Cuộc thăm dò được thực hiện vào đúng thời điểm cuộc vận động đang ở trong giai đoạn đầy cam go cho thấy đúng như dự đoán của nhiều người, bà ngoại trưởng 65 tuổi được cảm tình của người dân hơn ông phó đã bước vào tuổi 70.
PTT Joseph Biden và bà Hillary Clinton
Giữa Tháng Mười Hai năm 2011, dàn tham mưu vận động tranh cử cho Tổng Thống Barack Obama mở cuộc thăm dò cử tri ở những tiểu bang được dự đoán sẽ nắm phần quyết định thắng bại cho cuộc bầu cử, đặt câu hỏi “giữa ông Joseph Biden và bà Hillary Clinton quý vị muốn ai đứng phó cho liên danh Dân Chủ?” Câu trả lời: Nếu muốn thu hút phiếu cử tri để tăng thêm khả năng tái đắc cử, tổng thống “nên mời bà Clinton”.
Cuộc thăm dò được thực hiện vào đúng thời điểm cuộc vận động đang ở trong giai đoạn đầy cam go cho thấy đúng như dự đoán của nhiều người, bà ngoại trưởng 65 tuổi được cảm tình của người dân hơn ông phó đã bước vào tuổi 70. Tin này sau đó bị rò rỉ, dẫn đến chuyện hầu hết các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ và thế giới đều loan tin “sẽ có thay đổi trong chính trường Hoa Kỳ: “Ông Biden về Bộ Ngoại Giao, bà Clinton sang Tòa Bạch Ốc”, trước khi Tổng Thống Obama quyết định giữ lại ông phó đã đi chung đường với mình ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Những chuyện thâm cung bí sử đó khiến cho Phó Tổng Thống Biden bực mình, một phần vì dàn tham mưu của Tổng Thống Obama làm chuyện “không phải” đối với ông, phần khác điều này gây ảnh hưởng bất lợi cho mối quan hệ thân tình giữa ông với bà cựu ngoại trưởng. Mối quan hệ này bắt đầu từ ngày Tổng Thống Bill Clinton vào Tòa Bạch Ốc, sau đó là thời gian nhiều năm trời mỗi sáng Thứ Hai ông Biden và bà Clinton ngồi chung trên chuyến xe lửa về Washington D.C. để làm việc tại Thượng Viện, kế đến là thời gian 4 năm cả hai cùng làm việc với Tổng Thống Barack Obama dù mỗi người giữ một vai trò khác nhau. Theo nhân viên của ông kể lại, hầu như sáng Thứ Bảy nào “ông phó” cũng gọi điện thoại nói chuyện với “bà ngoại”, và câu chuyện luôn luôn kết thúc bằng câu “chào bà bạn vàng của tôi” (nguyên văn: “I love you, darling”), bên đầu dây bên kia bà Ngoại Trưởng Clinton cũng đáp lại bằng câu “I love you, too”, kèm theo tiếng cười thật rộn rã.
Nhưng mối quan hệ nồng ấm này đang ở chỗ đầy khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là chính ông Biden và dàn tham mưu chính trị của ông tỏ vẻ bực bội khi thấy ông bà Clinton tìm đủ mọi cách để thu hút sự chú ý của mọi người cũng như tìm cách lôi cuốn những chính trị gia cốt cán trong đảng, kế đến là nhiều vị thượng nghị sĩ công khai lên tiếng nói sẽ ủng hộ bà Clinton, đi kèm theo đó là một số tổ chức vận động tranh cử được thành lập với mục đích kêu gọi cử tri tham gia kế hoạch thúc đẩy bà cựu ngoại trưởng ra tranh cử tổng thống. Bực bội hơn nữa là dàn cố vấn của ông Biden -và cả cá nhân ông- thắc mắc không hiểu tại sao một vị phó tổng thống thường xuyên can dự vào những quyết định liên quan đến chính sách quốc gia lại bị “lép vế” trước một vị ngoại trưởng, chưa kể đến luật bất thành văn của chính trường Hoa Kỳ là “nếu phó tổng thống ra tranh cử thường không bị người cùng đảng cản đường”, lần này, chưa biết liệu ông Biden có muốn tranh cử tổng thống hay không nhưng nhân vật đang được cả nước nói đến, chú ý đến và mong chờ chính là bà Clinton, “chứ không phải người đang giữ vai trò phó tổng thống”, theo lời một viên chức cao cấp từng làm việc dưới quyền ông Biden ở Thượng Viện trước khi theo ông sang Tòa Bạch Ốc.
