main billboard

 

Nói về thơ Nguyễn Chí Thiện, thường người ta chỉ chú ý tới những ngôn từ khô khốc, lạnh lùng, đanh thép để hài tội cộng sản của ông.

nguyen chi thien

 

Nói về thơ Nguyễn Chí Thiện, thường người ta chỉ chú ý tới những ngôn từ khô khốc, lạnh lùng, đanh thép để hài tội cộng sản của ông. Điều này có thể hiểu được. Bởi vì ngay từ đầu thập niên 80, khi mấy trăm bài thơ được ông liều mình ném vào tòa đại sứ Anh ở Hànội và sau đó được phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng VN tị nạn ở hải ngoại thì hầu hết mọi người khi nói tới thơ của ông không mấy ai không bị ám ảnh bởi những vần thơ chống cộng quyết liệt mà mấy bài “chửi” Hồ Chí Minh với danh xưng “thằng”, “nó” là điển hình. Trong bài viết cuối cùng đọc tuyển tập thơ văn của tôi được post lên Diễn Đàn Thế Kỷ và ĐCV Online khoảng một tháng trước ngày phải vào bệnh viên, chính ông đã thừa nhận: “…hầu hết thơ tôi được ghi lại trong cảnh tù đầy, mang nặng những đau thương, uất nghẹn của thân phận những con người đang phải sống dưới ách thống trị bạo tàn, cay nghiệt của tập đoàn cộng sản. Nó là những hiện thực trần trụi, đơn sơ, không có tu từ văn chương…”.

Cũng vì thế, ngoại trừ những ai có cơ duyên gần gũi tác giả Hoa Địa Ngục (HĐN), hoặc chịu khó nghiền ngẫm thơ ông, ít người biết hoặc chú ý tới khía cạnh tình cảm của nhà thơ họ Nguyễn. Và do đó đã có những ngộ nhận cho rằng ông là người khô khan, lạnh lùng, thậm chí vô cảm!

Thực tế có đúng như vậy không?

Nhân dịp Tết Tân Tỵ một lần nữa lại trở về với người Việt ly hương, chúng ta thử tìm vào những ngõ ngách riêng tư trong thơ Nguyễn Chí Thiện để coi ông đã sống, cảm và suy nghĩ ra sao trong những dịp Đông tàn, Xuân tới.

Tác giả HĐN qua đời ngày 02-10-2012, thọ 73 tuổi. Trừ đi 17 năm sống ở hải ngoại (1995 – 2012), nhà thơ họ Nguyễn có 56 năm sống trên quê hương. Và với 56 tuổi đời ấy, chế độ lao tù Hànội đã cướp đi của ông 27 năm trường, tức gần phân nửa. Đọc thi phẩm HĐN, chúng ta biết ông làm thơ từ năm 1958 với bài Mắt Em, lúc 19 tuổi. Như thế, hầu hết thơ ông được viết trong thời gian ở tù và khoảng ngót 10 năm tự do nửa vời giữa ba chặng bị giam giữ. Chi tiết này khá quan trọng. Nó giúp người đọc phát hiện một nét khác trong cõi thơ Nguyễn Chí Thiện: Hình bóng Mùa Xuân trong thơ ông.

(Tưởng cần mở dấu ngoặc ở đây để nhấn mạnh rằng: những vần thơ Xuân của nhà thơ họ Nguyễn tuy đầy ắp nỗi cảm hoài, cho người thưởng ngoạn nghe, nhận được đến tận cùng những rung động dạt dào toát ra từ đáy hồn thi sĩ, nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi mục tiêu tối hậu mà ông muốn gửi vào thơ. Đó là mục tiêu  chủ nghĩa Marx.)

Trong phần Những Ghi Chép Vụn Vặt, đoạn 68 trang 435 HĐN, tác giả ngậm ngùi vẽ ra những biến động lớn nơi tâm hồn ông trong mười năm, giữa tuổi 16 và tuổi 26. Ở tuổi trăng tròn, hồn thơ phơi phới, lòng người trai mới lớn rộn ràng chào đón những đóa hoa muôn sắc đua cười trong nắng. Nhưng khi bước vào Mùa Xuân thứ 26, sau ba năm rưỡi ở tù lần thứ nhất, trước mắt và trong hồn người thơ chỉ còn là cảnh tượng hoa tàn, nắng nhạt!

“Tuổi tôi, Xuân ấy, Xuân mười sáu,
Đời nắng vàng hoa mơ cưới thơ
Tuổi tôi, Xuân tới, Xuân hăm sáu,
Nhạt nắng, tàn hoa, thơ khóc mơ!”


