main billboard

Đường đường là một vị Giám mục tiên khởi của một giáo phận, thế mà cuộc sống của ngài vẫn luôn đơn sơ và đạm bạc, nếu không muốn nói là khắc khổ.

  Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ

Bên Thổ Nhĩ kỳ, Azit Nexin, tác giả cuốn “Những người thích đùa”, đã trình làng một tập truyện ngắn với tựa đề: “Con cái chúng ta giỏi thật”. Còn tại Việt Nam, nhạc sĩ Thập Nhất đã sáng tác một ca khúc qua đó gã thấy được rằng: “Bố là tất cả”. Thì ra bố hát con khen hay và ngược lại, con hát bố khen hay, âu cũng là lẽ thường tình của cuộc sống: mất gì của nhà mà không khen.
Cùng một thể thức ấy, gã xin ăn theo cùng giáo phận Long Xuyên, viết về một người cha trên cả tuyệt vời, đó là Đức Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ.
Vào những năm đầu thập niên sáu mươi, khi ấy gã còn bé tẻo bé teo, cứ mỗi độ hoa phượng nở và mùa hè sắp sửa trở về, thì lại thấy có hai đấng “Vít Vồ”, tức là hai Đức Giám mục, thường lui tới các Tiểu chủng viện thuộc diện “Bắc kỳ di cư”: Đức Cha Phil. Nguyễn Kim Điền, giáo phận Cần Thơ và Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giáo phận Long Xuyên.
Đức Cha Điền thường đến và chiếu những hình ảnh về dòng Tiểu Đệ. Các chú rất lấy làm tâm phục khẩu phục khi thấy ngài đạp xe xích lô và sống giữa những anh em lao động. Giọng nói của ngài còn ngọt hơn cả đường cát và mát hơn cả đường phèn. Riêng nụ cười của ngài thật là dễ thương và dễ mến.
Còn Đức Cha Ngữ thì nhập đề một cách trực tiếp, giới thiệu giáo phận Long Xuyên, một giáo phận mới toanh vùng đồng bằng sông Cửu Long với những nhu cầu thật cấp bách về xây dựng cơ sở vật chất cũng như tinh thần, nên rất cần những người cộng tác.
Các ngài thường kết thúc chuyến viếng thăm của mình bằng cách cho các chú nghỉ học một ngày, đồng thời trao cho cha quản lý một số tiền, để đãi chủng viện một bữa cơm thịnh soạn, vốn được gọi là “caena magna”!!!
Tới đây thì “ý đồ đen tối”, hay nói cách khác, sự “bí mật” của các ngài mới được bật mí, đó là kêu gọi các chú đã học hết lớp đệ nhất, mau mắn ghi tên gia nhập giáo phận của các ngài.
Theo ngôn ngữ hiện nay, những chuyến viếng thăm như thế chắc chắn sẽ được gọi bằng danh từ “mục vụ tuyển lính”, hay “mục vụ mộ lính”.
Đức Cha Ngữ rất “có duyên” trong lãnh vực này. Không hiểu do “tuyên truyền”, hay rỉ tai cách nào đó, mà trong những kỳ hè một số các thầy thuộc các giáo phận, cũng như các dòng tu, đã kéo nhau về Long Xuyên để giúp tháng. Và thời bấy giờ, bàn dân thiên hạ đã gọi lực lượng này là “lính đánh thuê”.
Trước khi được gửi tới các giáo xứ, các thầy thường được tập trung tại Tiểu chủng viện Á Thánh Phụng ở Châu Đốc, để học hỏi một cách rất bài bổn về chủ đề sẽ rao giảng. Mỗi năm thường có một chủ đề chuyên biệt, chẳng hạn học hỏi về Phúc âm theo thánh Matthêu, thánh Luca…Ngoài ra, còn trau dồi thêm về khả năng sinh hoạt. Phần này thường do các huynh trưởng Hướng Đạo phụ trách.
Cho tới ngày hôm nay, hầu như thầy nào thời bấy giờ cũng vẫn còn in đậm những dấu ấn kỷ niệm khó mà phai nhạt về một người cha rất mực công bằng, nhưng cũng rất mực yêu thương con cái mình.
