“Giải pháp ngoại giao là điều tôi luôn luôn nhắm đến”
“Ngay từ những ngày đầu tiên tổng thống đã nói đến một giải pháp chính trị,” ông phát ngôn viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc nhắc lại với mọi người. “Giải pháp ngoại giao là điều tôi luôn luôn nhắm đến” là điều nhà lãnh đạo nước Mỹ trình bày trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN giữa lúc không khí chiến tranh đang ở mức cao điểm.
“Ðương nhiên vẫn có cách để cuộc chiến không diễn ra,” ngoại trưởng Hoa Kỳ trả lời câu hỏi ở London, trước khi trở thành người đầu tiên công khai nói đến giải pháp “chính quyền Syria phải nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế.”
Tổng Thống Bashar Al-Assad của Syria
Dưới một góc nhìn nào đó, giải pháp chính trị lẫn ngoại giao đang được Hội Ðồng Bảo An thảo luận là giải pháp tốt nhất để giúp Hoa Kỳ không vướng víu với ý định sử dụng quân sự để trừng phạt Syria. Lý do: đến giờ Washington vẫn chưa có bằng chứng xác nhận chính Tổng Thống Bashar Al-Assad chỉ thị dùng võ khí hóa học giết dân hôm 21 Tháng Tám vừa rồi, ngay con số 1,429 người chết mà Hoa Kỳ đưa ra cũng được xem là quá cao so với con số những quốc gia đồng minh của Mỹ hoặc các viên chức trong đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc ghi nhận được trong thời gian gần một tuần lễ có mặt tại Damascus.
Những nguồn tin phát xuất từ giới tình báo Hoa Kỳ cho báo chí biết “có rất nhiều tin tức trái ngược nhau về vai trò của ông al-Assad trong cuộc nội chiến Syria,” có cả thắc mắc “không biết các tướng lãnh hay ông al-Assad là người đang nắm quyền kiểm soát dàn võ khí” bao gồm cả những đầu đạn chứa võ khí hóa học được sử dụng trong những cuộc pháo kích nhằm chận đứng đường tiến quân của lực lượng nổi dậy. Một viên chức tình báo tiết lộ, “Chúng tôi không chấp nhận điều Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói là lực lượng nổi dậy đã sử dụng võ khí hoa học, nhưng chúng tôi cũng không thể quả quyết là tổng thống Syria đã ra lệnh bắn những trái đạn giết người này.” Vì thế trong tất cả những buổi thuyết trình mật dành cho các vị dân cử Thượng và Hạ Viện liên bang, chữ được các viên chức Tòa Bạch Ốc dùng là “giới lãnh đạo Syria phải chịu trách nhiệm về điều họ đã làm.” Viên chức này nhìn nhận cụm từ “giới lãnh đạo” là cụm từ rất bao quát, “vì chúng tôi chỉ biết võ khí hóa học đã được sử dụng nhưng chưa thể kết tội một cá nhân nào.”
Giới tình báo quốc tế cũng cho biết có nhiều tin liên quan đến kho võ khí hóa học Syria. Tin đầu tiên cho hay khi cuộc chiến mới khởi đầu hồi 2011 “al-Assad đã giao cho các tướng lãnh toàn quyền quyết định về mặt quân sự” kể cả sử dụng những kho võ khí hóa học đang được cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau. Tin kế tiếp nói rằng một số lượng “không rõ là bao nhiêu” đã lọt vào tay của lực lượng nổi dậy, hoặc vào tay của những phần tử Hồi Giáo Sunni quá khích và quân khủng bố al-Qaeda. Liên hệ chặt chẽ giữ lực lượng nổi dậy với các tay súng Hồi giáo Sunni quá khích và al-Qaeda “chính là lý do khiến Tổng Thống Obama không muốn can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến đang xảy ra,” theo như lời một cố vấn thân cận của tổng thống Hoa Kỳ từng nói khi được hỏi tại sao Washington không yểm trợ mạnh mẽ cho quân nổi dậy.
Chính những tin tức tình báo không rõ rệt này khiến cuộc vận động Quốc Hội mà Tổng Thống Obama, Phó Tổng Thống Joseph Biden và dàn viên chức cao cấp Tòa Bạch Ốc đồng nỗ lực thực hiện nhưng không thành công. Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin của tiểu bang West Virginia kể lại một tuần trước đây khi đang nghỉ hè cùng gia đình, ông “phải chạy thật vội đến một địa điểm thật an toàn (về mặt an ninh)” để nghe ông Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Denis McDonough loan báo tin tổng thống muốn trừng phạt Syria bằng quân sự và yêu cầu ông trở lại Washington ngay tức khắc để nghe những tin “tối mật.”
Sau khi về lại thủ đô và được các viên chức hành pháp chia sẻ các tin “tối mật” như họ đã hứa, “tôi thấy chẳng có lý do rõ rệt để ủng hộ ý định đánh Syria,” vị nghị sĩ của đảng Dân Chủ kể tiếp. “Các tài liệu được trình bày không nói được tại sao chuyện xảy ra ở Syria lại ảnh hưởng đến an ninh của nước Mỹ, cũng chẳng nói rõ ai là thủ phạm vụ dùng võ khí hóa học giết cả ngàn người.” Cũng vẫn vị nghị sĩ thường hay bỏ phiếu ủng hộ Tổng Thống Obama, “Càng nghe, tôi và các đồng viện khác càng có thêm thắc mắc mà không được trả lời rõ ràng, tới độ tôi nghĩ rằng không hành động ngay lúc này có lẽ hay hơn là hành động,” tức không đánh Syria có lẽ hay hơn là đánh.
Giới thạo tin ở Washington cho hay trong một buổi nói chuyện “mật” với các vị dân biểu Hạ Viện, bà Cố Vấn Susan Rice đã dùng đòn tâm lý, cho biết bà “không có can đảm nhìn những đoạn phim ghi lại hình ảnh trẻ em la khóc khi bị thương vì võ khí hóa học.” Ðòn tâm lý này không thành công khi một vị dân cử cất tiếng hỏi “ai là người chỉ thị bắn đầu đạn chứa võ khí hóa học?” Câu trả lời: “Bất kể ai thì ông al-Assad cũng phải chịu trách nhiệm, cho dù ông ta có ra lệnh hay không,” bà Cố Vấn Susan Rice trả lời, “Quý ông bà đừng quên tất cả các tướng lãnh của Syria đều phải báo cáo trực tiếp cho ông al-Assad.”