Sau Tháng Tư, 1975 tại miền Nam, “công an khu vực” công khai “tự nhiên” vào thẳng từng nhà, soi mói, kiểm soát mọi việc với cái nhìn của cú, con mắt của cú đối với con người là nỗi sợ hãi kinh hoàng, để báo cáo mọi việc lên cấp trên, trấn áp nhân dân để bảo vệ cường quyền.
Tôi ở trong quân đội 11 năm, trong đời lính, điều tôi sợ nhất là phải ở trong trại gia binh, và cũng may mắn là chưa bao giờ phải lâm vào cảnh ấy. Vì nhu cầu ăn ở, mà đơn vị thì nghèo phương tiện, trại gia binh thường được xây dựng sơ sài, mỗi căn nhà dành cho mỗi gia đình thường chỉ ngăn cách bởi những tấm gỗ, có khi được tháo ra từ những thùng gỗ pháo binh, chắp nối, hay thùng chở vật liệu quân đội, có khi chỉ là những tấm carton sơ sài, được dán che lên bằng những tấm hình của những đào kép cải lương sặc sỡ, cắt ra từ mớ tạp chí bán ve chai ngoài phố. Như vậy dù không chung nhà, cũng bị cái cảnh “chung vách!”
(Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Trong hoàn cảnh như thế, ở gần nhau, không còn điều gì để riêng tư, giấu giếm, từ tiếng nồi cơm đang sôi hay mùi cá kho trên bếp lửa, lớn như tiếng trẻ con khóc, tỉ tê như tiếng thì thầm bên gối hay tiếng vợ chồng cãi cọ, đánh đấm nhau, thì sáng ra cả... làng đều hay. Hồi ở Ban Mê Thuột, có hai ông đại úy, ở trong một trại gia binh chung vách, gần nhau sát sạt, đi ra đằng trước cũng thấy nhau, vòng lại đằng sau cũng gặp mặt, nên lửa gần xăng lâu ngày cũng cháy, cuối cùng một ông lãnh đạn của ông kia vì tội ngoại tình với bà vợ hàng xóm.
Quý bà thì hay nhìn chuyện nội bộ, đi chợ về làm sao tránh được cặp mắt của bà hàng xóm ân cần nhìn vào cái giỏ đi chợ của mình. Hôm nay nhà chỉ có món rau muống, cá kho tầm thường hay mua được con gà, miếng thịt heo sang trọng, cũng có người hay biết. Nhưng chuyện ăn uống là nhỏ, chuyện xảy ra trong mỗi gia đình mới là việc lớn. Trong một không gian nhỏ hẹp, hàng ngày trông thấy nhau, tìm câu chuyện làm quà không gì hơn là kể chuyện thiên hạ. Người “ngồi lê đôi mách” thường phấn khởi và say sưa khi nói chuyện về người khác.
Chúng ta hẳn đã bực mình khi có người ngoài tọc mạch, nhòm ngó chuyện nhà riêng tư của mình để đem ra trình báo với thiên hạ, nhưng ví thử chúng ta phải chịu đựng một kẻ ngồi ngay trong nhà mình, nghe hết chuyện vui buồn, no đói, xấu tốt suốt năm của vợ chồng, con cái nhà mình rồi cuối năm đem đi “trình bẩm” với cấp “thẩm quyền” rành rọt, ngọn ngành không sót một chi tiết, lại ghi trên giấy trắng mực đen, thử nghĩ bạn có “điên tiết” lên không. Vậy mà tôi thấy không! Không những không cảm thấy thương tổn, bị xúc phạm, bực mình mà bạn còn ve vuốt, hối lộ, cung kính, khúm núm với những nhân vật như thế.
Ðó là văn hóa “Táo Quân” mà chỉ mới mấy hôm trước đây, nhiều gia đình đã nhang đèn, khấn vái xuýt xoa, lại hối lộ phương tiện, áo quần, tiền bạc đút lót cho những “Ông Táo,” tức là những người chỉ có một nghề chuyên môn và duy nhất, hành sự mỗi năm là về Trời, tức là về Thiên Ðình báo cáo hết chuyện nhà mình. Nghèo thì cũng có vàng mã, “thèo lèo, cứt chuột” đưa tiễn, giàu thì mâm cao cổ đầy, áo mũ cân đai để đưa các ông, một loại hối lộ công khai, và một loại văn hóa ca tụng những “mật báo viên!”
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt số phận cho gia đình, nên cung kính thờ phụng, mong ngày 23 Tháng Chạp hằng năm, Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Ðế (hay ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công.
