Mùa Thu này, nghe tiếng chim gọi đàn, các đồng môn Chu Văn An lại cùng nhau quay về nhắc những chuyện vui buồn bao năm cũ.
Houston mùa Thu thiếu những hàng cây lá vàng rụng xuống phủ khắp mặt đường, Houston trải rộng, Houston xấu với khung cảnh trơ trụi như khung cảnh ngôi trường Chu Văn An xưa ở Sài Gòn gần ngã sáu.
Ngôi trường khô khan thiếu những hàng cây dài bóng mát, sân trường nắng cháy thiếu một bóng cây. Ngôi trường thiếu mất cảnh thơ mộng của trường Chu Văn An Hà Nội, đằng sau trường là trại gia binh, bên tay trái là cư xá sinh viên Minh Mạng, bên kia đường tay phải là bệnh viện lao Hồng Bàng trước mặt, bên kia đường là nhà thờ Ngã Sáu. Bên ngoài ngôi trường trơ trụi nhưng bên trong đầy tình thầy trò và tình bạn. Bốn mươi lăm năm sau ngày rời trường xưa, tôi không còn cái háo hức của những ngày đi học gần Tết làm báo xuân nhưng được bạn bè nhắc, cầm viết vẫn nghe tiếng lòng rung động. Những chữ trường xưa, bạn cũ, dường như không thể phai mờ trong tâm thức, năm tháng qua, trong lòng vẫn còn vang động một tiếng trống trường xưa.
Tôi qua trường Chu Văn An từ Trần Lục. Cha tôi đã không tin cậu con trai sẽ đậu vào Chu Văn An, ông khuyên tôi thi vào Trần Lục sau bốn năm đương nhiên tôi sẽ vào Chu Văn An hay Petrus Ký. Trong thâm tâm tôi không thích trường Petrus Ký gần nhà, có lẽ một phần vì mặc cảm kỳ thị về ngôi trường có tên Tây hoặc vì tên Chu Văn An quyến rũ hơn.
Chu Văn An hiền thần, treo ấn từ quan, xin chém đầu bảy nịnh thần, một tinh thần Chu Văn An cương trực trong sáng đã thấm vào tôi trong những đêm ngồi đọc sách, cho nên tôi chỉ mong sau bốn năm Trần Lục tôi sẽ được đến trường Chu Văn An dù trường xa hơn ngôi trường Petrus Ký gần nhà.
Tôi không phải là một học sinh gương mẫu mặc dù vẫn được xem là học khá. Vào Chu Văn An tôi mang theo học bạ Trần Lục với lời phê sau bốn năm học của ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngọc: “Học mà không hạnh cũng chẳng nên người.”
Thầy Ngọc sau này được học trò Nguyễn Du ngưỡng mộ. Những năm ở Trần Lục, ông dạy Việt văn và công dân giáo dục, trong đầu chúng tôi đầy ắp lễ nghĩa của Khổng tử, bài tủ mỗi năm, bắt đầu năm học, chúng tôi thuộc lòng: giỗ Tết phải kính trọng tổ tiên, khi cúng kiếng phải ăn mặc tươm tất chỉnh tề, không mặc quần đùi thắp nhang! Tôi chỉ có một tội giống như các bạn cùng lớp, nghịch phá, chọc ghẹo thầy, nhưng đối với thầy Ngọc tôi không thù oán, đọc lời phê bình của ông ngày đổi qua Chu Văn An lòng cậu học trò nhỏ cảm thấy đau. Cùng lời phê, nếu ông mắng thẳng vào mặt chắc tôi không thấy đau bằng lời “bút sa gà chết” ghi trong học bạ. Tội nặng nhất của tôi trong bốn năm học Trần Lục là tôi chọc thầy giám thị năm đệ thất, ông Vũ Văn Mốc. Năm lên đệ lục, thoát được tù ngục của ông giám thị đầu sói hay gọi học trò bằng con, đi trong đoàn xe đạp tan học về đi ngang cổng trường thấy ông, tôi nghe lời bạn bè xúi giục đã hét lên hai chữ “Mốc Xì” rất to rồi đạp xe thật nhanh bỏ chạy. Ông