Gửi resume hoài không thấy ai trả lời - tại sao? |
Tác Giả: Lê Tâm | |||
Thứ Hai, 28 Tháng 6 Năm 2010 07:44 | |||
Bạn khởi sự tìm việc làm đã lâu, bạn làm đúng theo lời khuyên từ đủ mọi người. Bạn gửi resume đến website của các công ty, bạn liên lạc với bạn mình và ngay cả bạn của bạn... của bạn mình để gửi đơn resume đến cho họ hoặc nhờ họ chuyển cho phòng nhân viên Human Resources. Nhưng mãi vẫn không thấy ai trả lời hoặc chỉ là những lời cám ơn khuôn sáo. Hình minh họa. (Hình:Getty Images) Theo Liz Ryan, một chuyên gia về nhân sự có 25 năm kinh nghiệm, thì thị trường việc làm của năm 2010 nay hoàn toàn khác với những gì nhiều người trong chúng ta từng biết. Và một số phương cách kiếm việc chúng ta từng dùng và hiệu nghiệm trước kia, nay có thể đã lỗi lời, cần phải được duyệt xét lại. Dưới đây là sáu điểm giúp bạn điều chỉnh chiến thuật kiếm việc của mình. 1. Phần lớn resumes gửi vào website không được đọc Trở ngại lớn nhất của việc ào ạt gửi email đi tất cả mọi nơi để họa may có ai đọc thấy là phần lớn những đơn này chẳng được ai đọc. Ngay cả đối với những công ty kiếm ứng viên bằng cách “search” những chữ cá biệt cũng không còn hiệu quả vì nay có quá nhiều ứng viên biết đưa các chữ cá biệt (keyword) này vào đơn của họ. Ðây là lý do bạn nên tạo sự quen biết, liên lạc trực tiếp với người đặc trách tuyển dụng, hơn là cứ ào ạt đẩy resume đi rồi không bao giờ thấy có tiếng vọng về. 2. Phần lớn người duyệt đơn xin việc chẳng hiểu gì về công việc đang cần người Nếu bạn có cơ hội nói chuyện với ai đó từng ở trong nhiệm vụ tuyển người, bạn có thể đã biết rằng phần lớn các thư ký có nhiệm vụ phân loại đơn xin việc, để ra thành hai chồng hồ sơ “gọi vào phỏng vấn” và “gửi thư cám ơn” hầu như không biết gì về nhiệm vụ mà họ đang tuyển người làm. Ðó là lý do tại sao bạn nên tìm đủ cách để liên lạc trực tiếp với người có trách nhiệm mướn qua LinkedIN, gửi thư, gửi email điện thoại, qua người giới thiệu, v.v... Và khi nói chuyện, hãy nói về những gì liên hệ trực tiếp tới công việc bạn đang muốn xin, đừng dài dòng kể lể những việc khác. 3. Phần lớn những điều kiện đòi hỏi thật ra không cần thiết Các công ty thường hay liệt kê những điều kiện đặc biệt đòi hỏi ở người xin việc cũng giống như những đứa trẻ đưa ra danh sách xin quà vào ngày lễ. Phần lớn những điều kiện chính thức đưa ra cho công việc thường là không thật sự cần thiết. Bạn đừng ngại ngần không liên lạc đưa đơn khi thấy những đòi hỏi như “5-10 năm kinh nghiệm,” nhiều công ty chỉ cần người có 1-2 năm kinh nghiệm đã mừng lắm rồi. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn có khả năng đáp ứng nhu cầu của công ty, thiếu chứng chỉ nào đó hay văn bằng không hoàn toàn giống như đòi hỏi chính thức cũng chưa chắc sẽ ngăn trở bước tiến của bạn. 4. Ðòi hỏi về “lương bổng trước đây” không nên là điều ngăn trở Bạn đang tìm việc vì công việc đang làm được trả lương quá thấp. Bạn chớ vội lo. Nhiều công ty muốn biết bạn muốn được trả lương trong mức nào để xem họ có khả năng mướn bạn hay không. Bạn chỉ cần cho họ biết số lương mình nhắm tới, ở trong thư giới thiệu hay trong bản resume của mình. Bạn cũng không cần kể ra và công ty cũng chẳng cần biết tới là bạn từng được trả lương như thế nào từ khi bạn tốt nghiệp trung học tới nay. Hãy viết xuống mức lương bạn đang nhắm tới trong phần “lương bổng-salary” của tờ đơn. Và NHỚ viết trong đơn này (thí dụ ở cột comment box) là “Tất cả những con số đưa ra trong đơn này là mức lương tôi hiện nhắm tới - All salary figures reported in this form are my current salary target.” Làm như vậy, bạn chẳng phải khai thật số lương của mình hiện nay mà người thuê cũng biết bạn đang nhắm đến mức lương này. 5. Phần lớn người có nhiệm vụ thuê nhân viên chỉ muốn hỏi ngay vào công việc Phần lớn những người có nhiệm vụ phỏng vấn để tuyển người thường không muốn hỏi tất cả các câu hỏi khuôn mẫu của cuộc phỏng vấn. Nếu bạn cảm thấy cuộc phỏng vấn quá mệt mỏi và nhiều chi tiết thì hãy tưởng tượng người đang phỏng vấn mình đã từng phải lập đi lập lại các câu hỏi đó năm, bảy, mười lần rồi. Phần lớn họ không muốn “thẩm vấn” ứng viên về những gì xảy ra nhiều năm trước. Họ muốn nói về đòi hỏi của công việc và xem bạn có từng làm việc tương tự hay không. Ðó mới là điều quan trọng. Ðừng ngồi đó một cách thụ động chờ câu hỏi tới. Hãy có thái độ tích cực và cho họ thấy bạn biết và có khả năng làm công việc họ cần. 6. Phần lớn người ta được mướn vì “thích hợp với công việc” Phần lớn việc thu nhận nhân viên xảy ra khi người phỏng vấn thấy người kia “thích hợp-fit” với công việc hơn là dựa trên những đòi hỏi có tính cách lý thuyết. Ðây là điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên nhưng đó là thực tế. Vậy thì làm thế nào để bạn chứng tỏ rằng mình “thích hợp” với công việc. Ðiều đó tùy ở bạn, tùy ở người bạn đến gặp trong cuộc phỏng vấn. Hãy tin ở chính mình và cho người phỏng vấn thấy bạn có khả năng và hơn hết, bạn có tinh thần tích cực và là một đóng góp tốt cho số nhân viên mà bà hay ông ta đang điều hành. (theo US News and World Report)
|