main billboard

Lý do: cũng như mọi người ông thấy rõ các vị dân cử đối lập đang đấu đá lẫn nhau về “chiến lược đối phó với hành pháp” nên chẳng thấy cần phải gặp họ ngay trong lúc này, tiếp tục ở vị thế “ngư ông đắc lợi”


Mới tờ mờ sáng Thứ Sáu vừa rồi đã có tin tuần tới Tổng Thống Barack Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo Thượng và Hạ Viện để bàn chuyện ngân sách, hy vọng “bên lập pháp đồng ý làm việc chung với Tòa Bạch Ốc để tránh chuyện chính phủ phải đóng cửa”, theo lời bà Cố Vấn chính sách đối nội Valerie Jarrett. Ông phát ngôn viên Jay Carney cho hay chưa rõ ngày nào đôi bên sẽ gặp nhau, “nhưng chắc phải là thứ Năm” vì đầu tuần Tổng Thống còn bận rộn ở New York với bài diễn văn đọc trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, sau đó lại tham dự cuộc hội thảo về kế hoạch an ninh và hòa bình toàn cầu do cựu Tổng Thống Bill Clinton tổ chức.

obama 10Tổng Thống Barack Obama (giữa) nói chuyện tại buổi họp của Hội Ðồng Xuất Cảng, tổ chức ở Washington, DC, hôm 18 Tháng Chín. (Hình: JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images)

Trong những ngày vừa qua, nhà lãnh đạo nước Mỹ gặp một số trở ngại với Quốc Hội, bắt đầu từ chuyện chính những vị dân cử cùng đảng không đồng ý để ông can dự vào Syria bằng giải pháp quân sự, kế đến là sự chống đối từ các vị nghị sĩ Cộng Hòa trước tin Tổng Thống muốn đề cử ông cựu cố vấn kinh tế Lawrence Summers vào chức vụ Chủ Tịch Ngân Hàng dự trữ liên bang, sau đó đến áp lực của nhóm Tea Party ở Thượng và Hạ Viện liên quan đến việc thực hiện chương trình bảo hiểm y tế Obamacare do ông đưa ra và đã được Quốc Hội chấp thuận từ năm 2010. Các cuộc thăm dò cho thấy những khó khăn chính trị này khiến uy tín chính trị của ông giảm bớt, đồng thời ông liên tục nghe được thúc giục từ phía Dân Chủ thúc đẩy ông phải gặp các nhà lãnh đạo Thượng và Hạ Viện để ít nhất, giải quyết phần nào những khó khăn hiện tại và ngăn bớt những trở ngại có thể xáy ra trong tương lai.

Thúc giục thì thúc giục, Tổng Thống Obama có lý do để không vội vã gặp các nhà lãnh đạo Cộng Hòa. Lý do: cũng như mọi người ông thấy rõ các vị dân cử đối lập đang đấu đá lẫn nhau về “chiến lược đối phó với hành pháp” nên chẳng thấy cần phải gặp họ ngay trong lúc này, tiếp tục ở vị thế “ngư ông đắc lợi” theo nhận xét của một nhà báo đang săn tin tại thủ đô cho Yahoo!News lúc cùng bạn bè ngồi uống cà phê ăn bánh ngọt ở một quán nhỏ nắm gần Tòa Bạch Ốc.

Ông nhà báo kinh nghiệm này chia sẻ với các đồng nghiệp những điểm đáng chú ý trong bảng phân tích “thua thiệt” chính trị mà ông tin “hành pháp Dân Chủ cũng như lập pháp Cộng Hòa đang nghĩ tới”: mùng 1 tháng 10 thì chính phủ phải có ngân sách mới, nếu Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội không đồng thuận với nhau về ngân sách “lúc đó chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa”; khoảng đầu tháng 11 thì chính phủ cạn tiền, nếu Hạ Viện Cộng Hòa không đồng ý cho nhà nước vay thêm, “lúc đó nước Mỹ sẽ vỡ nợ”. Hiện giờ, “Hạ viện đưa ra giải pháp 'ngân sách tạm thời' kéo dài đến ngày 15 tháng 12, Hạ Viện cũng sẵn sàng cho ông Obama vay thêm tiền để chi tiêu, nhưng cả 2 điều đó chỉ được thực hiện với điều kiện không cấp tiền thực hiện chương trình Obamacare”. Khoản này, ông nhà báo bạn bảo tiếp “gây sóng gió trong đảng Cộng Hòa giữa những người ủng hộ và người chống đối, nhưng lại tạo cơ hội đoàn kết cho đảng Dân Chủ”.

