“Tôi không nghĩ là sớm đâu, chắc phải mất ít nhất là hết tuần này. Ðương nhiên như thế đã là quá nhiều nhưng tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu thời gian chính phủ đóng cửa phải kéo dài hơn.”
Dân biểu Cộng Hòa Steve King trả lời báo chí khi vừa từ văn phòng ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner bước ra hồi chiều thứ Tư tuần trước. Khoảng nửa tiếng đồng hồ trước đó ông Boehner cũng mới từ Tòa Bạch Ốc trở về, sau cuộc họp quan trọng được nói là “lịch sự, hòa nhã” với Tổng Thống Barack Obama và các vị dân cử đang điều khiển đảng Dân Chủ của Thượng và Hạ Viện.
Nữ Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), trưởng khối thiểu số Hạ Viện, cùng nhân viên bước đi trong tòa nhà Quốc Hội hôm Thứ Bảy. Cả hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn chưa khai thông được bế tắc ngân sách trong khi chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa sang ngày thứ sáu. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)
Ðã gần một tuần lễ trôi qua kể từ khi chính quyền liên bang đóng cửa đến giờ và sau những cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo hành pháp và lập pháp, vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Những cuộc phỏng vấn hàng ngày và các cuộc tranh luận trên truyền hình vào dịp cuối tuần đều đi đến kết quả giống nhau: cả hai đảng đều nói mình đúng, cả 2 đảng đều nói sẽ không nhượng bộ. Ông Boehner chỉ trích phía hành pháp sử dụng cuộc gặp gỡ “chỉ để nhắc lại điều ai cũng biết là họ sẽ không tương nhượng,” bên Tòa Bạch Ốc cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự: “Tổng thống vẫn tin tưởng vấn đề sẽ được giải quyết, rất tiếc phía Quốc Hội Cộng Hòa không chịu lắng nghe.”
Bế tắc chính trị đó dẫn đến một nguy cơ lớn hơn: chỉ còn một tuần lễ nữa chính phủ sẽ gặp khó khăn nếu không được Quốc Hội chấp thuận cho vay thêm tiền. Khó khăn tới mức nào? Ông Tổng Trưởng Tài Chánh Jack Lew trả lời “Quốc Hội đang đùa với lửa,” giải thích “nếu không tăng mức nợ trần, chúng ta có thể phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, tệ hơn cuộc khủng hoảng mà chúng ta mới trải qua, hiện đang ở giai đoạn phục hồi.” Bên Ngân Khố cũng nói thật rõ: sau ngày 17 Tháng Mười nước Mỹ chỉ còn có 30 tỷ để chi tiêu, nếu không vay thêm nợ thì 3 điều sau đây sẽ xảy ra: thứ nhất là trị giá đồng dollar sẽ giảm so với các đồng tiền khác, thứ nhì là mức tiền lời sẽ tự động tăng lên, thứ ba là mức đầu tư vào Mỹ sẽ giảm. Cả 3 điều đó “đều không có lợi cho những kế hoạch và mức độ phục hồi kinh tế mà nước Mỹ thu gặt được trong 4 năm qua.”
Trước những cảnh báo nghiêm trọng đó, 2 phía vẫn chưa tìm được mẫu số chung, tiếp tục đưa ra những lý lẽ để đổ lỗi cho phía bên kia phải chịu trách nhiệm về việc chính phủ phải đóng cửa, quốc gia đang ở sát bờ vực tài chánh. Trả lời phỏng vấn trong chương trình “This Week” của đài ABC, ông Boehner nói “cùng với các đồng viện Cộng Hòa, tôi sẽ không chấp nhận tất cả những đề nghị ngân sách có điều khoản cấp tiền thực hiện Obamacare.” Ông cũng bênh vực các đồng viện - và cá nhân ông - bằng lời phát biểu “mọi người chưa từng thấy (một khối dân cử) suy tính cặn kẽ về tương lai quốc gia như nhóm của chúng tôi. Ðây là lúc tất cả chúng ta đều phải đứng vùng lên và tranh đấu cho tới cùng.”
Ý kiến của ông Boehner không được phía Dân Chủ ủng hộ. Thứ Bảy vừa rồi bà Trưởng Khối Thiểu Số Nancy Pelosi cho phổ biến lá thư mang chữ ký của 195 vị dân cử cùng đảng yêu cầu ông Boehner chấp thuận cho bỏ phiếu một dự luật tạm thời cấp tiền cho chính phủ có thể hoạt động đến ngày 15 tháng 12 trong đó không có bất cứ một điều kiện nào đính kèm (được gọi là “clean CR”). Trước khi phổ biến lá thư này, bà Pelosi cho giới truyền thông biết đã “thảo luận với ông Chủ Tịch Boehner nhưng ông không ủng hộ.” Tại sao? Ông Boehner trả lời trên đài ABC, “dự luật đó không đủ phiếu ủng hộ,” có đưa ra để bàn cãi và bỏ phiếu cũng vô ích.
Câu trả lời của ông Chủ Tịch Hạ Viện tức khắc trở thành đề tài gây tranh cãi. Bà Pelosi cho hay “tất cả các vị dân biểu của đảng Dân Chủ đều tán thành, lại có thêm ít nhất 20 hoặc 21 vị Dân Biểu Cộng Hòa ủng hộ ý kiến Dân Chủ đề nghị,” tức đã có đủ phiếu để thông qua ngân sách tạm thời để chính phủ mở cửa làm việc trở lại ngay tức khắc. Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Chuck Schumer giải thích rõ hơn: “20 hay 21 Dân Biểu Cộng Hòa là những người đã công khai nói họ đồng ý bỏ phiếu ủng hộ ngân sách tạm thời để chính phủ mở cửa hoạt động, chưa kể đến một số dân biểu Cộng Hòa khác cũng kín đáo bày tỏ sự ủng hộ của họ.” Vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York dõng dạc bảo “tôi sẵn sàng đánh cá là nếu được đưa ra bỏ phiếu, chắc chắn dự luật này sẽ được thông qua” đi kèm với thách thức “tại sao ông Boehner không đưa dự luật đó ra thảo luận và bỏ phiếu ngay ngày Thứ Hai hay Thứ Ba để xem ông đúng hay sai?”
Bên Tòa Bạch Ốc cũng nhảy vào nhập cuộc. Ông Cố Vấn Dan Pfeiffer cho biết “tổng thống luôn hy vọng vấn đề rồi cũng sẽ được giải quyết,” để nhắc nhở mọi người “thiện chí” của Tòa Bạch Ốc trong cuộc thương thảo về ngân sách và nợ trần với Quốc Hội Cộng Hòa trước khi lên tiếng chỉ trích ông chủ tịch Hạ Viện. “Dựa vào những lời phát biểu và kết quả nhưng bài toán, ai ai cũng thấy Hạ Viện đã có đủ phiếu để thông qua ngân sách tạm thời giúp chính phủ hoạt động trở lại,” ông Pfeiffer nói, “còn chuyện ông Boehner bảo không có phiếu chứng tỏ một là ông ta hoàn toàn sai, hai là các đồng viện Cộng Hòa của ông ta nói dối.”
Ông Boehner vẫn nhất định “chiến đấu tới cùng,” Tòa Bạch Ốc vẫn cứng rắn “không chấp nhận nhượng bộ,” bế tắc chính trị ở thủ đô Washington D.C. vẫn chưa được giải quyết, 2 đảng vẫn chưa nói gì về đòi hỏi phải được tăng mức trần, chính phủ liên bang vẫn tiếp tục đóng cửa, công chức liên bang tiếp tục ở nhà không phải làm việc mà vẫn ăn lương.