main billboard

Nếu như THSV đang gặp khó khăn trong sự điều đình với Garden Grove thì những tổ chức khác không nên tranh chỗ và tạo cơ hội để bày ra thêm một hay hai hội chợ Tết khác.


Danh từ “cộng đồng” mà chúng tôi dùng ở đây là chỉ đến một số người cùng chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa quy tụ trong một khu vực địa lý mà chúng ta thường nói đến như “Cộng đồng người Việt ở Nam California,” “Cộng đồng người Nam Hàn ở Garden Grove,” “Cộng đồng người Hoa ở Los Angeles,” tuyệt nhiên chúng tôi không nói đến các “tổ chức” cộng đồng, được bầu bán hay không bầu bán, “đại diện” cho người Việt ở một vài khu vực ở đây.

hoicho tet sv damcuoiÐám cưới làng quê, một tập tục văn hóa Việt Nam, tại Hội Chợ Tết Sinh Viên ở Garden Grove Park. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Nếu dùng tiếng “cộng đồng” theo nghĩa sau này thì hiện nay tại vùng Little Saigon chúng ta không chỉ có một, mà có đến ba tổ chức, một của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một của ông Lê Khắc Lý và một của ông Nguyễn Tấn Lạc, và chưa chừng có thêm một tổ chức cộng đồng thứ tư mà chúng tôi chưa hân hạnh được biết đến.

Nói rõ hơn cho câu chuyện hôm nay, là dưới con mắt của một người ngoại cuộc, người Việt vùng này, năm nay có đến ba hay thậm chí đến bốn hội chợ Tết, một loại “trăm hoa đua nở” mà từ trước đến nay không hề có. Có bốn tổ chức đang nỗ lực tiến đến việc tổ chức hội chợ Tết “để tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Thứ nhất là Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California (THSV), thứ hai là Cộng Ðồng Việt Nam Nam California do ông Lê Khắc Lý làm chủ tịch lâm thời, thứ ba là Hội Cộng Ðồng Việt Mỹ do ông Nguyễn Tấn Lạc làm chủ tịch, và thứ tư là Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng.

Người Việt từ ngày 30 Tháng Tư, 1975 phải bỏ nước ra đi, “tan đàn, sẻ nghé,” dù là ở Hoa Kỳ, hay tận bên trời Bắc Âu, hay nước Úc, mỗi năm vào ngày Tết Nguyên Ðán, đều tìm cách tổ chức những buổi gặp gỡ đồng hương cùng hoàn cảnh xa nhà, nhớ nước, trước là tìm niềm vui trong sự sum họp để tránh nỗi cô đơn và nhất là để con cháu cùng nhớ lại những phong tục, nghi lễ hay món ăn của đất nước mình. Những ngày đầu khi cộng đồng người Việt chưa đông, sống xa nhau trong những vùng dân cư thưa thớt, người Việt xa xứ tổ chức đơn giản những cuộc họp mặt tại nhà riêng, trong một nhà hàng nhỏ. Dần dà với sự thành hình các cộng đồng cư dân, quần tụ gần gũi với nhau, các buổi lễ Tết tiến đến tổ chức hội chợ ngày Tết qui mô có đông đảo người tham gia.

Từ năm 2001 trở về trước, tại Nam California, hằng năm vẫn có hội chợ Tết, do các tổ chức cộng đồng Việt Nam tổ chức, nhưng năm nào, sau khi kết toán tài chánh, ban tổ chức cũng tuyên bố lỗ lã. Từ năm 2002 khi giới trẻ, đặc biệt là THSV dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng, đảm nhận tổ chức hội chợ Tết hằng năm, cũng tại Garden Grove Park, thì không những đã gây được một không khí làm việc mới mẻ, năng động, đoàn kết mà còn đem lại một số tiền lời để giúp vào các việc công ích trong cộng đồng Nam California.

Trong khi toàn thể sinh viên Việt Nam tại Nam California đã đoàn kết thành một khối thống nhất, có tổ chức thì lớp người lớn tuổi của chúng ta còn chia rẽ, chứng tỏ lớn nhất là tại miền đất này hiện có nhiều tổ chức cộng đồng đều mệnh danh là Cộng Ðồng Nam California hoạt động riêng rẽ chưa bao giờ chịu ngồi lại với nhau. Những cuộc hòa giải trước đây của những người có thành tâm thiện chí đưa ra đều thất bại. Vậy thì chúng ta làm gương hay đòi lãnh đạo, hướng dẫn gì được cho lớp trẻ, con cháu của chúng ta.

