Hạnh phúc không phải xa xôi khó tìm, nó thực sự, tràn đầy chung quanh chúng ta, mà chúng ta hoặc vô tình không để ý đến...
Thần thoại Ấn Độ kể rằng: Thượng Đế tạo ra đàn ông trước, thấy đàn ông bơ vơ lang thang tội nghiệp, bèn lấy vẻ yêu kiều của hoa, màu sắc rực rỡ của cầu vồng, tính mềm mại của gió, cái tinh quái của loài hồ ly, cái bất thường của mưa, và sức nóng của núi lửa mà tạo nên đàn bà. Rồi giao cho đàn ông làm vợ, đàn ông mừng lắm, dẫn đi. Không lâu sau đó, người đàn ông đem trả lại cho Thượng Đế, vì chịu hết nỗi đàn bà. Ngài thu nhận. Đàn ông bỏ đi, nhưng rồi không chịu được cô đơn, quay về xin lại. Thượng đế đem đàn bà giao lại cho đàn ông. Nhưng rồi sau đó, đàn ông cũng đem trả lại lần nữa. Cứ xin và trả mãi. Đến lần thứ tư, thì Thượng Đế bảo: “Lần nầy là lần chót nhé, đừng làm ta phiền nữa. Đem đi, may nhờ rủi chịu, rán mà chịu đựng nhau”. Câu chuyện có vẻ kỳ thị đàn bà do đàn ông đặt ra. Nhưng đó cũng là một ngụ ngôn, nói lên cái đáng yêu và đáng chán của đàn bà. Đồng thời, cũng nêu lên cái cần thiết và giá trị của gia đình, là sự kết hợp của hai giống đực, cái để tạo nên hạnh phúc cho cuộc sống. Hạnh phúc gia đình là một nguồn vui sướng và giá trị nhất trên đời, mọi thứ hạnh phúc khác đều trở nên phù phiếm, nếu mất hạnh phúc gia đình. Đứng trên khán đài cao nghe thiên hạ vỗ tay rào rào chào đón, rồi về nằm queo một mình, đâu có sung sướng bằng vòng tay ấm áp của người thân yêu, nụ hôn thắm thiết của người bạn đời. Thành công về tài chánh, chính trị, văn chương, triết học, đều không có nghĩa lý gì, nếu thiếu hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình, không là gì cả, nhưng là tất cả. Ý nghĩa của đời sống là gì, nếu không phải là đi tìm hạnh phúc? Tuy hạnh phúc có muôn mặt, muôn khía cạnh, và mỗi người quan niệm hạnh phúc mỗi khác. Cũng có nhiều người đang sống trong hạnh phúc tràn đầy, nhưng họ không biết đó là hạnh phúc. Họ không cảm được là họ đang sung sướng. Chỉ khi họ gặp bất hạnh, đã mất đi cái họ đang có, thì mới biết, mới nghiệm ra được rằng, trước đây đã có hạnh phúc mà không hề hay biết, để cho nó trôi đi. Cũng như bình thường, ít ai ý thức rằng, được khỏe mạnh, không đau yếu, đã là hạnh phúc rồi. Chỉ cần đau răng nhức nhối thôi, thì cũng đã cảm nhận được điều đó. Chứ khoan nói đến những trọng bệnh, như mù mắt, tê liệt, ung thư… Người bị ung thư hành, thì thấy người đau răng là quá hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải xa xôi khó tìm, nó thực sự, tràn đầy chung quanh chúng ta, mà chúng ta hoặc vô tình không để ý đến, hoặc vì tham lam, muốn có thứ hạnh phúc mà mình chưa có, chưa đạt. Cho nên, cứ chạy đuổi theo cái bóng hạnh phúc, mà không bao giờ bắt gặp cả. Trong “Cổ học tinh hoa” kể rằng, có một ông đi trên đường một mình mà cười sằng sặc, sung sướng lắm. Có người hỏi chuyện gì mà cười vui thế? Ông trả lời rằng, ông đang có ba điều sung sướng, nên vui mà cười. Một là trong sinh vật, có thú, có người, mà ông được làm người, thì là một điều sung sướng. Hai là trong loài người có người tàn tật bệnh hoạn, có người lành lặn, ông được lành lặn, thì là hai điều sướng. Ba là trong những người lành lặn, có kẻ là đàn ông, có kẻ là đàn bà, được làm đàn ông, thì là điều thứ ba sung sướng. Có ba điều sung sướng thì tại sao mà không vui cười cho được. Hồi còn nhỏ, đọc bài nầy, chưa hiểu, tôi tưởng là ông nầy mắc bệnh thần kinh. Chị em bạn gái, có thể cười sung sướng vì có hai điều hạnh phúc vậy.
