Nghề cắt cỏ thuê |
Tác Giả: Nguyên Thủy/Viễn Đông | |||||||||||||
Thứ Sáu, 27 Tháng 11 Năm 2009 21:51 | |||||||||||||
Trước đây, ở những vùng đất biên giới Tây Nam, người nông dân chỉ trồng lúa một vụ mà thôi...
trồng xen vào đó một vụ hoa màu, hoặc có khi họ bỏ đất trống luôn vì thiếu nước để canh tác. Chính vì thế mà đã tạo nên những cánh đồng cỏ bát ngát rất thích hợp để chăn nuôi trâu bò. Nhưng giờ đây những đồng cỏ dành cho bò bị thu hẹp dần và việc chăn thả ngày một khó khăn. Một số người dân lao động Khmer - Ô Lâm mới đi cắt cỏ đem về bán, thấy kiếm ăn cũng được; vậy là nhiều người rủ nhau làm nghề cắt cỏ, lâu ngày trở thành nghề có thể kiếm tiền mua gạo, nhất là trong mùa nước nổi. Từ tờ mờ sáng, tại bến chợ xã Ô Lâm đã nhộn nhịp, người dân lao động trong các phum, sóc tụ họp về đây rất đông, 2 chiếc trẹt chờ sẵn để đưa người đi cắt cỏ. Châu Thanh (chủ trẹt), nói rằng: “Hàng ngày đò tui đón 20 – 30 người đi cắt cỏ, lượt đi lượt về lấy 20.000 đồng/người, bình quân thu được 500 ngàn đồng/ngày. Cứ việc chạy tới nơi, trẹt đậu lại ở vàm kênh chờ, mạnh ai nấy túa đi cắt cỏ. Làm biếng thì ngủ đợi, còn siêng đi theo cắt cỏ đem về cho bò nhà ăn, hổng phải tốn tiền mua, sẵn một công, mà được đôi việc”.
Đường đi cắt cỏ xa lắc, trẹt chạy theo kênh Ninh Phước xuống Nam Thái, Mỹ Hiệp Sơn, qua Sóc Xoài và Hòn Đất… cỡ mấy chục cây số. Mùa nước nổi, không đi cắt cỏ bán thì người ta cũng chẳng biết làm gì, vì vậy “chợ cỏ” nuôi sống được nhiều gia đình nghèo ở Ô Lâm.
Thạch Thum, nhà huyện Vĩnh Sương An Giang, mỗi ngày đi cắt khoảng 100 bó cỏ, bán 2.000 đồng/bó (3kg), trừ tiền trẹt chở còn 180.000 đồng; nếu để lại chục ngoài bó cho 6 con bò nhà ăn thì cũng còn kiếm được 150.000 đồng/ngày; ngày nào cắt cỏ ít thì lợi tức cũng không dưới 100.000 đồng/ngày. “Sáng sớm, nấu cơm đem theo để ăn trưa, mình đi cắt cỏ tới chiều mới về. Vợ ở nhà trông coi bò, khoảng ba đến bốn giờ chiều ra bến chợ cỏ, tiếp mang cỏ lên bán liền, bữa nào hổng hết thì sáng hôm sau bán nữa” – Thạch Thum tâm sự. Còn gia đình Hạnh Hơn cùng xóm nuôi được 5 con bò. Chồng chị đi cắt cỏ bán hàng ngày, vừa kiếm thêm thức ăn tươi cho con bò khỏe mạnh, tăng trọng lượng tốt. Ở chợ cỏ Tịnh Biên An Giang, ngay cả những người dân Campuchia cũng theo các tuyến kinh bên phía Việt Nam để cắt cỏ bán ở chợ cỏ Tịnh Biên. Đa phần họ là những gia đình nghèo sống nhờ vào đồng ruộng, mùa nước nổi chẳng còn việc gì làm kiếm ra tiền; lưới cá bây giờ cũng chỉ đủ ăn chứ có bán buôn được gì. Họ đành đi cắt cỏ bán kiếm được đồng nào đỡ đồng nấy. Ngay cả những đứa trẻ cũng nghỉ học thường xuyên vào mùa lũ để tiếp gia đình đi cắt cỏ. Cỏ ở vùng biên giới Tây Nam cũng thưa dần.
Nghề cắt cỏ hễ gặp được cỏ là mừng lắm vì cỏ là tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng cắt cỏ được nhanh, vì còn phải tùy thuộc vào sức khoẻ tuổi trẻ và cả lưỡi hái phải tốt nữa. Cũng không ít người mang tật suốt đời vì cắt cỏ không khéo đứt cả lóng tay như chơi. Cỏ mùa lũ khan hiếm, nên người nuôi bò thường dự trữ những cây rơm khô để cho bò ăn độn “một bữa cỏ hai bữa rơm”. Có những vùng xa xôi không tìm đâu ra cỏ, nhiều gia đình cho bò ăn cả hai ba tháng trời rơm khô, nên bò ốm nhom. Những con bò này bán không bao nhiêu tiền, còn cày kéo cũng không bằng ai, đành chịu tốn tiền mua cỏ cho bò ăn để không bị mất sức. Nhịp độ mua bán, trao đổi tại chợ cỏ diễn ra trong khoảng thời gian 6 – 7 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều mỗi ngày. Tại bến chợ Ô Lâm hiện có ít nhất 50 người dân lao động chuyên đi cắt cỏ bán, mỗi ngày tập trung về đây không dưới 1,5 đến 2 tấn cỏ, với đủ loại cỏ, kể cả cây lúa hoang (lúa ma) ở những nơi đầm lầy vùng tứ giác Long Xuyên. Tại chợ cỏ Ô Lâm số người lao động chuyên cắt cỏ bằng phương tiện nhỏ, lẻ, góp phần tạo thêm công ăn việc làm ở từng phum, sóc.
Theo con số thống kê, chỉ riêng huyện Tri Tôn có tổng đàn bò hơn 22.000 con, với tỉ lệ lai Sind chiếm hơn 47%. Do vậy, thức ăn tươi cho bò trở nên rất cần thiết để bảo đảm bò mập ra, thêm lợi tức cho người nuôi bò thịt, bò sinh sản và kể cả việc mua bán, trao đổi con giống. Mấy năm gần đây, thức ăn xanh cho đàn bò vùng Bảy Núi nói chung và ở miền biên giới Tây Nam nói riêng trở nên khan hiếm, khi kỹ thuật canh tác theo phương pháp mới, thời vụ ngày mùa rút ngắn lại, nhịp độ sản xuất cũng nhanh gọn hơn, đồng ruộng không còn bỏ trống như trước kia. Vậy là, chợ cỏ ở các nơi vàn biên giới Tây Nam xuất hiện, giúp cho một số người Khmer có việc làm trong những mùa nông nhàn.
|