Viên chức này nói thêm trước đây các ông phó như Walter Mondale, George Bush và Al Gore ra ứng cử “được toàn đảng đứng phía sau ủng hộ”, bây giờ “mọi người trong đảng đều nghĩ tới bà Clinton chứ không ai nghĩ đến ông Biden cả”. Khi được yêu cầu đưa ra dẫn chứng, viên chức này nhắc lại chuyện hồi đầu năm người trong đảng đã dựng website mang tên www.Ready4Hillary.org thúc giục bà cựu ngoại trưởng “nên nghĩ đến quyền lợi của quốc gia và của đảng”, đến Mùa Thu tới lượt Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer của tiểu bang New York kêu gọi cử tri Dân Chủ “phải cùng nhau thúc đẩy bà Clinton ra tranh cử, để đảm bảo ghế tổng thống không lọt vào tay đảng Cộng Hòa”. Sau ngày ông Chris Christie tái đắc cử thống đốc New Jersey -và ngay cả sau này khi ông Christie bị chỉ trích về xì căng đan “bridgegate”, lượt giới truyền thông đua nhau làm những cuộc thăm dò, tìm hiểu xem giữa “ông Cộng Hòa Christie” và “bà Dân Chủ Clinton” ai được cảm tình của cử tri hơn, “tuyệt nhiên không có một cuộc thăm dò dư luận nào nhắc đến tên Phó Tổng Thống Biden”.
Dù biết mình không phải là “nhân vật của quần chúng” và dù bà phát ngôn viên Kendra Barkoff của ông thường nói “Phó Tổng Thống Biden không nghĩ gì khác hơn vai trò ông đang nhận lãnh và tìm cách chu toàn vai trò này”, nhưng ông Biden vẫn nuôi hy vọng, hoặc nói như một nhân viên từng làm việc với ông là “luôn luôn phải tiến bước, không thể bỏ cuộc”. Ông ghé Iowa thảo luận với các viên chức lãnh đạo đảng tại địa phương, tiếp xúc với cử tri ở South Carolina, nhận lời vận động tranh cử thống đốc cho ứng viên Terry McAuliffe ở Virginia, sau đó quay lại Iowa để trình bày quan điểm về viễn ảnh thị trường lao động và kinh tế quốc gia. Tất cả những cuộc tiếp xúc đó “nhắm vào điểm duy nhất là muốn mọi người hiểu ông ta là một nhân vật không thể bỏ qua được cho cuộc bầu cử 2016”, theo nhận xét của nhà phân tích Joshua Einstein, “cho dù chưa biết ông ta có ra tranh cử hay không”. Ông Einstein bảo thêm “ông Biden muốn duy trì quan hệ chính trị với mọi thành phần của đảng, không muốn để cho gia đình Clinton lấn át, muốn giữ vai trò chủ động”, đang chờ “đúng thời điểm thuận lợi nhất để thông báo ra ứng cử tổng thống, hầu như chắc chắn ông ta phải làm điều này trước khi bà Clinton loan báo cho mọi người biết là bà sẽ dự cuộc đua”.
Trong thời gian chờ đợi, tất cả các quan sát viên chính trị ở thủ đô Washington D.C. đều công nhận Phó Tổng Thống Biden chứng tỏ cho mọi người thấy “ông đúng là một chính trị gia lão luyện”, khéo léo “không để lộ sự bực bội” khi thấy ai nấy đều chú ý đến bà Clinton, đã thế, có lời đồn đãi trong chính trường cho rằng ông từng tâm sự với các nhân viên dưới quyền rằng ông hiểu hướng đi của lịch sử: “Ðã đến lúc người dân Hoa Kỳ muốn thấy người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống”. Không biết tin đó đúng sai như thế nào, nhưng đã có người hiểu rằng ông nói điều này “chỉ để bắn tiếng cho những người thân cận biết là có thể ông sẽ không ra tranh cử, chấp nhận nhường vị trí lịch sử cho bà Clinton”, người phụ nữ những năm vừa qua nổi tiếng thế giới trong vai trò ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Bà “Ngoại” Clinton càng được ngợi khen nhiều bao nhiêu thì những nhân viên dưới quyền của ông “Phó” Biden càng khó chịu bấy nhiêu, bằng chứng là dưới hình thức này hoặc hình thức khác, họ cho biết ngay giới truyền thông cũng không công bằng với nhân vật đang đứng thứ nhì trong hệ thống lãnh đạo quốc gia. Tin rò rỉ từ phía ông Biden cho hay kế hoạch rút quân Iraq “không hề được trao cho bà Clinton mà trao cho ông Biden thực hiện”, kế hoạch tìm hòa bình cho Trung Ðông “cũng là sáng kiến của ông Biden”, ngay cả việc soạn kế hoạch rút quân khỏi chiến trường Afghanistan “cũng được trao phó cho ông Biden”. Về mặt đối nội, “Tổng Thống Obama yêu cầu Quốc Hội chuẩn thuận 879 tỷ dollars kích cầu kinh tế và ông Biden là người được giao trách nhiệm điều hành chương trình này” nhưng “hầu như báo chí chẳng nói gì tới”, theo một viên chức thân cận với ông Biden.