Gia đình là nơi mà mọi người dễ dàng tìm được hạnh phúc nhất. Không có thứ hạnh phúc nào êm ấm, ngọt ngào, dịu dàng bằng hạnh phúc gia đình. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, không nơi nào cay đắng, bất hạnh và địa ngục bằng gia đình. Hạnh phúc gia đình như một vườn hoa, phải chăm bón, vun xới, thì hoa mới nở rộ, mới thơm tho, huy hoàng màu sắc. Không vun xới, tưới bón, thì cỏ dại mọc tràn lan, hoa lá tiêu điều. Người ta thường tưởng rằng hạnh phúc gia đình sẵn có đó, cứ bình thản gặt hái mà không cần chăm sóc, không cần lưu ý đến, để cho nó mọc và nảy nở phát triển tự nhiên. Nhiều gia đình rất hạnh phúc một cách tự nhiên, vì người vợ, người chồng đã hành xử đúng, đã thấm được cái nếp nhà, khi đang ở với cha mẹ. Cha mẹ họ biết gìn giữ hạnh phúc, và con cái học được và noi theo. Bởi vậy cho nên người xưa chọn dâu, chọn rể, thường chọn tông, chọn tổ. Những gia đình nào ít hạnh phúc, thì con cái ít có cơ may học được những điều hay ho tốt lành trong đời sống hôn nhân, ngoại trừ họ tự học, tự tìm hiểu lấy.
Có kẻ bảo rằng, có rất nhiều gia đình sống đã gần hết đời người rồi mà vẫn còn thất học trong vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình. Điều đó có lẽ có thật. Cũng có nhiều người biết, nhưng còn mơ hồ, không để hết tâm trí vào việc vun xới hạnh phúc gia đình. Cũng có nhiều người khác, hiểu rất rõ, biết rất nhiều, nhưng không làm, nghĩa là không “tri hành hợp nhất”. Những điều viết sau đây, thì chắc chắn mười người đều biết cả mười, không có chi mới lạ cả. Nhưng không phải vì thế, mà cố tình quên đi, không thèm nhắc nhở.
Sau chừng năm bảy năm vợ chồng chung sống, mọi chuyện hầu như đã cũ lắm rồi. Chưa nói đến năm ba chục năm, thì xem như cũ gần bằng trái đất. Tình cảm lắng đọng, êm đềm, thâm trầm. Vợ chồng thương yêu, chăm sóc nhau như phản ứng tự nhiên, không còn đắn đo, không suy xét. Người cho cũng như người nhận, đều bình thản như hít thở không khí trời. Không ai nghĩ rằng, nếu trong chừng năm ba phút thiếu không khí để thở, thì có thể bất tỉnh và khó sống nổi. Thế mà có mấy ai biết mình đang sung sướng, đang có nguồn không khí trong lành để hít thở đâu. Vợ chồng, cho và nhận, đều ít cảm được cái rung động và sung sướng khi được chăm sóc, hy sinh và dâng hiến cho nhau. Cái tình cảm thâm trầm, không nói ra, đôi khi tưởng như lạt lẽo, nhàm chán. Phải đến khi mất nhau, khi đó mới thấm thía, mới tiếc những gì mình không cảm nhận, không làm, khi còn có nhau. Đời sống vợ chồng, có nhiều tháng ngày bên nhau, nhưng đừng bao giờ để cho hạnh phúc, sinh hoạt, và tình yêu trở thành cũ kỹ, lạt lẽo. Chúng ta, chồng cũng như vợ, có bổn phận phải làm cho nó sống động, tươi mát, thắm thiết trở lại. Phải biết đánh bóng cái hạnh phúc mà mỗi gia đình đang có. Phải biết nhắc nhở và cảm nhận được hết tất cả những hạnh phúc nhỏ nhặt nhất từng giây, từng phút mà mình có được. Một nụ cười của người phối ngẫu, một nụ hôn của con, một đóa hoa nở trong vườn, mình phải biết nắm lấy, cảm nhận, và sung sướng thật sự, và nói lên cái hạnh phúc đơn sơ đó cho mọi người chung quanh cùng vui hưởng.
