Cho nên, suy đi tính lại thì quà Giáng Sinh phổ biến nhất có lẽ là chai nước hoa, hay dầu thơm, dầu bông cho các bà.
Vào mùa lễ, cứ mở truyền hình là thấy quảng cáo nữ trang và nước hoa cho các bà. Còn nếu mở báo thì thấy quảng cáo đồng hồ cho các ông. Ngẫm nghĩ thì bao giờ các bà vẫn giữ lợi thế vì người ta xem TV nhiều hơn đọc báo. Mà đếm đi đếm lại thì đồng hồ quảng cáo cuối năm cho các ông đều là hạng sang. Toàn những thứ trang sức còn đắt hơn nữ trang cho các bà. Thí dụ như một chiếc Harry Winston của Mỹ còn đắt hơn cái xe mấy trăm ngàn và làm hạt kim cương của nhà Tiffany's phải bẽn lẽn!
Cho nên, suy đi tính lại thì quà Giáng Sinh phổ biến nhất có lẽ là chai nước hoa, hay dầu thơm, dầu bông cho các bà. Gợi ý các ông về việc mua quà xong, thì người viết trở lại ve dầu thơm, để các ông ngắm nghía cái đồng hồ rồi lắc đầu đặt xuống.
Mấy ngàn năm trước, nhân loại đã biết xức mùi thơm. Hình như sớm nhất là người dân vùng Nhị Hà của hai con sông lớn Tigris và Eurphrates. Dân Ai Cập cũng thế, họ sản xuất và buôn bán hương thơm trước Công Nguyên khá lâu. Văn hóa dân gian Trung Hoa thì kể chuyện Dương Quý Phi được vua Ðường Minh Hoàng sủng ái, nàng tắm trong bồn có rải hoa thơm để cơ thể tỏa hương. Nàng quý phi này là người của thế kỷ thứ tám cho nên so với các dân tộc Trung Ðông thì Trung Hoa coi bộ còn chậm tiến lắm!
Nói về nguyên ngữ của tên gọi, thì perfume hay parfum hàm nghĩa fumer, là khói.
Người xưa hun khói những chất có mùi thơm, và hương nhang như ta dùng thời nay có khi xuất phát từ đó, trên một dải đất trải dài từ Ðịa Trung Hải qua Trung Ðông tới Trung Á. Lịch sử có viết truyện ông Sĩ Nhiếp cai trị đất Giao Châu của ta vào thế kỷ thứ ba. Khi ông ra đường thì có các “Hồ tăng” cầm nhang thơm đi quanh kiệu. Hồ tăng ở đây có thể là nhà sư Ấn Ðộ. Như vậy, nhang cúng phải xuất hiện trước đấy rất lâu, từ vùng Ðịa Trung Hải hay Vịnh Ba Tư ngày nay rồi mới tỏa hương qua nơi khác.
Nhưng khác với thời nay, người xưa dùng chất thơm trong nghi lễ tôn giáo hoặc để ướp xác, và họ dùng dưới dạng thô sơ là xây xát các loại thực vật có hương thơm, trộn với keo hay mỡ để ướp hay để đốt. Mãi đến thời Trung Cổ thì mới chế thành dầu. Và chữ “dầu thơm” mà đồng bào miền Nam ta dùng quả là rất mới và chính xác. Tuy nhiên, trở thành nước trong một lọ như ngày nay thì phải đợi thêm ngàn năm.
Có lẽ dân tộc đầu tiên chế ra nước hoa để trong ve thủy tinh là người Hung Gia Lợi, sau khi Âu Châu biết chế ra cồn và cất nước hoa thành cồn thơm vào thế kỷ 14. Vì vậy họ mới có “nước thơm của nữ hoàng Hung” - Eau de la Reine de Hongrie.
Tuy vậy, “nước hoa” như ta gọi vẫn có cái gì đó không ổn vì người ta không chỉ dùng hoa mà còn lấy đủ mọi mùi khác, kể cả những mùi khó ngửi. Thí dụ như hạch bài tiết rất nặng mùi của các loài hươu chồn. Thời ấy, người ta tưởng là mùi hăng hắc của giống động vật ấy có thể kích thích nam giới nên mới trang bị cho các bà một thứ võ khí chinh phục.
Biến người đẹp thành con chồn hay hồ ly có khả năng mê hoặc đàn ông cũng là một cách nịnh đầm, nhưng hơi hơi lạ!
Thật ra, ngày xửa ngày xưa, dân Âu Châu mới chỉ dùng nước hoa để đánh lừa cái mũi của họ vì muốn khỏa lấp mùi hôi của cơ thể. Nơi xứ lạnh, chưa dễ có nước máy và xà phòng như ngày nay thì làm sao khử được mùi hôi của thân thể hay mùi ẩm mốc của quầo áo?
Chi tiết khác là nước hoa được phân phối trước tiên là từ các nhà bán găng tay. Ngày xưa, da thuộc chưa mềm và thơm như ngày nay, nói gì đến mồ hôi tay của người đeo găng? Vì thế, trước khi ra đường, người ta xịt dầu thơm vào găng, sau khi đã bôi lên quần áo.
Rồi nhờ cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 19, người ta biết cất cồn và làm nước hoa theo lối sản xuất đồng loạt, nên nước hoa bắt đầu từ Âu Châu đi chinh phục thế giới.
Chai nước hoa đầu tiên được cất theo nghệ thuật lấy hương thơm từ thảo mộc với động vật pha chế cùng hóa chất và cồn là do nhà Guerlain sản xuất năm 1889. Người viết nhớ đến mùi Jicky này nhất vì ngửi thấy từ... ông bà ngoại. Nghĩa là trước khi ta biết đến loại sản phẩm thời trang phục vụ cả nam lẫn nữ gọi là “unisex” thì Guerlain đã có nước hoa cho ông bà xài chung từ cuối thế kỷ 19. Mùi Jicky ngày nay vẫn còn bán!
Nếu quý độc giả muốn tìm thì loại department hạng sang như Neiman Marcus, Bloomingdale, Saks Fifth, Nordstrom, Barney's New York đều có. Jicky vẫn thuộc loại bán chạy nhất bên Âu Châu, hơn hẳn nhiều chai nổi tiếng xuất hiện về sau. Hương thơm vượt thời gian là vậy đấy!
Khi ngửi mùi thơm của nước hoa, người ta cũng phải phân biệt nhiều cách. Trước tiên như gió thoảng hương duyên, gọi là “hương thơm từ óc”: là mùi ngửi thấy đầu tiên và dễ bay. Sau đấy mới là hương thơm từ tim, là mùi tồn tại khá lâu trên thân thể sau nhiều tiếng đồng hồ. Sau cùng mới là hương thơm từ đáy, là mùi còn lại và phảng phất nhiều tháng trời trên quần áo người mặc!
Mà khi dùng cùng một loại nước hoa, mỗi người lại thấy hương thơm một khác: da thịt và cả mồ hôi của mình sẽ gây phản ứng hóa học, tạo nên một dư hương đặc biệt ở từng người. Mở chai rượu hay chai nước hoa, mỗi người sành điệu lại phản ứng một cách. Các ông cứ thích luận về rượu, đã đến lúc phụ nữ nên luận về nước hoa.
Ai say thì người ấy ráng chịu!