Những cố gắng để làm sao cho “politically correct”, để cho khỏi đụng chạm, đã làm hình ảnh của lễ Giáng Sinh ngày càng lu mờ.
Tôi có một người bạn tuy là dân Hoa Kỳ nhưng đã nhiều năm làm phóng viên cho một cơ quan thông tin Hoa Kỳ ở Luân Ðôn. Chúng tôi cứ đùa bảo cô là đã “trở thành dân bản xứ”. Giáng Sinh năm nay, cô về nước ăn Tết. Từ thành phố New York, cô đã gửi email cho bạn bè, than thở về Giáng Sinh ở Hoa Kỳ.
Lời than đầu tiên của cô là bầu không khí Giáng Sinh ở Luân Ðôn có vẻ Giáng Sinh hơn. Nhận xét của cô làm bạn bè ngạc nhiên. Ai chả thấy và biết là cả hai thành phố Luân Ðôn và Nữu Ước đều đầy những trang trí cho mùa Giáng Sinh. Trên thế giới này, ai mà không biết đến những trang trí của cửa hàng Macy's hay cây Giáng Sinh nổi tiếng của Trung tâm Rockefeller. Có lẽ nhiều người biết về những quang cảnh Giáng Sinh đó hơn là cây Giáng Sinh ở Quảng trường Trafalgar hay là trang trí ở con đường Oxford ở trung tâm Luân Ðôn.
Nhưng cô bạn của tôi giải thích là nếu nhìn xa hơn những cửa sổ ngoạn mục của Macy's thì chúng ta sẽ thấy một câu chuyện khác. Ðối với Hoa Kỳ, nhất là các đại doanh nghiệp của Hoa Kỳ, mọi sự không còn là Giáng Sinh nữa mà chỉ là “Happy Holidays”. Quảng cáo thì chỉ nói đến “Holiday Shopping”, những party ở các văn phòng cũng chỉ là “Holiday parties” và các cuộc trình diễn văn nghệ của các em học sinh ở các trường học vào dịp lễ Tết này đã luôn luôn là “Holiday concerts”. Cô bảo là về văn phòng của cơ quan truyền thông của mình ở New York khi trang trí cây Giáng Sinh thì đã có người hỏi “Thế đèn Menorah đâu?” Ðèn Menorah thực ra là của ngày lễ của Do Thái Giáo chứ nào có dính dáng gì đến Giáng Sinh.
Ở một khía cạnh nào đó, cô bạn của tôi đúng. Những cố gắng để làm sao cho “politically correct”, để cho khỏi đụng chạm, đã làm hình ảnh của lễ Giáng Sinh ngày càng lu mờ. Ở đa số các chỗ công cộng của Hoa Kỳ, vào mùa Giáng Sinh, ngọn đèn Menorahs và các cây hollies luôn giữ màu xanh đã xuất hiện khắp nơi. Ở một số nơi, nhiều trang trí bây giờ đã mất đi màu sắc của mùa Giáng Sinh, mà được thay thế bằng cảnh thần tiên của Mùa Ðông kiểu “winter wonderland”. Nhiều nơi họ chỉ dùng đèn màu bạc, vàng và trắng, chứ không thấy hai màu đỏ và xanh bình thường. Tóm lại, tuyết trắng thì được nhưng Santa thì không.
Một cuộc khảo sát hàng năm mới được đưa ra tuần này đã cho thấy người Mỹ phân vân đến mức nào khi được hỏi sẽ chúc người khác là “Merry Christmas” hay là “Happy Holidays”. Một nửa số người Mỹ được hỏi nói là họ thích Merry Christmas, còn một nửa nói họ chỉ thích Happy Holidays. Nhưng ở những nơi công cộng, tại các doanh nghiệp thì đến hai phần ba cảm thấy là tốt hơn hết là nên dùng lời chúc chung chung “Happy Holidays”. Theo họ, chọn như vậy chỉ là lịch sự trong một xã hội ngày càng đa dạng.
Cô bạn của tôi còn chỉ ra là những tấm thiệp mà cô nhận được là một bằng cớ hiển nhiên. Cô nói là số thiệp Giáng Sinh hay email nhận được nhân mùa lễ hội đa số chúc kiểu Happy Holidays, hòa bình, và chúc mừng năm mới, và câu mà cô bạn nói cô ghét nhất “Season's Greetings”. Cô bảo trong một cái email “Tại sao lại chào đón các mùa? Làm gì có chuyện chúng ta chào đón các mùa đâu?” Những tấm thiệp thường chỉ có những hình ảnh “trung dung” như “bao tay, trượt tuyết, hay quang cảnh tuyết phủ, và dĩ nhiên hình ảnh của các em bé xinh xắn hay các thú vật thật dễ yêu”. Cô than “Họ chúc tôi đủ thứ vui vẻ, hạnh phúc nhưng trừ Merry Christmas.”