Có người xem truyền hình đài Nhật Bản, họ bảo trằng, biết mình may mắn không là đàn bà Nhật. Thấy mấy ông Nhật trong phim đang âu yếm vợ, đang tỏ tình, mà có cái giọng nạt nộ, gắt gỏng, như sắp thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Thật tội nghiệp cho các bà Nhật, nói thì lí nhí, đi thì như chạy từng bước ngắn. Không biết mấy bà có tủi thân không. Ai mà không ưa dịu dàng, ngọt ngào? Thế mới biết tại sao người ta thích nghe nhạc. Mặc dù biết lời nhạc là không thực, là tưởng tượng, là bày đặt. Nhưng vẫn cứ muốn nghe đi nghe lại mãi không nhàm, không chán. Phải chăng vì lời ca trong bản nhạc êm ái, dịu dàng, nói lên cái ước mơ của con người, ước mơ được thương yêu, ước mơ được hạnh phúc, được nghe những lời êm tai, thỏa lòng. Không ai không thèm khát được đối xử tử tế, dịu dàng, ngọt ngào. Ngay cả những người tâm tính khó khăn bất thường nhất. Rất nhiều người tuy biết vậy, thế mà khi mở miệng ra, nói với chồng hoặc với vợ, thì lên giọng sai khiến, gắt gỏng, lệnh lạc, như sĩ quan truyền lệnh trên chiến trường. Với thứ ngôn ngữ đó, thì chắc kẻ điên khùng cũng biết là làm cho người nghe khó chịu, và nếu có thi hành, cũng với nỗi bực tức trong lòng, miễn cưỡng mà làm cho xong kẻo thêm rắc rối. Nhưng cũng cùng một việc đó, nếu biết nói với lời êm ái ngọt ngào, lịch sự, thì người nghe sẽ hăng hái, vui vẻ, sung sướng khi thi hành. Có lần, trước chợ, người thấy một bà hùng hổ, trợn mắt, chỉ tay vào chồng gay gắt: “Đứng ì ra đó sao. Anh phải phụ với tôi chứ, nặng quá mà!”. Anh chồng cúi đầu như con mèo cắt tai, vội vã chạy theo chị vợ vào bên trong chợ. Nếu thời mới yêu nhau, mà chị để lộ cái hùng hổ đó ra, thì chắc anh chồng đã ba chân bốn cẳng mà lánh xa ra. Tại sao chị không thỏ thẻ: “Anh ơi, nặng quá em khiêng không nổi, anh có thể giúp em một tay được không?” Thế thì dù có phải gãy xương sống, anh chồng cũng vui vẻ cố làm cho xong. Và trong lòng anh còn vui vẻ hân hoan, vì nghe lời ngọt ngào, dễ thương của vợ yêu. Nhiều bà lúc nào cũng sẵn sàng thấm mật ngọt trên môi mà: “Anh ơi, anh à, anh giúp em việc nầy được không? Anh có cho em đi shopping không? Anh có thích giúp em việc nầy không, anh có vui lòng phụ giúp em… Nếu anh giúp em việc nầy thì em cám ơn anh lắm…” Ngay cả những khi ông chồng bận rộn nhất, cau có nhất, bực mình nhất, mà nghe lời thỏ thẻ, nhẹ nhàng đó, thì anh cũng mau mắn, vui vẻ làm những việc