Ðúng như dự đoán, Thượng Nghị Sĩ Rand Paul dẫn đầu với 31% số phiếu ủng hộ, bỏ xa tất cả các chính trị cùng đảng đang nuôi mộng được chọn để đại diện cho đảng dự cuộc đua chính trị 2016.
Tất cả mọi người đều reo hò khi kết quả cuộc bỏ phiếu của các tham dự viên Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa 2014 được công bố. Ðúng như dự đoán, Thượng Nghị Sĩ Rand Paul dẫn đầu với 31% số phiếu ủng hộ, bỏ xa tất cả các chính trị cùng đảng đang nuôi mộng được chọn để đại diện cho đảng dự cuộc đua chính trị 2016. Năm ngoái các thành viên bảo thủ cộng hòa cũng chọn ông đứng đầu danh sách, điều đó có nghĩa là ông thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Kentucky được lòng thành phần này và được cả sự ủng hộ của những thành viên hoạt động với Tea Party.
Ðến giờ vẫn chưa một chính trị gia cộng hòa nào chính thức loan báo sẽ ra tranh cử, nhưng các nhà quan sát, giới truyền thông và ngay cả thành phần cốt cán của đảng đều nói đến những khuôn mặt nổi bật nhất, trong đó đương nhiên có ông Rand Paul, ông Chris Christie của New Jersey, ông Mario Cubio của Florida... Do đó, cuộc bỏ phiếu thử (straw poll) vào ngày Thứ Bảy tuần trước được mọi người xem là rất quan trọng vì qua đó, cử tri cộng hòa nhìn thấy người đang được ủng hộ, cho dù lịch sử bầu cử của nước Mỹ cho thấy người dẫn đầu những cuộc bỏ phiếu loại này chưa hẳn sẽ là người đại diện cho đảng ra tranh cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.
Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky). (Hình: Drew Angerer/Getty Images)
Ðiều đó được thể hiện rất rõ ngay sau ngày Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa kết thúc, nhiều quan sát viên chính trị Hoa Kỳ lên tiếng chúc mừng ông Rand Paul, nhưng mặt khác cho hay chiến thắng đó chỉ là chiến thắng tạm thời vì vẫn còn những chính trị gia khác “phải chú ý tới” hoặc “sẽ nổi bật trong những ngày sắp tới.” Tùy theo câu trả lời của người được hỏi, báo chí Hoa Kỳ đưa ra một danh sách khá dài những nhân vật “không thể bỏ sót” đi kèm với lập luận chung: ông Rand Paul đang có lợi thế nhất, đang được cử tri cộng hòa nói tới nhiều nhất, và đường nhiên là người được lòng cánh bảo thủ nhất. Nhưng cái nhất này “chưa đủ để tôi xem ông Paul sẽ đại diện cho đảng.”
Người nói câu đó là ông Henry Olsen hiện đang làm việc với Viện Nghiên Cứu Chính Sách ở Washington D.C., tác giả bài viết với nội dung phân tích tình hình bầu cử mới được đăng tải trên tờ The National Interest số ra tháng này. Trong bài viết đó, ông Olsen đưa ra những bằng chứng cho thấy được sự ủng hộ của thành phần bảo thủ và Tea Party “chưa đủ để trở thành ứng viên của đảng, đừng vội nói đến chuyện sẽ đặt chân vào Tòa Bạch Ốc.”
Ông Olsen đưa ra một số điều kiện để trở thành ứng viên đại diện cho một đảng ra tranh cử, trong đó theo ông điều kiện quan trọng nhất luôn luôn là “phải được sự ủng hộ của thành phần cử tri thầm lặng trong đảng.” Thành phần cử tri này “không ồn ào như nhóm bảo thủ cực đoan hay Tea Party, nhưng chính là thành phần nắm quyết định của đảng trong tất cả những cuộc bầu cử.” Dẫn chứng được ông đưa ra: các ứng viên như ông Bob Dole (1996), ông Georgw W. Bush (2000), ông John McCain (2008), ông Mitt Romney (2012) đều bị chê bai “không bảo thủ đúng mức,” nhưng cuối cùng “họ vẫn được chọn nhờ lá phiếu của lực lượng cử tri thầm lặng trong đảng.” Lực lượng này, vẫn theo ông Olsen, đã và đang ủng hộ “một chính trị gia bảo thủ ôn hòa,” tin tưởng đó là người sẽ tiêu biểu cho đảng, là khuôn mặt cần có để lấy lại Tòa Bạch Ốc từ tay đảng dân chủ.
