"Nếu biết xấu hổ về vụ cướp bia, thì còn nhiều thứ khác đáng để xấu hổ mà trong đó nhiều người lên án, phê phán, chê trách cũng đang thực hiện rất hồn nhiên hàng ngày."
Bia ở Việt Nam
Gần đây truyền thông liên tục bình luận hiện tượng người dân đổ xô cướp bia của một chiếc xe tải bị tai nạn ở Biên Hòa, coi đó là điểm nóng của sự xuống cấp trầm trọng về đạo lý, cùng với phản ứng bất bình, phẫn nộ, bức xúc, xấu hổ là người dân Việt nam hiện tại.
Chuyện này không lạ mà là chuyện thường ngày. Đa số các sự việc đã diễn ra tương tự cũng có những hành động hôi của tương tự.
Không chỉ việc hàng hóa bị cướp trong tai nạn giao thông mà các tai nạn khác cũng không tránh khỏi. Hỏa hoạn, cháy nhà, cháy chợ, rơi tiền.. đều bị hôi của mà không bị gọi là sự bất thường ở xã hội Việt nam vài chục năm trở lại đây.
Phải chăng phản ứng trên cũng chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.
Đa số người Việt nhận định vì dân trí thấp nên họ hồn nhiên phạm tội mà không biết, hồn nhiên bộc lộ những thói xấu của con người một cách cũng thật… hồn nhiên.
Nhưng không phải vậy, cuộc sống lo toan cơm áo hàng ngày, lo xa cho tương lai con cái trong xã hội bấp bênh về phúc lợi, khó khăn kinh tế, lo cho lợi ích bản thân quá nhiều so với cộng đồng nên thành nếp “văn hóa hồn nhiên”.
Nhiều kiểu hôi của
Một xã hội mà nhan nhản hành chính lộ, phí lộ, học lộ, xin việc lộ, thăng quan lộ, bệnh lộ… Thậm chí người có quyền hạn “hôi của” trên tai nạn người khác bằng những thủ đoạn lặp lại trong bệnh viện, trong xử lý hồ sơ… kể cả “hôi” hàng cứu trợ bão lụt, tiền từ thiện cũng rất hồn nhiên thì liên quan gì đến dân trí thấp.
Nhiều án tham nhũng quan chức bị phát hiện và xử án cũng chỉ là hiện tượng “trời kêu ai nấy dạ” chứ không có tính răn đe, không giảm, mà chỉ là bài học để những người đương quyền đối phó chặt chẽ hơn.
"Nếu biết xấu hổ về vụ cướp bia, thì còn nhiều thứ khác đáng để xấu hổ mà trong đó nhiều người lên án, phê phán, chê trách cũng đang thực hiện rất hồn nhiên hàng ngày." (Lý Phi)
Những người có quyền, đang điều hành doanh nghiệp nhà nước thì biến những hóa đơn VAT thừa thãi ở xăng dầu, vật liệu xây dựng, chi phí khác… làm hợp đồng chênh lệch giá, biến thành tiền cá nhân mà không cần biết doanh nghiệp đó lời hay lỗ.
Việc mua bán bố trí chức vụ nhiều hơn mức cần thiết, lũy tiến điền vào chổ trống khi ai đó về hưu trong doanh nghiệp nhà nước, trong cơ quan hành pháp, xét cho cùng cũng là một sự “hôi của” rất hồn nhiên và gánh nặng nợ hoặc hoàn vốn này cũng dành cho cộng đồng gánh chịu.
Người ta thảo luận trên mạng cộng đồng hỏi xin việc này chức nọ với số tiền cụ thể và bao giờ hoàn vốn ngoài lương cũng rất hồn nhiên.
Thậm chí cái gọi là văn hóa bìa thư hàng ngày cũng trở thành hồn nhiên và còn được lèo lái là sự bôi trơn.
Vì vậy đừng đổ lỗi cho nhận thức hay dân trí mà nên nhận định việc làm xấu hổ đó đã thành một thói quen hàng ngày trong đời sống ở Việt nam hiện tại.
Nếu biết xấu hổ về vụ cướp bia, thì còn nhiều thứ khác đáng để xấu hổ mà trong đó nhiều người lên án, phê phán, chê trách cũng đang thực hiện rất hồn nhiên hàng ngày.
Một bài toán quá khó để thay đổi quốc nạn văn hóa đạo đức liên quan đến kinh tế của người Việt nam hiện tại.