vợ yêu cầu. Đổ nước đường ra, không mất gì cả, thì đàn ông, cũng như đàn bà, ai cũng vui vẻ, hăng hái. Nhiều ông chồng nghe ngọt ngào, thì cười mỉm và nháy mắt, tỏ ra anh biết tỏng là đang được uống nước đường của vợ, nhưng anh vẫn vui vẻ, hăng hái làm. Ngọt ngào với chồng, với vợ, thì hiệu quả hơn trăm lần xẵng giọng. Trong tình vợ chồng, những câu nói như “Em yêu anh”, “Anh yêu em”, nghe rất êm tai, rất thỏa lòng, hả dạ, nghe không bao giờ chán, không bao giờ nhàm. Càng nghe, thì tình yêu càng củng cố trong lòng người nói, và càng thắm thiết trong tâm người nghe. Tình yêu nhờ đó mà tăng trưởng, mà bền vững, mà thêm lòng tin. Lời tha thiết êm ái đó nhập tâm mỗi người. Tin chắc tình yêu mình đang cho và đang nhận vô cùng nồng nàn, ấm cúng. Thử hỏi tại sao tụng kinh, hay đọc kinh, thường phải lặp đi lặp lại một câu kinh, có khi cả chục lần, có khi cả trăm lần. Cũng như những điệp khúc trong các bài ca. Lặp lại, nhưng không bao giờ nhàm, không bao giờ chán. Câu nói xưa cũ, cổ điển, mà thần hiệu đó, nhiều gia đình đã quên đi, không nhắc nhở đến nữa, thật là một thiếu sót, uổng của đời.
Châm ngôn của nhiều bà là đừng bao giờ xẵng giọng, đừng bao giờ nói lời bất nhã, mật thì ngọt và kiến hiệu cay đắng thì làm đau lòng và không ai ưa.
Cứ nhớ lại cái thời vợ chồng mới quen biết nhau, sao mà thơ mộng, sung sướng và đẹp quá chừng. Tưởng không lấy được nhau thì đất trời nầy sụp đổ, cuộc đời không còn nghĩa lý gì nửa. Thời đó, chỉ mới cầm tay nhau thôi, mà trong lòng dạt dào sung sướng, xúc cảm, đến run lên. Và cảm thấy trời đất nở hoa rực rỡ, và ngàn tiếng du dương vang vọng trong lòng. Hai người cư xử đẹp, tử tế, dịu dàng như trong chuyện thần tiên. Có thế mới bỏ cả cha mẹ, anh em, bạn bè mà theo nhau. Khi đó, họ còn có thể sẵn sàng chết cho nhau mà không chút ân hận. Những vòng tay thời đó, thắm thiết, tràn đầy tình yêu, những câu nói ăm ắp ngôn từ đẹp đẽ, những nhường nhịn, hy sinh không chút đắn đo, không chút thắc mắc. Sau đó, người ta quên đi những nhường nhịn, tử tế lúc ban đầu, để lộ ra cái tranh đua, ganh tị, cáu kỉnh, ích kỷ của mỗi cá nhân, một cách quá sỗ sàng, không cần che giấu, không kiêng dè. Những va chạm thường ngày làm sao mà khỏi tổn thương đến cái hạnh phúc gia đình, trong lúc mục tiêu chính của gia đình là tạo dựng hạnh phúc cho chính mình, cho người mình thương, cho con cái, cho tất cả. Đa số, chúng ta có được cái hạnh phúc ban đầu vô cùng phong phú, thế mà rất nhiều gia đình, không biết giữ gìn cho nó lâu bền, tốt đẹp. Mà cứ xói mòn, làm cái vun đầy ban đầu hao hớt, vơi đi, và có khi khô cạn. Thay vào cái hạnh phúc bằng sự nhàm chán, bất hạnh, chịu đựng. Có nhiều gia đình biến thành địa ngục, mà mỗi người thở cái không khí nồng cháy nặng nề của khó khăn, tranh chấp, thù ghét . Không ai mà không mơ ước cuộc sống gia đình được đẹp đẽ, thơ mộng, đáng yêu mãi như thuở ban đầu. Người ta mong muốn, ước mơ, nhưng người ta không biết cố gắng để giữ gìn và hành động, để làm sao cho gia đình mãi mãi còn là những nồng ấm, thơ mộng của thuở xa xưa đó. Có người luôn luôn ý thức được rằng, hạnh phúc nằm trong tầm tay họ, biết vun xới, tưới bón ù, thì nó tươi tốt, hoa lá xum xuê, nếu bỏ lơ là, không chăm sóc, thì cỏ dại mọc um tùm, cành lá khô héo. Nếu cố gắng đối xử vối kẻ phối ngẫu tế nhị như thuở ban đầu, và nhắc nhở nhau gìn giữ trân trọng mối giao hảo song đôi. Tương kính nhau, tránh những lời nói làm buồn lòng, làm đau lòng nhau. Mỗi ngày, vuốt ve nhau với niềm xúc cảm tràn đầy của thuở ban đầu. Vòng tay ôm thắm thiết, truyền cho nhau tình thương nồng nàn thấm qua làn áo, nắm tay nhau với xúc cảm chân thành, hôn nhau say đắm như nụ hôn đầu. Không phải hôn nhau chiếu lệ, không phải “ôm nhau như ôm khúc củi mục” lỏng lẻo. Khen tặng nhau, cám ơn nhau những săn sóc, những lưu ý. Dù hôm nay bà vợ có bằng đầu, bằng đuôi, như một hình vuông, và má phính núc ních, thì chồng vẫn khen vợ đẹp, đẹp dưới nhãn quan của chàng. Thế là làm gia đình vui, tin tưởng và yêu đời hơn, vợ chồng yêu nhau hơn, và yêu gia đình hạnh phúc đậm đà hơn. Nhiều bà cũng đủ khôn ngoan để biết mình chỉ là thứ nái xề, chẳng có đẹp đẽ gì với ai, nhưng đẹp riêng đối với chồng là quá đủ. Vợ chồng cũng phải biết cám ơn những chăm sóc âu yếm của nhau. Cũng nên biết nói với nhau những câu mà người ta tưởng là thừa thải, đương nhiên, không cần nói ra, đại khái như: “Cám ơn tình thương của anh/ em dành cho, không ai trên đời nầy thương anh/ em bằng thế nầy cả”. Người phối ngẫu, khi nào cũng cảm động nghe những lời biết ơn đó. Nhờ vậy, tình yêu càng nồng nàn thắm thiết. Dù đã nhiều năm chung sống, làm sao cho vợ chồng còn say đắm nhìn nhau, và cảm thấy hạnh phúc êm đềm trong ánh mắt, lòng biết ơn nhau. Mỗi người biết hy sinh một ít cá tính, để hòa đồng nhau trong cuộc sống chung.