Ðiều đó đúng hay sai?
“Hoàn toàn đúng”, bà Martha Williams, chiến lược gia cộng hòa của tiểu bang Texas là một trong người đầu tiên lên tiếng ủng hộ nhận xét của ông Olsen. “Ngay sau cuộc bầu cử 2012, rất nhiều nhân vật thuộc hàng lãnh đạo đảng cộng hòa đã lên tiếng nói đảng cần phải thay đổi, cần cởi mở hơn thay vì cứ tiếp tục gò bó trong một nhóm với nhau, ngay chính Ban Ðiều Hành Trung Ương của đảng cũng đưa ra một chiến lược để thu hút là phiếu cử tri, trong đó họ nhấn mạnh đến thành phần cử tri nữ giới, thành phần trẻ và thành phần thiểu số, coi đó là mục tiêu phải nhắm đến cho năm 2014 và 2016.” “Rất tiếc,” bà Williams nói tiếp, “họ vẫn chưa làm được điều này, vẫn chưa cho cử tri Hoa Kỳ biết lập trường, đường lối hoạt động của họ.”
Ðiều đó “khiến nhiều người hiểu sai về đảng cộng hòa, hay ít nhất, người dân không hiểu về đảng này như thành phần lãnh đạo đảng đang trông chờ” là nhận xét của chiến lược gia Mike Mullen, một trong những người giúp ông Mitt Romney thành công ở khu vực miền Nam nước Mỹ. Ông kể lại chuyện “năm ngoái chính phủ phải đóng cửa chỉ vì lập trường quá cứng rắn của các vị dân cử Tea Party,” năm nay một trong những chính trị gia sáng giá của đảng là ông Marco Rubio bị cánh bảo thủ chê trách “chỉ vì ông ta cùng với các vị nghị sĩ cộng hòa và dân chủ soạn thảo dự luật chấp thuận cho những người cư trú bất hợp pháp được ở lại Mỹ.” Chỉ riêng chuyện này không thôi, “phe bảo thủ và cánh Tea Party Cộng Hòa cản đường của một người có thể giúp đảng lấy lại Tòa Bạch Ốc, ngoài ra còn tạo hình ảnh không mấy thiện cảm đối với tập thể cử tri thiểu số, là một trong những thành phần họ biết (nếu muốn thành công) phải thu hút để kiếm phiếu.”
Những điều nêu trên “đúng thì có đúng, nhưng bảo rằng đáng lo thì hơi quá,” một cựu cố vấn của ông chủ tịch đảng cộng hòa nói với báo chí. Người yêu cầu không được nêu tên này cho rằng bảo thủ và Tea Party không đại diện cho toàn thể đảng cộng hòa, “chỉ là một thành phần của đảng mà thôi.” Ông này bảo thêm các tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ sớm nhất gồm Iowa, New Hampshire, South Carolina và Nevada, “mỗi mình Nevada là chỗ Tea Party có thế đứng, nhưng ở những nơi khác cử tri thường ủng hộ những ứng cử viên bảo thủ chừng mực, ôn hòa hơn.” Dựa vào đó, “tôi tin rằng những chính trị gia cộng hòa như ông Chris Christie (New Jersey), Paul Ryan (Wisconsin), Jeb Bush (Florida), John Kasich (Ohio) là những người sẽ nổi bật khi vòng bầu sơ bộ bắt đầu, sẽ được cử tri nói đến, chẳng khác gì hiện tượng Ryan Paul sau ngày Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa vừa kết thúc.”
Như thế, cử tri Hoa Kỳ vẫn phải chờ. Bên dân chủ chưa biết bà Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton hay Phó Tổng Thống Joseph Biden sẽ được chọn ra tranh cử, bên cộng hòa cũng chưa biết nhân vật “bảo thủ chừng mực” nào sẽ là người được đảng tin tưởng sẽ lấy được chiếc chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc.