“Tôi đứng cả 2 tiếng mới tới phiên mình, cùng với 2 tiếng chở được vào lựa hàng nữa. Tổng cộng là 4 tiếng. Thật là 'crazy', nhưng mà vui.”
WESTMINSTER (NV) - Trong khi nhiều người tỏ vẻ “ngán ngược,” hoặc cho là “có điên mới đi chen lấn, xếp hàng mua sắm trong ngày Black Friday,” thì cũng có rất đông người xem việc shopping từ tối ngày Lễ Tạ Ơn mang ý nghĩa hoàn toàn khác.
Với những người này, việc cùng gia đình hay nhóm bạn bè đi “shop” trong ngày này không chỉ vì sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền do mua hàng giá rẻ, mà hơn hết, đó còn là một thú vui mang màu sắc rất riêng của xứ sở tự do này, đặc biệt khi giờ giấc để “shop” được thay đổi một cách ngạc nhiên.
Khách hàng đi mua sắm lúc 8 giờ tối ngày Thankgiving ở New York. (Hình: Kena Betancur/Getty Images)
Giờ giấc mua sắm thay đổi
Cách đây vài năm, chuyện trùm mền xếp hàng từ chiều tối đêm Tạ Ơn trước các cửa hàng như Walmart, Sears, Target, Best Buy,... để được ùa vào mua hàng giá rẻ ngay khi các tiệm này mở cửa lúc... 6 giờ sáng ngày Thứ Sáu Đen; hay chuyện rủ nhau đi mua sắm lúc 12 giờ đêm ngày Black Friday tại các “outlet” như Citadel ở Los Angeles, Carlsbad ở San Diego, Cabazon ở Palm Springs, hãy còn là chuyện được người ta rất chú ý, vì nó lạ lạ. Bởi lẽ, hầu hết các cửa tiệm lớn nhỏ có mở cửa bắt đầu cho kỳ mua bán lớn nhất trong năm thì cũng phải từ 8 giờ sáng Thứ Sáu (thay vì phải 10 giờ, 11 giờ trưa như thường lệ.)
Thế nhưng, trong vòng 3 năm qua, mọi sự đã thay đổi.
Nếu năm ngoái, hệ thống cửa hàng Macy's mở cửa bán hàng từ lúc 12 giờ đêm ngày Thanksgiving, thì năm nay, mới 8 giờ tối, phần lớn các tiệm Macy's trên toàn nước Mỹ đều mở cửa đón khách.
Năm trước, các outlet mở cửa lúc giữa đêm, thì năm nay, cũng đúng 8 giờ ngày “Con Turkey”, thậm chí có tiệm từ 5 giờ chiều, đã sáng choang ánh đèn cùng dòng người xếp hàng rồng rắn trước cửa.
Nhiều cửa tiệm chuyên biệt khác như GameStop, ToyRUs, Victoria Secret, Bath & Body Works,... cũng thay đổi giờ mở cửa lúc đồng hồ điểm 12 giờ đêm.
Trước khi tiệm mở cửa, dòng người hơn cả trăm người đã đứng chờ trước tiệm Disney's ở Citadel, Los Angeles. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Không chỉ vậy, một tuần trước ngày Lễ Tạ Ơn, nhiều cửa tiệm đã rao bán hàng bằng giá của ngày Thứ Sáu Đen để ai muốn xài tiền sớm cũng được hài lòng.
Rồi thì các quyển “catalog” được in màu sắc sặc sỡ, giấy trắng bóng láng được gửi đến mỗi nhà cùng các “coupon” giảm giá 15%, 25%, 50%, thậm chí 75%, “gift” cho cái này, tặng thêm cho cái kia lúc mua hàng. Chưa kể mở tivi, radio, hay chỉ cần vào yahoo trước khi mở email thì cũng đã thấy ngay tin tức liên quan đến chuyện mua sắm đập cái độp vào mắt.
Tuy nhiên, nhiều cửa tiệm sang trọng, dành cho giới trung lưu, giàu có thì chả mấy khi thèm mở cửa lúc đêm chưa soi tỏ mặt người. Bước chân vào khu thương mại Southcoast Plaza lúc đêm về sáng sẽ nhận ra điều này ngay lập tức.
Cùng là các đại công ty, nhưng trong khi Macy's có vẻ như gần gũi, dễ chịu, cởi mở hơn với mọi tầng lớp, thì Nordstrom, Bloomingdales lại “ỏng a ỏng ẹo,” không cần những kẻ “Doorbuster” quấy rối giấc ngủ. Những cửa hiệu dạng “brand name” khác cũng cùng chung cung cách đó. Nhưng mà, dù ở “đẳng cấp” nào thì cũng không thể không có chuyện “đại giảm giá” cho mùa mua sắm lớn nhất này.
Mê giảm giá hay mê ... xếp hàng?
Như đã nói ở trên, nhiều người không thể nào hiểu nổi, “Có đáng gì vài đồng hay tiết kiệm được mấy mươi đồng mà phải bỏ ra cả 1 tiếng, 2 tiếng, 4 tiếng, thậm chí cả đêm xếp hàng mua sắm?”
