“Một số người cho phóng viên biết, cây này chữa được nhiều bệnh như gan, xương khớp, là 'thần dược' giúp 'ông uống bà khen'.
HÀ TĨNH (NV) - Nhiều người dân ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, bỏ cả công việc, lên núi tìm đào cây mật nhân về bán cho một số đầu mối với giá cao. Loài cây này được đồn thổi là “thần dược” cho quý ông tăng cường sinh lực như Viagra.
Rễ và thân của cây chữa bách bệnh. (Hình: Báo Dân Việt) |
Theo báo Dân Việt, “Một số người cho phóng viên biết, cây này chữa được nhiều bệnh như gan, xương khớp, là 'thần dược' giúp 'ông uống bà khen'. Lợi nhuận từ việc bán loại cây này khá cao nên nhiều người bỏ việc đồng áng để lên rừng săn tìm.”
Một người dân tên Thành ở phường Ðức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, cho hay “giá mật nhân ban đầu chỉ khoảng 100,000 đồng/kg, nhưng sau đó giá tăng lên 200,000 đồng, đỉnh điểm là 500,000 đồng/kg, bởi người ta đồn thổi “mật nhân giúp cường dương như Viagra”(!).
“Giờ thì giá loại cây này chỉ còn 50,000 đồng/kg. Lý do của việc giảm giá chóng mặt này là do chỉ có người dân Hồng Lĩnh và một số người sành thuốc quý mới biết giá trị của nó nên bị ép giá. Nếu tác dụng của nó được công khai và tung ra rộng rãi hơn, giá lại tăng vùn vụt.”
Bà Vui, một trong những “đầu nậu” chuyên buôn cây bách bệnh ở thị xã Hồng Lĩnh cũng xác nhận: Giờ thì chỉ 50,000 đồng/kg, chứ trước đây 1 kg rễ cây bách bệnh lúc cao điểm có giá 300,000-500,000 đồng mà cũng không có để bán. Có những lúc khách Hà Nội về nằm chờ cả tuần cũng chỉ mua được vài chục kg thôi.
“Cây này là loại thảo dược quý, chữa được nhiều bệnh lắm, từ xương khớp đến tăng cường sinh lực cho nam giới, chữa hiếm muộn con... Tôi nghe nói bên Nga hay ở Malaysia, mật nhân có giá 3-4 triệu đồng/kg. Chú muốn mua thì phải chờ xem chiều nay người ta đi về có đào được hay không. Nếu không chờ được thì để lại số điện thoại, hôm sau có, tôi gọi ra mà mua,” bà Vui nói với phóng viên.
Theo mô tả của phóng viên, núi Hồng đã bị đào xới tung tóe đất đá. Với nhiều hố nham nhở, núi Hồng xanh đẹp ngày nào giờ như bãi chiến trường.
Nhiều người dân sau khi phá núi, khoét rừng để tìm cây “thần dược” đã bỏ lại cảnh tan hoang sau lưng để đi tìm vùng đất mới, tiếp tục đào phá.
Theo anh Thành, trước đây cây “thần dược” ở núi này nhiều lắm, nhưng số lượng người khai thác ngày càng tăng cao nên đã cạn kiệt, tìm rất khó. Hiện nay, nhiều người đã đi đến các nơi khác để tìm loại cây này. (KN)