Theo thói quen, tôi thích ra khỏi nhà sớm hơn mười phút, đứng chờ xe mà cũng để tựa người vào gốc thông ven đường, gửi cho người bạn thầm lặng dễ thương vài điều suy nghĩ của mình trước những đổi thay của thời tiết
Từ lâu rồi tôi đã quen xem nó là người bạn thầm lặng của tôi, ở góc đường nơi gần đó có một trạm xe bus, mỗi tuần lễ tôi có 5 ngày, mỗi ngày có ít nhất 10 phút để gửi cho nó những tâm sự vẩn vơ của mình, khi không dễ tìm được ai đó biết nghe những điều mình muốn kể.
Mỗi buổi sáng bất cứ thời tiết nào, trạm xe bus này luôn luôn có một đám hành khách quen thuộc chờ xe đi làm, gần như đều biết mặt nhau và câu chào ngắn nhất là "Hi!" mỗi lần gặp. Theo thói quen, tôi thích ra khỏi nhà sớm hơn mười phút, đứng chờ xe mà cũng để tựa người vào gốc thông ven đường, gửi cho người bạn thầm lặng dễ thương vài điều suy nghĩ của mình trước những đổi thay của thời tiết, một biến động nào đó trong tâm hồn, hay những gì tôi bắt gặp trong đời sống xung quanh.
Những khuôn mặt hành khách thường xuyên gặp gỡ nhau trên một đoạn đường nào đó, bỗng làm cho mọi người dễ gần gũi nhau hơn, hôm nào vắng cũng cảm thấy hơi thắc mắc. Người ta có thể làm bạn với nhau từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Isabel sau này là bạn đồng hành với tôi trên một quãng đường, và ngay cả Bob, ông tài xế da đen tôi tưởng là rất khó thương kia cũng có một tâm hồn dễ thương hơn màu da của ông nhiều lắm.
Tôi có thói quen đêm nào cũng đọc sách trước khi ngủ, hôm ấy khi mò đến cái kính thì không biết là mình đã đánh rơi ở đâu. Tôi nghĩ đến chuyện hôm sau phải đi mua cặp kính khác, nhưng sáng hôm sau khi lên xe, ông tài xế sau khi bấm thẻ, đã giơ ra trước mặt tôi cái bao kính màu nâu. Thật ngạc nhiên, thì ra ông tuy có vẻ lầm lì như không thèm biết những khách quen đi xe mỗi ngày, vẫn chưa hẳn là người không tử tế. Đứa bé gái chưa đầy năm rất bụ bẫm được mẹ bế tới nhà trẻ trước khi đi làm, ngày nào cũng nhoẻn miệng cười có vài chiếc răng sữa trắng nõn với những người hành khách ngồi gần mẹ nó, nụ cười trẻ thơ rất hồn nhiên như ly cà phê nóng, như chiếc "donut" tươm đầy mật gửi cho những người xung quanh một chút vui tươi, an bình cho một ngày vật lộn vì sinh kế.
Tối qua trời lạnh, gió rền rĩ trong những vòm cây trong vườn, gió gào thét trên mái nhà rồi luồn vào mái hiên , khiến tôi nghĩ đến cái tổ chim sẻ bằng cỏ khô, vẫn liếp chiếp mượn mái hiên nhà tôi làm tổ ấm. Trời rét, gió thổi rung bần bật những thân cây trong vườn, chắc người bạn thầm lặng là cây thông bên đường của tôi cũng quằn quại chống trả với cơn gió mùa đông khắc nghiệt. Sáng nay gió đã rủ nhau đi xa, trời lại yên tĩnh với cái rét ngọt luồn vào xương tủy. Đứng nép sau gốc thông là ông già râu bạc, người khách quen của chuyến xe bus, mỉm cười chào tôi, cả khuôn mặt trốn kỹ trong chiếc mũ len chỉ thò ra đôi mắt, cái miệng có chòm râu bạc. Ngày nào ông cũng đợi chuyến xe đi vào "down town", chẳng biết ông làm gì nhưng rồi có một ngày tôi cũng biết, khi bắt gặp ông với tấm bảng giấy đứng bên lề đường, giữa dòng xe cộ qua lại đông đúc. Hóa ra ông là một người "homeless" sống ở dưới cái gầm cầu nằm trong khu ngoại ô ít xe qua lại, tôi đã nhìn thấy ông ở một góc đường trong " down town", với mảnh giấy carton viết xiên xẹo mấy dòng chữ.
