Trí nhớ thay đổi tùy người, mỗi người nhìn vào một sự kiện nhớ khác nhau, đôi khi mỗi người chỉ nhớ một khía cạnh của vấn đề nhất là khi sự kiên xảy ra quá nhanh.
“Hữu bằng tự viễn phong lai, bất diệc lạc hồ!” Bạn bè từ xa đến chơi không vui sao? Bạn bè đến rồi đi, Chu Văn An hội ngộ cũng qua như tiếng đàn tiếng trống. Dư âm để lại sau đại hội thay đổi dưới cái nhìn đẹp về cuộc đời như Disneyland hay cuộc đời với những thực tế muôn mặt không hoàn toàn đẹp, nhưng bạn bè hội ngộ đến rồi đi và tình bạn vẫn còn, những kỷ niệm xưa được nhắc lại, vui hay buồn thì cũng là những kỷ niệm. Gặp nhau đứng bên ngoài hành lang buổi tiệc, bạn bè đã nhắc tôi về thời đi học tán gẫu ngoài sân trường, một Chu Văn An với các thầy phóng khoáng và học trò “tếu”.
Đại hội Toàn cầu Chu Văn An, Houston, Texas
Các đàn anh Chu Văn An không có dịp về tham dự hội ngộ vì nhiều lý do đã nhìn về đại hội, những người nay đã lớn tuổi và thành danh đồng ý với tôi rất nhiều về ngôi trường Chu Văn An tôi đã mô tả. Bài viết và đại hội đã gợi lại nhiều kỷ niệm về thời học trò nay đã hơn nửa thế kỷ. Nhà thơ Nhất Tuấn và nhà văn Nguyễn Tường Thiết gọi tôi từ Seattle vì bài viết đã gợi về những ngày Chu Văn An của những năm 50. Giáo sư Ðỗ Quý Toàn, ông thầy việt văn của tôi, đã nhớ về thời đi học của ông với thầy Vũ Khắc Khoan tác giả “Thần Tháp Rùa” và những kịch tác. Học trò CVA trốn học gặp thầy ngoài phố Sài Gòn trên đường Nguyễn Huệ. Trong lớp thầy ít giảng bài, chỉ ngồi nói chuyện văn chương, những chuyện văn chương như vậy vẫn hay hơn là những bài học khô khan theo đúng chương trình bộ giáo dục.
Cúp cua lại gặp ngay thầy trên đường sợ xanh mặt, cả bọn tính lẩn đi chỗ khác. Thầy lại đi đến gặp các anh học trò trốn học. Các cậu ấp úng chào tưởng bị mắng nhưng thầy lại hỏi: “Có cậu nào mang theo tiền không? Cho tôi mượn vá bánh xe.” Thế là cả bọn thở phào nhẹ nhõm.
Ông Ðỗ Quý Toàn kể chuyện trốn học cúp cua, còn đàn anh CVA Nguyễn Lượng Tuyền giáo sư Y Khoa Ðại Học Mc Gill, bạn cùng lớp với Bác sĩ Ðặng Phú Ân, nhớ ngôi trường cũ nhưng đồng ý với bài viết và kể chuyện thời đi học: “Tôi đồng ý với Tuệ, hồi ấy nhiều thầy vào lớp không dạy, bọn mình phải tự học nhiều, ông Bạch Văn Ngà dạy toán, vào lớp chỉ mắng học trò. Một hôm ông ngồi trên bục giảng bài, nhìn xuống thấy một anh học trò cười, ông lớn tiếng mắng ngay: “đời này có gì vui mà các anh cười!” Bác sĩ Trần Xuân Ninh, cựu giáo sư Ðại học Y khoa Saigon không về dự nhưng đọc bài viết về trường xưa, ông nhớ lại ngay khoảng thời gian học ở trường Chu Văn An, gần trường y khoa, nhớ thời đi học “đọc thấy vui và “tếu” quá”. CVA Nguyễn Mạnh Hùng giáo sư Ðại Học George Mason đã nhớ đến thầy Vũ Hoàng Chương dạy việt văn giảng bài nghêu ngao quên hết cuộc đời bên ngoài đúng như phong cách của thi sĩ Vũ Hoàng Chương mặc áo vét trắng ngà đi lạng quạng cùng thi sĩ Ðinh Hùng vào xóm nhà tôi của những năm 1960. Các đàn anh và các bạn học với tôi đều hiểu thời đi học nghịch phá các thầy, chỉ có những đồng môn đã học ở ngôi trường “ở chỗ nhân gian không thể hiểu” (thơ Du Tử Lê) mới hiểu nhau.
