Chồng kéo nhị hay gảy đàn bầu, vợ hát. Thằng cu con, độ sáu bảy tuổi, nhem nhuốc...
Nhà văn Hoàng Đạo (1907-1948)
Độ ấy, tôi hay đi chơi tối. Sau bữa cơm chiều, tôi đứng hóng mát ngoài hiên một lát, rồi đi bách bộ về phía chợ Hôm. Nhà tôi ở một ngõ hẻo lánh gần bờ sông, phải đi qua những phố rộng, lặng lẽ và tối tăm dưới những vòm lá cây đen sẫm. Từng quãng, một ngọn đèn điện nhỏ, lắc lư như người say rượu, lay động một vùng sáng lờ mờ vàng. Tôi lặng yên bước, nghe tiếng gót giày vang lên trong đêm vắng. Thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn qua kẽ lá, một miếng trời xám hay vài ngôi sao ánh sáng trong và mát. Thong thả, tôi đi vào bóng tối, trong lòng bình tĩnh như vào nhà một người bạn. Đêm ở Hà thành dịu dàng, thân mật khác hẳn với những đêm âm thầm, mênh mang đầy sự kinh hoảng của thôn quê.
Ra đến phố Huế, tôi có cái cảm tưởng vào một thế giới khác, rộn rịp, đầy ánh sáng. Tiếng người ồn ào, lẫn với tiếng xe cộ, tiếng rao hàng. Bóng người đi lại. Trước gian hàng sáng trưng, một đám người ngồi nói chuyện hay một bọn trẻ con nô giỡn. Những cảnh tượng ấy tôi đã quen lắm, nhưng mỗi lần tôi lại thấy trong lòng đầm ấm hơn lên. Sự cô tịch, dầu êm ái bao nhiêu, cũng vẫn giấu chút hương buồn. Và bỗng dời sự quạnh quẽ đến một nơi đông đảo, sáng sủa, lòng người tự nhiên vui vẻ lên, sung sướng hơn, như sống lại cái cảm giác xa xôi của ông cha đời thái cổ trước ánh lửa trại.
Những lúc ấy, sự vui vẻ ngọt ngào hơn, nếu ta được nghe những giọng điệu du dương của cung đàn tiếng hát. Có lẽ vì thế mà không bao giờ tôi quên được vợ chồng nhà chị Tạc. Tôi không biết chị ở đâu, nhưng cứ vài ba hôm, vợ chồng chị lại đến ngồi ở góc đường hát xẩm. Chồng kéo nhị hay gảy đàn bầu, vợ hát. Thằng cu con, độ sáu bảy tuổi, nhem nhuốc, cái áo cánh nâu rách ngắn, để hở rốn, ngồi nghịch cái chậu thau đã han rỉ, dùng để đựng tiền.
Lần đầu tôi gặp cái gia đình nhỏ ấy là một buổi tối oi bức. Không một ngọn gió. Hơi nóng hấp ở đất xông lên, nồng nực, đầy cát bụi. Tôi sắp sửa gọi xe để đi tìm ít gió mát ở nơi khác, bỗng ngay đầu phố cất lên tiếng hát của chị Tạc, trong vắt như nước suối, ngân nga, gợi lên một cảm giác mát và nhẹ nhàng. Tiếng đàn bầu họa theo, vang lên những tiếng khóc trong. Lũ trẻ con đương chơi bóng trên hè dừng lại. Một đứa kêu lên:
- A! Xẩm. Lại nghe đi.
Chúng chạy xô ra đầu phố, rồi đứa đứng đứa ngồi, ngây ra nhìn và nghe. Mấy người hóng mát ở gần đấy, dừng câu chuyện ngồi lặng yên lắng tai. Mọi người đều quên cả nóng bức. Tiếng hát mỗi lúc một cao, người đến xem mỗi lúc một đông.
Chị Tạc giở đủ giọng, chị đi từ giọng Bắc, nhanh nhẹn, lưu loát, sang giọng Nam, chứa đầy nỗi buồn mênh mang. Toàn những âm điệu hồn nhiên, rung động lòng người, đưa tâm hồn đến những thế giới hồn nhiên xa xăm, đầy thơ, đầy mộng, đầy hương thơm. Chốc chốc chị ngừng hát, nhưng trong yên lặng, dư âm của lời ca vẫn còn xao xuyến trên dây đàn của linh hồn. Giọng trong trẻo của chị Tạc bắt theo điệu đàn trong khiến tôi mê mẩn tâm linh như hòa hợp với những thời ký vãng mung lung. Tôi sống lại cả một thời thơ ấu, đương ẩn náu trong nơi vô giác của tâm tình: tôi say sưa hưởng hết cả hương vị của những tiền kiếp nào, xa xôi, mịt mù, và trùm qua ký ức ấy, một tình cảm nhớ thương không bờ bến.
