Hậu quả của stress rất nguy hại đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Chiều nay 14/11/2009 từ 14giờ đến 17giờ buổi nói chuyện chuyên đề về Những vấn nạn và giáo dục giới trẻ thời @ tuần thứ hai được diễn ra tại hội trường Trung tâm Mục Vụ giáo phận TP – HCM, đây là một đề tài rất nóng bỏng mang tính thời sự cấp bách được sự tham gia của rất nhiều các bạn trẻ đa số là sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học trong thành phố, buổi thảo luận này còn được tham dự bởi rất nhiều các bậc phụ huynh, các người làm công tác giáo dục, chiều nay còn có sự tham dự của một linh mục, một mục sư và khá nhiều nam nữ tu sĩ, cả hội trường chật ních người, tổng số tham dự khoảng trên 200 người. Buổi hội thảo chiều nay đã được Sr Maria Nguyễn Thị Hồng Quế OP, tổ chức và dàn dựng rất công phu, chu đáo mang tính chuyên nghiệp qua các phần trình chiếu Powerpoint và các đoạn Video clips cùng với sự cộng tác của các bạn trẻ trong Lớp Kỹ Năng Sống, Sr Maria Đồng Thị Ngọc Điệp Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương và Mục Sư Dương Quang Vinh với một đề tài cũng hết sức nóng bỏng và thiết thực trong cuộc sống hiện nay: Những Áp Lực – Căng Thẳng Của Đời Sống Hiện Đại Và Cách ứng Phó. Mở đầu chương trình có người nói vui là để giảm bớt không khí căng thẳng có 10 phút sinh hoạt văn nghệ khởi động do các bạn trẻ sinh viên khuấy động lên để tạo một bầu không khí thoải mái trước khi đi vào một đề tài nghe có vẻ khó nuốt trôi này.
Tiếp theo Sr Hồng Quế trình bày cho mọi người về những vấn nạn trong cuộc sống hiện nay đã và đang là nguyên nhân gây ra những tình trạng căng thẳng cho con người như những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, công việc, về gia đình, về tình yêu, về bệnh tật, về nghèo túng và về các vấn đề liên quan đến thái độ ứng xử của mỗi cá nhân v.. v… Tình trạng bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng xảy ra cho hết thảy mọi người chẳng trừ ai nhưng để giải quyết được những vấn đề căng thẳng thì lại tùy theo phản ứng của mỗi người nó tùy thuộc vào quan niệm sống và kinh nghiệm sống của mỗi người. Khi con người bị đe dọa trước vô vàn khó khăn trong cuộc sống liên quan đến tiền tài, tình yêu, danh vọng, khi môi trường bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, khi những ước vọng, ấp ủ bao ngày, nay bị tan tành theo mây khói làm cho ta “vỡ mộng” đều đã đem lại sự căng thẳng cho con người. Những căng thẳng đó đã làm trở ngại, làm ảnh hưởng đến tình trạng thể chất và tinh thần đang vốn lành mạnh của con người, nó bắt cơ thể của con người phải thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống và khi cơ thể của con người phải làm việc quá mức, con người phải hứng chịu một tình trạng mất quân bình ta thường gọi là bị “Stress”. Hậu quả của stress rất nguy hại đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Nếu tình trạng stress bị kéo dài con người có những suy nghĩ lệch lạc, cảm thấy cuộc đời này tất cả đều trở thành vô nghĩa, chẳng có gì còn có ý nghĩa trong cuộc đời ta, con người mất cảm giác về những lý tưởng cao đẹp để mình đeo đuổi. Lúc đó con người dễ rơi vào “trầm cảm” vì không còn biết tìm đâu là ý nghĩa cho cuộc sống mình. Điều quan trọng không phải có bị căng