Một lời than thở rất thường thốt ra trên môi nhiều người Việt Nam bây giờ là chưa bao giờ xã hội bất an đến thế, lòng người bất an đến thế.
Mỗi sáng dậy, cứ mở những tờ báo ra, bật TV lên, bước chân ra ngoài đường... người ta đã có thể đọc, nghe, xem, nhìn thấy bao nhiêu điều tồi tệ, cái xấu, tội ác hoành hành khắp nơi. Môi trường sống chung nhìn vào đâu cũng chỉ thấy toàn bất trắc, rủi ro.
Những cái chết oan uổng, những tai nạn từ trên trời rơi xuống do sự lỏng lẻo của luật pháp, sự yếu kém của guồng máy quản lý xã hội, sự tắc trách, vô lương tâm, nạn tham nhũng của con người... Chết do tai nạn giao thông, bão lụt cộng với thủy điện xả lũ, do công trình xây dựng ẩu bị sập, chợ bị cháy, chết do ngộ độc thực phẩm, công an bạo hành, y bác sĩ vô lương tâm, do nạn cướp giật, do mâu thuẫn từ những nguyên nhân hết sức vớ vẩn...
Dân chúng Việt Nam nay tin vào những “nhà ngoại cảm.” (Hình: VietNamNet)
Rồi đạo đức xã hội băng hoại, vợ giết chồng, chồng thủ tiêu vợ, cha giết con, người tình cũ tạt acid vào nhau, thầy giáo cưỡng dâm học trò, trò đánh thầy, bác sĩ làm chết người xong ném xác xuống sông...
Có bài báo còn phải giật tít “Tốc độ gia tăng tội phạm nhanh hơn cả dân số” (VietNamNet), có giới chức như Thiếu Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc CA TP.HCM phải thừa nhận “Có những đợt đặc xá là do nhà tù quá tải chứ không phải do giáo dục tốt nên tái phạm nhiều”...
Chưa kể những nỗi lo thường trực về cơm áo gạo tiền do kinh tế khủng hoảng, làm ăn ngày càng khó, thất nghiệp ngày càng tăng, nỗi lo tuổi già, lúc đau yếu, tai nạn, bệnh tật... không có tiền chạy chữa.
Trong một xã hội như Việt Nam, mỗi người không thể trông chờ vào ai ngoài bản thân và gia đình mình. Cuộc sống khó khăn, bất trắc khiến con người ngày càng lo lắng, sợ hãi, hoang mang, và do đó càng quay trở về tìm kiếm một chỗ dựa về tinh thần, trong đời sống tôn giáo, tâm linh.
Vào những ngày rằm ngày lễ, người đến chùa, đình đông nghìn nghịt. Không chỉ người nghèo, thân cô thế cô, càng giàu có quyền cao chức trọng thì càng siêng đi đình chùa, bói toán, cúng kiếng, cầu cho cái ghế của chồng con, bổng lộc của gia đình được đời đời bền vững. Càng ăn ở ác càng siêng sắm sanh lễ vật, cầu an, giải hạn. Như thể cúng cho lương tâm mình được yên trước đã.
Ngoài xã hội thì đủ loại giáo phái mọc lên. Bi hài hơn cả là “đạo Bác Hồ.” Nhiều nơi có cả đền thờ Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ngang hàng với Ðức Phật hoặc chỉ thờ mỗi ông Hồ. Lại có những vụ áp vong, gọi hồn ông Hồ và những người cộng sản khác để hỏi chuyện thế sự, nhân gian...
Khi con người đã hoang mang thì cái gì cũng dễ tin, dễ bấu víu vào. Một con rùa già ở Hồ Gươm cũng được kính cẩn gọi bằng “cụ,” mỗi khi “cụ” nổi lên là điềm báo điều gì đó cho đất nước, xã hội.
Ngay sự kiện đám tang của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua cũng vậy. Trong rất nhiều lý do khiến hàng ngàn người đến viếng, khóc than ông Giáp, có cả sự hẫng hụt, trống vắng thần tượng, niềm tin, nên cố bấu víu vào một con người được cho là còn khá hơn phần lớn các lãnh đạo hiện nay...
Và báo chí thì như cơn lên đồng, hết lời ca ngợi, nâng ông Giáp lên thành Thánh thành Phật, hơn cả những vị tướng lẫy lừng trên thế giới, sự ra đi của ông khiến hàng cây bàng như cũng héo úa, cụ rùa Hồ Gươm thì nổi lên chào vĩnh biệt... Có thể gọi là tỉnh táo hay không, những cách ca tụng quá lời đến vậy?
Ðến chuyện những nhà ngoại cảm thật, dỏm lẫn lộn làm nóng dư luận xã hội mấy bữa nay.
Người viết bài này không phủ nhận hoàn toàn những hiện tượng đặc biệt của con người mà khoa học chưa lý giải được. Có thể một số người có năng lực khác thường như tìm được mộ người chết, nhưng ngay chính TS Nguyễn Thế Khanh, tổng giám đốc Liên Hiệp Khoa Học Công Nghệ Tin Học ứng dụng UIA, trong bài “Có bao nhiêu nhà ngoại cảm thật ở VN?” (Tri Thức) cũng nói rằng: “...hiện trên cả nước có khoảng 300 người tự xưng là nhà ngoại cảm, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 người có khả năng thật. Ðối với người có khả năng giỏi nhất trong số đó cũng chỉ tìm chính xác được khoảng 70%, còn trung bình là 40-50%, có người khả năng mờ nhạt cũng chỉ dừng lại ở 10-20%.”