Dĩ nhiên là vẫn còn rất nhiều “dấu vết” của Giáng Sinh ở Hoa Kỳ. Cũng có rất nhiều Santa và biết bao nhiêu là cây thông được bán ra, và đi quanh bất cứ một xóm nào, đặc biệt là ở vùng ngoại ô hay ở vùng nông thôn, thì ta thấy nhiều người đã có những cố gắng tột đỉnh để trang trí nhà cửa của họ. Nhưng ngay cả khi chào đón Giáng Sinh ở nhà, người Mỹ cảm thấy khó xử ở nơi sở làm hay ở trường học. Không ai muốn gây khó chịu cho bất cứ ai hay là muốn khẳng định về tín ngưỡng của một ai, nhất là ở sở làm.
Có thể là vì ở Hoa Kỳ, Giáng Sinh vẫn còn có một ý nghĩa tôn giáo quan trọng, mặc dầu phong trào thương mại hóa. Những người bảo thủ đã giúp củng cố thêm ý nghĩa này khi họ nói đến “một cuộc chiến đối với lễ Giáng Sinh”, có vẻ như đồng nghĩa với “một cuộc chiến chống lại Ki-tô Giáo”. Và từ đó, chúc ai Merry Christmas trở thành có ẩn ý chính trị.
Ở Anh thì khác hẳn. Hôm Giáng Sinh tôi ra đường đi bộ gặp ông hàng xóm mà tôi biết chắc là tín đồ Hồi Giáo vì ông bà đã từng mời chúng tôi ăn bánh ngày lễ Eid. Nhưng ông ta đã vui vẻ chúc tôi Merry Christmas trong khi tôi cũng chúc ông lại như vậy. Nghe thì cũng lạ khi một người Hồi Giáo chúc một Phật tử Merry Christmas, nhưng ở một khía cạnh nào đó, Christmas không còn có ý nghĩa tôn giáo thuần túy nữa. Người ta chúc nhau dầu cho họ có phải tín đồ Ki-tô-giáo hay không. Doanh nghiệp không ngần ngại gọi “Christmas sales” và dĩ nhiên ai cũng tổ chức “Christmas parties”.
Ðồng ý là cũng như cô bạn người Mỹ, tôi đã cố tình nói một cách tổng quát. Như những người bạn Anh của tôi vẫn thường nhắc, nước Anh cổ kính này đã chào đón một ngày lễ vào lúc tận cùng của Mùa Ðông, khi những mầm của Mùa Xuân bắt đầu, từ lâu trước khi Giáng Sinh đến đây. Và dĩ nhiên cũng có những chỗ ở Anh Quốc, như ở thành phố Birmingham chẳng hạn, nơi người ta cương quyết chỉ có lễ Winterval, lễ hội Mùa Ðông.
Nhưng dầu sao, nói chung chung, hai xã hội có cùng một nguồn gốc đã chọn hai con đường khác nhau, người Mỹ đã chọn cách trung dung hóa lời chúc ngày lễ, trong khi người Anh chọn làm cho Giáng Sinh mở ra cho tất cả mọi người.
Là một Phật tử sống trong một quốc gia với một quốc giáo thuộc Ki-tô-giáo, tôi thực sự cảm thấy thoải mái hơn với thái độ của người Anh. Khi một người bạn Anh của tôi chúc tôi Merry Christmas, chúng tôi hiểu đó là một lời chúc tốt lành cho một ngày lễ hội. Lễ hội đó có thể không thuộc tôn giáo của tôi nhưng tôi vẫn có thể chia sẻ được như là một thành phần của xã hội đa dạng này. Rồi khi đến kỳ lễ chúng tôi cũng vẫn có thể chúc nhau Happy Hanukkah, Happy Diwali hay Eid Mubarak. Và tháng tới đây, những người quen biết, bạn bè xóm giềng sẽ vui vẻ chúc tôi “Happy Tết” nếu họ biết, nếu không thì ít nhất cũng “Happy Chinese New Year”.
Mọi tôn giáo trong cái thời buổi hiện nay đều đã bị thương mại hóa. Cái cây xanh được đem vào nhà để mang lại sự sống trong những ngày đen tối giữa Mùa Ðông khi trời đất đều ảm đạm, cây cỏ trông như chết khô, nay đã trở thành những cây Noel được trồng thành đồn điền, theo đúng kích cỡ chờ đúng ngày đốn đưa ra chợ. Cành hollies màu đỏ chói ẩn trong đống lá xanh cũng là một biểu tượng của sự sống, hay của giọt máu Chúa Giê-su, nay đã được thay thế bằng những quả bằng nhựa cho bảo đảm khỏi bị rụng. Thánh Nicholas đã bị một quảng cáo biến thành Ông Già Noel.
Trong hoàn cảnh đó, chúc nhau một câu Merry Christmas cũng có sao đâu mà phải núp bóng “Happy Holidays”.