Bài viết nhắc về một quãng đời đi học ngày xưa hơn 45 năm trước đã làm các bạn ngạc nhiên về ký ức của tôi đã giữ được lâu trong óc. Những nhận xét ấy cũng làm tôi ngạc nhiên. Tôi tưởng những kỷ niệm mạnh mẽ giống như những thương tích của những người bị bệnh Hậu chấn thương (Post Traumatic Stress Disorder) sẽ ghi lại lâu dài. Tôi chỉ có một trí nhớ bình thường. Những kỷ niệm rất bình thường và buồn cười như ngày qua Mỹ, bước ra tiệm ăn ngậm cây tăm lấy từ quầy trả tiền, đi trên đường thấy phong tục Mỹ Việt khác nhau là nhớ ngay đến thầy dạy toán Ðinh Ðức Mậu thấy học trò bước vào lớp sau giờ ra chơi, ngậm tăm sau khi ăn đĩa bánh cuốn quán Ba Bí Tất, là mắng ngay “thằng mất dạy, mày hỗn láo ngậm tăm trên miệng!” Làm sao quên được người thầy toán giỏi nhưng chỉ biết mắng học trò bằng hai chữ danh tiếng ấy! Làm sao quên được những kỷ niệm của những ngày tháng ở quê nhà và chính mình là thủ phạm của những câu chuyện nghịch ngợm?
Bạn tôi Bác sĩ Nguyễn Việt Cường, CVA cùng năm, đã hỏi tại sao tôi nhớ lâu, hay tôi đã lượm lặt từ các CVA khác? Và tôi đã hiểu sau khi thử hỏi bạn tôi có nhớ 30 năm trước, ngày đầu tiên tôi đến Chicago năm 1983. Gần lễ Thanksgiving trời lạnh, tôi đến Chicago để thi American Board of Emergency Medicine, đêm ấy ở phòng của một người bạn y khoa cùng lớp CVA B2 Nghiêm Xuân Hùng (đã mất) Sáng hôm sau đi thi nguyên ngày. Sau ngày thi, trước khi lên xe lái ra phi trường O'Hare để về Houston, tôi ra phố Tàu ăn sáng với Nguyễn Việt Cường, Huỳnh Quan Minh (đang đi thực tập) Nguyễn Văn Ðức (mới học xong sắp về Dallas làm việc bệnh viện VA) Nghiêm Xuân Hùng hôm ấy không đi ăn vì bận gác. Những người bạn cùng lớp đang làm lại cuộc đời thời hàn vi nói chuyện với nhau buổi trưa ở Chicago giá lạnh 30 năm trước tôi không thể quên nhưng bạn tôi N.V. Cường chỉ nhớ mang máng.
Trí nhớ thay đổi tùy người, mỗi người nhìn vào một sự kiện nhớ khác nhau, đôi khi mỗi người chỉ nhớ một khía cạnh của vấn đề nhất là khi sự kiên xảy ra quá nhanh. Bác sĩ thần kinh học nổi tiếng Oliver Saks kết luận về ký ức: “mỗi người nhớ khác nhau cho nên khi diễn tả lại khác nhau không có nghĩa là có người nói dối”. Thánh kinh dạy: “sự thật sẽ giải phóng con người” nhưng sự thật nằm trong óc khác biệt tùy người.
Hệ thống não bộ và thần kinh có kiến trúc phức tạp nhất, tổng cộng 100 tỷ tế bào thần kinh của con người bằng con số sao trong giải Ngân Hà. Tế bào thần kinh nối với nhau hơn 10,000 chắp nối (synapse) trông giống như sao, nhánh nhỏ nhận tín hiệu từ các tế bào thần kinh khác trong khi thân tế bào truyền tín hiệu. Kiến trúc tế bào thần kinh giống như cây và rễ cây, tên khoa học cũng dùng rễ cây (dendrite) đặt tên cho tế bào thần kinh. Căn bản liên lạc giữa các tế bào thần kinh là điện và hóa học qua chất Acetyl Choline.