Gia đình nào cũng có một vài hũ mắm thối, nên chôn thật sâu, thật kỹ, đừng để bay mùi ra làm thương tổn đến hạnh phúc chung. Người xưa có dạy, không ai hoàn toàn (nhân bất thập toàn). Ai cũng có tính tốt, tính xấu. Và cuộc đời, mỗi cá nhân phải đấu tranh không ngưng nghỉ giữa cái thiện và cái ác. Khi yếu đuối, thì cái ác làm chủ, xui khiến con người làm những điều tệ hại. Có những cái người ta biết là không tốt, nhưng vẫn cứ làm, như hút thuốc, uống rượu, đánh bài. Đôi khi những cái xấu nho nhỏ, làm cho con người đáng yêu hơn, cuộc sống bớt thánh thiện, nhưng lại có nhiều vui. Quá thánh thiện cũng trở thành công thức, khó khăn. Bởi vậy, chúng ta phải biết tha thứ cho người phối ngẫu, những sai lầm đã phạm phải trong quá khứ, dù cố ý hay vô tình. Dù sao thì cũng là việc đã qua, không thể quay lại được nữa. Nên quên đi, đừng bao giờ moi móc ra làm khổ nhau, làm tội làm tình nhau. Chẳng ích lợi gì, mà chính là làm cho mình đau đớn, dằn vặt hơn ai hết. Sai lầm nào cũng có thể tha thứ được cả, nếu biết chấm dứt và hối lỗi. Ngay cả những kẻ giết người, đôi khi còn được pháp luật khoan thứ nữa là. Quá nghiêm khắc cuộc sống mất vui. Vả lại, mỗi chúng ta hãy tự xét mình, xem mình có hoàn toàn không? Chắc chắn là không. Tại sao mình tự tha thứ cho lỗi lầm của mình được, mà không tha thứ cho lỗi lầm của người khác, nhất là người bạn đường của mình? Tại sao lỗi lầm của mình, thì quên mau lắm, không muốn ai nhắc nhở đến, mà cứ muốn bươi móc lỗi lầm người khác ra? Cảm thông và tha thứ, rất cần thiết để giữ hòa khí gia đình, và giữ cho ngọn lửa ấm hạnh phúc còn cháy mãi, sáng mãi trong trái tim của mỗi người.
Tình thương thường như như giao thoa cộng hưởng. Tình thương cho đi, thì có tình thương trở về. Tình thương trở về làm nảy sinh tình thương khác cho đi. Cứ thế mà chập chùng, mà vun dày thêm lên. Khi ta thương yêu ai với tấm chân tình, không vụ lợi, không ích kỷ, thì sớm hay muộn, chắc chắn tình thương đó sẽ được đáp đền. Trong đời sống lứa đôi, càng cho nhiều thì càng nhận được nhiều. Tình thương thường cho đi mà không mong đền đáp, nhưng thường vẫn được đáp đền nhiều hơn mong tưởng. Ghét bỏ, hận thù, sẽ được đáp lại bằng hận thù và ghét bỏ. Không lợi cho ai cả, mà nó làm cho tâm tư u uất, làm cho cái bao tử ung thối, làm cho thân thể bệnh hoạn, yếu đuối. Không cần phải có cái tâm Bồ tát đem ra thương người, chỉ cần có cái tâm thành của vợ yêu chồng, của chồng yêu vợ, hai bên trao tình thương cho nhau không ngưng nghỉ, không đắn đo, rồi từ đó tình thương thành giao thoa cộng hưởng. Gia đình hạnh phúc. Không thể nào một bên, ri rỉ tình thương, mà hy vọng nhận được tình thương tràn đầy không điều kiện.
Mỗi người hãy nhớ rằng ngày tháng qua mau, cuộc sống của con người có giới hạn. Bảy tám chín chục năm, rồi sẽ chết. Mỗi người đều có sẵn bản án tử hình treo trên đầu mà chưa thi hành. Nhưng thái độ của đa số thế nhân, như họ sẽ được cho sống đời đời, không bao giờ chết. Phải ý thức được, mỗi ngày, chúng ta bước gần đến huyệt mộ thêm một bước, không cưỡng lại được. Bởi vậy, mỗi ngày sống của chúng ta rất quý báu. Mất đi thì là hết, không thể nào tái tạo, dù có tiền rừng bạc bể, quyền uy ngất trời. Làm sao cho mỗi ngày sống của chúng ta được đẹp đẽ, vui tươi, ý nghĩa và hạnh phúc. Chúng ta phải tự tạo lấy, vun xới lấy. Chờ đợi, thì nó cũng có thể đến, có thể không. Nhưng tệ hại nhất là những kẻ tự đập phá hủy hoại thời gian quý báu của mình bằng gây gổ, bằng hận thù, bằng trách móc, than vãn. Phí phạm thời gian thật uổng. Người xưa, ý thức thời gian quý báu, cho nên còn có kẻ thắp đuốc đi chơi, sợ đời chóng hết. Một gia đình hạnh phúc, có đời sống lâu dài bằng hai ba lần hay cả chục lần đời sống của một gia đình bất hạnh. Thà sống hai mươi năm tràn đầy hạnh phúc, còn hơn sống một trăm năm thiếu hạnh phúc. Những gia đình thiếu hòa thuận, thì nên ngưng cuộc chiến lại, ký hiệp định đình chiến ngay để cứu vãn thời gian, cứu vãn hạnh phúc của đời sống cho chính mỗi cá nhân trong cuộc chiến, cho con cái và những người liên hệ. Đừng để thời gian mất, hạnh phúc phí phạm, rất uổng.