Mỗi sáng ông chịu khó đón xe đi vào một nơi không ai biết ông là ai, để trốn tránh một hiện tại đau khổ. Không một mái nhà, không gia đình, hình như có hôm đi dạo quanh khu nhà, tôi đã nhìn thấy một người homless sống dưới gầm cầu, che chắn kỹ lưỡng chỗ ngủ của mình bằng những mảnh thùng cứng chất xung quanh một cái xe lấy ở khu chợ nào đó. Không hiểu có phải ông già râu bạc đã chui từ dưới gầm cầu lên để nhập vào đám hành khách mỗi ngày trên chuyến xe lúc bảy giờ sáng.
Ông thường ngồi ở hàng ghế phía sau con bé con chưa đầy năm, để được nhìn ánh mắt trong veo và cái miệng toe toét cười của nó dành cho ông. Con bé thỉnh thoảng nhoai người xuống để cười với ông, giơ bàn tay bụ bẫm bé xíu ra như muốn nắm lấy ngón tay thô kệch của người đàn ông nghèo khổ đang ngoắc ngoắc nó, nhưng ông không bao giờ dám chạm vào bàn tay non nớt của đứa bé thiên thần, chỉ vì đâu đó có một khoảng cách mà ông tự cảm thấy toát ra trong đôi mắt của mọi người xung quanh.
Năm nào tôi cũng nhận được nhiều tấm thiệp Giáng Sinh, hình ảnh và màu sắc tươi vui từ bằng hữu xa gần gửi đến, kèm theo những lời chúc tuyệt vời cho mùa Lễ đẹp nhất trong năm. Tôi nghĩ đến ông già râu bạc, đến người con gái Mễ Tây Cơ hay bấm chuông cho tôi xuống khi xe sắp đến trạm, người mẹ bế đứa con thơ, bà Mary hay ngồi ở hàng ghế đầu cạnh cửa đi lên đi xuống, hay người tài xế da đen quen thuộc trên chuyến xe quen mỗi ngày. Sáng hôm đó trước khi lên xe, tôi đã hỏi thầm điều đó với người bạn thầm lặng của mình, nghe tiếng reo vi vu trong gió, chắc chắn là đã đồng cảm về dự định của tôi trong mùa Giáng Sinh năm nay, đó là chuyện sao không gửi cho những người bạn mỗi ngày của mình một tấm thiệp Giáng Sinh đơn sơ mua ở một tiệm 99 cents phía bên kia đường, với câu chúc đẹp nhất trong mùa Giáng Sinh.
Vài ngày trước lễ Giáng Sinh, những tấm thiệp đã được tôi gửi đến từng người bạn đồng hành thân thiết của tôi trên chuyến xe buổi sáng, tôi nhận thấy nét hân hoan cảm động trên khuôn mặt mỗi người, và nụ cười với hàm rắng trắng bóng của người tài xế da đen bỗng dễ thương hơn, ông ta đang huýt sáo một bản nhạc giáng sinh có âm điệu vui tươi. Ông già râu bạc vẫn nháy mắt cười với đứa bé nằm trong nôi, con bé hôm ấy được mẹ quấn thêm lớp chăn mới rất ấm. Ông có vẻ xúc động khi nhận tấm thiệp giáng sinh của tôi, hàm râu bạc rung rung khi đôi môi muốn nhếch một nụ cười mà lại méo xệch đi vì cảm động, rồi khi nhìn thấy tờ giấy mười đồng tôi gấp nhỏ trong lòng tấm thiệp, dường như đôi mắt ông mờ đi dưới màn lệ mỏng. Dù không nói ra nhưng chắc ông đã hiểu hết tâm tình của tôi khi gửi đến ông món quà nhỏ bé ấy, như cây thông bên đường, người bạn thầm lặng của tôi, tôi chỉ âm thầm kể cho nó nghe những gì ấp ủ trong lòng mình, rồi khi gió reo vi vu những cung đàn êm ái từ ngọn thông xanh, đấy có phải là câu trả lời dịu dàng nhất mà tôi nhận được.