Ngay cả chuyện bà Ngoại Trưởng Clinton bay gần 1 triệu miles thường xuyên được giới truyền thông Hoa Kỳ nhắc nhở đến cũng khiến cho bên ông Biden không vui, cho rằng báo chí “đã nói một chiều, quên đi chính ông Biden cũng bay hơn 700,000 miles để làm việc cho quốc gia”. Người nói điều này là ông John Marttila, từng giữ vai trò cố vấn cho ông Biden trong nhiều năm trời, “nếu xem lại những chuyến đi, phải công bằng mà nói ông Biden giữ vai trò quan trọng hơn nhiều, hay ít nhất cũng bằng với bà Clinton chứ không thể kém hơn được”. Một phụ tá của ông Martilla cũng kể lại trong 4 năm trời làm việc chung, “chỉ có một lần Phó Tổng Thống Biden và bà Ngoại Trưởng Clinton không đồng ý với nhau, đó là lần ông Biden không muốn đưa thêm quân vào Afghanistan nhưng bà Clinton lại ủng hộ đề nghị đưa thêm ít nhất 30,000 quân sang để ổn định chiến trường”. Những lần khác, “ông Biden và bà Clinton thường có ý nghĩ giống nhau, làm việc chung với nhau, tìm cách thuyết phục tổng thống chấp thuận đề nghị của họ”.
Dàn tham mưu của Tổng Thống Obama cũng nhìn thấy điều đó. Có lần ông cố vấn David Plouffe kể cho mọi người nghe “trong chính phủ, thân nhau nhất là ông Phó Biden và bà Ngoại Trưởng Clinton”, nhìn nhận “họ thân với nhau hơn thân với tổng thống hay anh em tụi tôi”. Cựu Thượng Nghị Sĩ Ted Kaufman kể lại sau khi ông Biden được chọn đứng chung liên danh, “Tổng Thống Obama nhờ người đứng phó cho ông ta liên lạc với bà Clinton, giúp tìm cách hàn gắn vết thương chính trị sau cuộc tranh cử sơ bộ 2008. Ông Biden là người đầu tiên bà Clinton gặp sau khi bà tuyên bố bỏ cuộc và chính bà từng nói với mọi người là bà rất vui khi nghe tin ông Biden được chọn đứng trong liên danh đại diện cho đảng”. Lý do: Bà nói “anh Biden là người của mình.”
Ðến giờ cả ông Biden lẫn bà Clinton vẫn chưa ai tuyên bố có ra tranh cử tổng thống hay không. Cả hai đều nằm trong danh sách ứng viên sáng giá nhất của đảng Dân Chủ, và cả hai đều có những lợi điểm chính trị mà những người khác không có. Nếu ra tranh cử, ông Biden sẽ phải nghĩ đến hình ảnh của năm 2007 ở Iowa khi ông đứng nhìn đoàn xe buýt nườm nượp chở người ủng hộ bà Clinton và hình ảnh lịch sử này có thể sẽ tái diễn nếu 2 người là đối thủ của nhau. Với bà Clinton, có lẽ bà cũng sẽ nghĩ đến năm 2007 khi cả nước Mỹ đều tin ghế tổng thống chắc chắn là của bà, hầu như ít ai ngờ cuối cùng lại lọt vào tay người khác. Lần này mọi người đều nghĩ bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, nhưng chính bà cũng hiểu chuyện lịch sử tái diễn là điều rất thường xảy ra.
Trong hai người ai sẽ ra tranh cử? Ai hơn ai?
Các nhà quan sát chính trị đều tin nội trong năm nay cử tri Hoa Kỳ sẽ có câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên, nhưng ngần ngại không muốn vội đụng tới câu hỏi thứ nhì. Khi bị đẩy tới chỗ phải trả lời, họ chỉ nhắc lại chuyện xảy ra hồi 2008 ở Nashua, New Hampshire, khi một cử tri nói với ông Biden là “vui mừng khi thấy ông Obama chọn ông đứng phó thay vì chọn bà Clinton”. Nghe xong, ông Biden ngỏ lời “cám ơn các bạn đã tin tưởng ở tôi” nhưng cũng nói ngay “đừng quên bà Clinton tài năng bằng tôi hay hơn cả tôi. Tôi xin nói rõ hơn như thế này: Có thể bà là người xứng đáng được (ông Obama) chọn hơn là tôi”.