25 mẹo nhỏ giúp các bạn sinh viên vượt qua những khó khăn trong năm đầu đại học |
Tác Giả: Vann Phan (Theo quintcareers.com) | |||
Thứ Tư, 07 Tháng 7 Năm 2010 07:28 | |||
Những tuần lễ đầu tiên trong khuôn viên đại học hết sức quan trọng đối với tất cả các sinh viên mới. Hình minh họa. (Hình: Erik S. Lesser/Getty Images) Chính trong thời gian này là lúc các bạn sinh viên phải thực hiện các quyết định sinh tử có ảnh hưởng tới quãng đời sách đèn còn lại của mình. Một số trong 25 mẹo nhỏ dưới đây được coi là thiết yếu cho các bạn sinh viên trong những tuần lễ đầu tiên trên đại học, trong khi đó thì một số mẹo nhỏ khác có thể được đem ra áp dụng như những lời chỉ dẫn có giá trị dài dài trong những tháng ngày kế tiếp. Dù các bạn có sinh hoạt và học hành ra sao đi chăng nữa, phải cố gắng vui hưởng đời sống sinh viên tươi đẹp của mình. Dĩ nhiên là các bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận nhiều stress, cộng với tâm trạng luyến tiếc “những ngày xưa thân ái” trước khi khăn gói lên đường sống đời sinh viên xa nhà trên bước đường tìm kiếm tương lai nơi một trường đại học không thiếu gì những khuôn mặt xa lạ. 1. Tham dự mọi lớp hướng dẫn sinh viên: Nếu cần, bạn cũng nên tham gia thêm một chuyến đi tour quanh khuôn viên đại học nữa. Càng hiểu biết rành rẽ đường đi, nước bước trong khuôn viên đại học của mình, bạn càng cảm thấy thêm thoải mái và tự tin rằng mình đã được chuẩn bị sẵn sàng cho các thử thách sắp tới trong đời sống sinh viên ngay chính trong môi trường sống hằng ngày của mình. 2. Tìm hiểu người bạn sống chung phòng và các bạn sinh viên khác trong cư xá: Những con người mà bạn tiếp xúc hầu như ai cũng đang trải qua các kinh nghiệm và mang tâm trạng tương tự như bạn, và đó chính là mạng lưới an toàn trong cuộc sống sinh viên của bạn nơi trường đại học, không những chỉ trong năm đầu thôi mà có thể là trong nhiều năm sau nữa. Vậy chớ ngại ngùng gì mà không dành thì giờ tìm hiểu những người bạn mới này. 3. Sắp xếp mọi việc đâu vào đấy: Lúc còn ở trung học, bạn thường được giáo viên dẫn dắt đi qua nhiều chặng đường học hành từ làm bài ở nhà cho tới lúc thi cử... Lên đại học, các vị giáo sư chỉ biết ra bài làm cho bạn và trông chờ bạn tự tổ chức lấy mọi việc rồi hoàn tất bài làm đúng thời hạn, chứ không trực tiếp kèm cặp gì thêm. Bạn có thể mua một cái organizer nhỏ, hay đơn giản là một quyển lịch bỏ túi, để giúp mình ghi nhớ ngày nào, tháng nào phải làm và nộp loại bài vở gì. 4. Tìm một “góc học tập” lý tưởng cho mình: Ðây có thể là ngay tại phòng ngủ trong cư xá của bạn hoặc nơi một góc ấm áp nào đó trong thư viện, tức là chỗ nào thích hợp nhất và yên tĩnh nhất để bạn học hành và làm bài tới nơi tới chốn, tránh xa tiếng ồn hoặc các cám dỗ như hình ảnh hoặc giọng ca của các tài tử đẹp trai hoặc nữ ca sĩ sexy lúc nào cũng khêu gợi hoặc réo gọi bên mình. 5. Ði dự lớp cho đều: Ðiều hiển nhiên là như vậy. Ðã đành rằng các lớp học bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng thật là “trái cựa” khi giấc ngủ của bạn thường chỉ ngon vào lúc ban sáng, nhưng bạn phải cố gắng phấn đấu để không bỏ qua các lớp học này. Kinh