Người Hoa cũng có Thần Bếp nhưng không có chuyện rắc rối “hai ông, một bà,” như chuyện “Ông Táo” trong cổ tích Việt Nam. Ba nhân vật có mối tình thâm nghĩa nặng là nàng Thị Nhi và hai chàng Trọng Cao, Phạm Lang: “Nàng bỏ chàng, sau đó kết duyên với một người đàn ông khác, rồi định mệnh xô đẩy ba người cùng chết chung trong một đống lửa, được Ngọc Hoàng cho họ ở cùng một chỗ và làm Táo Quân, quấn quýt bên bếp hồng.” Câu chuyện “tình thâm nghĩa nặng” này hình như chẳng liên quan gì với nhiệm vụ báo cáo chuyện nhà người ta lên Thiên Ðình, mà trong chế độ Cộng Sản được hiểu là, gần thì đồn công an, phường khóm, cao hơn là công an hay Bộ Chính Trị.
Chuyện này làm chúng ta nhớ lại, dưới chế độ của XHCN miền Bắc, Cộng Sản đã đào tạo những mật báo viên “Khăn Quàng Ðỏ,” “Thiếu Niên Tiền Phong” thay thế cho tai mắt công an để kiểm soát hành động của từng gia đình, ngăn ngừa phản động, chống phá chính quyền. Chế độ này sinh ra cảnh con cái tố mẹ cha, vợ tố chồng và thanh thiếu niên dưới chế độ Cộng Sản đã được dạy làm thế ngay từ khi bé, như nhân vật Shin trong cuốn sách “Escape From Camp 14” từ Bắc Hàn đã tố cáo với công an trại tù, sau khi nghe trộm mẹ và anh trai của mình bàn nhau kế hoạch trốn trại. Kết quả Shin chứng kiến mẹ và anh của mình bị xử tử công khai và trong đầu óc thằng bé lúc đó, nghĩ là họ có tội.
Ở trong các nhà tù, phải nói rõ là trong nhà tù Cộng Sản, bọn cai tù thường dùng “mật báo viên,” nôm na gọi là những tên “ăng-ten” để canh dò, báo cáo hành động và lời nói của các tù nhân. Trại tù, công ty, cơ quan nhà nước tuy không thờ Táo Quân, nhưng luôn luôn có bọn luồn lọt, tâng công để báo cáo xấu về anh em, đồng nghiệp của mình hầu kiếm chút ân huệ cho cá nhân mình.
Sau Tháng Tư, 1975 tại miền Nam, “công an khu vực” công khai “tự nhiên” vào thẳng từng nhà, soi mói, kiểm soát mọi việc với cái nhìn của cú, con mắt của cú đối với con người là nỗi sợ hãi kinh hoàng, để báo cáo mọi việc lên cấp trên, trấn áp nhân dân để bảo vệ cường quyền. Nhiều gia đình phải hối lộ, cho tiền mỗi khi họ “tự nhiên như người Hà Nội,” công khai vào nhà xin tiền để “về Bắc thăm nhà,” sửa xe hay đi công tác, không khác gì người Việt quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Ðế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở trong nhà mình, nên tiễn đưa ông Táo rất thịnh soạn, với mong muốn là Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp, mà bỏ qua hoặc lơ đi những điều không tốt cho gia đình mình, một loại văn hóa hối lộ được phổ biến.
Mỗi năm, vào ngày 23 Tháng Chạp, không biết nguồn gốc này phát xuất từ văn hóa Giao Chỉ, Trung Hoa hay Ấn Ðộ, chúng ta phải cúng kiếng, tiễn đưa quý “đồng chí” nằm vùng, ngự trị ngay trong ruột gan mình, tức là cái bếp nhà, để đi báo cáo chuyện gia đình mình với cấp chỉ huy hay lãnh đạo tuốt trên mấy tầng trời, tôi không khỏi không nhớ đến chế độ “công an trị” đã đè nặng trên dân tộc mình suốt mấy mươi năm nay.
Báo chí Việt Nam, mỗi năm vào những ngày giáp Tết đều có đăng những bài Sớ Táo Quân kể lể chuyện trần thế, trên màn ảnh truyền hình, sân khấu thì dựng hài kịch Ông Táo về Trời làm “rapport” (hay report) chuyện nước non, nhưng thực sự văn hóa Táo Quân đích xác là chuyện Vua Táo nằm vùng trong xó bếp, chuyên rình mò chuyện nhà (gia chủ đã nuôi nấng, thờ phụng Táo ăn ở suốt năm) lên Thiên Ðình báo cáo mọi việc. Loại văn hóa này không đáng cho chúng ta ca ngợi, phổ biến như chúng ta đã có thói quen làm, có lẽ từ cả nghìn năm nay!