main billboard

“Cuộc cách mạng mà lớp người chúng tôi đã tham gia 60-70 năm trước nay đã bị phản bội một cách trắng trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu toàn dân chỉ là chiêu bài để tư hữu hóa, tư nhân hóa, biến của chung thành của riêng.”


danoan bieutinh nhathoducbaDân oan biểu tình ở nhà thờ Đức Bà

Ngày 31 tháng 12 một nhóm dân oan thông cáo thành lập Ban Vận Ðộng Hiệp Hội Dân Oan Việt Nam. Thông cáo này được gửi đến chủ tịch Quốc Hội và bộ trưởng Bộ Nội Vụ.

Cụ Lê Hiền Ðức, 84 tuổi, một công dân đấu tranh bảo vệ dân oan, chống tham nhũng trong nhiều năm qua, nhân vật được giải thưởng Liêm chính của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế, được mời làm chủ tịch Ban Vận Ðộng.

Ðây là một khởi đầu rất tốt và bước tiếp theo còn phải làm nhiều việc về mặt tổ chức.

Danh chính ngôn thuận, thực ra dân oan tập hợp lại với nhau đã từ lâu, khác chăng là bây giờ ở trong một tổ chức. Việc thông báo cho chính quyền là việc nên làm, bởi vì họ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, hiến pháp cũng bảo hộ quyền được lập hội. Cái khó là nhà nước này đã không định chế hóa bằng luật quyền của công dân được lập hội như thế nào. Sự chần chờ dai dẳng này chính là thái độ vô trách nhiệm và láu cá của một nhà nước độc tài toàn trị. Cũng giống như luật biểu tình. Khi có luật và nếu tuân thủ các điều kiện, người dân sẽ được biểu tình công khai. Họ sợ. Sợ rằng, từ thành lập hội đến đảng phái chính trị chỉ là biên giới mong manh. Mọi tổ chức nằm ngoài kiểm soát của đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) đều ít nhiều có nguy cơ đe dọa quyền lực.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, vấn đề dân oan trở thành chủ đề nhức nhối của chế độ. Quyền sở hữu đất đai được giao cho nhà nước, mà thực chất là trao cho những quan chức có quyền, nằm trong các nhóm lợi ích, thân hữu. Nhân danh sở hữu nhà nước, nhân doanh “sở hữu toàn dân”, họ có thể thu hồi, cưỡng đoạt bất kỳ mảnh đất nào, cho dù nhiều khi mảnh đất ấy đã tồn tại qua nhiều đời, người dân đã gắn bó mật thiết với nó, là nguồn sống duy nhất.

Từ chính sách sở hữu đất đai bất hợp lý mà quan lại lộng quyền, đền bù không thỏa đáng hoặc cướp không, gây ra không biết bao nhiêu thảm kịch trên khắp ba miền. Người nông dân đã nổ súng hoa cải chống lại sự cưỡng chế thu hồi đất bất công ở Tiên Lãng Hải Phòng. Anh Ðặng Ngọc Viết đã bắn chết quan chức và kết thúc cuộc đời bằng tự sát. Bà Ðặng Thị Kim Liên tự thiêu vì uất ức. Hai mẹ con bà Phạm Thị Lài khỏa thân giữ đất đến cùng. Những mảnh đời thân tàn ma dại, hoặc chết tức tưởi như bà Hà Thị Nhung, hoặc lang thang, trở thành những người vô gia cư từ lúc mái tóc còn xanh đến lúc đã bạc phơ trong các công viên Mai Xuân Thưởng, Lý Tự Trọng, nơi gần sát cơ quan tiếp dân.

Vụ nhà nước sử dụng hàng ngàn quân đội, công an đàn áp, cưỡng chế đất Văn Giang hồi tháng 4 năm 2012 giao cho doanh nghiệp tư nhân đã lột trần mối quan hệ mờ ám giữa chính quyền và doanh nghiệp tư nhân. Lợi ích không nằm trong tay một người mà cả một nhóm, những kẻ chỉ biết khai thác lợi lộc, bất chấp đời sống của nhân dân ra sao.

Chính từ vụ cưỡng chế này, cụ Lê Hiền Ðức đã nhìn nhận rõ bộ mặt phản cách mạng của nhà cầm quyền. Bà viết trong bài “Phản cách mạng đã rõ ràng”:

“Ðảng Cộng Sản và nhà nước CHXHCN Việt Nam thừa nhận ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất chồng chéo, rắc rối, có nhiều thiếu sót và mâu thuẫn nhau. Nhưng ai là tác giả của chúng? Chính là họ. Ai được hưởng lợi từ chúng? Cũng chính là họ.”

“Cuộc cách mạng mà lớp người chúng tôi đã tham gia 60-70 năm trước nay đã bị phản bội một cách trắng trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu toàn dân chỉ là chiêu bài để tư hữu hóa, tư nhân hóa, biến của chung thành của riêng.”