thẳng hay không nhưng thái độ đón nhận và ứng xử của bạn như thế nào để nỗi đau đó sinh ích lợi cho bạn và người khác. Bạn sẽ phát triển được tư duy sáng tạo, trưởng thành hơn về mặt tâm lý, tiến sâu hơn về mặt tâm linh và nhân ái hơn với con người nếu bạn biết ứng phó với stress một cách hợp lý. Cầm ly nước dơ lên Sr hỏi cộng đoàn: “Xin mọi người hãy thử đoán ly nước tôi đang cầm nặng bao nhiêu?”: “175 gram”, “ 200 gram”, “250 gram”, “300gram” nhiều người trả lời. Chưa chính xác, điều gì sẽ xảy ra cho tay tôi nếu tôi cứ cầm ly nước dơ lên như thế này trong 2 tiếng, 3 tiếng?”. Nhiếu bạn trẻ đã trả lời: “ly nước sẽ rơi xuống, tay của Sr sẽ bị tê liệt và phải vào bệnh viện”. Rất chính xác, cầm ly nước dơ lên giống như stress trong đời sống của chúng ta. Điều quan trọng chúng ta phải biết đặt nó xuống, suy nghĩ tích cực, đừng ôm ấm khổ đau của mình. Phải chăng tình trạng căng thẳng chỉ xảy ra cho những người trưởng thành. Trẻ em có bị căng thẳng không? Tại sao? Tâm hồn trẻ em rất đơn sơ và giản dị có lẽ trẻ em ít bị căng thẳng hơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế trong xã hội hiện tại của chúng ta, trẻ em ngày nay cũng bị căng thẳng rất nhiều, khi trẻ em phải sống trong cảnh quá nghèo nàn, phải sống trong cảnh tai họa của chiến tranh, lũ lụt, động đất, những vùng có khí hậu khắc nghiệt, những trẻ em thường phải sống chung với cha mẹ hoặc người lớn mà họ thường xuyên bị căng thẳng, những trẻ em vì một lý do nào đó phải vào đời rất sớm phải đóng những vai trò của người lớn, phải bán sức lao động của mình để kiếm miếng ăn như đi làm thuê, giúp việc…và nhất là những trẻ em bị hành hạ bởi bạo lực, bị lạm dụng cơ thể, tình cảm và tình dục, tất cả những điều này cũng làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của các em. Bởi thế bất kỳ ai từ khi sinh ra cho đến khi trở về lòng đất đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng. Tiếp theo là phần trình bày của một số các bạn trẻ trong lớp Kỹ Năng Sống đây chính là điểm nổi bật và gây nhiều ấn tượng tốt cho những người tham dự vì các bạn còn rất trẻ nhưng các bạn cũng đã có những ưu tư, thao thức mà thường chỉ dành cho những nhà chuyên môn về tâm lý và xã hội, các bạn cũng đã tỏ ra mạnh dạn khi đứng thuyết trình trước một tập thể đông người về một đề tài nóng bỏng, những công việc mà các bạn trẻ đóng góp hôm nay thật đáng khích lệ. Stress trong công việc: Trước hết là phần trình bày của bạn trẻ Gioan Baotixita Ngô Thanh Minh Ngôn 23 tuổi, đề tài bạn đưa ra là tình trạng bị stress trong công việc và những nguyên nhân đưa đến tình trạng căng thẳng đó như những công việc có quá nhiều áp lực từ công ty, từ môi trường mình đang sống đã dẫn đến tình trạng làm cho ta quá lo lắng hoặc làm cạn kiệt sức lực và làm cho tinh thần bất an, hoặc những công việc quá tẻ nhạt, kém hấp dẫn cũng đưa ta đến tình trạng chán chường, buồn nản trong công việc và làm mài mòn năng lực của ta, khi những công việc không đem lại nguồn cảm hứng, những thử thách không đúng mức với chính năng lực của mình làm cho ta mất đi cảm giác thú vị của công việc và làm cho ta khó hoàn thành nhiệm vụ. Có khi những tình trạng căng thẳng xảy ra do chính thái độ của ta thiếu chủ động trong công việc làm cho công việc