Những lời phát biểu được các chính trị gia Cộng Hòa đưa ra trong những ngày gần đây cho thấy rõ điều đó. Một viên chức từng làm việc với Ủy Ban Cộng Hòa Trung Ương nhỏ nhẹ bảo “ai cũng biết gây khó khăn cho Obamacare là ý của các vị dân cử thuộc nhóm Tea Party, ông Chủ Tịch John Boehner bị buộc phải nhượng bộ họ”, Dân Biểu Cộng Hòa Peter King của tiểu bang New York than thở “sách lược trói Obamacare với ngân sách (để có thể dẫn tới chuyện chính phủ sẽ phải đóng cửa) là sách lược điên rồ, chẳng đi tới đâu lại còn làm giảm uy thế chính trị của đảng chúng ta”. Trên các trang mạng xã hội, thành phần cử tri thuộc khối ôn hòa (moderate) và ngay cả một số người thuộc cánh bảo thủ cũng chỉ trích chuyện này, đại để cho rằng các vị dân biểu thuộc nhóm Tea Party ở Hạ Viện và Nghị Sĩ Ted Cruz ở Thượng Viện “đã đi nước cờ sai khi nghĩ rằng có thể dùng đòn đóng cửa chính phủ làm áp lực buộc Tòa Bạch Ốc phải gật đầu với điều kiện họ đưa ra”.

Một trong những người chê bai nước cờ này là Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Corker của tiểu bang Tennessee, bảo rằng “tôi không đi học ở Harvard hay Princeton nhưng tôi biết tính toán”, và tính toán của ông là “sách lược không cấp ngân khoản để thực hiện Obamacare sẽ bị thất bại, làm suy yếu vị trí chính trị của chúng ta”. (Ông Corker nói đến 2 trường đại học danh tiếng Harvard và Princeton vì đồng viện Ted Cruz của ông đồng thời cũng là cái đinh của cuộc tranh cãi xuất thân từ 2 trường này). Thứ Bảy vừa rồi khi nói chuyện với cử tri Cộng Hòa ở tiểu bang Michigan, một trong những chính trị gia con cưng của nhóm Tea Party là Thượng Nghị Sĩ Rand Paul cũng bảo dù ông không ưa Obamacare nhưng “chúng ta không thể hủy bỏ hay thắng được luật này”.

Ngay những chiến lược gia nổi tiếng của đảng Cộng Hòa cũng bày tỏ mối quan ngại về sách lược Hạ Viện Cộng Hoa đề ra. Trong bài viết đăng tải trên tờ The Wall Street Journal, chiến lược gia Karl Rove cho rằng sách lược này chỉ gánh lấy thất bại, giúp ông Obama cơ hội chiếm thế thượng phong. Bà Nicolle Wallace từng đảm trách vai trò đặc trách thông tin cho Tổng Thống George W. Bush còn nặng lời hơn gọi sách lược này là “điều ngu xuẩn”, ví von lãnh đạo Cộng Hòa ở Hạ Viện là những người “đang lái chiếc xe vượt đèn đỏ”.

Không nhìn nhận đang có mâu thuẫn nội bộ và cũng chẳng nói gì đến những tranh cãi đang xảy ra giữa các chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng Hòa, phát ngôn viên Brendan Buck của Văn Phòng Chủ Tịch Hạ Viện nói rằng sách lược được đưa ra “hoàn toàn đúng, phù hợp với nguyện vọng của người dân”. Theo ông Brendan Buck, “dân chúng Hoa Kỳ không ủng hộ Obamacare cũng không ủng hộ việc tăng mức nợ trần mà không có kế hoạch cắt giảm chi tiêu”, chê bai “chính Tổng Thống Obama không hiểu gì về nội tình quốc gia cả, cứ khăng khăng chống đỡ 2 điều đi ngược với dư luận quần chúng”.
Phía Tòa Bạch Ốc không nhượng bộ.

Giới thạo tin cho biết trong cuộc điện đàm với ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner hồi tối thứ Sáu tuần trước, Tổng Thống Obama nói rõ “không tương nhượng, chẳng điều đình” với các đòi hỏi cánh Cộng Hòa đặt ra. Trước đó khi nói chuyện với dân chúng ở Kansas City, Tổng Thống Obama còn nói rằng mục tiêu của đảng Cộng Hòa là “gây khó khăn cho tôi” khi tìm đủ mọi cách để gắn Obamacare với những chuyện trọng đại của quốc gia như ngân sách hay phải tăng mức nợ chính phủ cần vay để có tiền trang trải những chi phí cần thiết. Vẫn theo ông Obama, “Obamacare là chuyện của năm ngoái (khi 2 đảng đang vận động tranh cử tổng thống), người đòi hỏi phải hủy bỏ luật này là người đã thua cuộc bầu cử”.

Trước những căng thẳng như thế, người dân Hoa Kỳ có thể trông chờ gì vào cuộc gặp gỡ diễn ra vào Thứ Năm tuần này? Bên Tòa Bạch Ốc cho hay “chúng tôi chủ trương còn nước còn tát”, bên Hạ Viện, ông phát ngôn viên Brendan Buck lại nghĩ khác, bảo rằng “phía đó (Tòa Bạch Ốc) mời họp để chụp hình đem khoe với dân chúng là đã thảo luận với chúng tôi, chứ họ đâu có thật tình muốn giải quyết vấn đề!”