Trí nhớ lúc nhỏ không trắng hẳn như tờ giấy trắng nhưng lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận học hỏi và kinh nghiệm. Chất Dopamine có sẵn trong não đóng vai trò quan trọng trong trí nhớ, kích thích hoạt động của não. Chất Nicotine trong thuốc lá gây ung thư phổi nhưng giúp con người tập trung tư tưởng, dính vào nơi nối thần kinh như chất Acetyl Choline, “nhớ nhà châm điếu thuốc...” chất Nicotine giúp tăng cảm hứng và làm giảm triệu chứng bệnh Alzheimer và Parkinson.
Khi bị căng thẳng (stress) chất Cortisone trong người gia tăng, cắt tín hiệu. Bác sĩ Sue Halpen của hội thần kinh Cambridge làm cuộc khảo cứu về trí nhớ đưa ra một kết qủa ngạc nhiên, người bình thường chỉ nhớ 8% sự kiện trong đó chỉ đúng 50%. Quên lãng theo thời gian cũng không phải là triệu chứng xấu, giống như chip trong máy điện toán D Ram và S Ram, bộ nhớ máy điện toán phải bỏ tín hiệu cũ để nhận tín hiệu mới. Quên lãng là một tiến trình tích cực của bộ óc. Nghỉ ngơi và ngủ trưa trong giờ làm việc làm tăng trí nhớ, mỗi người cần 40 phút nghỉ trong 8 giờ làm việc nhưng ngủ nhiều quá cũng làm con người quên đi nhiều!
Từ xưa, trí nhớ nằm ở đâu là vấn đề tranh luận lớn, bắt đầu với triết gia Hy Lạp Aristotle, ông cho rằng tâm hồn của con người nằm trong trái tim, giống như Tâm của nhà Phật. Thời ấy con người chưa rõ cơ thể học, đến thời Galen, ông khám phá ra hệ thống thần kinh, giây thần kinh và tủy sống. René Decartes phân chia ý tưởng và vật chất, thuyết căn bản của Thiên Chúa Giáo (Dualism) Tâm và Thân, ý tưởng tác động trên hạch nhỏ, Pineal gland, nhỏ như hạt đậu, cơ quan duy nhất chỉ có một trong khi các cơ quan trong óc đều có hai phần phải và trái. Thuyết của Decartes kéo dài đến 200 năm. Bác sĩ Franz Joseph Gall, người Ðức, chuyên về cơ thể thần kinh học và đoán tính người bằng cách đo sọ, đưa giả thuyết não có 27 vùng, vùng để nhớ toán, vùng để nhớ ngôn ngữ, vùng tính toán, vùng nghe tiếng động, vùng đem đến hy vọng, vùng hoạt động tôn giáo.v.v... Ðến thời Broca và Wernicke hoạt động vùng não được hiểu rõ hơn. Vùng Broca bên trái, đằng trước trán là vùng hoạt động của tiếng nói, vùng Wernicke nằm phía sau bên mang tai giúp hiểu ngôn ngữ. Não phải hiểu ý nghĩa, não trái chứa chữ, cho đến nay các bác sĩ vẫn chưa rõ vùng não duy nhất nào chứa trí nhớ, có lẽ nhiều vùng của một hệ thống phức tạp. Hai vùng quan trọng nhất là vùng trước trán và vùng Hippocampus hình dạng giống như con Hà Mã. Ký ức ngắn hạn tùy thuộc vào vùng não trước trán và vùng mang tai. Còn vùng Hippocampus chuyển ký ức ngắn hạn qua ký ức dài hạn. Ở người bệnh Alzheimer, vùng này bị hóa vôi nên người bệnh chỉ nhớ chuyện cũ không nhận được ký ức mới.