là người tâm địa hẹp hòi nhưng thông minh, ông nhận mặt và giọng nói của tôi trong đám đông. Chiều hôm sau, mặc dù là giám thị đệ thất, ông lấy hình ảnh học bạ, đi lên lầu xin phép giáo sư đang dạy dẫn tôi xuống phòng giám thị tra khảo. Tôi nhất định không nhận tội trong khi bị quỳ gối ở hành lang hơn hai tiếng đồng hồ không được vào lớp học. Ðến giờ ra chơi một ông đàn anh đệ tứ trên tôi hai lớp đi qua thấy tôi bị quỳ và ông giám thị Mốc đứng cạnh nói: “Nếu mày nhận tội thầy sẽ tha,” ông đàn anh thày lay khuyên tôi hãy nhận lỗi. Hai tiếng quỳ gối cộng thêm sự khuyên nhủ của đàn anh đã làm tôi mềm lòng nhận tội, kết quả là ông Mốc bắt tôi quỳ gối thêm cho đến cuối ngày và báo cáo với thầy hiệu trưởng để cho tôi hạnh kiểm xấu. Thầy Ngọc đã không chịu tìm hiểu thêm, còn tôi thay vì trở thành học trò ngoan thì tôi lại học được bài học đầu tiên trong đời: đã chối thì chối cho đến chết và không nghe lời đường mật của người lớn! Tôi không thù ông nhưng tôi thấy nền giáo dục có vấn đề! Tôi có lỗi nhưng người lớn đã hứa thì phải giữ lời tại sao lại lừa con nít?
Ba năm học Chu Văn An so với bốn năm Trần Lục, đối với tôi, là ba năm hạnh phúc. Các thầy giám thị nghiêm khắc, làm đúng bổn phận nhưng không thù vặt. Thầy Biền biết bọn học trò “nhất quỷ nhì ma” hút trộm thuốc lào khi ông vắng mặt nhưng không rình, không theo dõi để bắt tội. Học trò Chu Văn An nổi tiếng ngỗ nghịch phá phách nhưng có tiếng thông minh học giỏi, tỷ lệ đậu nhiều và đậu cao. Học trò Chu Văn An nổi tiếng “tếu,” “tếu” là cá tính của học trò Chu Văn An, chữ “tếu” khó định nghĩa. Nếu “làm sao định nghĩa được tình yêu” thì chữ “tếu” khó định nghĩa hơn, “tếu” có thể là khôi hài, là mỉa mai, “tếu” làm mọi chuyện nghiêm trang thành bình thường và buồn cười, “tếu” là nhìn cuộc đời không quan trọng, “tếu” là đặc điểm để học trò CVA không hề quen nhau nhưng sau khi qua phút đầu gặp gỡ đã nhận ngay ra là bạn đồng môn của ngôi trường trung học nổi tiếng ở Việt Nam.
Thầy trò, anh em, bạn bè mời mọc nhau về Houston hạnh ngộ. Năm 1975, tôi 25 tuổi, thuộc về giới trẻ, 38 năm qua tự mình thấy không còn trẻ, các thầy và các đàn anh “thất thập cổ lai hi” gặp lại không còn cảm giác “giờ chơi trong sân trường” của Nhã Ca mà là cảm giác “giờ ra chơi cuối cùng “ của một người CVA, Du Tử Lê. Trong giờ ra chơi cuối cùng này, tôi đến lúc cảm thấy phải tạ lỗi các thầy đáng kính đã chọn một nghề bạc bẽo nhất trong xã hội để đào tạo ra những thế hệ CVA xứng đáng trong xã hội. Tự xét mình trong thời gian đi học không đạt được những thành tích Tam Ưu, Nhị Ưu như các bạn đồng môn vì tội của tôi trong các giờ học chỉ thích mơ màng nhìn ra cửa sổ, nhìn cuộc đời ngoài trường học và mơ thành người Quang Trung, nghịch ngợm phá thầy nhiều hơn là nghe lời thầy nên năm nay “lục thập nhi nhĩ thuận” viết những lời nghe trái tai nhưng mong các thầy nghe thuận lỗ nhĩ tha lỗi cho cậu học trò giỏi hay dốt cũng là do kết quả trồng người của các thầy.