Có những lúc ngài đã mắng cho một trận te tua, nhưng rồi sau đó ngài lại ôn tồn ủi an và khuyến khích:
- Tao nói là nói thế, còn mày không có thì thôi, việc gì mà phải buồn!
Trước hết, ngài đã cư xử rất mực công bằng đối với các thầy.
Sự công bằng này phần nào được tỏ lộ qua quyết định: tất cả các thầy của Long Xuyên đều phải đi giúp xứ hai năm, cho dù đang học ở Saigon, Đàlạt và ngay cả Rôma cũng vậy.
Các cha giáo ở Đàlạt cũng như ở Rôma đã nhiều lần can thiệp để xin rút bớt hay chuyển đổi thời gian, chẳng hạn một năm giúp sau khi đã xong triết học và một năm giúp sau khi đã xong thần học, để tránh đi tình trạng “trật xích”. Thế nhưng, sự gì ngài đã quyết là đã quyết, chẳng hề đổi thay.
Hơn thế nữa, thời bấy giờ những thầy được gửi đi học ở Đàlạt và Rôma, vốn được liệt vào hàng ưu đãi, nên bù lại trong thời gian đi giúp phần lớn những thầy này được gửi vào hai “lò thử lửa”, đó là Phú Quốc và Trường trung học Số Sáu, do cha Nguyễn Thượng Uyển phụ trách, để được “huấn nhục” hầu trở thành “thép đã tôi thế đấy”, cũng giống như việc đào luyện các lính mới tại Chi Lăng: “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”!!!
Tuy nhiên, ngài lại tỏ ra rất mực yêu thương đối với các thầy. 
Sau khi làm đơn xin gia nhập giáo phận Long Xuyên, mỗi chú đều phải gửi về cho ngài một tấm hình. Ngài để tất cả những tấm hình ấy trên bàn, ghi tên từng chú. Vì thế, khi đi nghỉ hè, tất cả những chú đã chọn Long Xuyên làm quê hương của mình, cùng đi về với nhau để “trình diện” ngài. Mặc dù đây mới chỉ là lần gặp gỡ đầu tiên, thế mà ngài đã gọi tên từng chú trúng phong phóc, không sai trật một ai. Thật là tuyệt vời
Thời bấy giờ, các chú cũng như các thầy đều được hoãn dịch vì lý do tôn giáo. Mỗi năm có nhiều đợt đổi giấy hoãn dịch. Vì thế, khi giúp văn phòng Tiểu chủng viện Têrêxa, ngài đã bảo gã phải lên danh sách từng đợt cho suốt cả một năm và đưa sang cho ngài ký, rồi cất trong tủ, để cứ đúng hẹn lại lên. Ngài nhớ rất kỹ, nên mỗi khi tới đợt, ngài lại sang Chủng viện và nhắc:
- Mày lên Nha Động Viên đổi giấy cho tao.
Nói đoạn, thế nào ngài cũng dúi cho ít tiền vào tay và bắt phải đi máy bay, chứ không được đi xe đò. Thế là chỉ việc mua vé, ra “phi trường” Vàm Cống, lên máy bay dân sự hai chong chóng và sau hai mươi phút đã tới Tân Sơn Nhất.
Cũng vì lá bùa hộ mệnh là tấm giấy hoãn dịch, nên một số thầy cũng như một số chú đã lợi dụng lòng nhân từ và rộng rãi của ngài. Mặc dù đã xuất và không còn tu nữa, nhưng vẫn gãi đầu gãi tai, xin ngài thương ban cho giấy hoãn dịch, để tiếp tục những năm tháng đại học, bằng không thì việc học sẽ bị cắt ngang và tắc nghẽn.
Lúc ấy, nhiều anh đã cả gan dám  hứa với ngài rằng trả khi xong cái nợ đèn sách, sẽ tính lại chuyện tu trì. Ngài chỉ mỉm cười trong thinh lặng, vì đã biết rõ tận tim đen, có anh nào học xong mà tu lại đâu.
Thời bấy giờ, ngài qui định mỗi tháng cha sở phải cấp cho thày xứ ít là hai trăm đồng. Và khi về Toà Giám Mục tham dự cấm phòng tháng, ngài còn cấp thêm hai trăm đồng nữa, gọi là tiền xe pháo, đi lại và bồi dưỡng.
