main billboard

“Xuân Nhớ Chiến Sĩ” là chủ đề không thể thiếu trong các ngày xuân.


Ngày xưa ở nhà, cứ đến gần Tết chúng ta lại được thấy khắp nơi tổ chức “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” để hỗ trợ cả tinh thần lẫn tài chánh các gia đình binh sĩ. Phong tục rất đẹp ấy không còn nữa, nhưng chúng ta vẫn nghe thấy câu nói quen thuộc “Vui Xuân Không Quên Chiến Sĩ!” Ngày nay, nhiều khi chỉ là lời nói đùa, nhưng giọng trìu mến thiết tha thì không lầm được.

Quỳnh Giao cảm thấy sự trìu mến ấy khi nhớ lại là các nhạc sĩ của chúng ta đều soạn ca khúc về Xuân trong đó có hình ảnh người lính chiến. “Xuân Nhớ Chiến Sĩ” là chủ đề không thể thiếu trong các ngày xuân.

Có lẽ người đầu tiên viết ra điều ấy từ thời Tiền Chiến là một nhạc sĩ có tài mà nhiều người bây giờ đã quên mất rồi.
Ðó là Ngọc Bích và bài “Xuân Nhớ Chiến Sĩ”, trong sáng và tha thiết trên nhịp Slow âm giai Trưởng, với những câu như “Chim ca vang mừng Mùa Xuân sang, trong gió Xuân lòng nhớ mong chàng”, hay “ Em yêu ai lạnh lùng biên cương”... Khi còn bé, người viết thích được nghe các cô Mộc Lan, Tâm Vấn trình bày ca khúc này với giọng lảnh lót đáng yêu.

Về sau, vào một dịp cuối năm ở hải ngoại, ban nhạc Star Band của Ngọc Bích với Bác Sĩ Phạm Gia Cổn cùng các bạn nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Lê Quang Anh, Nguyễn Ðức Lưu và cả Trần Trịnh vừa mới sang được Hoa Kỳ đã tổ chức một đêm hát cho nhau nghe nhạc Ngọc Bích. Lần đó, có Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao. Dĩ nhiên là người viết chọn hát “Xuân Nhớ Chiến Sĩ” sau khi hát “Ðôi Chim Giang Hồ” cũng là bài mình yêu thích.

Mà nhạc của Ngọc Bích thì bài nào cũng thích cả! Ðầy chất lãng mạn, có nét gì đó rất mới, rất văn minh. Thời nay hát lại vẫn thấy hợp thời, không cũ kỹ, già nua như nhiều ca khúc tiền chiến. Ban Star Band ngày nào giờ đây thiếu vắng vài người rồi. Nghĩ đến lại thấy ngậm ngùi.

Sáng tác cho lính cũng là sở trường của Trần Thiện Thanh.

Ông có bài “Ðồn Vắng Chiều Xuân” hay và đẹp. Hình ảnh như câu hỏi, “nếu mai chưa nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa?” ghi đậm nỗi thương yêu chan chứa gửi người lính chiến ngoài biên khu. Tuy viết trên điệu Bolero, ca khúc nghe rất sang chứ không rẻ tiền như nhiều bài Boléro khác. Mỗi dịp Xuân về, người trình bày hay nhất chính là tác giả trên làn sóng của đài phát thanh Quân Ðội.

Người viết nhớ mãi năm Mậu Thân 68, tiếng súng ì ầm hàng đêm và giờ giới nghiêm rất sớm. Vậy mà hàng ngày cùng với chị Mai Hương, anh Thanh Vũ và em gái Nhật Trường là Như Thủy lên đài Quân Ðội ghi âm những ca khúc chiến dịch trong ban “Tiếng Hát Ðôi Mươi” của anh Nhật Trường. Sau đó thì thu ngoại cảnh cho chương trình của anh trên đài TV tại quân trường Thủ Ðức. Quỳnh Giao cả sợ khi phải chạy qua hàng rào sắt với tiếng đạn mã tử nghe như thật. Sợ quá, không chạy nổi khiến đoàn quay phim cười ầm!