Nếu trường Chu Văn An có nhiều thầy như các giáo sư Bùi Ðình Tấn và Ðào Văn Dương thì tôi không phải xin lỗi các thầy. Chúng tôi được học sử địa với thầy Tấn và toán với thầy Dương. Hai người là hai vị thầy gương mẫu. Tôi đã viết về thầy tôi, Giáo Sư Bùi Ðình Tấn, người thầy đáng kính ngày ông mất. Ông nghiêm nghị, tận tâm, có cặp mắt khiến học trò nghịch ngợm CVA sợ mặc dù ông không hề mắng học trò bởi vì tự ông là một tấm gương sáng. Ông không hay giảng “morale” nhưng ông thực hành những lời của Khổng tử, cuộc đời của ông và sự tận tâm của ông là tấm gương sáng cho chúng tôi. Gần ngày thi, ông một giờ “thanh toán bảy nước” trong giờ Sử để chúng tôi chuẩn bị kịp cho kỳ thi mặc dù Sử Ðịa là môn không quan trọng trong kỳ thi tú tài ban toán. Tôi không học thời thầy Việt làm hiệu trưởng nhưng thầy Tấn cũng là một hiệu trưởng giỏi. Cuộc đời đưa đẩy, sau này ở Houston thầy trở thành bệnh nhân của trò. Những năm ở cùng một thành phố, tôi vẫn tìm thấy nơi ông một con người chừng mực, gương mẫu, không giả dối. Ông là một trong những độc giả trung thành của báo Ngày Nay do một người CVA Trương Trọng Trác học trò của ông điều hành. Vào những ngày tháng cuối cùng của ông, tôi đã đến thăm thầy với tờ báo đầu năm, ông đã cầm tờ báo đọc hết bài của tôi và tôi biết ông đã điềm đạm che dấu nỗi xúc động sau khi đọc câu kết luận bài của tôi: “Cái đạo của người Quân tử bao giờ cũng cảm hóa được người khác dù đó là người học trò đang ở vào mùa thu trong cuộc đời.” Ngày đám tang của ông, tôi đang ở Hoa Thịnh Ðốn, đi trong Washington Momument Park với đàn anh CVA Nguyễn Mạnh Hùng, được anh Trác tường thuật cho đến giờ thiêu, bài tôi viết về thầy được anh Minh, một CVA, con rể ông đọc, “Giáo Sư Bùi Ðình Tấn không còn nữa” đốt theo với thầy.
Cuộc đời đưa đẩy, hai người thầy tôi kính trọng đều ở Houston. Thầy Ðào Văn Dương dạy toán năm đệ tam, người nghiệm nghị, đi vào lớp tay cầm cặp táp tay cầm điếu thuốc. Học trò sợ thầy như sợ thầy Tấn, nhưng khác với thầy Tấn học trò sợ thầy Dương vì thầy hay mắng. Thầy dạy tận tâm, xong giờ học bao giờ cũng có ba bốn bài đem về nhà làm. Trong giờ học của ông học trò im lặng chú ý lắng nghe. Sau này lớn lên nhất là lúc làm báo Ngày Nay, tôi biết thầy là một người thông thái, biết Âm Dương Ngũ Hành, ông viết bài về Kinh Dịch, Kinh Dịch là toán. Cái môn toán tôi không ưa từ ngày chọn ban B, sau này đọc nhiều tôi mới cảm thấy toán là triết lý, là thơ như Freeman Dyson và các nhà toán học ở Princeton giải cũng như triết gia Bertrand Russell là nhà toán học nổi tiếng. Những ngày cuối năm, chúng tôi những học trò già CVA, Trác,Trân, Liễn, Hạo hay đến Tết thầy, giữ tục lệ xưa và nghe thầy kể lại những câu chuyện cũ. Năm nay thầy trên 90, tôi gặp thầy chỉ biết cám ơn những kiến thức thầy đã truyền lại nếu có xin lỗi thầy thì chỉ biết xin lỗi là con dốt về môn toán nhưng không phải lỗi vì thầy.