Buổi chiều trước tuần lễ Giáng Sinh, tôi trở về nhà với một nỗi buồn ngổn ngang nặng trĩu trong lòng. Bao giờ cũng thế, những buổi chiều đông nhạt nhòa ẩm lạnh cũng làm tâm hồn gây gây một nỗi buồn không duyên cớ. Đi ngang ngôi nhà thờ nhỏ đã thấy người ta giăng đèn sáng trưng, chỉ một màu trắng lung linh trên cây thánh giá. Vẳng trong chiều tà là tiếng chuông trong trẻo vang lên trong ngôi giáo đường thơm mùi gỗ thông, gợi cho tôi nhớ đến những mùa Giáng Sinh thời trẻ tuổi. Bên này đường, người bạn dễ thương của tôi vẫn lặng lẽ trong bóng tối của buổi chiều tà, khi đi qua tôi không bao giờ quên sờ vào thân gỗ xần xùi của nó, một mảnh vỏ bé xíu rơi vào tay tôi để lại một mùi thơm hăng hắc mà dễ chịu vô cùng. Tôi nhìn lên ngọn thông, chào nó và đi về nhà với mùi hương của miếng vỏ thông còn vương trên những ngón tay, như ngày xưa thời hoa mộng, mùi hương của buổi hẹn hò vẫn còn vương vấn trong lòng người thiếu nữ.
Sáng nay, trước khi lên xe tôi đã đứng chờ khá lâu nơi gốc thông ven đường, không thấy ông già râu bạc chờ xe như thường lệ, tự nhiên tôi lại băn khoăn chờ đợi. Bà Mary đã nghỉ sớm để sửa soạn nhà cửa mừng lễ Giáng Sinh với đứa con ở xa về, chuyến xe hôm đó chỉ có cô bé Mễ Tây Cơ luôn miệng kể chuyện, người phụ nữ trẻ vẫn bế đứa bé gái lên xe đúng giờ, rồi khi xe sắp chạy mà vẫn chưa thấy bóng ông già râu bạc. Isabel nhanh miệng tỏ ý thắc mắc về người bạn đồng hành già nhất đã vắng mặt trong chuyến xe, rồi lại quên ngay khi quay sang hỏi tôi về cách nấu món "soup" phở mà cô đã thưởng thức một lần ở quán ăn Việt Nam.
Buổi tối về nhà trong căn phòng ấm áp, cây thông nhỏ ở góc bàn vẫn thi nhau chớp lên những tia sáng nhiều màu thật đẹp, hắt lên khuôn mặt xinh xắn của con búp bê tật nguyền đứng trong tủ sách một vẻ đẹp huyền ảo. Con búp bê tật nguyền mà tôi luôn mang theo đời mình từng chặng đường đời, vẫn là một kỷ niệm Tình yêu Giáng Sinh đẹp nhất trong đời tôi. Mỗi năm, gần bốn mươi năm rồi nhỉ, năm nào tôi có lúc như một đứa trẻ con , say sưa may cho con búp bê tật nguyền một cái váy đẹp, thắt một cái nơ cùng màu áo lên mái tóc xác xơ của nó. Ngày xưa con búp bê xinh đẹp như một thiếu nữ tuổi mười lăm, lành lặn và duyên dáng trong bàn tay của tôi ở tuổi hai mươi, đã bị mấy đứa trẻ con nghịch ngợm dành giựt đến nỗi một chân của nó bị kéo lìa ra và không còn trở lại được tình trạng cũ. Nó vẫn đứng đó với khuôn mặt kiều diễm không bao giờ thay đổi, đôi mắt to và hàng mi cong nhìn tôi như thuở ban đầu .Con búp bê vẫn thế, chỉ khác là cái chân bị tật nguyền nên dáng đứng hơi lệch lạc, còn tôi, tôi không phải tôi của những năm tháng cũ.