nghiệm muôn đời cho thấy những gì sinh viên thu thập ngay tại lớp vẫn dễ hiểu hơn và chính xác hơn là những điều mà bạn tìm cách thu nhận từ nơi khác, vì các giáo sư luôn cho biết những chi tiết sinh tử qua bài giảng trong lớp, tỉ như những gì sẽ được đưa ra trong bài test hoặc những thay đổi thời biểu vào giờ chót. 6. Ðáp ứng thích nghi các đòi hỏi của bài vở và kỳ hạn nộp bài: Các vị giáo sư đã dành nhiều thì giờ và công sức soạn thảo chương trình giảng dạy cũng như lịch học tập để làm sao có thể đánh giá được nỗ lực học hành tốt của học trò. Một cái cớ để chạy tội được coi là vô duyên nhất của bất cứ sinh viên nào trước vị giáo sư của mình vẫn là câu nói: “Em đâu biết hôm nay là hạn chót phải nộp bài!” 7. Gặp gỡ giáo sư của mình: Gặp gỡ và tiếp xúc càng nhiều với vị giáo sư của mình càng có lợi cho việc học hành của bạn, nhất là vào những lúc bạn gặp khó khăn trong bài vở. Các vị giáo sư khi đưa ra lịch gặp gỡ học sinh thì cũng chỉ nhằm mục đích khuyến khích các sinh viên đến gặp họ để được giúp đỡ mà thôi. Tại sao bạn lại không biết lợi dụng cơ hội này chứ? 8. Cầu cứu vị cố vấn học vụ của bạn: Ðây là nhân vật sẽ giúp ích cho bạn trong những trường hợp có những xung khắc trong bài vở và thời khóa biểu, lúc cần thêm hoặc bỏ bớt các lớp học, khi hoạch định các môn học cho khóa tới, lúc quyết định nên chọn môn chính và môn phụ nào... Vị cố vấn học vụ này là một tài nguyên thiết yếu cho cuộc đời sinh viên của bạn, và gặp gỡ vị này xem ra còn dễ dàng và thoải mái hơn là với giáo sư dạy môn chính của bạn nữa. 9. Giữ thăng bằng giữa học và chơi: Cuộc sống sinh viên đại học chính là sự pha trộn giữa chuyện sách đèn và các hoạt động xã hội. Ðừng làm lệch cán cân giữa hai lãnh vực này nhé! Có một sinh viên từng nói một câu với giá trị để đời như sau: “Hãy học hành ráo riết để có thể vui chơi hết mình.” 10. Tham gia các hoạt động chung trong khuôn viên đại học: Một vấn đề lớn của nhiều bạn sinh viên mới là vừa cảm thấy nhớ nhà mà lại vừa cảm thấy mình chẳng thuộc về môi trường mới. Bạn hãy nghĩ đến việc gia nhập một nhóm sinh viên trong trường như hiệp hội sinh viên, câu-lạc-bộ, hoặc toán thể thao... Qua các nhóm sinh viên này, bạn sẽ có thêm bạn mới, học hỏi được thêm các kỹ năng mới, và cảm thấy gắn bó hơn với mái trường đại học của mình. 11. Cố gắng đạt điểm cao: Ðây cũng là một điểu hiển nhiên trong cuộc sống sách đèn. Nếu lúc còn ở trung học đôi khi điểm tốt đến với bạn một cách tự nhiên thì trên đại học muốn có điểm tốt thì bạn phải tự mình cố gắng mới có. Vì thế, bạn phải đề ra một số mục tiêu phấn đấu cho chính mình, và bảo đảm rằng bạn sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để đạt được mục tiêu là điểm A. 12. Tận dụng các tài nguyên học tập trong khuôn viên đại học: Mọi trường đại học đều có phòng lab và dịch vụ sinh viên dạy kèm. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc học, những tài nguyên này luôn giúp bạn đạt tới thành công. Bạn cũng có thể tham gia các nhóm học chung nhau để giải quyết ngay các khó khăn, thắc mắc trong bài vở, đỡ cho bạn phải mất thì giờ lay hoay tự tìm ra lời giải đáp. (Còn tiếp)
|