Mỗi ngày thi hành một điều hiến dâng. Vợ chồng, cứ giao ước, mỗi sáng thức dậy, cố đem lại cho nhau một niềm vui nho nhỏ. Có thể là một câu nói làm đẹp lòng nhau, có thể là một lời khôi hài, có thể là một chuyện vui trong giấc mơ, cũng có thể là một nụ hôn thật ấm từ tấm tình thương nồng nàn, không phải là nụ hôn chiếu lệ, trả nợ quỷ thần. Mỗi ngày, gắng làm vừa lòng nhau, cứ bên tung, bên hứng, hòa hợp tâm tư, hòa hợp đời sống. Cũng có những lúc bất đồng, thì phải biết nhân nhượng, mỗi người bước lui một vài bước cho đến khi đồng ý nhau, gặp nhau ở một điểm nào đó, mà cả hai đều vui vẻ chấp nhận. Khi đã chấp nhận, thì dù kết quả nào, cũng lấy đó làm vui.
Chuyện thần thoại Ấn Độ nên sửa lại rằng: Thượng đế tạo nên nhiều người đàn ông xong, thấy họ sống không có ý nghĩa, cầu bơ cầu bất, lại ăn ở dơ dáy, bẩn thỉu, hỗn độn. Ngài bèn lấy tinh hoa của trời đất, và tinh quái của yêu ma tạo nên nhiều người đàn bà, cho kết hợp với mỗi đàn ông thành vợ chồng. Giao cho mỗi cặp hai cây đàn thần, bảo rằng, nếu biết hòa điệu hòa âm, hòa nhịp, thì có được nguồn hạnh phúc vô biên, và đời sống phong phú an lạc. Nhưng nếu mỗi người chỉ muốn độc tấu riêng rẽ, không muốn hòa hợp thanh âm, thì sẽ tìm thấy địa ngục. Sau một thời gian, những cặp vợ chồng biết phát huy cái tinh anh của trời đất trong người nữ, biết hòa hợp âm thanh, thì đều mọc cánh và bay lên trời thành tiên. Những cặp chỉ biết triển khai cái tinh quái, nên độc tấu, không chịu hòa nhịp, hòa âm, đều mọc lông lá đầy mình, trở thành dã thú, chạy vào rừng trốn chui trốn nhủi. Còn những cặp khác, hòa âm, hòa điệu chưa được nhịp nhàng, ăn ý, thì vẫn còn giữ lại hình thể của con người, và phải luyện tập thêm cho đến ngày mọc cánh thành tiên.
Muốn gia đình trở thành một góc của thiên đường cũng không khó. Mà muốn gia đình trở thành một xó của địa ngục cũng rất dễ. Chỉ có quyết tâm và hiểu biết của hai vợ chồng. Làm sao cho ăn nhịp, hòa điệu, biết khai thác cái vốn dồi dào trời đất sẵn ban cho. Đời sống gia đình có hạnh phúc là đạt được toàn vẹn ý nghĩa của kiếp sống, không cần phải đi tìm ở nơi nào xa xôi.