Sau khi đất nước thống nhất một thời gian, chuyện đi tìm mộ liệt sĩ của chế độ cộng sản bắt đầu được đặt ra và tiếp tục tiến hành cho đến bây giờ, vì vẫn còn nhiều người chết, mất tích chưa tìm thấy hài cốt.
Từ đó mới có chuyện hàng loạt nhà ngoại cảm dỏm lừa đảo, trục lợi làm giàu trên lòng tin, nỗi đau của người khác. Báo chí khui ra những vụ “nhà ngoại cảm” lừa đảo không chỉ thân nhân người chết mà cả cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, được Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội Việt Nam giải ngân 75 triệu/1 bộ hài cốt giả. Tổng cộng lên tới 7.9 tỷ đồng Việt Nam.
Mới đây, trong vụ một bác sĩ ném xác nạn nhân xuống sông Hồng, người ta cũng thấy hàng chục nhà ngoại cảm bu tới, tiếp cận gia đình nạn nhân, đưa ra đủ thứ thông tin gây nhiễu về việc tìm xác, hòng kiếm lợi.
Tất cả sự “sinh sôi nảy nở” như nấm sau mưa của nạn mê tín dị đoan, các đạo phái, cho tới các nhà ngoại cảm giả, dỏm... chứng tỏ sự hụt hẫng niềm tin, cái tâm bị nhiễu loạn của xã hội.
Mà không chỉ người dân, ngay phần lớn tầng lớp quan chức lãnh đạo cũng thế. Vợ hay người nhà thì đi chùa cúng bái, lên đồng, bói toán, lấy số tử vi, xây mộ, cải mộ ông bà theo lời thầy địa lý để hậu vận tốt đẹp... Thậm chí một số ông xuất hành đi đâu, gặp ai, làm việc gì... cũng theo lời thầy phán, tử vi phán.
Những người cộng sản bây giờ quả thật khác hẳn với họ thời kỳ đầu. Từ việc tôn thờ chủ nghĩa vô thần tuyệt đối, phủ nhận mọi tôn giáo, mọi niềm tin vào thế giới tâm linh, đưa đến những hành động cực đoan như phá bỏ hàng loạt đình đền chùa miếu, đập phá tượng thờ... ở nhiều xã, địa phương, phá nhà thờ, phá đàn Nam Giao một thời, cấm tiệt mọi nghi thức lễ lạy, thờ cúng ông bà... Còn bây giờ thì trái ngược một trăm tám mươi độ.
Ðiều đó phản ánh phần nào tâm trạng bất an của chính họ. Chưa kể, cứ nhìn vào hiện trạng của xã hội, đất nước thì hiểu nhà nước này cũng đang hoang mang, bế tắc, mất phương hướng, rối như canh hẹ.
Trong suốt gần bảy thập kỷ độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản từng đưa đất nước rơi vào những thời kỳ bế tắc, khủng hoảng toàn diện. Như thời kỳ cả nước đứng bên bờ vực chết đói trước khi buộc phải mở cửa, đổi mới về kinh tế, thực chất là “đổi cũ” vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX.
Bây giờ là một cuộc đại bế tắc khác, khó khăn hơn, vì đòi hỏi phải đổi mới cả cơ chế, hệ thống chính trị.
Trong số những quan chức, lãnh đạo từ trên xuống dưới hiện nay, còn được mấy người thật sự tin vào lý tưởng cộng sản, học thuyết Mác Lênin, tính ưu việt của mô hình thể chế chính trị hiện tại, vào con đường đang đi, cũng như thực sự tin rằng đảng cộng sản vẫn được dân chúng tin yêu?
Hãy nghe chính ông tổng bí thư, một nhà nghiên cứu lý luận Mác xít cực kỳ bảo thủ, hết lòng tin tưởng vào cái lý tưởng, vào thể chế, mới đây, khi phát biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn phải thốt lên: “...xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Ðến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” Thì những người khác còn thấy mù mịt đến đâu?
Trong cơn hoang mang, bối rối, mục tiêu duy nhất của nhà nước cộng sản bây giờ là giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi, như con đà điểu rúc đầu vào cát, mong mọi sự tự nó rồi sẽ khá hơn. Như vụ sửa Hiến Pháp vừa qua thì rõ, tốn bao nhiêu thời gian, bày đủ trò nhân dân góp ý, cuối cùng tất cả những gì đang là lực cản lớn nhất khiến đất nước rơi vào ngõ cụt, cần thay đổi nhất, vẫn được giữ nguyên.
Trong cơn hoang mang, đối ngoại nhà cầm quyền chạy vạy khắp nơi uốn lưỡi ngoại giao để vay nợ, cầu xin sự trợ giúp từ cựu thù cho đến kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Ðối nội thì gia tăng bắt bớ, đàn áp người dân, đồng thời tiếp tục loay hoay với những chính sách, nghị định một bước tiến ba bước lùi, sửa cái này thay cái khác... như đèn cù.
Khi chính cái đảng lãnh đạo còn bế tắc, mất phương hướng như thế, trách gì xã hội không rơi vào cơn mê muội với đủ trò mê tín dị đoan?