Bình thường con người sinh ra quên hết mọi chuyện trong thời gian trước 4 tuổi và trí nhớ bị mất khi bị bệnh nặng, bị chấn thương não, bị tai biến mạch máu não hay bị tổn thương tâm thần (Post Traumatic Stress Disorder, PTSD) nhưng trong những trường hợp ngoại lệ chấn thương lại làm tăng trí nhớ như trường hợp của Ireneo Funes ghi nhận trong sách “Borges và trí nhớ”. Ông Funes là một người nhà quê trong làng Fray Bentos ở Á Căn Ðình, sau khi ngã ngựa, đập đầu xuống đất hôn mê trong vài ngày đến khi tỉnh dậy có một trí nhớ lạ lùng, nhớ tất cả sự kiện hàng ngày không quên. Ðọc trang đầu báo La Nacion ngày 6 tháng 7 năm 1942, báo ngày chúa nhật tường trình trận đánh bom của không quân Anh trên khu kỹ nghệ Ðức ở tỉnh Ruhr, tổn thất của hạm đội Nhật ở Midway, xe tăng Anh tấn công quân Ðức ở sa mạc, cho đến trang 5, trang 6, giá cả thức uống, trái cây, động đất không gây thiệt hại nhân mạng ở Medoza, trận đá bóng Á Căn Ðình thắng 4-1, ông Funes đều nhớ và lặp lại không thiếu một chi tiết.
Ngược lại, trường hợp ông Henry Gustav Molaison (1926-2008) cho thấy sự quan trọng của vùng Hà Mã (Hippocampus). Ông là bệnh nhân bị động kinh từ năm 10 tuổi sau khi bị tai nạn xe đạp. Mặc dù bị động kinh nhưng đến năm 27 tuổi ông vẫn có công ăn việc làm cho đến khi bác sĩ giải phẫu cắt phần Hà Mã của ông. Bình thường ngủ dậy mọi người đều có lúc mơ màng không biết mình ở đâu nhưng sau một thời gian ngắn trí nhớ đánh thức cho biết tình trạng hiện tại còn ông Molaison từ sau khi giải phẫu sống với quá khứ. Ông không nhận ra nhân viên bệnh viện săn sóc ông, ông không biết đường đi đến nhà vệ sinh, ông hoàn toàn không nhớ chuyện gì xảy ra quanh ông. Phần Hà Mã quan trọng biến đổi những tín hiệu từ trí nhớ ngắn qua trí nhớ dài hạn đã bị lấy đi ông giống như những người bệnh Alzheimer. Từ đó các bác sĩ giải phẫu thần kinh không cắt phần Hà Mã trên các bệnh nhân bị động kinh. Henry Molaison hoàn toàn sống với dĩ vãng khiến tôi nghĩ đến trường hợp của Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp sống 4 năm trên giường bệnh và đảng CSVN giống như người Alzheimer chỉ biết đến quá khứ sống trong giấc mơ.
Trí nhớ siêu việt thuộc về ông Salomon Shreveshevski người Nga được nhà tâm lý học Alexander Lucia, viện Tâm Lý Học Moscow ghi nhận: Trí nhớ của Shreveshevski tương tự như trí nhớ của Funes nhưng ông không bị chấn thương não như Funes. Ông Shreveshevski là ký giả của một tờ báo Moscow, là ký giả nhưng ông chỉ ngồi nghe không ghi lại, ông chủ bút nổi giận hỏi, ông lập lại từng chữ một những tin trong ngày, ông nhớ công thức toán, giữ các chuỗi chữ và số trong đầu nhiều năm không quên. Sống ở Nga đầu thế kỷ 20, ông không biết chữ Ý nhưng đọc 4 dòng đầu Devine Comedy của Dante thuộc lòng và 15 năm sau lập lại cho Bác sĩ Lucia không sai một chữ. Có một trí nhớ toàn hảo trời cho không hẳn là hạnh phúc, ông S. nhớ nhưng không hiểu và không tập trung tư tưởng được, mỗi lần muốn quên ông phải viết xuống giấy rồi đem đi đốt để mấy thứ ấy không còn giữ trong đầu nhưng ông vẫn không thể quên được.