Nhật Trường và Thanh Vũ đã ra người thiên cổ, Như Thủy còn ở Việt Nam. Giờ đây, ban “Tiếng Hát Ðôi Mươi” ngày xưa chỉ còn Mai Hương và người viết. Nghĩ đến lại thấy ngậm ngùi...

Nhớ chiến sĩ vào dịp Xuân về, không thể quên “Phiên Gác Ðêm Xuân” của Nguyễn Văn Ðông. Mở đầu đã thấy thương cảm ở câu “Ðón giao thừa một phiên gác đêm”. Chúng ta chạnh lòng nhớ người lính gác súng vào đêm trừ tịch trong đồn lính ở nơi xa xôi quạnh quẽ và nhớ ý thơ éo le ở câu kết “nếu Xuân về tang thương khắp lối... thì đừng đến Xuân ơi”...

Giọng pha lê của Hà Thanh qua làn sóng điện đã làm ấm lòng các chiến sĩ mỗi Mùa Xuân nhờ ca khúc này.

Tuy không có chữ “lính” hay “chiến sĩ” trong tựa đề, “Mộng Ðêm Xuân” của Tuấn Khanh cũng viết cho lính. Ðoạn chuyển khúc của ông có câu: “Người chiến sĩ mắt sáng ngời nghe tin Xuân đang về ngàn nơi”. Bài hát là mộng đoàn viên êm ấm với gia đình khi Mùa Xuân đến. Viết trên nhịp Boston 3/4 dìu dặt, ca khúc được Duy Trác hát lên nhẹ nhàng, mơn trớn và đến nay vẫn là kỷ niệm đẹp.

Trịnh Lâm Ngân là bút hiệu chung của Trần Trịnh, Lâm Ðệ và Nhật Ngân. Họ cùng nhau sáng tác nhiều ca khúc ăn khách đã được thu thanh vào đĩa nhựa.

xuan nay con khong veBìa bản nhạc "Xuân Này Con Không Về" của Trịnh Lâm Ngân

Bài “Mùa Xuân Của Mẹ” có lời từ đáng nhớ, nhưng nổi tiếng nhất là bài “Xuân Này Con Không Về”. Nhạc đậm nét quê hương dân tộc qua giai điệu ngũ cung, lời ca thì đầy ý nghĩa. “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về, nay én bay về trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa...”

Bài hát quê hương này qua giọng Duy Khánh ngày xưa thật nỉ non, thê thiết. Giờ đây hai người viết là Trần Trịnh và Nhật Ngân đều đã ra đi. Người hát là Duy Khánh cũng từ giã chúng ta từ nhiều năm qua. Nghĩ lại càng thấy ngậm ngùi...

Bản Xuân ca hay và nổi tiếng nhất của chúng ta chính là “Ly Rượu Mừng” của Phạm Ðình Chương, với những lời chúc tụng đầy đủ nhất đến tất cả mọi người mọi giới Sĩ, Nông Công Thương. Nhưng, lời chúc ý nghĩa và dài nhất là gửi cho các chiến sĩ. “Rót thêm tràn đây chén quan san, chúc người binh sĩ lên đàng. Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình. Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt hoen lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương, bước con về hòa nỗi yêu thương...”

Dù đã có biết bao nhiêu người hòa ca bài “Ly Rượu Mừng”, người viết đặc biệt yêu thích nghe ca khúc này với ban hợp ca Thăng Long, nhất là giọng Hoài Trung ở câu kết: “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình dâng phơi phới...”

Ngày Tết không thể thiếu “Ly Rượu Mừng” dù tác giả đã giã từ chúng ta hơn 20 năm, và ban hợp ca Thăng Long chỉ còn có Thái Thanh hiện hữu mà thôi...