Thứ nhất, sự tham lam, lạm dụng quyền lực, lối sống sa đọa gần như đã trở thành... chuyện bình thường của quan chức xứ này.
Cùng là một nhà nước độc tài toàn trị do hai đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo suốt nhiều thập kỷ, nhưng so với Việt Nam, những thông tin về Trung Quốc cho thấy ít ra quốc gia này còn dám xử lý mạnh tay với một số căn bệnh kinh niên của chế độ như tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực...
Bạc Hy Lai bị kết án chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản, tước tất cả quyền hành chính trị vĩnh viễn.
Vụ án Bạc Hy Lai mới đây là một trong nhiều ví dụ. Thân thế, dòng dõi, sự nghiệp chính trị của nhân vật này trên chính trường Trung Quốc một thời như thế nào thế giới đều đã rõ, mặc dù vậy, nhà cầm quyền đã đưa cả hai vợ chồng ra xét xử không nương tay.
Người vợ, bà Cốc Khai Lai, bị tuyên án tử hình, hoãn thi hành án trong 2 năm, còn Bạc Hy Lai bị kết án chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản, tước tất cả quyền hành chính trị vĩnh viễn.
Phiên tòa được gọi là “công khai” với bản án theo dư luận đánh giá là khá nặng đối với cựu chính trị gia nổi tiếng họ Bạc, nhưng vẫn chỉ mới đưa ra một phần rất nhỏ sự thật.
Chẳng hạn, số tiền vài triệu USD tham nhũng, hối lộ của ông Bạc thật ra là... nhỏ đối với “thành tích” tham nhũng của quan chức xứ này và ở một cương vị như ông Bạc, cho nên đó không phải là lý do chính ông Bạc bị thất sủng. Hay nguyên nhân thật việc bà Cốc Khai Lai buộc phải giết doanh nhân Neil Heywood là gì, trách nhiệm của Bạc Hy Lai trong những vụ đàn áp dã man Pháp Luân Công, cưỡng bức thu hoạch nội tạng và buôn bán xác chết của học viên Pháp Luân Công trước đây... Tất cả đều bị ém nhẹm, không đưa ra trước tòa.
Vụ án bị cho là một cuộc thanh trừng nội bộ, nhằm chủ yếu chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Bạc bởi bàn tay của các lãnh đạo đương nhiệm đứng đầu là Tập Cận Bình, tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước CHND Trung Hoa.
Dù sao, Bắc Kinh cũng đã dám “xử lý” nhau đến mức độ đó. Báo chí thế giới cũng đưa tin Trung Quốc đang điều tra một nhân vật còn to hơn cả Bạc Hy Lai, ông Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư trung ương Ðảng, bộ trưởng Bộ Công An Trung Quốc.
Còn nếu là những vụ án đơn thuần xét xử quan tham, “dâm quan” thì không thiếu gì.
Tháng 7, 2011, Zhang Chunjiang, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông China Mobile bị tuyên phạt tử hình hoãn thi hành án trong 2 năm vì tham nhũng.
Tháng 7, 2013, Cựu Bộ Trưởng Ðường Sắt Lưu Chí Quân bị kết án tử hình, hoãn thi hành án trong 2 năm, toàn bộ tài sản bị tịch thu vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực...
Tháng 6, 2013, dâm quan Lý Tân Công, phó bí thư thành ủy Vĩnh Thành, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bị tuyên án tử hình vì tội hiếp dâm 11 bé gái tuổi vị thành niên.
“Dâm quan” Lôi Chính Phủ, cựu bí thư Quận ủy Bắc Bội, Trùng Khánh dính bê bối lộ clip phòng the với một cô gái trẻ, sau đó bị kết án 13 năm tù vì tội tham nhũng. Hàng chục dâm quan khác “ngã ngựa,” mất chức vì những scandal tình ái.
Con quan cũng không được tha. Mới đây, Lý Thiên Nhất, con trai của một vị tường nổi tiếng TQ vừa bị kết án 10 năm tù vì cưỡng hiếp tập thể một cô gái.
Quan ông đã vậy, quan bà cũng không kém. Tưởng Diễm Bình, phó tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng Kiến Công, Hồ Nam, tháng 2, 2013 bị tử hình hoãn thi hành vì hối lộ, tham ô, An Huệ Quân, cục trưởng phân cục cảnh sát khu La Hồ (Thâm Quyến) bị kết án 15 năm tù về tội nhận hối lộ. Cả hai đồng thời cũng nổi tiếng là dâm loạn...
Có những ông quan bị “sờ gáy” bắt đầu từ cách hành sử không thích đáng. Dương Ðại Tài, cựu giám đốc cơ quan An Toàn Lao Ðộng tỉnh Thiểm Tây bị dư luận lên án vì tươi cười tại hiện trường vụ tai nạn xe buýt làm chết 36 người ngày 26 tháng 8, 2012, sau đó bị điều tra và bị tuyên 14 năm tù vì tội tham nhũng.
Bí thư đảng ủy Lương Văn Dũng, thành phố Cô Sơn Tử, tỉnh Hà Bắc bị cách chức vô thời hạn khi video clip quay cảnh ông ta vừa ăn uống linh đình tốn kém vừa mắng mỏ dân vô ơn, được lan truyền trên mạng v.v...
Cho dù quan chức bị pháp luật xử lý ở TQ chỉ mới là con số nhỏ, còn lại vô số quan chưa bị lộ khác, nhưng chỉ cần nhìn vào “phần nổi của tảng băng,” người ta cũng thấy gì?
Thứ nhất, sự tham lam, lạm dụng quyền lực, lối sống sa đọa gần như đã trở thành... chuyện bình thường của quan chức xứ này. Một phần do cái thể chế chính trị cho phép quan chức tha hồ tham nhũng, thao túng quyền hành trước khi không may bị “sờ gáy.” Trong cái cơ chế đó quan chức nào không tham nhũng, không hối lộ, mới là chuyện lạ.
Khi đã có tiền, có quyền, các quan dại gì không ăn chơi sa đọa. Một hiện tượng phổ biến là có bồ nhí, gái bao.
“Theo một nghiên cứu, 95% số quan tham ở Trung Quốc bị phát hiện đều có bồ nhí, hơn 60% cán bộ lãnh đạo tham nhũng bị xử lý có vợ lẽ. Ngoài ra, hối lộ tình dục cũng là một tệ nạn trong xã hội Trung Quốc.” (“Trung Quốc: 95% quan tham có bồ nhí”, (Tiền Phong), “Một quan chức Trung Quốc có... 140 nhân tình” là ông Xu Qiyao, cựu giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Giang Tô. (Tin nóng)...)
Báo chí TQ cũng đã từng lôi ra những vụ ăn chơi thác loạn, vung tiền quá trán của quan chức. Những bữa tiệc đủ món sơn hào mỹ vị, rượu tuôn như suối cho đến tiệc bú sữa người trực tiếp, hay với các cô gái khỏa thân nằm dài làm “bàn tiệc”...
Quốc gia độc tài nào thì quan chức cũng thường lộng hành, ăn chơi sa đọa, nhưng trong cung cách ăn chơi của quan chức TQ dường như có phần do ảnh hưởng rơi rớt lại từ một xã hội phong kiến kéo dài suốt mấy ngàn năm, với quan niệm rất bịnh hoạn về tình dục, về phụ nữ.
Như quan niệm sữa người là bổ nhất nên nhiều nhà giàu TQ thời phong kiến xa xưa nuôi vú nuôi trong nhà để bú sữa trực tiếp, đặc biệt khi các ông chủ già yếu, răng lợi không còn khỏe để nhai thức ăn. Quan niệm “xả xui” bằng gái trinh hay nhau thai bà đẻ con so, bào thai người là bổ dưỡng, dẫn đến việc chế biến nhau thai, bào thai bị bỏ đi thành những món ăn cầu kỳ...
Phải nói đó là quan điểm của một nước phong kiến phương Ðông, Châu Á, phương Tây có lẽ không có những suy nghĩ kiểu này.
Hiện tượng có nhiều bồ nhí cũng là một quan niệm rất phong kiến, đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Hơn nữa, trong tâm lý của các quan chức, giới nhà giàu mới nổi ở TQ, đàn ông thành đạt, có chức có quyền mà không có bồ nhí trẻ đẹp thì vẫn chưa đáng mặt đàn ông, bị bạn bè coi thường.
Càng ngày, khi TQ càng phát triển thành một nước giàu có thì khoảng cách giàu nghèo càng chênh lệch kinh khủng.
Trong khi các quan, giới nhà giàu sống trong những ngôi biệt thự xa hoa, xài toàn đồ hiệu, thết đãi nhau những bữa tiệc cao lương mỹ vị ngang ngửa vua chúa thời xưa, tặng cho gái đẹp những món quà khủng như xe hơi, biệt thự... thì dân đen cơm không đủ no, áo không đủ ấm, cuộc sống lầm than vất vả... Ðiều đó đã gây ra tâm lý oán hận trong người dân, là một trong những quả bom nổ chậm có thể làm cho chế độ TQ sụp đổ không biết lúc nào.
Trên thực tế có khá nhiều quan chức TQ bị “tử hình treo” thoát chết sau khi ngồi tù 10-12 năm, trở về và vẫn có thể sống một cuộc đời sung túc, thoải mái hơn đa số người lao động, chỉ có điều sự nghiệp chính trị coi như chấm dứt. Người dân TQ phẫn nộ vì điều này, cho đó là một hình thức để cứu sống quan tham, nhưng còn VN thì sao?
Còn đáng buồn hơn. Rất hiếm có quan tham, dâm quan nào đời tư bị phanh phui, bị cách chức hay tử hình, con cái các quan càng được “giấu kín.” Chẳng ai ngây thơ tin rằng đó là vì quan chức VN ít tham nhũng hơn, đời tư trong sạch hơn.
Những vụ “xử lý” nặng tay trong nội bộ cũng không. Ðiển hình là vụ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng muốn kỷ luật ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những sai phạm nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng, lạm dụng quyền lực... nhưng có làm được đâu.
Dù cùng là hai đảng cộng sản, nhưng VN không có nổi những gương mặt chính khách nổi trội với quyền hành lớn trong tay như Ðặng Tiểu Bình cho tới Tập Cận Bình để có thể quyết liệt đổi mới, hay quyết liệt xử lý tham nhũng. Cứ chọn cách thỏa hiệp, trách nhiệm tập thể để không ai phải chịu trách nhiệm cả và cùng nhau xuống hố, kéo cả dân tộc xuống hố luôn.