“Qua việc ‘tích cực’, ‘hăng hái’ tham gia các vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai đối với người dân, những lực lượng mang danh ‘Ủy ban nhân dân’, ‘Công an nhân dân’, ‘Quân đội nhân dân’, ‘Viện Kiểm Sát Nhân Dân’, ‘Tòa án nhân dân’... ở Việt Nam đã nghiền nát, phá sạch, đốt sạch chữ ‘nhân dân’ trong cái tên của chúng.”

“Ðã sống qua thời Việt Nam còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn vụ chính quyền ‘của dân, do dân, vì dân’ cưỡng chế, thu hồi đất đai, nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song tôi chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế, với quy mô lớn như thế”!

Nhà văn, Ðại Tá Phạm Ðình Trọng viết trong bài “Thâu tóm đất đai”:

“Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện đất đai kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm hư hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người đơn độc không thể làm được mà phải là cả một hệ thống quyền lực nhà nước. Thâu tóm đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối lập với dân, làm tha hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ tiêu thế mạnh của những vùng đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.”

“Thâu tóm đất đai đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả qui hoạch tổng thể, hợp lý của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng lại chưa được coi là tội phạm nên thâu tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ hàng chục năm nay và đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp trên cả nước.”

Theo con số chính thức của nhà nước thì đội quân “dân oan” trong cả nước lên tới hàng triệu. Chỉ trong vòng 4 năm 2008-2011 đã có hơn 1.57 triệu lượt người đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, với gần 673 nghìn đơn thư, trong đó, trên 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai. Lực lượng này nếu tập hợp có tổ chức, có lãnh đạo và bài bản trong việc đòi quyền lợi, thì sẽ là một lực lượng to lớn, chính đáng, không phải nhằm lật đổ chế độ, mà là đối lập với chế độ trong các vấn đề chính sách, đặc biệt là đất đai.

Từ trước đến nay các cuộc khiếu kiện, thậm chí phản kháng của dân oan đều trong tình trạng tự phát, gồm khoảng vài chục, đôi lúc vài trăm người, tuy cũng có sự hướng dẫn trong các việc kẻ biểu ngữ, mặc đồng phục nhưng lộn xộn, quân hồi vô phèng, bị đàn áp là rã đám. Cần phải có chỗ dựa rộng lớn, phải có ngọn cờ mà cụ Lê Hiền Ðức, trước mắt xứng đáng với vai trò này, vì tuổi cụ đã cao. Cần phải xây dựng một hiệp hội rộng lớn, bao gồm các tỉnh thành trong cả nước, có ban lãnh đạo liên kết hành động. Chấm dứt những cuộc khiếu kiện rời rạc, chỉ khoảng vài chục người, thuận tiện cho việc trấn áp, hốt lên vài chuyến xe bus của nhà cầm quyền. Hãy dẹp bỏ hình thức mang theo cờ đảng hay ảnh chân dung Hồ Chí Minh đi đòi đất vì đấy chính là nguồn gốc mọi tai ương hiểm họa của chính sách sở hữu đất đai.

Thực ra, nhà cầm quyền không thể nào vì tác động của các cuộc biểu tình mà sẽ xem xét công minh tất cả các khiếu kiện của hàng triệu người. Có những sự việc đã rồi, dự án đã thực hiện, tiền bạc đã trót ăn chia. Mọi khiếu kiện đòi hỏi phải được giải quyết qua con đường tòa án chứ không phải qua bất kỳ cơ quan hành chính nào. Cần phải thống nhất rằng, đi biểu tình là đòi bình đẳng xã hội, chống tham nhũng, lạm quyền, bất công và đòi thay đổi quyền sở hữu đất đai bất hợp lý. Trong mục đích chung có cái cá nhân nhỏ bé của mình.

Ðội ngũ dân oan, nói cho cùng cũng chỉ chiếm thiểu số trong hơn 70% nông dân sống ở nông thôn, cam chịu chấp nhận chế độ này.

“Mâu thuẫn giữa người dân với kẻ rắp tâm ăn cướp đất đai, tài sản của họ đã lên tới đỉnh điểm, đã tới mức không thể dung hòa. Trong cuộc đấu tranh giữ lấy đất, giành lại đất, có thể nhân dân phải tạm lui bước vào lúc này, lúc khác, tại nơi này, nơi khác, song chắc chắn họ sẽ thắng, như bao đời nay vẫn thế! ‘Phúc chu thủy tín dân do thủy’ - Thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Cứ cái đà này thì ngày ấy chẳng còn xa...” - Cụ Lê Hiền Ðức viết.

Nhưng tôi tin rằng, nếu không có ý thức chính trị dứt khoát, không có sự đoàn kết của dân oan khắp cả nước với sự hỗ trợ của nhân sĩ, trí thức, không tập hợp trong một tổ chức bền vững, đội ngũ dân oan vẫn sẽ chỉ là đối tượng bị coi thường, bị đẩy ra lề xã hội, và suốt đời là những kẻ ăn mày chuyên nghiệp.