Bởi lẽ, nếu hiểu, thì họ đã không tự hỏi như vậy hay không nhăn mặt, lắc đầu khi nghe ai đó đi shopping ngày Black Friday.
Giảm giá nhiều là một trong những ly do để dòng người rồng rắn kiên nhẫn xếp hàng trước những tiệm nổi tiếng như Michael Kors. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cứ hình dung, chưa đến 8 giờ tối ngày Thanksgiving, con đường dẫn vào khu parking rộng lớn của trung tâm mua sắm Citadel ở Los Angeles đã bắt đầu đông nghịt.
Trước nhiều cửa tiệm như Disney's chuyên bán đồ dành cho trẻ con, tiệm giày dép, quần áo thể thao Nike, quần áp nam nữ hiệu Gap, trang sức pha lê Swarovski, túi xách Coach, Michael Kors, đồ dùng nhà bếp Corningware Corelle Revere,... dòng người xếp hàng không thể nào đếm xuể. Xếp hàng để được vào bên trong lựa chọn. Rồi lại xếp hàng trả tiền.
Chị Oanh Nguyễn ở Westminster cùng cô con gái đến xếp hàng trước tiệm Coach để mua túi xách, “mục đích chính của buổi shopping chỉ có vậy.” Thế nhưng đứng lần đầu lâu quá, chịu không nổi, hai mẹ con đi qua các tiệm khác vắng hơn để xem. Lát sau quay lại, đứng xếp hàng lần thứ hai. Nhưng cuối cùng... cả hai cũng đành bỏ cuộc vì “chịu không nổi.”
Anh Tâm Nguyễn ở Garden Grove nói một cách “thật thà”, “Tôi không có mua đồ gì cho tôi hết, tôi chỉ đi theo để xếp hàng cho vợ.”
Theo lời anh Tâm, hai vợ chồng anh đi “shop” ở Macy's Westminster Mall lúc 8 giờ tối. Biết trước cảnh xếp hàng dài thậm thượt, anh Tâm đã đứng ngay vào dòng người chờ tính tiền trong lúc vợ anh đi kiếm đồ muốn mua.
“Tôi đứng cả 2 tiếng mới tới phiên mình, cùng với 2 tiếng chở được vào lựa hàng nữa. Tổng cộng là 4 tiếng. Thật là 'crazy', nhưng mà vui.” Anh cười tươi.
Cô Hanna Phạm cũng tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc mua sắm từ Southcoast Plaza ra cho biết, “Thật ra mua trên online cũng được, nhưng mà đi ra tiệm giờ này có cái không khí riêng của nó. Chưa kể là ngay tại tiệm có những giá 'sale' bất ngờ mà trên online không có. Nó không có giống hệt nhau giữa giá tại tiệm và trên mạng đâu.”
Dĩ nhiên, đi mua sắm lúc nào cũng có sự “nghiệt ngã đáng yêu” của nó. Bởi, như cô Rose Trần ở Fountain Valley, người tự nhận là “bị bệnh nghiện mua hàng có quà tặng,” kể, “Chị chồng tôi bên Việt Nam nhờ mua dùm 5 cái túi thơm mùi hoa hồng hiệu L'occitane. Mỗi túi giá $12. Mua 5 cái hết $60. Nhưng mà dịp Thanksgiving, mua $65 thì được tặng một bộ 'gift' xinh xắn. Và khi mình mua hàng từ $45 trở lên thì lại được 'offer' mua một bộ sữa tắm trị giá $45 nhưng chỉ phải trả $20 thôi. Thế là, dù chưa bao giờ dùng đến dầu tắm gội hay lotion hiệu này nhưng mà cứ nghĩ đến sự hấp dẫn của quà tặng, nên tôi bỏ ra thêm $20 để mua bộ sữa tắm để đủ số tiền hưởng gói quà kia.”
Trường hợp mua những món đồ không chủ ý như cô Rose không phải là hiếm, nhất là khi bị quyến rũ bởi không khí shopping của cả rừng người.
Tuy nhiên, có rất nhiều người rầm rộ kéo nhau đi shopping từ đầu hôm cho đến trời tờ mờ sáng mới về... tay không.
“Tụi tôi đi chơi thôi, như một kiểu đi chơi của mấy anh chị em từ bao lâu nay với nhau, sau khi cùng họp mặt ăn Thanksgiving. Chuyện mua sắm là chuyện nhỏ, chuyện những kỷ niệm vui vẻ bên nhau trong những thời khắc như thế này mới là chuyện đáng quý.” Anh Peter Trần ở Anaheim cho biết.
Sáng ngày Thứ Sáu Đen ở Bolsa trời mưa tầm tã. Nhưng không vì thế mà người ta không đi shopping.
Vâng, Black Friday, dù có hơi “điên khùng” trong việc mua sắm thế này nhưng Black Friday vẫn sẽ luôn là ngày Thứ Sáu Đen mà nhiều quốc gia khác ao ước muốn có.