Ôi kỷ niệm! Dường như con người hay mang theo trong đời mình những kỷ niệm, mặc dù kỷ niệm đẹp nhưng với thời gian bao giờ cũng trở thành kỷ niệm buồn. Tôi cũng không vượt qua được điều đó dù tiếng chuông trong trẻo mùa Giáng Sinh của hiện tại, vẫn gieo vào lòng tôi nỗi khắc khoải sầu muộn. Tôi vẫn chỉ kể cho người bạn thầm lặng bên đường toàn những nỗi buồn vu vơ, để rồi nghe tiếng lá reo trên khoảng trời mênh mông, tôi nhận lại làm niềm vui mỗi ngày của đời mình. Dưới gốc thông ấy có bao nhiêu người dừng chân ở đó, họ có bao giờ nghĩ nó như một người bạn thầm lặng bên đường? Ông già cựu chiến binh râu bạc vào mùa Đông cũng hay nép vào đó trốn gió, có khi nào ông cảm nhận được sự chia xẻ của nó qua tiếng lá reo trên khoảng không bát ngát?
Đêm đã khuya mà tôi vẫn trằn trọc khó ngủ, cảm thấy thiêu thiếu một điều gì trong khoảng không gian quạnh vắng. Tôi nghĩ đến những bản nhạc Giáng Sinh qua tiếng đàn của Clayderman, trong cái CD người bạn gửi tặng. Tiếng đàn dương cầm của người nhạc sĩ tài ba lan lan, bồng bềnh theo giấc ngủ, ở đó có một mùa Giáng Sinh và những bức tượng Thánh trong ngôi giáo đường xa tít tắp, lâu lắm rồi tôi đã bỏ quên trong ký ức. Tôi còn hình dung ra khuôn mặt say sưa của người nhạc sĩ và đôi tay của ông đang lướt trên phím đàn, đêm trôi đi như một dòng sông. Tiếng dương cầm của Clayderman dìu dặt thánh thót đưa những cung bậc của âm nhạc trong đêm khuya làm tim tôi chảy ra những giọt lệ . . .
Buổi sáng tôi dậy sớm, dù đêm ngủ không ngon giấc, lại nghĩ đến người đàn ông râu bạc hôm qua không thấy đón xe đi về down town, làm người hành khất đứng bên lề đường với tấm carton viết lộn xộn những hàng chữ. Ông ta có đau ốm gì không, cuộn mình trong cái túi ngủ dưới gầm cầu có đủ ấm trong mùa đông, những mảnh thùng giấy có đủ sức che được những hạt mưa và gió lạnh lùa vào tấm thân khốn khổ của kiếp không nhà? Bao nhiêu câu hỏi cứ chờn vờn trong óc tôi với một sự so sánh đơn giản thế nào là hạnh phúc và không hạnh phúc. Tôi định rằng sáng nay, một buổi sáng áp lễ Giáng Sinh, tôi sẽ đón xe sớm hơn bình thường để thủ thỉ với người bạn bên đường nỗi trăn trở của mình , và cũng muốn biết hôm nay ông già râu bạc có đến trốn gió sau cây thông để đi "down town" như mọi ngày không?
Buổi sáng áp lễ Giáng Sinh năm nay tự nhiên trời ấm áp và ít gió, thật là một điều may mắn hạnh phúc cho ông già râu bạc ở gầm cầu. Tôi linh tính như ngày hôm nay mọi điều đều tốt đẹp hơn cho mình, kể cả cây thông bên góc đường gần trạm xe bus. Đúng như tôi nghĩ, ông già râu bạc đã lấp ló đứng sau gốc thông, thấy tôi đi tới ông toe miệng còn vài chiếc răng sún ra cười, và điều ngạc nhiên hơn cả là nơi gốc thông, có một vòng nơ quấn quanh gốc cây, lại thêm chùm trái châu lóng lánh bạc gắn lên chiếc nơ đỏ. Món quà Giáng Sinh mà ông già râu bạc nghèo khổ đã mang đến cho người bạn bên đường, cây thông của chúng tôi, tôi bỗng chợt nhận ra hạnh phúc là niềm vui mà mọi loài có thể chia cho nhau lại từ những nhỏ nhoi nhất.
Nguyên Nhung
(Đặc San Lâm Viên)