Chắc chắn những binh sĩ và cảnh sát, công an Nga mà tôi và tất cả các nhà báo khác nhìn thấy họ phải mang theo súng, nhưng họ cất dấu ở đâu thì chẳng ai biết.
An ninh thắt chặt tại ga xe lửa Sochi Station ở Sochi, Nga từ hôm 31/12/2013. AFP photo
Trước hết, phải nói ngay: tôi là người may mắn.
May mắn vì sáng sớm vừa rời khỏi nhà đã nhận được lời nhắn của cậu con trai: “Bố phải cẩn thận nhé” đi kèm với lời chúc bố đi Sochi “bằng an và vui, xem có cái gì hay hay thì mua về cho gia đình”. Đến sở, những người bạn làm việc chung cũng dặn dò và cầu chúc tương tự, ngay anh bạn lái xe đưa tôi ra phi trường cũng nhắc nhở đủ điều, đại để vẫn là vấn đề an ninh vì “em nghe nói lộn xộn lắm, ông Vladimir Putin phải bỏ ra cả chục tỷ bạc chỉ để lo chuyện an ninh thôi”. Xe vừa dừng, chưa kịp bắt tay nói lời giã từ lại phải nghe tiếp “nhớ cẩn thận, nhớ giữ gìn sức khỏe, nhưng quan trọng nhất là anh nhớ tránh chỗ đông người”. Vượt qua hàng rào kiểm soát ở sân bay, chưa đặt chân lên phi cơ đã thấy tin nhắn của anh bạn làm việc cho hãng thông tấn AP gửi thông báo tin mới nhất: tin tức tình báo cho biết khủng bố có thể đặt chất nổ trong tuýp kem đánh răng.
Quả thật, đọc xong bản tin đó tôi bỗng ngần ngừ, muốn quay về, mọi hăng say lúc đầu bỗng dưng không cánh mà bay, chưa đi mà đã nghe toàn tin tức lẫn những lời dặn dò nghe phát khiếp, không kể đến những hình ảnh, phóng sự liên tục được trình chiếu ở Mỹ, đăng tải qua báo chí hoặc phát qua làn sóng radio những ngày trước đó cho thấy mức độ an toàn ở Sochi là “cả một vấn đề”, từ khủng bố đánh bom lẫn đe dọa sẽ đánh bom, cơ quan FBI Hoa Kỳ gửi hẳn một đội ngũ thật chuyên nghiệp sang giúp cho Nga, đại diện đặc trách an ninh tình báo của Mỹ cũng từ Washington sang Matxcova thảo luận với đối tác nước bạn, hứa hẹn “sẽ bắt tay làm việc chung”, đã thế Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn “lên kế hoạch” có thể di tản đoàn vận động viên cũng như du khách (có passport Mỹ) khi cần thiết…
Rõ ràng toàn những chuyện làm điên đầu! Chẳng lẽ mình ở lại, không đi Sochi, tôi tự nhủ thầm. Vé máy bay đã mua 2 tháng trước, thẻ báo chí cũng đã xong từ năm ngoái, thủ tục an ninh theo yêu cầu của Bộ Nội Vụ Nga cũng đã hoàn tất cách đây 6 tháng, chỉ chờ ngày lên đường. Chẳng lẽ đã đứng ở ngường cửa máy bay mà lại đi xuống. Thôi đành nhắm mắt đưa chân, tự nhủ “không đi không biết Sochi”, mọi chuyện tính sau vậy.
Và như thế, tôi lên đường đi Olympic Mùa Đông Sochi 2014.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi khi mới đặt chân xuống phi trường Sochi là hình ảnh của những ông lính Liên Bang Nga quần áo nghiêm chỉnh đứng cách nhau chỉ một vài mét, ông nào ông nấy nghiêm chỉnh làm việc, mắt liếc ngang, liếc dọc, trong lúc những cô cảnh sát mặc sắc phục chỉnh tề đầu đội chiếc mũ đỏ đi qua đi lại, sẵn sàng và vui vẻ trả lời mọi thắc mắc của du khách -cho dù phần đông các cô chỉ bập bẹ vài câu tiếng Anh-. Ngay cả đoàn thanh niên nam nữ tình nguyện viên của Ban Tổ Chức Olympic Sochi 2014 cũng thế, lúc nào cũng nở nụ cười chào đón mọi người, nhưng số tình nguyện viên biết tiếng Anh không nhiều, có lẽ lực lượng rất đông đảo này được thành lập với mục đích trợ giúp cho người bản xứ và du khách từ các nước thuộc Liên Sô trước đây.
Anh Nguyễn Khanh tại Sochi
Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, Chuyện thật lớn ở đây là lúc còn ngồi trên phi cơ tôi cứ nghĩ sẽ nhìn thấy một đội ngũ quân đội và công an Nga súng ống chằng chịt, võ trang từ đầu tới chân, nhưng ngược lại tôi không thấy ai đeo súng cả. Với tôi, đó là chuyện rất lạ.