Người thầy tôi phải xin lỗi đầu tiên là Giáo Sư Trần Ðình Ý. Ông dạy Việt Văn. Những câu chuyện phá phách thầy như treo xe đạp kéo lên ngọn cờ là câu chuyện bình thường từ năm này qua năm khác. Thầy là một người rất tỉ mỉ và cẩn thận. Nhà ông ở khu Bàn Cờ, gần chùa Kỳ Viên Tự, mỗi ngày ông đạp xe đạp đến trường CVA dạy, đến ngã tư ông cẩn thận xuống xe, dẫn xe qua ngã tư rồi mới bước lên xe đạp tiếp, tôi tự hỏi từ nhà ông đến trường có bao nhiêu ngã tư? Năm 1966, thầy bị gãy chân được con thầy là CVA Trần Ðình Ðôn đưa đến GS Trần Ngọc Ninh (cũng học trò CVA, trường Bưởi) bó bột, ông rất cẩn thận giữ bột sạch sẽ bằng cách lấy bao Nylon bao bên ngoài, học trò nhìn chân thầy ngó nhau tủm tỉm cười. Ông giảng bài với cua ronéo in sẵn, đoạn nào quan trọng có thể là đề thi “tú tài một” ông bắt chúng tôi gạch dưới đánh số sao đến ba sao là quan trọng nhất, chúng tôi đặt biệt danh thầy là “ông ba sao.” Mỗi lần ông hỏi bài bắt học trò đọc từ cua ronéo của ông, cũng đúng bài đó mà học trò cưng của ông như Phú bạn tôi học bên cạnh lớp B1 thì ông cho 18 điểm còn tôi thì ông tìm cách trừ điểm tối đa. Ông có lẽ ác cảm với tôi vì tôi hay nghịch. Giảng thơ Kiều đến câu “sè sè nắm đất bên đàng, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” thì cậu học sinh nào cũng biết là nàng Kiều đang ngồi bên lề đường nhưng giảng thơ Lục Vân Tiên: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai,” thì ông chờ học trò giảng Khổng Tử, nam nữ thụ thụ bất thân, chỉ có tôi hôm ấy hứng chí giảng ẩu “không phải vậy thầy ạ, sau khi đánh cướp, Vân Tiên quần bị tụt phải sửa soạn lại y phục không cho Kiều Nguyệt Nga ra xe vội phải nhìn cảnh kém thuần phong mỹ tục.” Hồi nhỏ tôi không hiểu tại sao ông lại ghét thiên tài văn học như tôi nhưng hôm nay cầm viết , tôi xin tạ lỗi với người thầy quá cố và với anh Trần Ðình Ðôn của tôi.
Giáo Sư lý hóa Lê Văn Lâm là một người nổi tiếng, ông đã viết sách lý hóa, cuốn sách được học sinh các trường trung học ở Việt Nam dùng. Có lẽ ông giỏi nhưng ông không dạy gì cả. Sau ngày cách mạng 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm học sinh các trường cũng nổi máu cách mạng đòi thay đổi các giáo sư trong trường, Giáo Sư Lê Văn Lâm là một trong những người thầy bị học sinh CVA phản đối. Tôi không thích toán lý hóa lắm, học thầy Lâm tôi lại càng chán lý hóa. Ông không dạy, chỉ câu giờ, học về động lực học và vector tôi chỉ thấy ông nói trời nói trăng, đứng cạnh cửa ra vào của lớp học, lấy tay đẩy cửa để giảng vector, nếu lấy tay đẩy cạnh cửa thì dễ còn đẩy ở trong gần bản lề thì khó, vector dài và ngắn của ông khó tưởng tượng được.