mất đi tính hấp dẫn, thi hành công việc với một tinh thần thụ động thì tất nhiên hiệu quả của công việc sẽ không đạt kết quả cao và như thế cũng làm cho thái độ của ta thiếu sự say mê đối với công việc và lòng trung thành đối với công ty. Stress trong gia đình: Chàng trai trẻ Gioan Baotixita Ngô Thanh Minh Ngôn 23 tuổi lại tiếp tục trình bày cho mọi người về những xung đột thường xảy ra trong gia đình dẫn đến sự căng thẳng, cách trình bày của bạn thật vui tươi và dí dỏm theo bạn thì “vợ chồng cãi nhau cũng phải biết cách nữa đấy” như là động khẩu bất động thủ, chỉ cãi bằng miệng thôi chứ đừng cãi nhau bằng tay chân, không nên cãi nhau trước mặt người khác nhất là trước mặt con cái, không giận cá chém thớt, vợ chồng cãi nhau mà con cái phải hứng chịu hậu quả của sự tức giận đó, không nên quăng ném đồ đạc vì khi nguôi giận sẽ cảm thấy tiếc nuối, không nên bới móc chuyện cũ chỉ làm tổn thương cho nhau thêm và đặc biệt nhất là người phụ nữ khi vợ chồng cãi nhau đừng giận hờn bỏ nhà đi (về nhà mẹ ruột chẳng hạn) như thế là tạo điều kiện cho các đức ông chồng có thói trăng hoa được thoải mái hơn và có nguy cơ làm cho gia đình trở nên tan vỡ thực sự. Bạn còn chế tác lại một bài thơ ngắn tuy đơn sơ nhưng cũng làm cho người lớn chúng ta phải suy nghĩ: Làm cha mẹ thật khó Đâu phải là chuyện đùa Với con cái bé nhỏ Nhẫn nại, từ từ thôi Làm cha mẹ thật khó Những cũng thật là vui Ai yêu con cái mình Thì sẽ làm được thôi. Stress trong tình yêu: Tiếp theo là phần trình bày của bạn trẻ Lucia Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai 22 tuổi, đề tài tình yêu mà bạn trình bày khá thu hút, tình yêu thật ngọt ngào nhưng cũng rất đắng cay. Có và mất tình yêu chỉ cách nhau một khoảng khắc. Bạn đã đưa ra những lý luận khá vững chắc và cũng rất nhân bản khi phải đứng trước một tình huống là chủ động chia tay với người mà mình đã từng yêu. “Khi chia tay tôi phải nói thế nào đây để người ấy không bị tổn thương?” hoặc “Người ấy sẽ thế nào sau khi chia tay với tôi?” hoặc “Liệu tôi làm như thế có đúng không?”. Rồi bạn lại đặt tình huống mình là người bị tình phụ, thái độ của mình như thế nào đây? Đau khổ, u buồn than thân trách phận cho mình là kẻ ngu ngốc, yếu đuối, bỏ bê sao lãng công việc, thấy mọi thứ chung quanh chẳng còn ý nghĩa, suy nghĩ lung tung rồi đặt ra nhiều câu hỏi mà không có lời giải đáp…. Lúc đó tâm lý bất an, tâm linh bất ổn, mất ăn mất ngủ, buồn vui, khóc cười lẫn lộn, mang tâm trạng trả thù, có ý định tự tử, than trách cả Chúa là bất công, tất cả những điều trên đều đưa ta đến tình trạng stress. Cách khắc phục căng thẳng thể lý: Tiếp theo một bạn nữ trẻ trung Têrêxa Nguyễn Hồng Hạnh 21 tuổi trình bày về những tình trạng và cách giải quyết khi bị căng thẳng về thể lý khi cơ thể quá mệt mỏi bởi áp lực của công việc đưa đến các triệu chứng bệnh như đau đầu, đau cơ bắp, chóng mặt …v..v… Chúng ta nên biết tìm cách khắc phục bằng nhiều cách như là cắt bớt khối lượng công việc hoặc chia sẽ bớt công việc cho người khác, không nhận quá nhiều công việc cùng một lúc, sắp xếp lại công việc, hoàn thành từng công việc một theo mức độ quan trọng hoặc khẩn trương của từng công việc, quản lý lại thời gian như ăn uống ngủ nghỉ phải đúng giờ và hợp lý, hoặc có thể