Năm 1988, cuốn phim Rain Man là cuốn phim nổi tiếng với hai tài tử Dustin Hoffman trong vai Raymond Babbit và Tom Curise trong vai Charlie Babbit, hai anh em mua vé máy bay hãng American đi Vegas. Raymond bị bệnh ám kỷ (Autism) giỏi nhớ các con số, thắng bài ở Las Vegas bị nghi ngờ đếm bài. Khi Charlie mua vé, Raymond lắc đầu quầy quậy không chịu đi hãng American vì anh chàng nhớ trong năm 1987 hãng bị tai nạn hàng không 3 lần, 311 người chết trong đó có 231 hành khách. Chuyến bay 525 dự định đi đã bị tai nạn ngày 27/4/1976. Cuốn phim Rain Man dựa trên câu chuyện có thật về ông Kim Peek người có một trí nhớ thiên tài khi ông Peek hỏi sinh nhật của một người nào, ông ta có thể nói ngay ngày nào trong tuần năm họ sinh ra, ngày đó trong tuần nào của năm sinh nhật, ngày nào trong tuần họ sẽ vào tuổi 65 để lãnh lương hưu, ông nhớ cả những con số vùng bưu điện, số vùng điện thoại của hơn ngàn thành phố và quận ở Mỹ. Ông có thể nhớ lại, các dữ kiện lịch sử trong 2000 năm qua, ngày sinh và ngày chết của Mozart, lịch sử thế giới, lịch sử Hoa Kỳ, Anh và cuộc đời các lãnh tụ thế giới hay các chuyện trong thánh kinh. Ông Peek đọc 12 cuốn sách một ngày, đọc hai trang cùng lúc, mỗi mắt đọc mỗi trang. Ông đọc hết 12,000 cuốn sách, trong 53 giây ông đọc 8 trang sách và kể lại 98% câu chuyện.
Nhưng cũng giống như các ông Funes và Shereshevski , bộ óc của ông Kim Peek là máy điện toán (ông được gọi là Kimputer) không đọc được tín hiệu, không có khả năng lý luận, không giải được vấn đề. Ông không đọc được các chuyện tiểu thuyết vì đọc truyện tiểu thuyết đòi hỏi tiêu hóa các chi tiết trong chuyện.
Ðiều quan trọng nhất vì vậy không phải là trí nhớ mà là khả năng thu nhận, tiếp nhận bởi thị giác và thính giác. Khả năng thu nhận tin tức, tín hiệu, quan điểm, ý kiến để tổng hợp và tóm tắt giống như đọc sách phải biết tiêu hóa.
Muốn sống một cuộc đời hạnh phúc thì phải quên. Người Âu Mỹ có dạy “quên và tha thứ” muốn quên thì phải hỉ xả như Phật dạy, ngồi thiền và buông bỏ nhưng cũng như nhà văn J.G Ballard chuyên viết truyện khoa học giả tưởng đã viết. “muốn quên cũng khổ vì phải ngồi nhớ lại tất cả chuyện cũ để bỏ dần”. Ðiều này xảy ra đúng như trường hợp của Shereshevski và như ông nông dân Funes cả đời bị chứng mất ngủ chỉ vì muốn quên. “Tôi cố quên tôi, quên thân xác này, quên vị trí tối nay, quên cái giường, quên bàn ghế, quên ngôi vườn bên ngoài khách sạn, quên cây khuynh diệp ngoài vườn, quên sách trên kệ, quên con đường làng năm xưa, quên trạm xe lửa chạy qua tỉnh v.v...” càng muốn quên thì ông Funes càng không ngủ được!
Trong hai loại ký ức, một là những kiến thức tổng quát và một là nhớ lại những kỷ niệm xưa, thì trí nhớ về kiến thức tổng quát đã được giải quyết bằng cách giở sách ra xem lại hay đi lên Google, còn ký ức thứ hai muốn trau dồi thì các nhà khoa học khuyên có ba cách: đọc và học những điều mới, tiếp xúc hàng ngày với mọi người và tích lũy trí nhớ (bằng cách lập đi lập lại điều cần nhớ mỗi ngày).
Tôi (lại cái tôi đáng ghét) có một thói quen, ghi nhật ký mỗi ngày vài dòng (CVA BS Nguyễn Tường Giang nói tôi giống nhà văn Nhất Linh) về những điều đã qua trong ngày. Chữ dễ ghi nhớ hơn là lời nói, nhưng “Verba Volant, Seripta Manent” (lời nói bay đi còn chữ giữ lại mãi”). Thôi thì, “hãy cố quên đi mà sống!”