Năm 1961, lần đầu Nguyễn Chí Thiện bị kết án hai năm tù vì trong một lần dạy giúp người bạn 2 giờ môn sử địa ông đã cải chính một chi tiết bóp méo lịch sử quan trọng trong sách giáo  tế ông đã bị giam ba năm rưỡi, cho tới năm 1964 mới được thả. Như thế ông đã trải qua ba Mùa Xuân trong nhà tù cộng sản riêng trong đợt giam lần này. Sau đây là trích đoạn mấy bài thơ Xuân của tác giả HĐN sáng tác trong thời khoảng ấy. Tất cả nói lên tâm trạng ngậm ngùi, uất nghẹn của nhà thơ trước cảnh Xuân về trong ngục tù cộng sản.

“Ngày Xuân tới hồi sinh muôn vật,
Sao lòng ta khô héo chẳng tươi màu?
Ta nhớ khi xưa –Ôi thuở ban đầu!
Bao náo nức, bao niềm mơ, nỗi ước!


Đêm nay, Giao Thừa
Ngoài sân gió nổi
Lá bàng rơi, xơ xác cành khô…
Sương rắc bụi mờ
Ta ngồi viết mấy vần thơ
Giãi niềm oan khổ!”
(1961 – trang 81/82 HĐN)
“Xuân này chẳng khác những mùa Xuân
Chỉ thấy đôi chân nặng bước dần
Đường sống không còn xa lắm nữa
Nên mừng? nên tiếc? phân vân……”
(Xuân Này Chẳng Khác - 1961 trang 87/88 HĐN)


Theo nhịp chuyển đổi của tiết mùa, Xuân vẫn tới đúng kỳ, đúng hạn. Trong khi ấy, nhìn ra chung quanh non nước vẫn bao trùm một màu tang tóc, người thơ không khỏi đau đớn, xót xa.

“Khắp non sông vang nhịp đàn Xuân sáng,
Lòng nặng nề khôn mở đón Xuân sang.
Xuân ước mơ, mơ ước đóng băng rồi,
Thắm nở đào hoa, sắc lòng tím ngắt
Sáng biếc mây trời, tối sầm ánh mắt
Giữa đời buồn, Xuân vẫn tới Xuân ơi!

Xuân thắm tươi, Xuân của Đất, của Trời,
Xuân xám ngắt, Xuân của người, của nước!
(Khắp Non Sông - 1964 trang 119 HĐN)


Trong thời gian ở tù lần thứ hai, Nguyễn Chí Thiện đã trải qua cả chục cái Tết xa nhà, xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa người thân thuộc, ngày ngày phải đối diện với cảnh sống đói rét, lầm than và những cực hình do bọn cai tù cộng sản giáng xuống.

Ngoài kia, mùa Xuân của Đất của Trời, của vạn vật cỏ hoa vẫn rực rỡ thắm tươi, nhưng mùa Xuân của Quê Hương Việt Nam, mùa Xuân của kiếp sống lao tù vẫn giấu mặt với những sắc màu ảm đạm, thê lương! Buồn cho vận nước ngửa nghiêng, nhìn vào cuộc đời vô vọng của chính mình cũng như của đồng bào mình, người thơ phẫn hận kêu lên.

“Nơi đây không có mùa Xuân,
Có chăng chỉ có tuổi Xuân chôn vùi.
Nơi đây cay đắng đủ mùi,
Sắn dăm ba khẩu, trộm vùi giấu lưng!
Thương Xuân không kẻ đón mừng,
Đành cam lạnh lẽo xó rừng đắng cay!
Xuân ơi trót đến chốn này,
Mời Xuân: khẩu sắn… cùng say với tù!…”


Dưới mắt và trong hồn người thơ không còn gì trớ trêu, mai mỉa hơn cảnh Xuân về mà lòng người hờ hững! Hờ hững, không đón mừng Xuân chỉ vì “tù nhân thi sĩ” quá nghèo lại mang thân tù tội, nên chỉ còn biết “Mời Xuân: khẩu sắn… cùng say với tù!”

Dù vậy, người thơ vẫn chưa nguôi niềm hy vọng.

“Ngày mai tan lớp mây mù
Đón xuân tù hứa sẽ bù cho Xuân”
(Nơi Đây - 1974 trang 229/230)


Đấy là hoạt cảnh thê lương của một mùa Xuân lơ láo trở về trên những kiếp sống tù đày nơi quê hương ta hôm nay. Là người đã ra tù vào khám trong suốt mấy chục năm trường, -từ những năm đầu thập niên 60 qua những năm dài của cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu, tới thời gian sau khi cộng sản chiếm được miền Nam-, hơn ai hết, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã cảm thông được trọn vẹn nỗi nhục nhằn, cay đắng của những tù nhân lương tâm trong bàn tay sắt của cộng sản. Họ đã phải kéo lê kiếp sống thú vật trong những nhà tù được dựng lên khắp nước nhất là tại những vùng núi rừng độc địa ở biên thùy Hoa Việt. Khẩu phần hàng ngày là miếng sắn củ khoai, những hạt bo bo khô cứng, trong khi phải lao động triền miên đầu tắt mặt tối… thì Xuân qua, Tết đến chỉ làm nổi bật thêm cái hoạt cảnh thê lương của kiếp sống đọa đày mà thôi.