Lạ là phải. Là một nhà báo may mắn được đi nhiều nơi, hình ảnh những binh sĩ hay cảnh sát mang súng canh gác ở phi trường là điều rất bình thường với tôi, đặc biệt trong những ngày lễ hội lớn lúc có đông người sử dụng đường hàng không làm phương tiện giao thông hoặc trong những cuộc tranh tài thể thao lớn như Olympic hoặc Super Bowl ở Mỹ. Thành thử ra nhìn thấy cả trăm binh sĩ không ai mang súng đứng gác ở phi trường Sochi, đương nhiên đó là chuyện không thể nào tin được. Chuyện khó tin này kéo dài trên chuyến xe buýt đưa cánh nhà báo chúng tôi về Trung Tâm Báo Chí Olympic: mọi người thoải mái bước lên xe, không ai bị xét hỏi giấy tờ, ngay cả tấm thẻ báo chí to đùng đeo hay không đeo trước ngực cũng chẳng ai dòm ngó hay thắc mắc, trên xe không có một nhân viên an ninh nào đi theo, người duy nhất không phải là nhà báo là ông tài xế, lái chiếc xe chạy thẳng một mạch tới điểm đến, không có trạm kiểm soát nào phải dừng lại.
Những hình ảnh đó khiến tôi nhớ lại những kỳ Olympic trước đây, khởi đầu là Olympic Athens 2004 và gần nhất là Olympic London cách đây mới 2 mùa hè, xen kẽ là một vài Olympic Mùa Đông. Tất cả những nơi tôi đã có dịp đến tác nghiệp đều có những binh sĩ cầm súng trường hay cảnh sát đeo súng lục bảo vệ an ninh, những chuyến xe buýt chở người đến Trung Tâm Báo Chí, Làng Báo Chí, Làng Thế Vận hay đến sân vận động đều có ít nhất một người cầm súng đi kèm theo, trước khi vào Trung Tâm hay vào “Làng” tất cả các xe bắt buộc phải dừng ở ngay cổng, có người cầm cây gậy gắn chiếc kính rất to rà xét dưới gầm xe. Chuyện này cũng không thấy ở Sochi, thành phố chỉ có 350,000 dân nhưng đang có ít nhất 40,000 binh sĩ và cảnh sát từ mọi nơi được đưa về để giữ an ninh cho Olympic Mùa Đông 2014.
Chắc chắn những binh sĩ và cảnh sát, công an Nga mà tôi và tất cả các nhà báo khác nhìn thấy họ phải mang theo súng, nhưng họ cất dấu ở đâu thì chẳng ai biết. Hỏi một anh nhà báo bạn người Nga ngồi làm việc ngay sát cạnh, anh cho hay lệnh của Tổng Thống Vladimir Putin là “nhân viên đặc trách an ninh cũng chỉ là những tình nguyện viên cho Ban Tổ Chức”, tức họ phải dấu súng “để mọi người không sợ hãi, lo âu”. Anh bạn này còn trấn an “đừng lo, lực lượng an ninh của chúng tôi làm việc chặt chẽ lắm”. Chặt chẽ tới mức nào, tôi hỏi tiếp. “Trong thời gian Olympic diễn ra, tất cả xe hơi mang biển số những tỉnh thành khác không được phép vào Sochi, nếu muốn vào phải đăng ký trước với công an, du khách bị bắt buộc phải khai báo rõ khách sạn họ ở, chuyến máy bay đi đến, điều này áp dụng cả với những nhà báo Nga chứ không chỉ với những nhà báo nước ngoài”.
Nghe anh bạn Nga nói xong, tôi thấy rõ ràng mình đúng là người may mắn. May mắn vì đang ở ngay một trong những điểm “nóng” của thế giới mà không thấy không khí chiến tranh, không thấy một người lính hay ông cảnh sát nào đeo súng đứng ngoài đường, chỉ thấy các nhân viên đặc trách an ninh thay nhau trả lời những câu hỏi của du khách, chỉ thấy hàng ngàn người ngay ngắn xếp hàng chờ lên xe lửa từ thành phố đi vào sân vận động, chỉ thấy nét rạng rỡ trên từng khuôn mặt khi nói đến công trình tổ chức -cho dù họ vẫn than là tốn kém quá-, chỉ nghe những lời bàn đầy hy vọng, tin tưởng đoàn vận động viên Nga sẽ thành công lớn chứ không tệ như ở Vancouver cách đây 4 năm.
Đó là chuyện thật lạ mà tôi không bao giờ nghĩ đến trước khi đặt chân tới Sochi. Càng lạ, càng thấy mình đúng là người may mắn.