Sống chung với người bạn sinh viên cùng phòng |
Tác Giả: Vann Phan | |||
Thứ Sáu, 02 Tháng 7 Năm 2010 12:47 | |||
Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học Trong số các vấn đề mà người sinh viên năm đầu đại học gặp phải có chuyện phải sống chung hòa hợp hoặc phải đối phó với người bạn cùng phòng tại cư xá sinh viên trong khuôn viên đại học. Thật là một cuộc đổi đời khi bạn đang từ môi trường sống êm đềm bên cạnh những người thân yêu trong gia đình chuyển sang đời sinh viên đi học xa nhà và phải sống chung phòng, ít ra cũng trong một thời gian chín tháng trời, với một người bạn sinh viên thường là hoàn toàn xa lạ với mình. Hình minh họa Nhiều sinh viên năm đầu đại học từng có được những người bạn cùng phòng mà sau khi ra trường đã trở thành những người bạn đúng nghĩa và lâu bền. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai mới bước chân vào đại học đều gặp may mắn như thế. Trên thực tế, nhiều sinh viên năm đầu tỏ ra căm ghét người bạn sinh viên ở chung phòng với họ hoặc “dị ứng” với nếp sống của người này. Một số sinh viên cố gắng san bằng những dị biệt giữa đôi bên theo cách thế của người lớn bằng cách thiết lập nên các lề luật, nhưng chuyện này đôi khi lại gây nên nhiều căng thẳng cho nhau cũng như tạo ra tình trạng thiếu không khí thoải mái trong ký túc xá. Một số sinh viên đã phải đi dự những lớp cố vấn về cách ứng xử với người bạn sống chung phòng, nhưng không phải trường đại học nào cũng có loại dịch vụ đó. Trong một số trường hợp, tình trạng trở nên tồi tệ tới nỗi một người bạn sinh viên sống chung phòng cuối cùng đành phải xin nhà trường cho mình được thay đổi cư xá, mặc dù điều này hiếm khi được nhà trường chấp nhận. Thật là thiếu thực tế khi nghĩ rằng tất cả mọi con người trên thế gian này lúc nào cũng có thể hòa hợp với nhau bất kể bối cảnh gia đình của họ như thế nào. Nếu trước đó bạn chưa hề sống chung phòng với bất cứ người bạn sinh viên nào, hầu như chắc chắn là bạn phải đối phó với những “thói hư, tật xấu” của người bạn cùng phòng, không cần biết là bạn có thể chấp nhận được những khuyết điểm đó hay không. Nên nhớ rằng con người không có ai là hoàn toàn, bởi vì mọi người đều được sinh ra đời từ những môi trường sống xa lạ với nhau và được nuôi nấng khác biệt nhau. Lời khuyên nhủ hay nhất và thực tế nhất là bạn hãy thực hành lòng độ lượng. Có thể là người bạn cùng phòng của bạn có thói quen không chịu rửa chén đĩa sau khi ăn, hoặc có khi đó là một người bị ám ảnh quá mức về sự sạch sẽ. Nhưng nếu bạn biết chấp nhận sự khác biệt giữa hai người bạn cùng phòng và nếu bạn dung thứ cho mối cách biệt đó thì bạn sẽ là người sung sướng hơn và cũng sẽ là một người bạn cùng phòng được yêu mến nhiều hơn. Thay vì cảm thấy lo âu không biết người bạn cùng phòng có thích mình hay không thì bạn hãy nên tìm mọi lý do để thích người bạn đang ở chung phòng với mình. Nếu bạn cứ mãi lo lắng về chuyện cải hóa người bạn cùng phòng thì hãy tự xét mình có cải thiện được mình hay không trước đã, bởi vì mình tự thay đổi lấy mình thì vẫn dễ dàng hơn là cải đổi người khác! Nhưng nếu sự khác biệt lớn lao giữa bạn và người bạn cùng phòng tạo nên những vấn đề sức khỏe trầm trọng hoặc gây trở ngại cho chuyện học hành thì bạn phải thẳng thắn, cởi mở, chân thật và tỏ ra hiểu biết khi thảo luận để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Cố gắng đừng nhờ tới bên ngoài đứng ra trung gian hòa giải mà chỉ coi đó là biện pháp sau cùng mà thôi, bởi vì sự can thiệp của người ngoài đôi khi lại chỉ tạo thêm căng thẳng giữa đôi bên. Ðừng bao giờ dính líu tới bạo động thể chất với người bạn cùng phòng. Nhiều đạo luật đã được thông qua đặt chuyện đánh nhau với người bạn cùng phòng vào loại tội phạm hình sự tương đương với chuyện “bạo lực gia đình,” và hình phạt dĩ nhiên là sẽ rất nặng nề. Ngày nay, chuyện sinh viên đánh nhau tại đại học thật chẳng “thanh lịch” tí nào. Hãy tỏ ra chín chắn hơn, và hãy cố gắng công khai thảo luận cảm nghĩ của bạn. Gây sự với người bạn cùng phòng vẫn dễ hơn là tìm kiếm các điểm tích cực để hòa giải với đối tượng này. Ðây cũng chỉ là đặc tính của con người mà thôi. Phải cố gắng quyết định xem bạn thích cái gì hoặc điểm nào trong tư cách của người mà bạn sống chung phòng. Và nếu bạn cảm thấy rằng cuối cùng thì mình cũng không thể nào ưa thích nổi người bạn sinh viên này thì cũng nên ghi nhớ rằng bạn sẽ không phải sống mãi với người bạn cùng phòng đó suốt đời! Hầu hết các trường đại học đều để cho sinh viên tự chọn lấy người bạn cùng phòng sau khi hết năm thứ nhất đại học. Nhưng trong năm học đầu tiên là thời gian có cuộc thử thách đó thì bạn vẫn phải gắn bó với người sinh viên mà, chiếu theo giấy tờ, ban quản trị cư xá sinh viên cho là thích hợp nhất với bạn. Nhiều trường đại học cung ứng cơ hội cho sinh viên làm đơn xin ở một “phòng độc thân,” nhưng chuyện sống một mình có những điều thất lợi so với các thuận lợi khi sinh viên có dịp sống chung với nhau, nhất là trong năm đầu đại học. Thật ra, trong đời thiếu gì chuyện tệ hại hơn là gặp phải một người bạn ở chung phòng mà bạn không chịu đựng nổi! Hãy tận dụng tình thế có được trong cuộc sống với người bạn sinh viên cùng phòng để rồi sau cùng bạn sẽ trở thành một con người hoàn thiện hơn. (Theo collegefreshmen.net)
|