Trong tình huống ấy, những mùa Xuân tươi thắm, rộn ràng năm cũ chỉ còn là vang bóng, là những giấc mơ không trọn trong lòng người thơ.

“Ôi làm sao sống lại
Những mùa xuân ngất ngây
Những mùa xuân không bao giờ còn thấy
Để ta tận hưởng cảnh xum vầy

Như những thâm tình ruột thịt
Không thể nào quên nổi, thiết tha!
Kìa, Mẹ Cha ta
Anh, chị, bạn bè

Tiếng pháo mừng xuân ngơ ngác
Xã hội đảo điên xơ xác
Rơm rác nở hoa

Bao mùa xuân thăm thẳm trôi qua…”
(Ngày Tết - 1984 trang 322/23/24/25 HĐN)


Hoa Địa Ngục

Hoa địa ngục tưới bằng xương máu thịt
Trộn mồ hôi chó ngựa, lệ ly tan
Hoa trưởng sinh trong tù bệnh, cơ hàn
Hương ẩm mốc, mầu nhở nham, xám xịt.


Tiếng Vọng Từ Đáy Vực

Trong muôn ngàn tiếng muốn tìm ra
Tiếng nào thiết tha
Tiếng nào trung thực
Hãy lắng nghe tiếng vọng từ đáy vực.


Không Có Chỗ

Không có chỗ trên con tàu quả đất
Tôi là người hành khách bơ vơ
Lỡ chuyến, lầm ga, mất cắp, bây giờ
Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt
Cái toa đen dành cho súc vật.
Bốn bức rào nứa
Cứa vào mùa Xuân
Một cách bất nhân!
Mùa Xuân máu ứa!
Nước mắt là mưa Xuân!
Máu người là nắng Xuân!
Rớt rãi là nhựa Xuân!
Mồi hôi là mồ Xuân!
(Ghi chép vụn. Các đoạn 47/48/49 trang 429/30 HĐN)


Thật không còn sự so sánh nào mỉa mai, cay đắng và thê thảm hơn. Mùa Xuân của trời mây, cỏ hoa, non nước vẫn bước những bước hồn nhiên, lơ láo trở về trong khi dưới mắt và trong hồn của người thơ tù ngục chỉ thấy toàn là nước mắt, rớt rãi, mồ hôi… và máu! những thứ đã trở thành mưa Xuân, nắng Xuân và nhựa Xuân dưới khung trời Xã Hội Chủ Nghĩa!

Những đợi chờ, những mơ ước cùng với thời gian mòn mỏi trôi qua trong khi vận nước vẫn chìm sâu trong đêm tối và đời sống con người, dù trong nhà tù hay giữa đời thường, vẫn chỉ là tổng hợp của những lầm than, đói rách, khổ đau!

“Và cứ thế, năm tàn Xuân tới,
Hè qua Thu, ủ rũ Đông về!
Tuổi Xuân trôi, đời vẫn tơi bời!
Trong đói khổ lao tù, thất thế!
(Ghi chép vụn. Đoạn 97 trang 441)

Có những mùa xuân chửa về đã hết
Tôi một mình tìm ngõ tối lang thang
Tiếng pháo từ nơi phố xá nhạt vàng
Nghe lạnh lẽo như vọng từ cõi chết!
(Chi chép vụn.. Đoạn 65 trang 434)

Tim vắng vẻ thường bộn bề u uất
Mỗi độ Xuân về trên mảnh đất đau thương
Nhớ cảnh, nhớ người, nhớ khói, nhớ hương
Nhớ không khí yêu thương, ngàn đời đã mất!
(Ghi chép vụn. Đoạn 209 trang 467-68)


Đấy là tiếng lòng của người thơ tù ngục Nguyễn Chí Thiện. Đấy cũng là những tiếng khóc đau thương tuyệt vọng của tuổi trẻ Việt Nam dưới triều đại cộng sản lên ngôi trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi chúng thôn tính được một nửa lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17 sau tháng 7 năm 1954. Biết bao thế hệ trẻ đã bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Trong tình huống đau thương, tuyệt vọng ấy, cảnh năm tàn Xuân tới chỉ càng làm cho họ thấy rõ hơn nỗi bất hạnh của mình mà thôi.

Hôm nay, tác giả HĐN đã thật sự ra đi. Ông đã thật sự rũ bỏ mọi khổ đau trần thế để đi về miền miên viễn. Nhưng những vần thơ Xuân của ông vẫn đang gợi lên trong tâm hồn đồng bào ông một nỗi cảm hoài da diết trong khi mừng Xuân ly hương thứ 37.

Trần Phong Vũ