dành thời gian thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, ca hát, chơi thể thao hoặc bất cứ loại hình thư giãn nào mà ta thích và đem lại lợi ích cho mình. Đến phần thảo luận nhóm cũng rốt sôi động tất cả hội trường được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm một đề tài: Nhóm 1) liệt kê những triệu chứng, những biểu hiện của căng thẳng về cơ thể. Nhóm 2) liệt kê những triệu chứng, những biểu hiện của căng thẳng về tình cảm. Nhóm 3) liệt kê những triệu chứng, những biểu hiện của căng thẳng về tư duy. Nhóm 2) liệt kê những triệu chứng, những biểu hiện của căng thẳng về hành vi. Nhóm 4) đưa ra cách khắc phục căng thẳng về thể lý. Nhóm 5) đưa ra cách khắc phục căng thẳng về tâm lý. Mỗi nhóm có 10 phút để thảo luận và 3 phút trình bày về kết quả thảo luận của nhóm mình, các thành viên trong tổ đóng góp xây dựng ý kiến rất chân tình và sôi động, sau đó nhóm trưởng đại diện lên trình bày lại quan điểm của nhóm mình qua đề tài mà nhóm chịu trách nhiệm, cuộc thảo luận đã tạo nên một sân chơi đầy thú vị và hào hứng, nghe các bạn trẻ diễn thuyết về những thực trạng đang xảy ra thường ngày trong cuộc sống, các bậc phụ huynh, các người làm công tác giáo dục có mặt hôm nay cảm thấy rất vui mừng trước những nhận thức rất chín chắn và sâu sắc của các bạn trẻ tham dự buổi hội thảo này. Sr Maria Đồng Thị Ngọc Điệp dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương lên chia sẻ cho mọi người về phương diện tâm linh, một phương cách rất cổ điển và rất thiết thực đó là cầu nguyện với chất giọng ngọt ngào và êm dịu soeur đã đưa tâm hồn mọi người vào những giây phút cầu nguyện được trích từ thánh kinh và thánh vịnh. Khi ta gặp những căng thẳng vì công việc quá nhiều, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc gặp thất bại trên đường công danh hoặc khi bị phản bội, bị bỏ rơi, ta hãy biết chạy đến Chúa và “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5). Hãy chạy đến thủ thỉ với Người và “Mọi lo âu hãy trút cả cho Người, Vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7). “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa. Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 54,23). Vì có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau. “Cho dù nó có quên đi nữa. Thì Ta, ta cũng chẳng quên con bao giờ” (Isaia 49,15). Chúng ta hãy biết chạy đến với Chúa vì “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu,Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo” (Tv 46, 2 – 4). Hãy lấy Chúa làm niềm vui của ta vì Người là Đấng luôn trung tín, cho dù “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay. Tình yêu Ta dành cho con vẫn không hề thay đổi” (Isaia 54,10). Chúng ta hãy biết cầu nguyện, hãy dành thời gian để cầu nguyện, để gặp gở trao đổi với Chúa vì nhờ cầu nguyện ơn Chúa sẽ giúp chúng thay đổi được tình trạng căng thẳng mà chúng ta đang gánh chịu. Giả như cầu nguyện rồi mà căng thẳng, đau khổ, lo âu vẫn còn đó thì Thiên Chúa là “Đấng ban sức mạnh cho ta, ta sẽ chịu được hết” (Pl 4,13). Lạy Chúa khi con nói: “Này chân con lảo đảo, tình thương Ngài đã đỡ nâng con. Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng” (Tv 93 18 – 19) Lạy Chúa! • Xin ban cho con lòng kiên nhẫn để con có thể chấp nhận những gì con không thể thay đổi. • Xin ban cho con sức mạnh, lòng can đảm để con có thể thay đổi những gì mà con có thể thay đổi. • Xin ban cho con sự khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt nơi anh em của con. Vâng! Chỉ có cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện, mới giúp cho tâm hồn ta sớm tìm lại được bình an cho dù cuộc sống còn nhiều mây đen giăng lối. Để thư giãn các bạn trẻ trong lớp Kỹ Năng Sống đã trình diễn một tiểu phẩm nói về tình trạng bị stress trong tình yêu. Câu chuyện nói về một thực tại mà các bạn sinh viên đang phải đối diện cả về chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực đó là vấn đề Tình Yêu của Tuổi Trẻ. Có bạn thì biết cân nhắc, chọn lựa chín chắn trong tình yêu nhưng cũng có bạn thì hấp tấp yêu cuồng sống vội đến khi tình yêu vỗ cánh bay xa thì thất vọng não nề, buông xuôi tất cả con đường học vấn và tương lai bị đi vào ngõ cụt. Tiểu phẩm tuy ngắn, diễn xuất chưa hay nhưng cũng đã để lại cho giới trẻ một vấn đề quan trọng mà mình cần phải suy nghĩ, phải đặt lại vấn đề đó là chuyện tình cảm yêu đương. Mục sư Dương Quang Vinh cũng chia sẻ với mọi người về một vấn đề hết sức cụ thể và thiết thực: “Chúng ta phải làm gì để giúp đỡ nhau đây?”. Có phải chỉ là giúp đỡ nhau về vật chất, về việc phải đi thăm viếng nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau không? Những điều này tuy cần nhưng chưa đủ, mà cần phải có tâm tình của người tôi tớ của Đức Giêsu Kitô trong công cuộc loan truyền Ơn Cứu Độ, người Kitô hữu cần phải khoảng thời gian cầu nguyện, tâm sự cùng Thiên Chúa để Thiên Chúa được trò chuyện với chúng ta. Người Kitô hữu không cầu nguyện thì đời sống tâm linh, thần khí sẽ bị chết, cuộc chiến đấu tâm linh chắc chắn bị bại trận, người Kitô hữu phải biết dùng Lời Chúa để chiếu rọi tâm hồn mình và tâm hồn anh em. Lời cầu nguyện của người Ki tô hữu trưởng thành không phải là chỉ cầu nguyện cho mình nhưng là cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện cho người khác, cho các vị lãnh đạo tôn giáo và xã hội, cầu nguyện cho những ai đang gặp gian nan thử thách ở khắp mọi nơi để bình an của Thiên Chúa đến với anh em. Như vậy để giúp đỡ nhau giảm bớt căng thẳng trước hết chúng ta cùng giúp nhau cầu nguyện, lấy tình yêu thương để che phủ những lỗi lầm yếu đuối của nhau, tiếp đón nhau như anh em con cùng một Cha và cùng nhau gây dựng ân sủng cho nhau. Trong lúc bị căng thẳng chúng ta hãy biết hướng về Chúa Giêsu Kitô trong giây phút nơi Vườn Cây Dầu năm xưa, Ngài đã bị stress đến tột cùng đến nỗi các mạch máu bị bứt tung ra hòa với mồ hôi nhỏ xuống đất nhưng Ngài đã tìm thấy bình an vì Ngài đã đầu phục Chúa Cha trong lời cầu nguyện: “Xin vâng ý Cha đừng theo ý Con”. Đức Giêsu Kitô đã để lại cho chúng ta một bài học tuyệt vời về cách đối phó với tình trạng căng thẳng trong cuộc sống của chúng ta. Kết thúc buổi thảo luận Sr Hồng Quế và bạn trẻ Giuse Trần Huy Khoa đã song ca bài hát “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” của nhạc sĩ Đức Huy, cả hội trường cùng hoà chung tiếng hát trong phần điệp khúc đã tạo nên một bầu khí tràn ngập niềm vui. Buổi thảo luận đã để lại nhiều ấn tương tốt đẹp nơi những người tham dự cả về hình thức lẫn nội dung.
|