Một hôm vào giờ vật lý, như thường lệ, ông đi lên đi xuống từ bục giảng bài, nói trời nói đất cho hết giờ học. Ông đến từng bàn học hỏi “lớn lên em sẽ làm gì?” Tôi ngồi bàn thứ nhì, dãy bên tay trái. Ông bắt đầu từ bàn đầu, đi qua bàn giữa, đến bàn bên phải. Các bạn tôi người thì sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo v.v... đến tôi, ông chờ đợi một câu trả lời giống như các bạn thì tôi buộc miệng: “Lớn lên em lấy con gái thầy,” tôi trả lời câu ấy vì tôi muốn trả thù thầy đã không chịu dạy chỉ câu giờ chứ tôi hoàn toàn không biết ông có con gái. Thầy Lâm tôi trong suốt cuộc đời dạy học ở CVA, nhiều lần hỏi câu hỏi ấy trong nhiều năm, nhưng ông đã sững sờ chết đứng như Từ Hải không phản ứng, không mắng không la, đi về lại bàn trên bục gỗ ngồi cho đến hết giờ học. 44 năm sau, ngày họp lớp 68 tại Sài Gòn nhỏ California, các bạn tôi còn nhớ giai thoại để đời của thằng bạn lếu láo cùng lớp và Nhân đã làm bài thơ tặng tôi:
Sỹ Tuệ ngày xưa thích nghịch rong
Hỏi thầy “cô nhà mới sinh xong?”
Thưa thầy, con trai hay con gái?
Mai sau, “con lấy con thầy, có được không?”
Thầy Lâm mất ở California hơn hai năm. Từ ngày rời trường CVA đến khi qua Mỹ tôi chưa hề gặp lại.
Học sinh CVA nổi tiếng nghịch và học giỏi, nhân ngày hội ngộ CVA sắp đến tôi có hai người đàn anh thân đã hỏi tôi cùng một câu hỏi. CVA Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng ngồi với tôi ở quán café Bambú khu Kim Sơn ở Houston hỏi: “Hồi Tuệ đi học các thầy có dạy không?” Còn CVA Bác sĩ Giáo sư Y khoa Nguyễn Lương Truyền hỏi, “Các thầy có dạy Tuệ toán không? Hồi đó bọn mình tự học chỉ có thầy Nguyễn Văn Phú dạy.” Ðồng môn, đồng hội, đồng thuyền. Cái bí mật và bí quyết của trường CVA là học sinh tự học. Các thầy hướng dẫn bắt làm bài, nhờ tự học mà học sinh CVA lên đại học thành công. Năm đệ nhất làm ban đại diện CVA, tôi ngồi ngoài đường, ngồi trước nhà thờ uống nước dừa, uống nước sinh tố nhiều hơn ngồi trong lớp, trong tay có cuốn sổ điểm danh do thầy tổng giám thị Nguyễn Văn Nhì cho phép tôi ghi những ngày nghỉ học vì “công vụ” cho nên tôi không bị rắc rối, chỉ vào lớp những môn học chính cho nên thầy Tấn mới quên mặt tôi.
Tôi không học toán với Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, ngày tôi vào CVA ông giáo sư mặc quân phục đại tá vào trường dạy toán hình học không gian không còn dạy toán ở CVA nữa. Tôi mê ông từ khi đọc cuốn “Ðời phi công” câu chuyện lôi cuốn thế hệ trẻ chúng tôi, chuyện giống như những chuyện của nhà văn Pháp St Exupery, những chuyến bay đêm và những chàng phi công, những lá thư tình gởi cho Phượng, cái tên Phượng quyến rũ như những cánh phượng vỹ đỏ mùa hè rực rỡ hai bên đường của những ngày đi học đã khiến bao chàng trai đậu tú tài đi vào không quân. Cái tên Phượng quyến rũ đã đi vào văn học trong chuyện “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene. Chúng tôi học toán với thầy Phúc, chúng tôi gọi là thầy Phúc mập, năm đệ tam. Ông là nạn nhân của chúng tôi. Ông dạy không có gì là xuất sắc nhưng tận tâm chỉ có cái tội là hay la rầy học trò. Bọn học trò đệ tam B2 (65-66) đã đồng lõa chọc khi thầy quay lưng lên bảng đen là nói nhỏ nhưng to vừa đủ để thầy nghe “mấy người mập thường thì cái đó nhỏ!.” Ông nghe được đỏ mặt quay lại nhưng không biết thủ phạm là ai, vả chăng cũng khó bắt lỗi cái đó là cái gì. Thầy còn trẻ có lẽ vẫn còn sống không biết đang ở đâu nhân dịp hội ngộ CVA em xin thay mặt lớp xin lỗi thầy.