Thỉnh thoảng có dịp lên thăm Đức Cha, bao giờ ngài cũng bắt đầu bằng câu:
- Mày có cần tiền không đấy.
- Dạ thưa Đức Cha, tiền ai mà không cần chứ.
Thế rồi ngài cúi xuống, kéo ngăn bàn và đưa cho mấy chục đồng.
Đối với các cha cũng vậy. Những cha nào thiếu lễ, thì cứ việc vô tư đến xin với ngài. Chính tay ngài gói tiền, đề tên và phân phát trong dịp cấm phòng tháng.
Hiện giờ, mặc dù đã trăm tuổi, thế nhưng tất cả số tiền bàn dân thiên hạ biếu, ngài đều chuyển thành lễ, cho vào phong bì và mỗi lần có cha tới thăm, ngài đều sẵn sàng ban cho. Những lễ ấy thường là những lễ béo!
Gã còn nhớ, lần kia thể theo lời mời của ban giám đốc, ngài lên Đà lạt để truyền chức. Ngay tối hôm đầu tiên, anh em Long Xuyên kéo xuống phòng để chào. Vừa nhìn thấy, ngài bèn hỏi ngay:
- Chúng mày muốn xin cái gì vậy?
- Thưa Đức Cha, cái mà không ai chê cả.
- Lại tiền phải không? Chúng mày làm như tao nhiều tiền lắm thì phải?
- Dạ, hình như mọi tiền bạc trên thế gian này đều chui cả vào túi Giám mục?
Ngài trợn mắt và hỏi:
- Đứa nào ăn nói lếu láo thế?
Nói thì nói, nhưng cuối cùng ngài vẫn cho anh em Long Xuyên một số tiền để làm quĩ chung. Riêng những anh em mới lên, lại còn được ngài tặng thêm cho mỗi người sáu trăm đồng để mua bộ sách luân lý của Noldin.
Các cha giáo ở Đàlạt hầu hết đều xuất thân từ các nước phương tây, nên không thể phát âm một số từ tiếng Việt cho đúng được. Vì thế, ngài thường được gọi là “Monseigneur Ngu” (vì không đọc được chữ Ngữ). Nghe vậy, một tên Qui Nhơn bèn nói với gã:
- Đức cha của mấy ông kỳ quá, ai lại tên là Ngu.
Tức khí, gã bèn phản pháo bằng cách kê tủ đứng:
- Còn Đức cha của mấy ông là gì biết không? Monseigneur Cac (Đức cha Huỳnh Đông Các).
Thế là anh chàng Qui Nhơn kia bèn phải tịt ngòi.
Có lẽ cũng vì vậy mà thầy Hồ Bạc Xái, hiện là cha giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ, đã phải đổi tên mình thành Trịnh Anh Tài suốt thời gian tu học tại Giáo Hoàng Học Viện chăng?
Thời bấy giờ, khi còn làm các chú hay các thầy mà ti toe viết lách, đương sự rất có thể sẽ bị mất “cụ” dễ như chơi, nghĩa là sẽ bị loại và không còn được tiếp tục con đường tu trì của mình nữa, bởi vì giáo luật đã qui định mọi sự viết lách đều phải được phép của bề trên và mọi thứ in ấn đều phải có “nihil obstat” và được “imprimatur” đàng hoàng tử tế.
Vì trót đầu tư vào cái nghề bạc bẽo này, nên gã đã phải trình bày với cha De Diego, lúc bấy giờ đang làm viện trưởng. Ngài rất ủng hộ cho cái ước mơ còm cõi ấy.
Thế nhưng, khi viết xong cuốn “Hình bóng cũ” và định cho ra mắt vào mùa Vu Lan năm 1971, mùa báo hiếu, để tưởng nhớ công ơn mẹ hiền, như Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh đã làm trước đó với cuốn “Bông Hồng Cài Áo”, gã đã phải trình bản thảo lên cho ngài. Và chỉ một ngày sau, ngài đã đọc xong và bảo:
- Mày viết cũng được đấy, nhưng sao không chia thành từng chương, từng mục hẳn hoi, ai mà cứ mỗi đoạn lại đề số 1, số 2, số 3…
- Dạ thưa Đức Cha, cái mốt bây giờ nó thế.