Từ hôm ấy, không mấy ngày tôi không đến nghe vợ chồng chị Tạc. Thằng cu con đã quen mặt, thấy tôi là nó cười, bỏ chiếc chậu thau chạy lại. Có khi tôi đưa nó một xu, một trinh nhưng thường thường tôi mua cho nó một chiếc kẹo. Nó thích lắm, giựt lấy rồi vội vàng chạy về chỗ, cắn, nhai cả cái giấy bọc. Vợ chồng chị Tạc biết tính tôi, thi nhau khoe tài, chồng nắn nót từng tiếng đàn, vợ cất giọng thật trong theo những điệu tôi chưa từng nghe. Những điệu ấy, chị Tạc hình như quen lắm. Tôi thấy, lúc chị dễ dàng hát thay đổi những bài chị đã thuộc, mặt chị khác hẳn đi. Mắt chị ngày thường lờ đờ, bỗng sáng hẳn lên, khuôn mặt trái xoan răn reo quá sớm như trẻ lại. Tôi sực nhớ đến câu bình phẩm mà tôi đã được nghe một buổi chiều nào:
- Nhà chị xẩm này hình như ngày xưa đi hát chèo thì phải!
Có lẽ chỉ là một câu đoán phỏng của một người nghe thấy chị Tạc hay ca giọng chèo, nhưng tôi không thể đừng nghĩ ngợi bâng khuâng. Lắm khi, ngồi nghe chị, tâm trí tôi vẩn vơ trôi theo dòng tưởng tượng. Chị Tạc là một đào có tiếng của một gánh hát chèo nhí nhảnh, nũng nịu, một nụ cười tinh ranh luôn luôn nở trên môi thắm. Chị theo gánh hát đi hết nơi này đến nơi khác, qua những cánh đồng lúa non, gió thổi tạt xuống như tấm thảm nhung lay động, qua những ngọn đồi tím, trơ trụi mấy cây thông giơ thân hình khắc khổ, men những vùng cát trắng, những ruộng muối đỏ, mơ màng nhìn những cánh buồm nâu cắt hình lên mặt biển màu ngọc bích. Chị đi, vui vẻ, không lo, không nghĩ, như một con vật non, sống cái đời phiêu bạt, chìm đắm trong tiếng hát, cung đàn. Đêm đêm chị lại thay hình trở nên cô công chúa nõn nà dưới dải mũ rung rinh ánh sáng, hay cô thôn nữ thơ ngây, áo nâu non, thắt lưng cá vàng, ngồi bán nước dưới gốc đa. Con mắt sắc của chị đã say đắm bao nhiêu trai làng khăn lượt, áo thâm, giọng hát trong của chị đã đem lại cho bao nhiêu người vất vả một chút quên, quên những nỗi cực khổ hằng ngày để đắm đuối trong âm thanh.
Thế rồi, một ngày xuân ấm, lộc cây đầy nhựa, chị gặp người yêu.
Tôi nhìn anh Tạc, gầy ốm trong mảnh áo rách, nước da đen xám vì dãi dầu. Thủa ấy, có lẽ anh là một trang niên thiếu phong nhã, yêu âm nhạc, cảm thanh sắc, bỏ nhà cửa theo gánh hát của cô đào xinh xắn đã cướp đoạt lòng anh. Hai người đã sống trong ái tình; những đêm thanh vắng, chị đã biết bao lần cất tiếng ca nỗi lòng u ẩn để riêng anh rạo rực nghe; những buổi chiều vàng rực, linh hồn của hai trẻ đã từng hòa hợp với lá, với cỏ xanh non hơn với ánh nắng sắp tàn.
Ánh chiều qua, ánh chiều lại qua. Chuỗi ngày ái ân bao giờ cũng ngắn ngủi. Thời khắc trôi, và trôi theo tuổi trẻ, tình yêu và hy vọng. Gánh hát tan. Anh chị đưa nhau về ẩn một nơi thôn quê trầm tịch, nhưng người ta không thể chỉ sống bằng ái tình và nước lã. Hai người đã cố tìm việc làm, đã dày dạn nắng mưa, đã biết đời cực nhọc.
Cũng như những con ve không biết phòng xa, anh chị đã phải sống trong sự khốn cùng. Bây giờ đây, sống tạm bợ cho qua ngày, hai người có lẽ không còn nhớ những tình cảm ngây ngất, những giây phút mãnh liệt thủa trước nữa. Sự nghèo khổ đã in vết nhăn trên trán. Người lam lũ chóng khô héo. Tôi ngồi nhìn vợ chồng chị Tạc, bây giờ không còn tìm thấy dấu vết cuộc đời xưa. Trên nét mặt hai vợ chồng, tôi chỉ còn thấy vẻ nhẫn nhục của những người nghèo khó. Không lúc nào hai vợ chồng còn nở được một nụ cười vui vẻ: họa hoằn một đôi khi nghe tiếng trinh, tiếng xu ném vào chậu thau liên tiếp, vẻ mặt hai người mới sáng lên một chút. Lúc đó, chồng nắn cung đàn, vợ cao giọng hơn lên, nhưng chỉ còn là mong được người ta thưởng nhiều hơn. Không bao giờ chị còn hát cho chị nghe, cho chồng chị nghe nữa, mà chồng chị cũng không còn rạo rực như xưa: Chị, ngày nay, chỉ còn hát để mà nuôi thân.