Năm đệ nhất chúng tôi học toán với hai giáo sư trẻ tuổi Ðinh Ðức Mậu và Hà Xuân Châu. Trong hai người thầy Mậu nổi tiếng hơn, nổi tiếng cả trong giới dạy tư ở Sài Gòn còn thầy Châu thì nhỏ nhẹ như con gái. Hai ông không giống như Giáo Sư Bạch Văn Ngà dạy toán cho các lớp B Anh văn chuyên trị bọn CVA trốn học giờ ra chơi lén chạy qua Trưng Vương nhìn trộm gái, chỉ nhìn và trách “nàng hư quá, sao mà kiêu” (thơ thầy CVA Nguyên Sa) nhưng về trường thì khoe thành tích để thầy B.V. Ngà trừng trị bằng cách cho thi ngay sau giờ ra chơi, gần cả lớp bị đánh rớt.
Giáo Sư Ðinh Ðức Mậu là người tôi mến chuộng không phải vì tài dạy toán. Tôi không thích lối dạy câu giờ của ông, một bài dạy ở CVA hơn một tiếng, giọng cố tình lè nhè kéo dài: “theo định lý Py.. tha.. gore.. ta... có” chữ “có” ngân cao lên (tôi thích Giáo Sư Tiên dạy lý hóa hơn, ông có môi thâm vì hút thuốc nhưng học trò đồn thầy “ngả bàn đèn.” Dạy đến các định lý ông sẽ phiêu diêu: theo... tiên sinh... Ampère: có nói, thay vì theo định luật Ampère). Cùng một giờ ra dạy ở trường Hưng Ðạo của Giáo Sư Nguyễn Văn Phú, ông dạy ba bài. Nhiều người thích ông Mậu có lẽ bất đồng ý kiến với tôi nhưng ông là nguồn cảm hứng cho tôi chọc phá. Ông có tật mắt lé, mỗi lần ông nhìn học trò là cả bọn đoán xem ông nhìn đứa nào. Tôi biết tật của ông cho nên trong Binh Thư Tôn Tử dạy: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” mỗi khi ông nhìn xuống bàn, tôi ngồi bên cạnh Lại Văn Chung, tôi biết ông nhìn tôi nhưng tôi thúc Chung lên bảng trả bài, “thầy kêu mày đó” bạn tôi bước lên là ông nổi giận cãi với Chung. Còn khi nào tôi không làm bài vào lớp thấy ông nhìn xuống tôi tức là muốn chỉ người bên cạnh thì tôi hùng dũng bước lên bảng, cầm phấn chờ thầy ra câu hỏi toán để giải, thầy giận mắng “mày đi xuống, thằng mất dạy tao đâu có gọi mày.” Ông giáo sư toán trẻ hay giận, mỗi lần giận thì hay phát ngôn nhiều câu lạ như có một lần ông mắng một bạn cùng lớp không ăn mặc đồng phục “thằng kia sao hôm nay ăn mặc như Astro boy,” năm ấy phim hoạt họa Astro boy nổi tiếng nhưng khi giáo sư Mậu mắng Astro boy thì cả lớp thấy ông mất hết vẻ nghiêm trang.
Năm đệ nhất tôi không thích toán, chọn ban B tôi lại thề là sau khi đậu “tú tài hai” tôi sẽ chọn môn khoa học nhân văn, tiếp xúc với người, giải đáp những vấn đề của con người lý thú hơn là giải một bài toán. Triết hấp dẫn tôi mặc dù lối dạy triết ở trung học rất hàm thụ và nền giáo dục triết lạc vào mê lộ chữ nghĩa như ngày đầu khi học luận lý học (logic) học sinh đã ngỡ ngàng, nếu là lý luận học thì có lẽ những anh chàng học trò hay cãi đã có thể thấy triết không khó. Năm đệ nhất chúng tôi không được học triết với Giáo Sư Trần Bích Lan, giáo sư triết nổi tiếng, ngoài đời là thi sĩ Nguyên Sa. Tôi gặp ông ở trường tư Văn Học thì thấy triết gia cũng là một người bình thường có thùng nước lèo hơn là một Socrate khắc khổ với tam đoạn luận “con người sinh ra ai cũng chết, ta là người nên ta cũng chết”!