Công việc phục vụ cộng đồng Việt Nam của thế hệ thứ hai, của những người trẻ đầy sinh lực được thể hiện trong những năm qua đã chứng minh khả năng đang vươn lên của thế hệ này. Chỉ lấy thí dụ điển hình việc tổ chức hội chợ Tết trong vài ba năm qua, khi THSV đứng ra tổ chức, thì năm nào cũng có lời, thường là trên con số $200,000. Con số này cũng lên xuống tùy theo từng năm và năm 2007, số tiền lời cao nhất mà Hội Chợ Tết Sinh Viên đem về là $253,971.

Số tiền này công khai gầy dựng cho một tổ chức sinh viên Việt Nam chống Cộng tại hải ngoại và san sẻ cho những hội đoàn làm việc công ích, trong số đó Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH cũng đã có một số tiền nhỏ để gởi về giúp cho các cựu chiến binh bất hạnh ở quê nhà.

Chúng ta giải thích làm sao giữa việc chênh lệch, lỗ từ năm đến mười nghìn đồng so với tiền lời mỗi năm lên đến hằng trăm nghìn, từ khi việc tổ chức hội chợ giao lại cho THSV. Phải chăng đó là kết quả của một sự hợp tác làm việc có đoàn kết, tận tâm, sống có lý tưởng và nhất là lòng tự trọng, trong sạch của lớp người trẻ tuổi này.

Ba mươi mấy năm qua, việc trao ngọn đuốc dẫn đường cho thế hệ trẻ được coi như đã quá chậm, vì trong đầu óc chúng ta, vẫn coi thứ con cháu này như những đứa trẻ ngu ngơ trong vòng tay cha mẹ, chưa biết việc đời, phải luôn luôn ở dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của các bậc trưởng thành, thế hệ cha anh. Bây giờ chúng ta đã thấy, có những việc chúng ta làm dở hay không làm được mà các em có khả năng làm được, giỏi giang hơn chúng ta. Không có gì chúng ta phải mặc cảm thua thiệt hay cho việc nhường bước, trao lại công việc cho con cháu là điều không thể chấp nhận.

Nếu như THSV đang gặp khó khăn trong sự điều đình với Garden Grove thì những tổ chức khác không nên tranh chỗ và tạo cơ hội để bày ra thêm một hay hai hội chợ Tết khác. Ðiều này cho ta thấy rõ một sự ganh đua, tranh giành khách hàng như những nhà làm thương mãi. Nếu năm nay thật sự có ba hội chợ Tết tổ chức vào những ngày giờ khác nhau thì đây sẽ là một chuyện chia rẽ đáng hổ thẹn của người Việt ở vùng Little Saigon. Và nếu chuyện này xảy ra, chắc chắn đồng bào chỉ có thể đủ thời gian và phương tiện tham dự một hội chợ mà thôi, như vậy số người tham dự mỗi hội chợ sẽ rất khiêm nhường, không khí nô nức, đông đảo của những hội chợ Tết trong những năm qua sẽ còn là chuyện dĩ vãng.

Nếu có một chuyến xe duy nhất hôm nay đi San Jose với một số người cố định, thì chuyến xe này đầy khách, nhưng nếu có ba chiếc xe chạy cùng giờ đến cùng một địa điểm, thì khách này sẽ phải chia làm ba. Kinh nghiệm những lần bầu cử vào các cơ quan thuộc dòng chính Hoa Kỳ, người Việt không tự lượng sức, chia rẽ, tranh giành nhau đưa đến chỗ chia phiếu của cử tri người Việt, khiến cho ứng cử viên khác nắm được thế “ngư ông đắc lợi!”

Ðộc giả của chúng tôi nghĩ gì, nếu năm nay, trong vùng Little Saigon, ở ba thành phố khác nhau, có ba hội chợ Tết và ba cuộc diễn hành Tết khác nhau, để chúng ta cùng “thi đua phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam” cho dân bản xứ ngả nón khâm phục.

Riêng chuyện diễn hành Tết chỉ có một, cũng dễ hiểu, vì diễn hành không bao giờ đem lại lợi nhuận cho bất cứ ai.