- Mốt với chả miếc… Này, đừng có mà mơ mộng đấy nhé. Mấy ông nghệ sĩ là hay mơ mộng lắm đấy.
- Dạ con đâu có mơ mộng, vì nếu mơ mộng thì đâu có làm văn phòng được và nhất là đâu có đánh được danh sách hoãn dịch cho Đức Cha.
Ngài chép miệng và bảo:
- Mới nói có vậy mà đã gân cổ ra mà cãi!!!
Thời bấy giờ, ngài phát động chương trình gây quĩ để xây dựng chủng viện bằng cách phát bằng ân nhân. Bằng đã được in và ký sẵn, rồi trao cho thầy Nguyễn Công Danh phụ trách, vì chữ thầy thật đẹp. Cứ lâu lâu, ngài lại đưa sang một danh sách và thầy Danh có nhiệm vụ phải viết tên các vị ân nhân vào bằng.
Vì cùng giúp với nhau, nên một ngày kia gã bỗng nảy ra một “tối kiến” để nghịch ngợm. Gã nói với thầy Danh:
- Ông hãy viết cho mỗi đứa một bằng ân nhân với số tiền ủng hộ là một triệu đồng.
Một triệu đồng hồi ấy to lắm, vì để được một bằng ân nhân, thì chỉ mất có mười ngàn và tổng chi phí xây dựng ngôi nhà thờ Chính Toà hiện nay chỉ mất có ba mươi triệu mà thôi.
Hai đứa trang trọng đặt bằng ân nhân của mình trên bàn, bên dưới tấm kính. Thế rồi một buổi sáng, ngài ghé vào văn phòng chủng viện, ngắm ngắm nghía nghía một hồi, rồi túm đầu hai đứa, cú cho mấy cái và nói:
- Chúng mày có giúp tao được một đồng bạc nào không?
- Dạ thưa Đức Cha, đây là để thưởng công cho người viết, mà Đức Cha cũng chẳng mất đồng bạc nào.
- Chúng mày thật là quá lắm, quá lắm.
Tương truyền rằng mỗi khi túng tiền, ngài liền đốt nến và khấn với chị thánh Têrêsa. Và rồi tiền bỗng dưng từ đâu mà đến cũng chẳng hay biết, cứ như là từ trên trời rơi xuống. Còn nếu khấn rồi mà không linh, thì hình như ngài hơi bị hờn dỗi, đặt tượng chị Thánh quay vào tường…
Cho đến bây giờ gã vẫn còn nhớ lời khuyên của ngài về việc sử dụng tiền bạc:
- Đối với những việc cần thiết, thì bạc triệu, bạc tỷ cũng sẵn sàng chi, nhưng đối với những việc dư thừa, thì một đồng, một cắc cũng không.
Nguyên tắc này đã được ngài áp dụng vào chính cuộc sống của ngài. Đường đường là một vị Giám mục tiên khởi của một giáo phận, thế mà cuộc sống của ngài vẫn luôn đơn sơ và đạm bạc, nếu không muốn nói là khắc khổ. Một chiếc giường nhỏ, không nệm. Mấy bộ quần áo, không kiểu cọ. Giấy ngài dùng để viết là những tờ lịch, những phong thư hay những tờ giấy đã được dùng một mặt.
Ngoài những bận rộn với công việc xây dựng giáo phận, ngài luôn dành lấy những giây phút thinh lặng để cầu nguyện, cũng như làm việc một cách riêng tư và trí thức, chẳng hạn như viết những bài huấn đức, dịch trọn bộ sách các bài đọc và những tác phẩm đồ sộ khác như cuốn “Tự thuật” của thánh Augustinô. Khi đọc lại bản dịch của ngài, gã mới thầm phục sự am hiểu rành rõi tiếng Pháp của ngài.
Bằng tâm tình của những người con giáo phận qua những kỷ niệm được chắp nối, gã cảm thấy quả thực ngài là một người cha trên cả tuyệt vời.
Gã Siêu   This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.