Giáo sư triết của chúng tôi là Trần Ðức An, người khó tánh không thích đùa không ưa học trò. Một hôm bọn trong lớp chúng tôi ồn ào nên ông đã không dạy. Gần kỳ thi, triết là môn quan trọng vậy mà vào lớp ông ngồi yên, không nói, không dạy hết một giờ. Qua bốn buổi như vậy, cuối cùng ông bảo chúng tôi có muốn học không? Tôi đã trả lời với ông “môn triết chỉ cần về nhà học bài đọc sách là có thể đi thi.” Ông giận lắm nhưng tôi không bị phạt vì chính ông cũng đã đi quá đà trong việc dạy cho bọn chúng tôi một bài học.
Năm mới vào đệ tam CVA (65-66), chúng tôi đã may mắn có những người thầy trẻ tuổi. Thầy Dư dạy anh văn, sinh ngữ hai cho lớp Pháp văn, đã làm chúng tôi thích học anh văn, với giọng Mỹ chứ không phải giọng Anh. Ông giảng say mê, từ một chữ chúng tôi học thêm nhiều chữ đồng âm, đồng nghĩa. Vui nhất là được học những bài hát như Clementine, Silent night, vui như những đêm ca hát ngoài lửa trại hướng đạo. Ông không lớn hơn chúng tôi bao nhiêu nên sự thân mật đã làm chúng tôi cảm mến, học trò kính mến ông và rõ ràng là làm thầy giáo muốn được học trò thương, kính mến thì không cần phải nghiêm nghị xa cách.
Người thầy trẻ khác được chúng tôi kính trọng là Giáo Sư Vạn Vật Nguyễn Văn Long. Cuốn sách giáo khoa vạn vật của Nguyễn Văn Long và Ðỗ Danh Tẩm nổi tiếng thời ấy. Ông dạy rất tận tình mặc dù vạn vật là môn phụ. Kiến thức của ông làm chúng tôi say mê ham học. Dạy địa chất đất đá khô khan nhưng những tài liệu mới như phi thuyền cơ quan NASA lên mặt trăng được ông theo dõi và dạy lại học trò. Gần ngày thi, ông đã vào dạy ngày Chúa Nhật để bắt kịp với chương trình, học trò nào cũng yêu ông vì sự tận tâm, yêu nghề và kiến thức.
Ông dạy thực vật, cuối giờ bao giờ ông cũng cho học trò đặt câu hỏi. Hôm ấy dạy xong đến khi đặt câu hỏi, ông bạn thân nhất của tôi từ đệ thất Trần Lục Nguyễn Mạnh Hùng giơ tay lên hỏi rất nghiêm trang: “Thưa thầy cây đa có củ không ạ?”
Thầy Long khựng người, đứng yên lặng, ông là người thông minh hỏi lại ngay Hùng: “Tôi biết anh không có khả năng hỏi câu này. Có phải Tuệ xúi anh không?” Hùng là người học giỏi nhất lớp từ đệ thất lên đệ nhất, tôi và Hùng hay học bài chung, Hùng chỉ tôi toán tôi chỉ Hùng pháp văn, nhưng anh chàng học giỏi nhất lớp chẳng biết chuyện gì ngoài chuyện học. Bị thầy hỏi Hùng sợ quá vội vàng quay ra sau chỉ tôi nói: “Dạ đúng là Tuệ xúi em hỏi câu này thầy ạ!” Thầy Long nhìn tôi cười hỏi: “Có phải em muốn nói đến câu thơ của bà Ðoàn Thị Ðiểm: ‘Cho cả cành đa lẫn củ đa’ không?” Thầy trò nhìn nhau cười, ông rộng lượng không phạt tôi.
