu ở Nam Kinh chắc chắn là nổi bật giữa đám đông”. Một cư dân mạng còn tỉ mỉ phân tích: “Đức tính nổi bật của các cô gái Việt Nam đó chính là biết chăm sóc người khác. Trong quá trình hỏi vợ ở Việt Nam, mỗi lần ăn cơm với cô gái, anh Đới đều được cô xới cơm, bóc vỏ tôm, gỡ thịt nạc, chờ anh bắt đầu ăn thì mới động đũa”.

Trước cảnh tượng này, các chàng trai Trung Quốc không khỏi “thèm muốn” bởi họ mới chỉ được “nghe nói” mà không ngờ các cô gái Việt Nam thật sự như vậy! Trước nay, đàn ông Trung Quốc hầu hết phải phục vụ “phái đẹp”.

Trình tự: Bố mẹ vợ đồng ý xem như đã kết hôn

Theo anh Đới (cũng như nhiều tờ báo Trung Quốc như Sina, Kinh Sở, Trùng Khánh tin chiều…) thì tỉ lệ nam nữ ở Việt  Nam là 3/5 nên có rất nhiều cô gái muốn lấy chồng ngoại quốc. Ở Việt Nam thậm chí có những “bà mối” chuyên nghiệp, đi tìm những cô gái quê xinh đẹp, muốn lấy chồng ngoại, tập trung lại một chỗ dạy dỗ, sau đó giới thiệu cho đàn ông nước ngoài. Trong rất nhiều quảng cáo môi giới hôn nhân, “bà mối” đưa ra nhiều bảo đảm: trọn gói trong vòng 3 tháng, không chi phí phát sinh, trong vòng 1 năm nếu cô gái bỏ về được “đền” cô khác…

Dựa trên “kinh nghiệm cá nhân”, anh Đới cho rằng muốn lấy được vợ Việt Nam rất đơn giản, chỉ cần cha mẹ cô gái đồng ý là có thể đặt tiệc cưới, thậm chí đăng kí kết hôn có thể làm sau. Đăng kí kết hôn thường mất khoảng 1 tháng, trong thời gian đó, cô dâu ở chỗ môi giới để học tiếng và tập quán sinh hoạt của nước ngoài, chờ đăng kí kết hôn xong là theo chồng xuất ngoại. Anh mô tả: “Người nước ngoài đến Việt Nam lấy vợ rất đông”.

Cư dân mạng: Đây là “mua vợ”

“Hôn nhân kiểu này có thể hạnh phúc được không?”, không ít người bày tỏ quan điểm: “Vợ Việt Nam cái gì cũng nghe theo chồng, không có ý kiến riêng gì về chuyện nhà cửa, tài sản, nghe thì có vẻ dễ chịu; nhưng thực sự như thế chẳng khác nào… người máy. Sống như vậy không vui vẻ gì”.

Không những thế, nhiều người còn tỏ ra phẫn nộ với hình thức “lấy vợ” này, họ cho rằng việc sang Việt Nam “mua vợ” là không thể chấp nhận được, vì dù nói gì, hình thức của nó cũng không mang tính nhân văn và khuyến khích cho những kẻ môi giới kiếm lợi trên những cuộc hôn nhân vội vàng, thiếu tình yêu và sự hiểu biết lẫn nhau.