Những này hè oi nồng đã hết, và cũng đã hết những ngày trong sáng của mùa thu ngắn ngủi. Gió bấc đã bắt đầu đuổi lá bàng trên những con đường vắng, và tiếng sếu kêu lạnh đã vang động trong đêm khuya. Con gái nhà giàu mặc thử những bộ áo nhung ấm, con nhà nghèo rét run trong mảnh áo rách.
Đêm đến, đường sá vắng tanh, không có vẻ đông đúc rộn rịp nữa. Cuộc sinh nhai ngoài phố càng thêm khó khăn; càng ngày càng thấy vắng người dừng chân lại nghe vợ chồng chị Tạc. Họ vội vàng đi về những căn nhà ấm cúng, hưởng sự êm đềm của gia đình, không ai nghĩ đến những cảnh đời thiếu thốn chung quanh. Tiếng xu rơi vào chậu thau mỗi đêm một hiếm, và tiếng hát của chị Tạc không thấy cao lên nữa.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp hai vợ chồng chị nhưng gió mỗi lúc một rét, tiếng đàn tiếng hát mỗi lúc một nhanh, và những buổi mưa phùn lạnh lẽo thì điệu Nam ai gần hóa ra điệu Bình bán. Thằng cu con, trời rét mà vẫn mặc có cái áo cánh rách; mẹ nó chỉ bó thêm vào mình nó một manh chiếu con để che gió. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nó run cầm cập và bỏ cả chậu thau, nép mình vào người mẹ cho ấm. Chị Tạc vừa ôm con lên lòng vừa hát; chị cũng thấy lạnh, môi chị đã thâm lại, chốc chốc chị dừng lại, ho khan lên một tiếng ngắn. Một vài phút sau, không có ai, vợ chồng cuốn chiếu dắt nhau, không biết đi về đâu. Nửa tháng sau đến chỗ cũ, tôi không thấy vợ chồng chị Tạc như mọi lần. Thu hình trong áo, tôi nghĩ rằng rét mướt đã đuổi anh chị đi phương khác kiếm ăn và cũng không để ý đến nữa.
Một hôm, có việc về chơi người anh em ở Bạch Mai, tôi rẽ qua xem nghĩa trang Hợp Thiện. Trời đã xế chiều, ánh nắng còn thếp vàng những ngọn cây cao. Cỏ tươi thắm. Hoa vạn thọ vàng thẫm. Bỗng tôi rùng rợn thấy lạnh lẽo cả tâm hồn, nhưng không dám phân tách rõ cái cảm giác lạnh lẽo ấy.
Trời tối dần. Về phía mộ làm phúc, tôi chợt thấy một đám ma người nghèo. Ba, bốn người phu đương khiêng một cái quan tài mộc, theo sau một người lớn và một đứa trẻ. Một nỗi buồn thấm thía đến cắn lấy lòng tôi khi tôi nhận ra cha con anh Tạc. Tôi sực nhớ đến tiếng ho khan của chị những đêm đông giá lạnh, và tôi chợt hiểu vì lẽ gì ít lâu nay tôi không gặp vợ chồng chị. Trong lúc ấy, áo quan từ từ đặt xuống hố, tôi nghe tiếng rút dây rõ ràng trong sự yên lặng của buổi chiều. Rồi có tiếng khóc rên rỉ, đem lại một nỗi buồn mênh mông.
Mộ đã đắp xong. Đột nhiên tôi thấy những nét trắng của mấy bông huệ rung trong bóng tối, như sự xao động cuối cùng của một linh hồn sắp bị tiêu diệt. Người tôi lúc đó dễ xúc cảm như một cốc pha-lê mong manh, sẽ động vào là có tiếng vang. In sâu vào trí nhớ những chấm đỏ thẫm của hương, mùi thơm mát trong gió. Anh Tạc, thằng cu con, mấy người phu trở nên những vết lờ mờ không rõ, nhòa trên nền cỏ quen. Không một tiếng động. Im lìm, trong một giây, tôi có cái cảm giác người và vật sắp sửa tan vào bóng tối.
Có tiếng nói, như một sự quái lạ:
- Cho chúng tôi tiền để chúng tôi về. Tối rồi.
Câu nói thản nhiên của bọn phu trong không khí âm thầm, tôi nghe như một sự xúc phạm. Lặng lẽ, tôi bước lại, cho chúng một hào, và còn bao nhiêu tiền trong túi tôi dốc cả vào tay thằng cu con.
Từ hôm ấy, tôi không gặp cha con anh Tạc lần nào nữa. Có lẽ anh lang thang với chiếc đàn lẻ loi, với những nỗi đau khổ ngầm ngầm, cha con không chết đói là anh không còn mong mỏi gì nữa.
Và từ đấy, tôi cũng bỏ mất cái thú đi hóng mát buổi chiều.