Văn chương chữ nghĩa thì chúng tôi học được từ Giáo Sư Việt Văn Ðỗ Quý Toàn, cũng là đất đá ông thầy trẻ tuổi đã dạy học trò câu trong Cung Oán Ngâm Khúc: “Cỏ cây cũng muốn động tình mây mưa” cho thấy sắc đẹp nàng cung nữ và câu này còn hơn cả dâm thư... playboy.
Ông thầy Toàn trẻ tuổi cũng tận tâm với nghề nghiệp, gần ngày thi cũng giống ông Long, mặc đồng phục hướng đạo khăn quàng Bạch Mã vào trường ngày Chúa Nhật để dạy rút cho kịp ngày thi. Ông là giáo sư hướng dẫn được học trò thích.
Ông thầy trẻ cũng là trưởng hướng đạo của tôi, về sau thầy và học trò là tôi trở thành bạn và anh em nhưng năm đệ tam ấy ông thầy trẻ để lại cho tôi một kỷ niệm. Bài luận văn tả “con gà trống” của tôi được chọn để đọc cho cả lớp nghe nhưng khi đang đọc ông nổi hứng nói cho lớp sau khi ngưng lại một đoạn: “Phải bớt điểm cậu này, tại sao nó có thể viết như thế này!" cái hứng bất tử ấy làm tôi mất 3 điểm về hạng ba. Mãi đến những năm 2000 sau này tôi mới hiểu, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã có con mắt tinh đời, biết tôi sẽ viết báo nổi tiếng nên đã dìm tài Việt Nguyên từ năm tôi 16 tuổi! Năm 2008, ra mắt sách “Từ bàn viết Houston” ở tòa soạn báo Người Việt, tôi đã trả được mối thâm thù với ông thầy cũ trung học: “Ðọc văn Việt Nguyên nếu quí vị thấy văn chương lơ mơ lờ mờ tối tăm, khó hiểu thì quí vị cũng rõ đây là kết quả của một năm học Việt văn đệ tam trường Chu Văn An với thầy tôi... Giáo Sư Ðỗ Quý Toàn”!
Cuối cùng phải thành thật xin lỗi các cô dạy ở CVA. Ðã là nghề bạc bẽo thì nghề về CVA làm thầy giáo của các cô là nghề bạc bẽo nhất, bị học trò trêu ghẹo các cô xin đổi đi trường khác. Năm 68, tôi làm ban đại diện, buổi chiều xuống thăm các lớp đệ nhị cấp, đi qua lớp của một cô đang dạy, bọn đàn em đệ lục đã phát ngôn thiếu giáo dục cho cô giáo nghe “anh ơi, anh đẹp trai sao anh không ‘cua’ cô đi!”
Năm 68, năm tôi ra trường là năm Mậu thân, một năm giặc giã vì Việt cộng tấn công vào Sài Gòn. Tôi làm ban đại diện vào năm ông chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ đến thăm trường. Ngôi trường năm ấy theo tình trạng đất nước cũng đã mất khung cảnh cần thiết của trường học. Thầy Nguyễn Xuân Quế hiệu trưởng và thầy Nguyễn Văn Nhì đã gọi tôi lên sửa lại bài diễn văn, yêu cầu cắt bỏ phần tố cáo tham nhũng. Sân trường năm ấy là trại tạm cư, tôi vừa sinh hoạt, vừa xem trại tạm cư, gần gũi với hai ông hiệu trưởng và tổng giám thị. Một hôm hai ông cùng hỏi tôi: “tốt nghiệp xong em định học ngành nào?.” Tôi trả lời sẽ học y khoa khiến hai ông cùng nhìn tôi cười.
Nhờ may mắn, tôi vào y khoa. Trong bảy năm học từ nhà đến trường y khoa, tôi đi qua ngôi trường CVA mỗi ngày, nhìn thấy sự thay đổi cho đến năm 1975 trường bị xóa tên.
Năm 1995, tôi có dịp về thăm Sài Gòn, đứng chụp hình trước cửa ngôi trường cũ. Ngôi trường giờ đây giống như Sài Gòn, thay tên, đổi chủ, mang bảng hiệu mới, có còn chăng đây là những kỷ niệm và hương thời gian lắng đọng.
Ngày đại hội Chu Văn An toàn cầu 2013